Theo Catholic News Service, trong cuộc phỏng vấn độc quyền của Sky News, được phát hình ngày 14 tháng 4 (giờ Sydney), Đức Hồng Y George Pell cho biết việc ngài biết mình vô tội và lời cầu nguyện của hàng nghìn người đã giúp ngài rất nhiều trong thời gian 405 ngày trong nhà tù.



Đức Hồng Y nói chuyện với Andrew Bolt của Sky News Australia ngày 11 tháng 4. Và cuộc đàm đạo này được phát hình ngày 14 thang 4, một tuần sau khi Tòa án Tối cao Úc đồng thanh phán quyết rằng liên quan tới tất cả 5 tội trạng quấy nhiễu tình dục 2 ca viên 13 tuổi vào năm 1996, “có một khả thể quan trọng là một người vô tội đã bị kết án”.

Nhận định rằng giáo huấn Kitô Giáo dạy: đau khổ có một ý nghĩa, Đức Hồng Y Pell nói “bạn có thể rút được ý nghĩa từ sự đau khổ kinh khủng nhất”.

Đau khổ khủng khiếp nhất từng làm Đức Kitô lo buồn đến chẩy mồ hôi máu trong vường Diệtsimani, dĩ nhiên, là cảm thức bị bỏ rơi. Bolt mặc nhiên nối kết cảm thức ấy với tâm thức của Đức Hồng Y Pell khi ông hỏi ngài “ngài không bao giờ nói ‘Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi’ chứ?”

Ngài tắc lưỡi trả lời “Không, nhưng tôi có nói ‘Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa tôi, Chúa tính làm gì tôi?’”

Bolt bồi thêm, “vậy Người làm gì ngài?”. Đức Hồng Y trả lời: “tôi không rõ”.

Dĩ nhiên, đó là đối đáp cho vui câu chuyện. Lúc nào Đức Hồng Y cũng tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa.

Cuộc phỏng vấn thỉnh thoảng được lồng vào các nhận định của Bolt. Ông xác nhận ông không phải là bằng hữu của Đức Hồng Y và cũng không hề là một Kitô hữu. Ông chỉ phục vụ nghề báo chí chân chính.

Ít nhất cũng chân chính hơn Đài ABC, đài truyền hình quốc gia mà ông hết lời chỉ trích. Ngoài đài này ra, Bolt cực lực lên án cảnh sát Victoria đã “buộc Pell một tội mà ngài không thể nào phạm được”, và tòa phúc thẩm Victoria đã y án một bản án trong đó “cả người bị coi là phạm nhân lẫn người được coi là nạn nhân đều có thể không có mặt ở hiện trường điều được coi là tội ác”.

Điều đáng nói, là trong cuộc phỏng vấn của Sky News, Đức Hồng Y Pell, một lần nữa, xác nhận là ngài không “hề tức giận, không hề thù nghịch đối với người khiếu nại ngài”.

Ngài nhận định: “một điều gì đó có thể đã xẩy ra bởi một người nào đó tại một nơi nào khác rồi nó được chuyển vị vào kịch bản không thể có này”. Chỉ có một giải thích hữu lý, như chính ngài nói, là “tôi thắc mắc có khi anh ta bị lợi dụng chăng”.

Chứ người bình thường ai lại “nghĩ” ra được một kịch bản quái gở và phi lý đến như thế. Người lợi dụng anh ta thâm độc đến nỗi không những muốn lột hết danh dự của một trong những người con sáng chói nhất không phải chỉ của Giáo Hội Công Giáo Úc mà còn của cả Quốc Gia Úc, bỏ tù đến rục xương (chánh án Peter Kidd, khi kêu án, nói rằng ông ta biết: rất có thể Đức Hồng Y Pell sẽ chết ở trong tù!), mà còn muốn tước hết trân châu bảo ngọc thân thiết nhất của ngài là chức linh mục, vì tội phạm thánh: lạm dụng tình dục ngay trong Phòng áo của các linh mục và vẫn còn mặc nguyên lễ phục. Với cái tội “nặng hơn” này, Đức Phanxicô không thể làm gì khác hơn là hoàn tục Đức Hồng Y Pell.

Chính cái thâm độc quái ác đi đến chỗ quá trớn ấy đã để lộ ra cái phi lý và tạo hoẹt của lời tố cáo và buộc tội. Đức Hồng Y Pell không áp dụng cùng một điều thắc mắc ấy cho cảnh sát và tòa phúc thẩm Victoria. Nhưng không ít người muốn ngài áp dụng điều này. Vì nếu không, thì không ai hiểu được tại sao 12 bồi thẩm đoàn, chánh án Kidd và 2 chánh án Tòa án Tối cao Victoria lại đồng ý với lời tố cáo ấu trĩ như thế được? Tiện đây, cũng phải nói tới nét ấu trĩ khác của chánh án Kidd: ông ta bảo ông ta chỉ kết án Đức Hồng Y vì tội danh này thôi, trong khi biết rõ Đức Hồng Y chưa bao giờ phạm tội nào thuộc loại ấy từ đó đến bây giờ, ngài hoàn toàn “blameless” (không tì vết). Một người có cái sung lực tình dục cao đến độ mù quáng, bất chấp mọi khả thể có thể bị bắt quả tang bất cứ lúc nào và bất kể mình mới được phong làm Tổng Giám Mục một tổng giáo phận lớn hàng thứ nhì trong nước, tại sao, sau đó, lại không tái phạm cho được, tại sao lại “blameless” cho được. Ai mà tin được, chỉ có người ấu trĩ như chánh án Kidd mới tin được thôi!

Đức Hồng Y dường như muốn gỡ tội cho chiến dịch hãm hại ngài bằng cách đổ lỗi cho thời thế. Ngài nói với Bolt rằng các nay 30 hay 40 năm, quả lắc đồng hồ nghiêng một cách ồ ạt về phía chống lại bất cứ người nào cho rằng mình bị một linh mục tấn công. Nay, thì nó nghiêng trở lại “đến nỗi mọi lời tố cáo đều được coi như chân lý Phúc Âm”.

Khi Bolt hỏi về thái độ của những người như thủ hiến Daniel Andrew của Victoria đối với ngài, Đức Hồng Y Pell đã ghép ông này, không phải vào loại Giuđa phản Chúa như một số người nghĩ, mà vào hàng ngũ bên kia của cuộc chiến tranh văn hóa, một điều, ngài bảo dễ hiểu thôi, vì họ ủng hộ bất cứ những gì một Kitô hữu chân chính vốn chống đối: đồng tính luyến ái, phá thai, trợ tử...

Chứ thực ra, theo Đức Hồng Y, ngài cũng phò các nạn nhân bị các người của Giáo Hội lạm dụng tình dục không thua gì Daniel Andrew, người mới chỉ chập chững bước vào đường đời khi ngài đã khởi sự chiến dịch đáp ứng nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục ở Melbourne rồi. Ngài cũng bất bình và cảm thấy xấu hổ vì cung cách Giáo Hội, như một định chế, xử lý các vụ lạm dụng tình dục này, không hơn thì cũng bằng “dân túy” Daniel Andrew.

Đức Hồng Y Pell có lẽ cũng mặc nhiên áp dụng cùng một cách gỡ tội như thế đối với một vài thế lực tôn giáo ở tận trung tâm Đạo Công Giáo là Tòa Thánh Vatican, mặc dù, ngài minh nhiên loại đức Phanxicô ra khỏi phạm vi này.

Bởi thế, khi Bolt nhắc lại rằng mấy năm trước, ông ta có phỏng vấn Đức Hồng Y ở Rôma và được Đức Hồng Y nói đến vấn đề tham nhũng mà ngài tìm ra và tỏ ý quan ngại cho sự an toàn của các nhân viên, Đức Hồng Y Pell lúc ấy cho hay Mafia có thể nhúng tay vào và một vị Hồng Y đã bị tìm thấy với chiếc vali đầy tiền mặt.

Bolt đặt câu hỏi: “Ngài có bao giờ cho rằng chuyện rắc rối ngài tạo ra cho các viên chức thối nát ở Vatican có liên quan tới các rắc rối từ trước đến nay xẩy ra với ngài không?”.

Đức Hồng Y Pell trả lời rằng: phần lớn các nhân viên cao cấp ở Rôma có thiện cảm với cuộc cải tổ tài chánh đều tin rằng các lời cáo buộc chống lại ngài có liên hệ với cuộc điều tra của ngài, nhưng ngài không có bằng chứng nào cả. Tuy nhiên, ngài bảo ngài ngạc nhiên khi các thù địch về thần học của ngài ở Rôma không tin các lời tố cáo và cho hay ngài cảm thấy được Đức Giáo Hoàng Phanxicô hỗ trợ suốt trong diễn trình vụ án.

Cũng tường trình về khía cạnh này, Rod McGuirk của A.P. nói mạnh hơn: Đức Hồng Y Pell liên kết tham nhũng với các lời buộc tội lạm dụng trẻ em, liên kết việc ngài chống tham nhũng ở Vatican với việc ngài bị truy tố ở Úc về tội lạm dụng tình dục trẻ em.

Thực thế vị cựu bộ trưởng tài chánh của Đức Phanxicô nói trong một cuộc phỏng vấn được phát hình hôm thứ Ba rằng một số viên chức của Giáo Hội tin rằng ngài bị giới cầm quyền Úc truy tố vì các rắc rối ngài tạo ra ở Vatican nhân các cải tổ tài chánh ở đấy.

Ai cũng biết Đức Phanxicô tạo ra Văn Phòng Kinh tế và cử Đức Hồng Y Pell làm Trưởng Văn Phòng. Đức Hồng Y Pell đã cố gắng vật lộn đưa ngành tài chánh mù mờ của Tòa Thánh vào trật tự và tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng các cố gắng của ngài đã bị liên tiếp chống đối bởi các “vệ binh cũ” (old guard).

Vì vụ hàm oan ở Úc, ngài phải rời chức vụ và sau đó được thay thế bởi 1 nhà kinh tế học người Tây Ban Nha 60 tuổi là linh mục Dòng Tên Juan Antonio Guerrero Alves. Những hoạt động của vị linh mục này chứng minh chiều hướng đúng đắn của Đức Hồng Y Pell: các công tố viên Vatican lục lọi Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và cơ quan giám sát tài chánh của Tòa Thánh sau khi nhận được phúc trình hoài nghi các giao dịch về bất động sản.

Đức Hồng Y Pell cho hay Đức Phanxicô “tuyệt đối” hỗ trợ ngài, tuy “các quan điểm thần học của tôi... không hoàn toàn phù hợp với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi nghĩ ngài đánh giá cao tính trung thực của tôi và có lẽ tôi sẵn sàng nói những điều mà một số người khác không dám nói, và tôi nghĩ ngài tôn trọng tôi vì thế”.

Đức Hồng Y Pell qủa quyết rằng cả Đức Phanxicô lẫn Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đều không tham nhũng, nhưng ngài không biết việc tham nhũng ở Vatican lên đến cấp nào.

Trở lại với tường trình của Catholic News Service, ta thấy phí tổn của vụ án rất cao, lên đến hàng triệu dollars. Được Bolt hỏi, Đức Hồng Y Pell cho hay: Giáo Hội không phải chi một dollars nào cho vụ này, mà hoàn toàn do người hảo tâm và tiền dành dụm của ngài. Tuy chưa tiêu hết tiền dành dụm, nhưng nó bớt đi nhiều lắm.

Còn về tương lai, ngài nói ngài sẽ ít nói năng bình luận về sinh hoạt Công Giáo Úc. “Tôi có lẽ sẽ nói nhiều hơn một chút về phương diện quốc tế”. Ngài cho biết sẽ cư ngụ ở Sydney để đọc và viết sách và “có thể đi Rôma một thời gian”. McGuirk thì cho biết, ngài đi Rôma để dọn dẹp chỗ ở trước đây, có lẽ tại Văn Phòng Kinh Tế của Tòa Thánh.

Catholic News Service dịp này có trích dẫn bài nhận định của Linh mục Dòng Tên, Frank Brennan, trên tờ Catholic Outlook của giáo phận Parramatta, Sydney. Ngài vốn là 1 luật sư và là viện trưởng Cao Đẳng Newman của Đại Học Melbourne. Ngài chính là con trai đầu lòng của Ngài Gerard Brennan, cựu Trưởng Chánh Án của Tòa án Tối cao Úc. Đại cương, Cha Brennan cũng có cùng nhận định như Bolt: cảnh sát đã không điều tra đích đáng các lời cáo buộc.

Từng tham dự phần lớn các phiên xử Đức Hồng Y Pell, cha cho hay: “Các độc giả nên hiểu rằng không phải mọi điều đều xuôi chẩy đối với hệ thống công lý hình sự ở Victoria. Đức Hồng Y Pell từng là nạn nhân bị thiệt hại lớn trong sự va chạm và xuống dốc của các định chế này. Người khiếu nại không bị hoài nghi, người đã đưa ra vụ án chống lại ngài, hẳn đã phải chịu thêm những chấn thương không thể tả được vì các thiếu sót của Cảnh Sát Victoria và Công tố viện”.

Cha viết tiếp: “một số người Úc, trong đó có nhiều nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục trẻ em, đã xỉ vả George Pell. Nhiều người khác coi trọng ngài. Phán quyết tuần trước của Tòa án Tối cao phần chắc không thay đổi quan điểm bản thân về con người này, nhưng phán quyết liên quan đến việc quản lý hệ thống hình sự ở Victoria vì nó tác động lên mọi người, cả bị cáo lẫn các nạn nhân, những người đáng được hưởng công lý theo luật”.

Cha nói rằng người khiếu nại trong vụ án này là “nạn nhân không may trong vụ diễu võ dương oai giữa các định chế”, người hiển nhiên từng “chịu chấn thương trầm trọng ở trong đời”.

“Tôi rất buồn trước chấn thương phụ trội ông ta nay phải chịu thêm qua các diễn trình luật pháp. Phần lớn các diễn trình này là điều có thể tránh được. Các diễn trình này cũng tái gây chấn thương cho nhiều người khác từng trải nghiệm nạn lạm dụng tình dục định chế và từng đặt hy vọng ở hệ thống pháp lý của chúng ta. Tình huống của họ đáng lẽ đã được trợ giúp nếu cảnh sát trong vụ này chịu tiến hành việc giám sát có khả năng và khách quan”. Cha Brennan kết luận như thế.