Hôm qua, chúng tôi đã dựa vảo bản tin của các tờ báo thế tục tức The Guardian và The Sydney Morning Herald để đưa tin về phiên xử đơn kháng án của Đức Hồng Y Pell. Nay xin dựa vào Hãng tin Công Giáo CNA để tường trình cùng một sự việc.

Bản tin ngày 11 tháng 3 của CNA bắt đầu bằng cách loan tin: Trong khi các luật sư lập luận bên trong, hơn 100 người Công Giáo Việt Nam đã xếp hàng dọc theo lối vào Tối Cao Pháp Viện, cầu nguyện và hát thánh ca, nhằm bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với Đức Hồng Y Pell.



Sau đó, hãng này cho hay: Nhóm pháp lý của Đức Hồng Y George Pell đã đưa ra lý lẽ của họ để kháng cáo trước Tòa án Tối cao Úc vào hôm Thứ tư.

Đức Hồng Y Pell vẫn ở trong phòng giam của mình, không được phép tham dự phiên xử, trong khi các luật sư của ngài trình bày các lập luận trước bảy thẩm phán của tòa án ở Canberra ngày 11 tháng 3.

Đức Hồng Y Pell đang tìm cách kháng cáo quyết định chia rẽ 2-1 của Tòa phúc thẩm Victoria, một quyết định đã duy trì bản án năm 2018 của ngài về năm tội lạm dụng tình dục trẻ em trong hai trường hợp riêng biệt.

Bret Walker, luật sư trưởng của Đức Hồng Y Pell, người đã phải đương đầu với các câu hỏi từ các thẩm phán suốt năm giờ khi ông trình bày các lập luận bênh vực Đức Hồng Y Pell. Walker đã phác thảo lý lẽ kháng cáo dựa trên các phát hiện của Chánh án Mark Weinberg, người có ý kiến bất đồng vào tháng 8; ý kiến của vị Chánh án này cho thấy Đức Hồng Y đã bị kết án dựa trên bằng chứng của một người được coi là nạn nhân duy nhất, bất chấp lời khai bào chữa của 20 nhân chứng, và bồi thẩm đoàn không thể tìm thấy ngài có tội mà lại không có sự nghi ngờ hợp lý.

Trong khi các luật sư tranh luận bên trong, hơn 100 người Công Giáo Việt Nam dàn hàng ở lối vào Tòa án tối cao, cầu nguyện và hát thánh ca, và nhằm thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Đức Hồng Y Pell. Những người biểu tình cho biết họ đã đi bằng xe buýt từ Sydney, khởi hành lúc bình minh từ nhà của họ.

Nhiều thành viên của cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Úc vẫn ủng hộ Đức Hồng Y Pell trong suốt phiên tòa xửa ngài và kháng cáo, trích dẫn gương sáng của Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, người bị chính quyền Cộng sản ở Việt Nam giam cầm trong 13 năm, 9 năm trong số này bị biệt giam. Đức Hồng Y Pell và Đức Hồng Y Thuận là bạn thân cho đến khi Đức Hồng Y Thuận qua đời năm 2002. Đức Hồng Y Pell từng tiếp đón Đức Hồng Y Thuận lúc làm tổng giám mục Sydney và Melbourne.

Walker đã phác thảo bốn dòng lập luận khác nhau, bắt đầu bằng lập luận hậu cần về việc Đức Hồng Y Pell bị cáo buộc tấn công tình dục năm 1996 đối với hai ca viên thiếu niên ở Nhà thờ Chính tòa Melbourne. Đức Hồng Y Pell bị kết án vì đã thực hiện các hành vi tấn công tình dục cùng một lúc hai cậu trai ca viên trong năm đến sáu phút trong phòng áo nhà thờ chính tòa, trong khi ngài vẫn còn mặc đầy đủ phẩm phục sau Thánh lễ. Walker cho rằng điều đó thực tế là không thể xẩy ra.

Sau đó, luật sư nhấn mạnh lời khai từ nhiều nhân chứng nhằm cung cấp bằng chứng ngoại phạm cho Đức Hồng Y Pell trong thời gian vụ tấn công được cho là đã xảy ra, và lưu ý rằng phòng áo là “một tổ ong đang hoạt động” tại thời điểm tấn công.

Cuối cùng, Walker đã chỉ ra các thay đổi và bất nhất trong tường thuật của nhân chứng kiêm tố cáo viên duy nhất trong việc đưa ra bằng chứng chống lại Hồng Y Pell. Người được coi la nạn nhân thứ hai đã chết vào năm 2014, trước khi phiên xử bắt đầu; trước khi chết, anh nói với mẹ mình rằng anh không phải là nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

Lý lẽ kháng cáo của Hồng Y Pell là: khi xem xét tính không đáng tin cậy của nhân chứng duy nhất chống lại ngài, kết hợp với lời khai của rất nhiều nhân chứng bênh vực Đức Hồng Y Pell và mức độ cao của tính bất cái nhiên qua đó Pell có thể đã thực hiện các vụ tấn công như mô tả, bồi thẩm đoàn ban đầu không thể bị thuyết phục ngoài sự nghi ngờ hợp lý về tội lỗi của Đức Hồng Y.

Walker lập luận hôm thứ Tư rằng Tòa án phúc thẩm ở Victoria đáng lẽ nên thấy rằng sự nghi ngờ hợp lý không thể, và thực sự không, bị bồi thẩm đoàn loại trừ trong quyết định kết án của họ.

Walker bị Thẩm phán Virginia Bell thẩm vấn về sự liên quan của tính đáng tin cậy nơi người tố cáo ở giai đoạn kháng cáo; bà lưu ý rằng Tòa án tối cao không có nhiệm vụ xác định liệu bồi thẩm đoàn có nên tin anh ta hay không. Walker trả lời rằng điều cho là tính đáng tin cậy của người tố cáo không phải là vấn đề, mà là người tố cáo và nhân chứng ủng hộ bên bào chữa trình bày các trình thuật mâu thuẫn nhau, điều này tạo ra sự nghi ngờ hợp lý.

Bằng chứng của Đức Ông Charles Portelli đã được nhấn mạnh với các thẩm phán. Walker nói rằng vị linh mục này làm chứng rằng Đức Hồng Y Pell thường có thói quen đứng bên ngoài cửa nhà thờ để chào đón người Công Giáo sau Thánh lễ, và điều này đã không bị thách thức tại phiên tòa, tạo ra ít nhất khả thể hợp lý này là Đức Hồng Y Pell không có mặt tại hiện trường của vụ cho là tấn công.

Đức Hồng Y Pell đã ở tù hơn một năm nay vì bản án sáu năm của ngài. Ngài phải thi hành ít nhất ba năm và tám tháng trước khi đủ điều kiện để nộp đơn xin tạm tha (parole).

Đức Hồng Y 78 tuổi đã duy trì sự vô tội của mình trong suốt quá trình xét xử và kháng cáo. Luật sư bào chữa của ngài đã lấy làm tâm điểm lập luận rằng các điều được cho là tội phạm, trong những hoàn cảnh này, “đơn thuần là điều bất khả”.

Tòa án tối cao ở Canberra là đường kháng cáo cuối cùng của Đức Hồng Y Pell.

Sau giờ nghỉ trưa, Walker tiếp tục bài thuyết trình của mình, với các thẩm phán đặt câu hỏi về bản chất của các lễ phục mà Hồng Y Pell đang mặc vào thời điểm vụ tấn công, bao gồm cả chiếc dây lưng thắt nút, dây khăn quàng cổ, áo alba và chiếc micro mà Đức Hồng Y Pell mặc dưới chiếc áo lễ (chasuble), những phẩm phục mà Đức Hồng Y phải loay hoay điều động cùng lúc với việc tấn công hai thiếu niên.
Luật sư cũng phác thảo những khác biệt về ngày giờ mà nạn nhân trình bày trong diễn trình truy tố.

Các công tố viên ban đầu buộc tội rằng vụ tấn công có thể đã xảy ra vào khoảng thời gian giữa biến cố Đức Hồng Y Pell được đặt làm tổng giám mục vào tháng 8 năm 1996 và cuối tháng 12 cùng năm, nhưng trong các bằng chứng tại phiên xử chỉ để lại hai ngày để bồi thẩm đoàn xem xét: ngày 15 hoặc 22 tháng 12 năm 1996, hai lần đầu tiên khi Đức Hồng Y Pell cử hành Thánh lễ Chúa Nhật tại nhà thờ chính tòa.

Walker đã lập luận rằng trong phiên kháng án trước Tòa phúc thẩm ở Victoria, ngày đưa ra cho vụ coi là tấn công lần thứ hai thậm chí không được hỗ trợ bởi lời khai của nạn nhân và đã được chọn đơn thuần như “lần sau khi công tố viện có thể cho rằng tổng giám mục có mặt trong thánh lễ Chúa Nhật tại nhà thờ chính tòa”.

Trước phiên xử của Tòa án tối cao vào thứ Tư, Walker nhấn mạnh việc cảnh sát đã không phỏng vấn các nhân chứng quan trọng, bao gồm vị linh mục đã đồng tế với Đức Hồng Y Pell tại thời điểm của vụ cho là tấn công lần thứ hai, trong đó nạn nhân được cho là bị đẩy vào tường nhà thờ và bị Đức Hồng Y Pell mò mẫm.

Walker nói “Chỉ có điều có rất nhiều nét trong trình thuật của người khiếu nại có thể bị loại bỏ, mà không có vị quan sát phúc thẩm nào coi nó là cần thiết... mà bồi thẩm đoàn hẳn phải có sự nghi ngờ hợp lý".

Tòa án tối cao sẽ tiếp tục nghe các lập luận vào hôm thứ Năm, trước khi quyết định ủng hộ hoặc chống lại đơn xin của Hồng Y Pell để kháng cáo. Các thẩm phán có thể đưa ra quyết định của họ vào ngày mai, hoặc lưu phán quyết cho đến một ngày sau đó.

Xuyên suốt phiên tòa xét xử và kháng cáo của Đức Hồng Y Pell, Tòa Thánh đã đưa ra nhiều tuyên bố bày tỏ sự tin tưởng vào hệ thống tư pháp Úc và nêu bật quyền của Đức Hồng Y Pell được thực hiện mọi cơ hội để kháng cáo.

Sau việc bác bỏ kháng cáo của Đức Hồng Y Pell tại Victoria vào tháng 8 năm 2019, Matteo Bruni, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố chính thức nói rằng “vì vụ kiện tiếp tục khai triển, Tòa Thánh nhắc lại rằng Đức Hồng Y luôn duy trì sự vô tội của ngài trong suốt diễn trình xét xử và ngài có quyền kháng cáo lên Tòa án tối cao”.

Đức Hồng Y Pell dự kiến sẽ đương đầu với một diễn trình giáo luật ở Rôma sau khi vụ án của ngài hoàn tất giai đoạn cuối cùng tại Úc. Nếu bị tòa án giáo luật kết án tội lạm dụng tình dục trẻ em, thì Đức Hồng Y gần như chắc chắn sẽ bị hoàn tục.

Đức Hồng Y Pell hiện bị giam trong Nhà tù Barwon, một nhà tù an ninh tối đa phía tây nam Melbourne.