(Vienna 5/4/2005). Đức Giám Mục Hilarion Alfeyev, giáo chủ Chính Thống Giáo Nga tại Vienna và toàn nước Áo đã lên tiếng nhận định Giáo Hội Công Giáo sẽ sớm phong Thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Đức Giám Mục Hilarion Alfeyev là một Giám Mục được đánh giá cao về tri thức trong Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga Mạc Tư Khoa. Hiện nay ngài là người đứng đầu ủy ban soạn thảo Học Thuyết Xã Hội Chính Thống Giáo Nga. Đức Giám Mục Hilarion Alfeyev sinh năm 1966, thụ phong linh mục năm 1987, được tấn phong Giám Mục tháng Giêng năm 2002. Ngài đã từng phục vụ tại Lithuania cho tới năm 1991 trước khi về làm Giáo Sư Thần Học tại Mạc Tư Khoa rồi làm chủ tịch ủy ban Kitô Giáo sự vụ của Thánh Công Đồng Chính Thống Nga tại Mạc Tư Khoa. Hiện nay, ngài là giáo chủ Chính Thống Giáo Nga tại Vienna và toàn nước Áo và là đại diện Chính Thống Giáo Nga tại Liên Hiệp Châu Âu. Ngài có hai bằng tiến sĩ: Tiến Sĩ Triết Học tại Đại Học Oxford, Anh quốc tiến sĩ Thần Học tại St Sergius, Pháp. Ngài nói thông thạo nhiều thứ tiếng và đã từng xuất bản 20 cuốn sách Thần Học bằng nhiều thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý và Phần Lan.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 5/4/2005, Đức Giám Mục Hilarion Alfeyev viết về Đức Thánh Cha như sau:

“Ngài là một vị Giáo Hoàng vĩ đại, có lẽ là Giáo Hoàng vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Không nghi ngờ gì ngài sẽ sớm được phong Chân Phước và phong Thánh bởi Giáo Hội mà ngài đã dâng hiến trọn cuộc đời”.

”Ngài là nhà lãnh đạo tôn giáo có ảnh hưởng nhất trong thời đại tân tiến ngày nay, và ngài đã tạo ra những ảnh hưởng trên toàn bộ văn minh nhân loại. Thật vậy, ảnh hưởng của ngài vượt ra khỏi phạm vi của Giáo Hội Công Giáo La Mã mà ngài đã lãnh đạo hơn một phần tư thế kỷ”.

”Thông điệp của ngài được nghe và đánh giá cao bởi hàng triệu người trên toàn thế giới, không chỉ Công Giáo, nhưng còn Chính Thống Giáo, Tin Lành, Anh Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, những người có đức tin và có lẽ đáng kể hơn nữa là cả những người không có đức tin”.

Đức Giám Mục tiếp tục: “Vào thời mà các chính trị gia thế tục trong hầu hết các nước Tây Phương làm việc cật lực để cố loại trừ tôn giáo khỏi bầu khí chung, thu gọn tôn giáo trong lãnh vực riêng tư, cấm chỉ khỏi học đường, các trường đại học, và các phương tiện truyền thông, Gioan Phalô II là một khuôn mặt nổi bật đến mức mọi chuyến tông du và mọi lời nói của ngài đều được giới truyền thông toàn cầu loan tải”

“Ngài thật là một Giáo Hoàng ‘chính thống’ theo nghĩa nâng cao các thái độ truyền thống của Giáo Hội ngài đến mức đạo lý và luân lý. Lập trường của ngài về các vấn đề luân lý như hôn nhân và gia đình, phá thai, thụ thai nhân tạo, an tử và nhiều vấn đề khác thường xuyên khơi gợi những chỉ trích từ phía những kẻ muốn các giá trị truyền thống phải được thay thế bởi các giá trị thế tục, và những kẻ muốn chủ nghĩa nhân bản quay sang đối nghịch với tôn giáo”

”Tuy nhiên, khi đề cao các truyền thống, Đức Giáo Hoàng không vì thế mà kém nhân bản, ngài đã có thể phát triển một chủ nghĩa nhân bản toàn cầu dựa trên các giá trị tinh thần đi ngược lại phiên bản vô thần của chủ nghĩa nhân bản”.

”Trong nhiều năm, ngài đã đối kháng với chủ nghĩa vô thần tại quốc gia của mình là Ba Lan, và ngài đã đóng một vai trò trong việc làm sụp đổ các chế độ độc tài toàn trị tại Đông Âu, nhưng ngài cũng cống hiến to lớn trong việc tái khám phá đức tin cho nhiều người đã đánh mất đi vì chủ nghĩa tự do và tương đối đang thịnh hành tại các xã hội Tây Phương”.

Về quan hệ cá nhân với Đức Thánh Cha, Đức Giám Mục cho biết: “Tôi đã diện kiến ngài hai lần và trong cả hai dịp đó đều là để đưa thông điệp của Đức Thượng Phụ Mạc Tư Khoa Alexis II cho ngài. Hôm 21/1/2002 là lần thứ hai và cũng là lần cuối gặp gỡ ngài, tôi được ủy thác cho một nhiệm vụ cách nào khá tế nhị là giải thích với Đức Thánh Cha về những điều kiện mà Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga đưa ra để có thể có cuộc gặp gỡ chung giữa hai vị”.

“Dĩ nhiên là ngài biết rất rõ những điều kiện này là những điều chưa bao giờ được giữ kín. Trong số đó là một lời công khai chống lại mọi hình thức chiêu dụ các tín đồ trên lãnh thổ của Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, và sự công khai nhìn nhận sự kiện là 'Uniatism' không thể được coi là con đường tiến đến hiệp nhất”.

Uniatism là thuật ngữ các vị Chính Thống Giáo hay dùng để nói về việc Tòa Thánh cho phép các Giáo Hội Đông Phương hiệp nhất với Rôma trong khi vẫn giữ các nghi lễ phụng vụ và truyền thống riêng của mình.