NĂM SỰ THƯƠNG

Con đường hẹp cứu rỗi linh hồn


1. Đức Chúa Giê-su lo buồn đổ mồ hôi máu.

Có lẽ trong các mầu nhiệm của kinh Mân Côi, không có mầu nhiệm nào làm cho chúng ta cảm động và thấy mình quá tội lỗi cho bằng mầu niệm thương khó –năm sự Thương- này, bởi vì khi suy ngắm đến những đau khổ mà Đức Chúa Giê-su phải chịu vì tội lỗi nh ân loại và của chúng ta, thì không một ai trong chúng ta cảm thấy mình là người tốt lành thánh thiện cả, bởi vì Đức Chúa Giê-su là Đấng thánh đã trở nên như một tội nhân, thì chúng ta là cái gì trước mặt Thiên Chúa ?

Nơi vườn Ghết-sa-ma-ni, Đức Chúa Giê-su đã cầu nguyện với Cha trên trời, thánh Mát-thêu đã thuật lại như sau: “Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đằng kia cầu nguyện.”

Trong cơn đau buồn nhất của con người, Đức Chúa Giê-su đã khước từ sự ồn ào của những người thân, Ngài muốn yên tĩnh một mình để suy nghĩ đến những đau khổ mà trong giây lát nữa đây mình sẽ phải chịu. Đức Chúa Giê-su cầu nguyện lâu giờ với Đức Chúa Cha, cũng có nghĩa là Ngài đang đắm mình trong sự vâng phục ý Cha trên trời, coi ý Cha là lẽ sống của mình, và dù cho dù Ngài có can đảm đến đâu thì sự sợ hãi vẫn cứ xâm chiếm tâm hồn Ngài trong chốc lát, khi Ngài thốt lên: “Lạy Cha,, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin câng ý Cha.”

Ý của Cha là con phải hy sinh, một thứ hy sinh mà đến các thiên thần thông minh sáng láng mà cũng không hiểu nổi, nột thứ hy sinh mà chính ngay ma quỷ trong hỏa ngục cũng vò tai bức tóc cũng không nhận ra đó là Đấng cứu độ trần gian, là Đấng mà ngày xưa trong vườn địa đàng Thiên Chúa đã nói với con rắn –sa tan- rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn gót nó”.

Đức Mẹ Ma-ri-a khi hiện ra đã lần chuỗi Mân Côi chung với những người mà Mẹ chọn (ba trẻ Lucia, Jancintha, Phanxico ở Fatima, và Bernadette ở Lộ Đức), chắc chắn Mẹ cũng rất đau khổ khi suy đến cảnh Đức Chúa Giê-su đang cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni: mồ hôi và máu chảy ra, và thật cô đơn khi các môn đệ đã ngủ say. Mồ hôi và máu chảy ra đó, không phải là do làm việc mệt nhọc mà chảy mồ hôi, cũng không phải do bị thương tích mà chảy máu, nhưng là do tự nổi đau khổ tột cùng ở trong tâm hồn đã làm đứt các mạch máu và máu chảy ra, nổi đau khổ tột cùng này chính là Đức Chúa Giê-su đã thấy trước những vô ơn bội nghĩa của nhân loại, nhìn thấy những tội lỗi mà nhân loại đã xúc phạm đến tình yêu vô biên của Ngài dành cho họ.

Đã có những lần chúng ta đau buồn vì bị người thân khinh dể, bị người tình phản bội, đã có những lần chúng ta cảm thấy buồn chán thất vọng vì chung quanh mình không tìm ra được người bạn thân biết thông cảm và chia sẻ những nổi buồn với mình. Đức Chúa Giê-su trong vườn Ghết-sê-ma-ni còn đau buồn hơn chúng ta nhiều lần, bởi vì tất cả những tội lỗi của chúng ta mà Ngài phải gánh lấy trên thân mình, đang làm cho Ngài đau khổ đến nổi mồ hôi máu chảy ra.

Đức Mẹ Ma-ri-a đã nhiều lần nhắn nhủ loài người hãy ăn năn đền tội, hãy cải thiện đời sống của mình, để làm dịu bớt đi những đau khổ mà Đức Chúa Giê-su vẫn đang chịu vì chúng ta, để lau đi những mồ hôi máu đang làm cho Đức Chúa Giê-su như đang hấp hối, không phải trong vườn Ghết-sê-ma-ni, nhưng là hằng ngày trong các nhà tạm trong nhà thờ lớn nhỏ trên khắp thế giới.

Chỉ có thật lòng hối cải tội lỗi của mình mới thật là con đường để được tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự cứu rỗi đời đời.

2. Đức Chúa Giê-su chịu đánh đòn.

Một hình hài đang quằn quại dưới những đòn roi vọt dã man của những người lính Rô ma, một con người đã từng đưa tay thi ân giáng phúc cho nhiều người, giờ đây hai cánh tay bị trói vào cột đá để chịu người đời trả ơn bằng những đòn roi tủi nhục. Đức Chúa Giê-su đó, hình hài của Ngài đang biến dạng dưới những đòn roi của quân lính, thân thể Ngài đang bị xâu xé tả tơi bởi những cây roi sắt đánh vào, không một tiếng rên la, không một lời oán trách, như lời tiên báo của tiên tri I-sai-a đã nói về Ngài trong bài người Tôi Trung của Thiên Chúa:

- “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,

giơ má cho người ta giật râu.

Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.” (Is 50, 6)


Đức Mẹ Ma-ri-a mời gọi chúng ta suy niệm giây phút bị đánh đòn này của Đức Chúa Giê-su, để chia sẻ những đau khổ tủi nhục mà Ngài phải chịu vì tội lỗi của chúng ta. Chính Mẹ, dù rằng không đến tận nơi trói giữ Đức Chúa Giê-su để nhìn thấy thân xác con mình đang bị hành hạ, nhưng tình thương và quả tim của Mẹ đã cảm nghiệm được những đau khổ ấy, qua tiếng hét tiếng la man rợ của những tên lính không hề xúc động trước những đau đớn của người khác, và những ngọn đòn chí tử ấy như quất vào thân xác, vào con tim của Mẹ, làm cho Mẹ trở nên Đấng đồng công cứu chuộc loài người với con mình.

Trong tông thư “Kinh Rất Thánh Mân Côi” gởi cho các giám mục, linh mục và giáo hữu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nói: “Sự đau khổ hèn hạ đó mặc khải không những tình yêu Thiên Chúa nhưng còn ý nghĩa của chính con người nữa”. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người thì đã quá rõ qua việc Đức Chúa Giê-su -Con Một Ngài- đã chịu chết trên thập giá, nhưng ý nghĩa của con người thì nhân loại chưa nhận ra được tình yêu cao trọng này của Thiên Chúa, cho nên, nhân loại vẫn cứ mãi mê trong những đam mê tội lỗi, mà mỗi lỗi phạm của con người là mỗi đòn roi sắt đánh vào thân mình của Đức Chúa Giê-su.

“Đức Chúa Giê-su chịu đánh đòn, ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng”, nhờ lời dạy của Giáo Hội mà chúng ta biết hy sinh đời sống hưởng thụ của mình, biết bằng lòng với những gì mà Thiên Chúa ban cho mà không so đo phân bì với người khác, đó chính là con đường hẹp để được cứu rỗi của chúng ta, và đó cũng là một trong những lòng nhắn nhủ tha thiết của Đức Mẹ Ma-ri-a qua những lần hiện ra với con cái loài người, và nhất là trong bí mật thứ ba ở Fatima, chị Lucia đã đã thuật lại như sau: “Sau hai phần mà con đã giải thích, phía bên trái của Ðức Bà và cao hơn một ít, chúng con đã thấy một Thiên thần cầm một thanh gươm bằng lửa nơi tay trái; nó lấp lánh và phát ra những tia lửa dường như sẽ đốt cháy thế gian; nhưng chúng tắt ngúm khi chạm đến ánh quang chiếu toả từ tay phải của Ðức Bà hướng về trần gian: chỉ về trái đất bằng tay phải, Thiên thần lớn tiếng thốt lên: ‘Ðền tội, Ðền tội, Ðền tội!”.

3. Đức Chúa Giê-su chịu đội mão gai.

Đức Chúa Giê-su là vua cả trời đất, không một triều thiên vương miện nào trên thế gian này có thể đội trên đầu của Ngài, vì không xứng đáng. Nhưng khi đã trút tất cả vinh quang và mặc lấy thân nô lệ trở nên một kẻ phàm nhân, bị những người Pha-ri-siêu và các kinh sư vì ghen ghét mà kết án tử hình, thì mũ triều thiên của Ngài chính là vòng gai nhọn bện lại thành cái vòng đóng vào đầu để làm trò cười nhạo báng của quân lính.

Cái vòng gai nhọn ấy tượng trưng cho những tội kiêu ngạo của loài người, khi mà con người ngày càng chối bỏ Thiên Chúa trong cuộc sống của mình; chính những kiêu ngạo ấy đã làm cho con cái của Giáo Hội bị chia rẻ, tấm áo tinh tuyền của Đức Chúa Giê-su bị xé ra thành nhiều mảnh nhỏ, để rồi trở thành vòng gai nhọn đóng vào đầu của Đức Chúa Giê-su.

Đức Chúa Giê-su chịu đội mão gai tức là Ngài chịu gánh lấy tất cả tội của loài người trút lên đầu Ngài, qua những trận đòn và những lời nhạo báng xúc phạm của những người linh dã man.

Khi suy ngắm đến thảm kịch nhạo báng này của những người lính Rô ma dành cho Đức Chúa Giê-su, chúng ta giận dữ lòng sục sôi vì quân vô đạo này đã tàn nhẫn với Đức Chúa Giê-su là Đấng thánh, chúng ta ước ao có được quyền phép để trừng phạt những tên lính độc ác ấy để cứu Đức Chúa Giê-su. Nhưng có lúc nào chúng ta tự xét mình: chính tôi là tên lính đã đội mão gai, đã nhạo cười Đức Chúa Giê-su bằng cuộc sống bê tha tội lỗi của mình, chính tôi đã dùng những ghét ghen, kiêu căng, nói xấu, vu khống, tham lam, dục vọng bện lại thành một vòng gai nhọn để đội trên đầu của Đức Chúa Giê-su !

Đức Mẹ Ma-ri-a vẫn tha thiết kêu gọi chúng ta đừng phạm tội nữa, đừng trở thành những tên lính đánh đòn nhạo báng Đức Chúa Giê-su nữa. Mẹ kêu gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và hy sinh thật nhiều, bởi vì chỉ có những việc làm như thế, mới mong mão gai trên đầu Đức Chúa Giê-su trở nên nhẹ nhàng, và án phạt của Thiên Chúa cũng sẽ cất khỏi trên đầu chúng ta.

“Đức Chúa Giê-su chịu đội mão gai” Giáo Hội dạy chúng ta cầu xin cho được chịu mọi sự sỉ nhục bằng lòng. Bởi vì chỉ có chấp nhận chịu sỉ nhục mới đánh tan được kiêu ngạo, biết bằng lòng chịu những hiểu lầm, ghét ghen của tha nhân, mới có thể chấp nhận đội mão gai khiêm nhường của Đức Chúa Giê-su. Đó chính là con đường hẹp dẫn đưa chúng ta đến nguồn ơn cứu độ.

4.Đức Chúa Giê-su chịu vác cây thánh giá.

Chỉ có ăn năn hối cải và đền tội, thì chúng ta mới có thể làm nhẹ bớt sự công thẳng của Thiên Chúa sắp trút xuống trên thế gian, và chỉ có đền tội mới có thể trở thành một ông Simon thứ hai vác đỡ thánh giá với Đức Chúa Giê-su, tức là chia sẽ những đau khổ do tội đang trở thành cây thánh giá nặng nề trên thân thể Đức Chúa Giê-su. Đức Mẹ Ma-ri-a hiểu thấu những nặng nề đau khổ của Đức Chúa Giê-su, bởi vì Mẹ cũng chen chúc trong đám đông hiếu kỳ để nhìn cho tường tận khuôn mặt “chẳng còn hình tượng người ta nữa” của Con mình, đang lê lết đôi chân vác thập giá đi ra pháp trường để chịu chết. Lòng Mẹ quặn thắt lại, đau đớn vô cùng như chính Mẹ vác cây thập giá vậy.

Đường lên núi Sọ không bằng phẳng dễ đi, nhưng dốc đá gồ ghề, với thân xác bị đánh tả tơi suốt một đêm,Đức Chúa Giê-su thật sự sức đã kiệt lực đã cùng, nhưng vẫn cứ gắng gượng để làm tròn bổn phận mà Cha đã giao phó cho mình.

Chúng ta dễ dàng nổi quạu khi trách nhiệm nặng nề đè trên vai của chúng ta, chúng ta dễ dàng oán trách người khác khi thấy họ thong dong tự tại, chúng ta cũng dễ dàng tự mãn khi làm được nhiều công việc, và dù muốn hay không thì tất cả cũng đều là thánh giá của chúng ta phải vác trong cuộc sống của mình, để cùng đồng hành với Đức Chúa Giê-su trên đường lên núi Sọ, và đó cũng là điểm vinh quang của người Ki-tô hữu, bởi vì khi chết đi là khi bắt đầu cuộc sống mới với Thiên Chúa ngay tại trần gian này.

Trên đường lên núi Sọ, cây thánh giá của Đức Chúa Giê-su đã là cớ vấp phạm cho nhiều người đi theo để bàn tán: người thì đấm ngực ăn năn, kẻ thì nhạo báng chê cười, người thì suy nghĩ những việc đang xảy ra trước mặt. Và Đức Mẹ Ma-ri-a cũng đang đi theo đám đông ấy, nhưng không ồn ào la hét, chỉ nhìn theo con để khóc và chia sẻ cây thánh giá cứu độ vói con mình.

Hôm nay, có nhiều nơi trên thế giới, thánh giá cũng là một cớ vấp phạm cho nhiều người như lời của ông già Si-mê-on đã tiên báo khi Đức Chúa Giê-su được cha mẹ dâng vào đền thánh: ““Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà...” và thánh giá vẫn còn mãi mãi là án phạt cho những ai luôn chối bỏ chân lý là Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, và thánh giá cũng là biểu hiệu của ơn cứu độ và đem lại sự sống viên mãn cho những ai tin vào Đấng đang bị treo trên nó: Đức Chúa Giê-su.

Điểm cuối cùng của chặng đàng thánh giá là núi Sọ, nơi để hành hình các tội trọng phạm, Đức Chúa Giê-su đang đứng nơi mà mình sẽ là người làm ứng nghiệm lời của Đức Chúa đã phán dạy ông Mô-se ngày xưa trong hoang địa khi dẫn dân Do Thái vể miền đất hứa:”Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” Ông Mô-se bèn làm một con rắn đồng và treo lên một cây cột, và hể ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.” Lời của Đức Chúa lát nữa đây sẽ ứng nghiệm khi Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh vài thập giá, và trở nên nguồn ơn cứu độ cho những ai nhìn lên “Đấng đã bị đâm thâu” và được sự sống đời đời.

Đức Mẹ Ma-ri-a đã chứng kiến cảnh quân lính lột áo Đức Chúa Giê-su ra, đã tận mắt nhìn thấy từng cái đinh với âm thánh chát chúa của búa tạ đóng vào trên tay chân con của mình vào cây gỗ giá, nổi đau vô vàn của Đức Chúa Giê-su đang thấm thấu vào trong tâm hồn của Mẹ, Mẹ như bị những cái đinh to lớn ấy đóng vào trong tim của mình, bởi vì tay chân hình hài đang quằn quại trên cây gỗ giá ấy chính là hình hài được Mẹ cưu mang trong dạ chín tháng mười ngày, được máu thịt và hơi thờ của Mẹ nuôi sống từng ngày để giờ đây trở thành tế phẩm dâng lên Đức Chúa Cha để xin Ngài tha tội cho nhân loại tội lỗi.

Tại sao Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh chân tay vào thánh giá thì chúng ta đã hiểu rõ, bởi vì chính Ngài đã yêu thương nhân loại, yêu thương chúng ta mà vâng lời Đức Chúa Cha để chịu nhiều đau khổ, như lời trong thư gởi tín hữu Do Thái đã viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” mà cái đau khổ tột cùng nhất trong các đau khổ chính là sự phản bội của người mà mình đã hy sinh cho họ.

“Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thánh giá, ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa.”

Tay của Đức Chúa Giê-su bị đóng vào thánh giá để cho chúng tay của chúng ta được vươn tới với những người đang cần chúng ta giúp đỡ, để tay của chúng ta trở thành tay của Đức Chúa Giê-su an ủi xoa dịu những vết thương tích nơi người bất hạnh, để tay của chúng ta vươn ra nắm lấy những bàn tay đang ngã xuống vũng sâu của đam mê trụy lạc; chân của Đức Chúa Giê-su bị đóng đinh vào thánh giá là để cho chân của chúng ta ra đi rao giảng tin mừng Nước Trời, để chân của chúng ta rảo bước đến với những nơi mà bóng tối bất công đói nghèo dang ngự trị, chân của Đức Chúa Giê-su bị đóng vào thánh giá là để chân của chúng ta đi đến nhà thờ thay cho những người ao ước đến mà không được...

Cây thập giá được dựng đứng lên trên đồi cao với hình hài đẩm máu của Đức Chúa Giê-su, thì đối với những người Pha-ri-siêu và các kinh sư thì coi như đã giải quyết được một vấn đề liên quan đến quyền lợi và uy tín của họ, cái gai trong mắt họ đã được nhổ ra và treo trên thập giá. Người bị họ kết án tử và treo trên thập giá ấy, chính là Đấng sẽ xét xử họ trong ngày thế mạt, Đấng mà họ coi như một tử tội ấy sẽ là Đấng ngự xuống uy nghiêm trên mây trời để phán xét thế gian.

Trong những lần hiện ra tại thành phố Akita - Nhật Bản, vào ngày 3.8.1973 Đức Mẹ Ma-ri-a đã nói cho nữ tu Sumako Sugawara biết: “Rất nhiều người đang gây buồn phiền cho Chúa. Mẹ muốn nhiều linh hồn an ủi Ngài để làm dịu cơn thịnh nộ của Đức Chúa Cha. Cùng với Con của Mẹ, Mẹ muốn nhiều linh hồn dâng những đau khổ và khó nghèo của mình, để đền tạ cho kẻ tội lỗi và những kẻ vô ơn bội nghĩa.”

Ngày hôm nay, nhân loại vẫn còn đóng đinh Đức Chúa Giê-su vào thập giá bằng những tội lỗi của mình, các con cái Mẹ vẫn còn đóng đinh người Anh Cả của mình bằng những tội bất trung, bằng những thói hư tật xấu, bằng những ghen ghét bon chen, bằng những sự phạm thánh mà chính Mẹ đã báo cho nữ tu Sumako Sugawara rằng: “Thế lực ma quỷ sẽ xâm nhập vào trong Giáo Hội, đến nỗi người ta sẽ thấy Hồng y chống đối Hồng y, Giám mục chống đối Giám mục. Những linh mục có lòng sùng kính Mẹ sẽ bị chính đồng bạn của họ khinh miệt và chống đối...” Lời tiên báo này của Mẹ đang ứng nghiệm trên khắp thế giới, khi mà những con cái ưu tuyển của Mẹ, các môn đệ của Đức Chúa Giê-su vẫn có những người muốn chối bỏ ân sủng mà mình đã lãnh nhận từ nơi Giáo Hội, để rồi trở thành những người lính đóng đinh Đức Chúa Giê-su vào thánh giá một lần nữa.

5.Đức Chúa Giê-su chịu chết trên thánh giá.

Phúc Âm của thánh Mat-thêu thuật lại rằng:“Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con..... .Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn?”

Đức Chúa Giê-su đã chết thật trên cây thánh giá, Ngài đi qua sự chết khổ nhục để phục sinh vinh quang, và từ đó sự chết không còn quyền gì trên Ngài nữa.

Đức Chúa Giê-su đã chết trên cây thánh giá, các môn đệ thất vọng tán loạn, những người Pha-ri-siêu và các kinh sư hớn hở vui mừng, và những người đạo đức thì đau buồn, người tội lỗi ăn năn sám hối. Cái chết của Đức Chúa Giê-su là khơi nguồn sự sống cho những ai tin vào Ngài bắt đầu từ người lính dùng lưỡi đồng đâm cạnh nương long Đức Chúa Giê-su đã chứng thực Ngài là Con Thiên Chúa, và viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Chúa Giê-su, khi thấy Ngài tắt thở liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”

Đức Chúa Giê-su đã chết để dụ ngôn hạt lúa mì của Ngài nói với các môn đệ biến thành sự thật nơi Ngài: “Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” Ngài chính là hạt lúa từ trời xuống và được Cha gieo vào trần gian, để rồi chết đi bởi những thế lực của tội ác, và sống lại vinh quang để trở nên nguồn sống cho những kẻ tin vào Ngài.

Đức Mẹ Ma-ri-a khi đối diện với sự thật này, Mẹ vẫn đứng vững vàng dưới chân thánh giá như một Ki-tô hữu tham dự thánh lễ đầu tiên của con mình trên thánh giá. Mẹ đã thực sự cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ loài người, đã đồng công với Đức Chúa Giê-su, không những chia sẻ những vui buồn với Ngài, mà còn chia sẻ con đường khổ giá của Ngài để đem ở cứu độ cho nhân loại.

“Đức Chúa Giê-su chịu chết trên thánh giá” Giáo Hội kêu mời chúng ta đóng đinh tính xác thịt mình vào thánh giá với Đức Chúa Giê-su, là con đường hẹp dẫn đưa chúng ta đến sự cứu rỗi đời đời.

Đóng đinh xác thịt mình vào thánh giá, đau lắm, khốn khổ lắm, nhưng Đức Chúa Giê-su đã làm như thế để bày tỏ tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta. Giáo Hội kêu gọi chúng ta chia sẻ vào cuộc thương khó của Đức Chúa Giê-su và sự chết của Ngài bằng những hy sinh nho nhỏ, bằng những đóng đinh thú vui dục vọng, thú vui ăn uống, thú vui thỏa mãn tính tò mò, để chúng ta trở thành những hạt lúa được Đức Chúa Giê-su gieo vào dòng đời thế gian, được trổ sinh nhiều hạt lúa tốt đẹp và trở nên bánh cho tha nhân hưởng dùng.

Mầu nhiệm năm sự Thương, quả là con đường hẹp dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời với Đức Chúa Giê-su và Đức Mẹ Ma-ri-a.

(còn tiếp)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info