Trong đời sống tôn giáo, cầu nguyện thường được hiểu là cầu xin thần thánh ban cho mình những điều tốt lành may mắn theo ước muốn của mình. Như thế, cầu nguyện rất gần với cầu lộc cầu lợi cho mình. Tuy nhiên Lời Chúa tuần này mở ra cho chúng ta thấy cầu nguyện lại như chiếc cầu nối liên hệ tình nghĩa giữa con người với Thiên Chúa và con người với nhau.

1.Cầu nguyện chuyển cầu. Cầu nguyện giúp ta thoát khỏi giới hạn ích kỷ của bản thân để nối kết với tha nhân. Cầu nguyện không phải là chỉ nhằm xin cho riêng mình theo kiểu: Xin Chúa ban cho nhà con ăn nên làm ra, còn hàng xóm mặc mẹ cha chúng nó!hihii. Xin như thế thì chắc Chúa phải xin đầu hàng. Cầu nguyện chuyển cầu là cầu cho người khác, là mở lòng hướng tới người khác. Bài đọc 1 kể chuyện Apraham nài nỉ như mặc cả để cầu xin Chúa tha thứ cho dân thành Xơđôm; Phúc Âm kể chuyện chủ nhà đi xin bánh cho bạn; Và Chúa dạy các môn đệ cầu xin Chúa cho tất cả “chúng con” chứ không chỉ riêng “mình con”.

2.Cầu nguyện cầu chúc. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện do chính Chúa Giêsu dạy bắt đầu bằng những lời cầu chúc: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Những lời cầu nguyện nghe cứ như là những lời cầu chúc trong những dịp mừng vui, lễ tết. Nếu cầu xin là cầu mong lợi lộc cho bản thân mình, thì cầu chúc lại lại cầu mong điều tốt đẹp cho người ta gặp gỡ. Quả thật, kinh Lạy Cha là những lời chúc tụng ngợi khen con người dâng lên Thiên Chúa, là cầu nối để con người đi vào liên hệ với Chúa trong tình nghĩa thân mật Cha-con gần gũi.

Lạy Chúa, trong tình yêu hôn nhân gia đình, người ta luôn mong ước và sung sướng bày tỏ với nhau lời yêu thương: Anh yêu em; Con yêu mẹ; Bố yêu con… tất cả là “I love you”. Vậy thì, trong đời sống đạo, xin Chúa cho chúng con cũng luôn siêng năng cầu nguyện để bày tỏ tình nghĩa liên hệ Cha-con với Chúa, và liên hệ anh-em với nhau. Amen.

Bắc Ninh