RƯỢU MỚI – BÌNH MỚI

Là Kitô hữu trưởng thành hẳn chúng ta cách nào đó hiểu lời dạy của Chúa Giêsu về chủ đề rượu mới – bình mới. Bước vào thời Tân Ước chúng ta được Người mạc khải Thiên Chúa, Đấng chúng ta tôn thờ là Cha toàn năng chí ái. Vì thế tâm tình chính đáng và phải đạo cần có đó là tâm tình hiếu nghĩa của người con. Chúa Giêsu làm nổi rõ chân lý này qua lời kinh duy nhất Người truyền dạy là “Kinh Lạy Cha”. Rượu mới thì bình chứa phải mới. Tâm tình đức tin mới thì hình thức, cung cách sống đạo phải đổi mới là chuyện đương nhiên.

Thế nhưng để canh tân cung cách sống đạo cho phù hợp với niềm tin thì không hẳn dễ dàng hay là chuyện một sớm một chiều. Xin đan cử hai trường hợp liên quan đến hai vị Tông đồ trụ cột của Giáo hội đó là Phêrô và Phaolô.

Thánh Phêrô:

Được Chúa mạc khải qua thị kiến ba lần thấy từ trời sa xuống tấm khăn trong đó có nhiều giống vật như rắn rít…mà theo luật Do Thái giáo là vật nhơ uế không được dùng, bỗng có tiếng từ trời phán chúng là thanh sạch thì Phêrô nhận ra thánh ý Thiên Chúa rằng anh em lương dân cũng đáng hưởng nhận tình thương của Thiên Chúa như người Do Thái. Vì thế khi Cornêliô, một viên đại đội trưởng người Rôma, một anh em lương dân sai các gia nhân đến gặp Phêrô và xin ngài đến rao giảng Tin mừng cho họ thì Phêrô đã đi với họ. Ngài không chỉ rao giảng Tin Mừng mà còn lui tới và đồng bàn với anh em lương dân (x.Cv 10).

Thế nhưng sau đó khi một số Kitô hữu gốc Do Thái là người của ông Giacôbê từ Giêrusalem đến thì Phêrô đã ngại ngần tiếp xúc với anh em gốc dân ngoại vì sợ những người được cắt bì phê phán theo luật sạch nhơ. Thánh Phaolô đã thẳng thắn phê bình trước mặt thánh Phêrô cho rằng đó là sự giả hình và là cớ cho cả Barnaba và nhiều người Do Thái khác sống giả hình theo (x.Gl 2,11-13).

Thánh Phaolô:

Ngài và Barnaba đi rao giảng Tin Mừng cho anh em lương dân và có rất nhiều người đón nhận Tin Mừng. Có nhiều Kitô hữu gốc Do Thái, là người thuộc phái Pharisiêu từ Giuđêa đến Antiôkia yêu cầu anh em gốc dân ngoại muốn trở thành Kitô hữu thì phải chịu phép cắt bì và giữ luật Môsê. Thế là đã có những cuộc tranh luận xảy ra. Phaolô và Barnaba lên Giêrusalem trình bày với các tông đồ những sự việc lạ lùng mà Chúa đã thi ân cho anh em dân ngoại. Các tông đồ bèn họp Công đồng đầu tiên tại Giêrusalem. Sau khi họp các ngài ra văn thư là anh em lương dân trở lại đạo không phải chịu phép cắt bì và một số luật Môsê nữa vì đó là gánh ách nặng nề mà cha ông họ, người gốc Do Thái không thể gánh nổi (x. Cv 15).

Thánh Phaolô là một trong những người mạnh mẽ khẳng định rằng anh em lương dân vào đạo thánh Chúa Kitô thì không cần phải chịu phép cắt bì. Thế mà ít lâu sau đó, tại Lytra, khi chọn môn đệ Timôtê, có người mẹ Do Thái đã tin Chúa và bố là người Hy lạp, một lương dân thì chính Phaolô lại đem Timôtê đi làm phép cắt bì, vì ngài nễ sợ những người Do Thái ở đó (x.Cv 16,1-3).

Sử dụng bình mới là cách thức sống đức tin mới cho phù hợp với rượu mới là Giao Ước mới quả thật không mấy dễ dàng. Giáo hội luôn mãi canh tân cách sống đạo của mình. Nỗ lực cải tổ và canh tân Giáo hội của các Đức Thánh Cha gần đây đặc biệt là Đức Phanxicô là một minh chứng. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều lực cản từ những người không phải từ chối rượu mới nhưng lại thích sử dụng bình cũ. Hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô mà còn gặp khó khăn huống là các đấng kế vị. Sau những lần tiếp kiến đoàn tín hữu thì Đức Phanxicô thường xin cầu nguyện cho Ngài. Lạy Chúa xin tuôn đổ đầy tràn Thần Khí Chúa trên Đấng kế vị thánh Phêrô, Đấng thay mặt Chúa Kitô đang dẫn dắt Giáo hội của Người.