Chúa Nhật THỨ V MÙA CHAY NĂM C
HỌC TẬP LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA

“Tôi không lên án chị! Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Đó là lời đầy yêu thương, ấm áp mà Chúa Giêsu đã ngỏ với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Đó cũng là lời kết cho bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ V mùa Chay: Không những làm nên một cái kết có hậu, mà còn là lời đẹp dẫn tới một cái kết đẹp, cho thấy lòng Chúa Giêsu tha thiết yêu con người. Người đến trần thế không phải để lên án, nhưng để tha thứ và đón nhận con người trong tình yêu thương đầm ấm. Đúng như những lời mà Chúa từng khẳng định: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ” (Ga 3, 17).

“Tôi không lên án chị! Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” là đoạn kết của câu chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình mà những kinh sư và pharisêu đã muốn dùng chị để khai tử Chúa Giêsu. Nếu Chúa tha cho chị, Chúa sẽ bị coi là kẻ ủng hộ cho hành động tội lỗi, ủng hộ sự vô luân lý. Biết đâu nhân cơ hội này, người ta sẽ nghi ngờ Chúa cũng đã từng phạm tội, nên mới bao che cho tội lỗi… Hơn thế, nếu tha cho chị, Chúa sẽ bị kết án là kẻ chống lại lề luật. Vì theo luật Môisen, phụ nữ phạm tội ngoại tình phải bị ném đá. Một khi bị kết tội chống đối lề luật, viên đá đầu tiên sẽ không rơi vào người phụ nữ, nhưng cầm chắc, nó sẽ nhắm vào chính bản thân Chúa.

Nếu Chúa phán quyết chị phải bị ném đá như luật dạy, Chúa tự mình đi ngược lại lời dạy hãy yêu thương, hãy tha thứ của chính Chúa. Chúa cũng sẽ mất hết uy tín và ảnh hưởng như một bậc Thầy đã từng làm bạn với người tội lỗi, dẫn đưa người tội lỗi trở về với đời sống công chính. Chúa sẽ trở thành kẻ bị coi là lừa bịp trong lời giảng dạy, vì giảng dạy thì hay, nhưng không áp dụng giáo lý của chính mình đưa ra. Chúa sẽ bị kết tội là kẻ độc ác chẳng thua gì lề luật. Ngoài ra, nếu Chúa cho phép ném đá chị, những người thù ghét Chúa có thêm cơ hội để kết tội Chúa vi phạm luật Rôma và chống lại chính quyền đế quốc. Vì chỉ có một mình chính quyền Rôma mới được xử án tử hình mà thôi.

Dẫu sao, người phụ nữ đã may mắn. Chị vẫn sống. Chị thoát chết. Nếu hôm ấy những kẻ tố cáo chị không đưa chị đến trước mặt Chúa Giêsu. Nếu hôm ấy, không có Chúa Giêsu. Nếu hôm ấy, các kinh sư, các pharisêu không thủ đoạn và quỹ quyệt muốn cùng một lúc “bắn một mũi tên, giết chết hai con mồi”, chị đã bị tử hình.

Nhìn lại và đối chếu hai thái độ: một bên là Chúa Giêsu, bên kia là những kẻ lên án người khác, chúng ta cảm nhận một nghịch lý lớn vô cùng. Đó là:

- Chỉ mỗi một mình Thiên Chúa là Đấng vô tội và Chúa Giêsu chẳng biết phạm tội là gì, lại bao dung, khoan nhân, rộng lượng cảm thông với con người cách hết sức dễ dàng.
- Chỉ mỗi một mình Thiên Chúa mới có quyền kết án tội nhân, thì Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa, chẳng những không kết án, lại tha thứ một cách quá nhanh chóng, tha thứ vô điều kiện.
- Còn loài người, không ai không khiếm khuyết, không ai không lỗi lầm, không ai không cần đến sự cảm thông của mọi người, lại khó có thể độ lượng, nhân từ. Lẽ ra, càng biết mình yếu đuối, nhỏ nhoi, chúng ta càng phải cố hết sức trao cho nhau lòng nhân hậu, lòng từ tâm để có thể nhận lại sự cảm thông, sự chia sớt, thì chúng ta lại làm ngược lại: độc đoán, độc ác, lên án nhau, soi mói nhau, hiềm thù nhau, gây mâu thuẫn cho nhau. Đã biết bao nhiêu lần, chúng ta không hề trao cho người khác điều mà chính mình cũng cần như họ. Nếu ai cũng biết trao cho người khác điều mình cần, thế giới sẽ bình an, cuộc sống xung quanh sẽ tốt đẹp biết chừng nào.
- Trong khi không ai trong chúng ta có quyền kết án anh chị em mình, thì chúng ta lại lạm quyền, tự cho mình quyền phán xét và kết án kẻ khác. Chúng ta chẳng có quyền gì trên anh chị em, vậy mà biết bao nhiêu lần, chúng ta bới móc cái xấu của người khác để mà kết án, để mà trị tội. Chúng ta thật xấu xa, ích kỷ, bởi chúng ta cần cái mà chúng ta không muốn trao tặng. Chúng ta muốn người ta làm cho mình điều tốt, trong khi chúng ta đối xử với anh chị em bằng những điều tệ hại.

Thái độ nhân từ của Chúa đối với người phụ nữ ngoại tình là bài học cho chúng ta. Cần phải khắc ghi lòng nhân từ ấy để sống vì phần rỗi của chính mình, vì sự bình an cho hết mọi môi trường chúng ta sống.

Trong một xã hội mà ai cũng đến với nhau bằng tình yêu nhân từ, chắc chắn mọi chia rẽ, mọi oán thù, mọi chém giết sẽ bị tận diện. Lòng nhân từ được đề cao, cũng có nghĩa là tình yêu, sự hòa bình, niềm hạnh phúc sẽ lên ngôi. Chúa Giêsu để lại cho ta bài học quý giá về tình yêu nhân từ. Ta phải học lấy.

Thế giới còn nhiều hận thù. Chúng ta, những Kitô hữu, có trách nhiệm làm giảm và xóa bỏ hận thù theo gương Chúa Giêsu. Nhờ nỗ lực của từng người Kitô hữu như thế, chúng ta sẽ làm cho thế giới, cho môi trường sống xung quanh mình lành mạnh hơn, đáng yêu hơn, đáng sống hơn.

Hãy lột bỏ khuôn mặt không bao giờ biết nhìn nhận mình có tội, chỉ biết giương giương tự đắc mình là Con Thiên Chúa, là kẻ trong sạch của luật sĩ, kinh sư và pharisêu. Hãy lột bỏ khuôn mặt đầy nham hiểm, độc ác, chỉ biết ganh ghét, chỉ biết nuôi lòng thù và tìm cách trả thù, chỉ chuyên lên án và kết tội người khác của luật sĩ, kinh sư và pharisêu.

Hãy học lấy và học thuộc lòng bài học của tình yêu, của lòng khoan nhân, độ lượng lớn lao đến nỗi núi không thể đo, biển không thể lường của Chúa Giêsu. Hãy bắt chước tình yêu cao cả của Chúa mà sống xứng danh môn đệ Chúa