Chúa Nhật V Thường Niên

Một chiếc thuyền đánh cá, trở thành toà giảng dạy và rồi biến thành biểu tượng của giáo hội truyền giao.

(Lc. 5,1-11)

1. Một chiếc thuyền đánh cá…

Chúng ta sẽ được thấy Luca vẽ bức tranh này một cách rất tài tình, khi đặt việc Đức Giêsu kêu gọi những môn đệ đầu tiên trong bối cảnh một mẻ lưới lạ lùng, quanh chiếc thuyền đánh cá

- Theo Phúc Âm Máccô và Mátthêu, hành động đầu tiên của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ là kêu gọi các môn đệ. Còn trong Phúc Âm Luca, đầu tiên Đức Giêsu lại được giới thiệu xuất hiện một mình đứng trước đám đông, rồi chỉ sau đó Người mới kêu gọi các môn đệ.

+ Trước tiên là "Simon", chủ chiếc thuyền mà lát nữa Đức Giêsu sẽ ngồi vào vị trí của ông. Chỉ trong có ít dòng mà tên ông được nói tới năm lần, trong đó có một lần và là lần đầu tiên ông được gọi là Simon-Phêrô

+ Rồi đến "hai con ông Zêbêđê là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simon"

+ Cả ba ông, Phêrô, Giacôbê, Gioan, được kêu gọi trước tiên, sẽ là những chứng nhân đặc tuyển được chứng kiến việc hồi sinh cho con gái ông Giairô, việc Chúa biến hình sáng láng trên núi Taborê (Lc.9,28) và vào riêng vườn Giệt Mt 26,37.

- Khung cảnh là "ven bờ Biển hồ Ghennêxarét" : Đức Giêsu giảng dạy bên bờ hồ, bao quanh Người là đông đảo dân chúng chen lấn nhau "để nghe lời Thiên Chúa ". Luca kể: Có hai chiếc thuyền đậu gần đó. Còn "những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới", sau khi đã đi đánh cá suốt đêm trở về mà chẳng được con cá nào.

R. Meynet nhận xét: "Đức Giêsu ở bên bờ hồ, bao quanh Người là đông đảo dân chúng chen lấn nhau. Trong khi đó, những người dân chài đang lo toan công việc thường ngày của họ : họ đang giặt lưới. Đám đông có đó, nhưng dân chài (cả 3 môn đệ đầu tiên Phêrô, Giacôbê, Gioan) họ lại không tham dự cùng với đám đông. Đám đông đang lắng nghe lời Chúa, còn họ đang giặt lưới" ("L’Évangile selon saint Luc. Phân tích tu từ", tập 2, trg 70).

2. Trở thành tòa giảng …

Bỗng dưng mọi sự bắt đầu đảo lộn. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, "thuyền đó của ông Simon và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút".

Thế là từ đây hai người, Đức Giêsu và ông Simon, là những kẻ "đồng hội đồng thuyền" dấn thân vào cùng một cuộc phiêu lưu : Simon, người dân chài của Biển hồ sát cánh liền kề với Đức Giêsu, người đang "ngồi" trong tư thế của một vị tôn sư dạy dỗ các môn sinh của mình, để ngỏ lời với đám đông. "Con thuyền của Phêrô đã trở thành tòa để giảng dạy" (Sđd).

Ngày nay, trong các đám đông vận động hoặc biểu tình, ta cũng thường thấy cảnh diễn giả, người vận động đứng trên mui xe, nóc nhà để cho mọi người dễ thấy và nhất là để nói cho mọi người dễ nghe. Họ biến mui xe, nóc nhà thành diễn đàn; còn Đức Giêsu biến con thuyền thành toà thuyết giáo di động. (Nhà thờ di động)

3. và cũng là biểu tượng Giáo hội truyền giáo.

Giảng xong, Chúa Giêsu nói " Hãy chèo ra chỗ nước sâu, (ra khơi: duc in alto) mà thả lưới bắt cá", giờ đây Đức Giêsu lệnh cho ông Phêrô như vậy. "Bắt cá", chuyện đó các ông đã vất vả "suốt cả đêm rồi mà không bắt được gì cả" dù rằng đêm tối vẫn là thời điểm thích hợp nhất cho việc đánh cá. Vậy mà, đang lúc các bạn chài người Nadarét của ông từ chối đề nghị kia của Đức Giêsu, thì Simon lại đầu hàng trước lệnh của người dân quê miền đồi núi Nazaret ấy, tức là Giêsu, thợ mộc vốn chẳng biết gì về chuyện chài lưới cả, ông đáp: "Thưa Thầy, dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới".

- Lời của Đức Giêsu tỏ ra rất hữu hiệu, vì mẻ lưới bắt được rất nhiều cá, đến nỗi lưới hầu như bị rách; họ phải "làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp", dẫu sao hai thuyền đều đầy cá đến gần chìm.

Thế là ông liền quỳ gối sấp mặt dưới chân người khách trên thuyền của mình như sấp mặt trước "Đức Chúa" vậy:"Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi".

- Câu trả lời mà Simon nhận được từ Đức Giêsu sẽ đánh dấu một khúc quanh quyết định cho cuộc đời của ông :"Đừng sợ, từ nay anh sẽ bắt người như bắt cá" (=lưới người).

+ "Anh sẽ bắt người" : sát nghĩa là : anh sẽ bắt những con người sống, có nghĩa là anh sẽ giựt lên những con người đang sống, anh sẽ kéo họ ra khỏi thế lực của sự ác để bảo đảm cho họ được sống an lành. Là "ngư dân, dân chài", Simon-Phêrô vẫn sẽ giữ nghề đánh cá, nhưng cái nghề đi tìm cá ban đêm của ông, một khi thay đổi đối tượng: cá “người,” thì cũng sẽ thay đổi ý nghĩa.

"Từ nay", sứ mệnh của ông sẽ là lôi kéo người ta ra khỏi vòng kiềm tỏa của sự ác và cái chết, mà thời đó người ta vốn dùng hình ảnh biểu tượng là chỗ nước sâu, để đưa họ đến cõi sống.

- Thế rồi, sau khi đã đưa thuyền vào bờ, Simon-Phêrô, Giacôbê và Gioan "bỏ hết mọi sự mà theo Đức Giêsu " "để dấn thân vào con đường mà theo kiểu nói của Ph. Bossuet và J. Radermakers, sẽ là một cuộc thả lưới lâu dài nhất và phi thường nhất trong cả cuộc đời của các ông" ("Đức Giêsu, Lời ban Ân sủng theo thánh Luca", tr.183).

Nếu Chúa Giêsu biến thuyền Phêrô thành toà giảng và thành biểu tượng của giáo hội truyền giáo (ra sâu bắt người sống), thì ta cũng có thể biến nhiều thứ thành toà giảng để bắt người sống. Ta có thể thấy khó mà sánh kịp với một Phanxicô Xavie, biến thuyền thành toà, biến đất thành đế, (nâng niu bàn chân Việt) biến biển thành nước thánh tẩy, để đưa 100 ngàn, và ngài còn dự định xa nữa, nhưng Chúa đã gọi ngài về lúc 46 tuổi (1506-1552), khi tại đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quảng Châu, mắt hướng về Trung Quốc cánh đồng sẽ bội thu. Nếu ta khó có thể sánh kịp một góc nhỏ của Phanxicô Xavie, thì ta không nên thua một vị khác, biến bốn bức tường thành toà giảng, và thành nơi câu các linh hồn sống.

Trong “Truyện Một tâm hồn” thánh nữ Terexa Hài đồng Giêsu có thuật lại một hy sinh rất đẹp của thánh nữ: “Một lần tại nhà giặt, con ngồi đàng trước một chị. Chị này giặt khăn tay, chốc chốc lại làm bắn nước bẩn vào con. Thoạt đầu, con muốn là ngay ra lau mặt cho chị ấy biết để đừng làm bắn nước bẩn vào con nữa. Nhưng nghi lại như thế là dại, vì bỏ mất những hạt ngọc người ta tặng cho mình một cách rất đại lượng, và con đã thôi không tỏ vẻ khó chịu gì hết. Hơn nữa, con lại cố nén mình để ước ao nước bẩn ấy bắn lên con rất nhiều. Qua nửa giờ, con đã cảm thấy sự vui thú được vấy nước bẩn. Con định bụng hễ sau này có dịp lại đến chốn đất lành ấy để được làm giầu (hạt ngọc) không mấy khó khăn”.

Chỗ khác, chị thánh còn nói: “Với lòng kính mến Chúa, thì dù cúi xuống đất nhặt một cây kim nhỏ, ta cũng cứu được một linh hồn.

Một lần nọ, chị coi nhà liệt khuyên Chị thánh mỗi ngày nên đi bách bộ ngoài vườn 15 phút. Chị thánh coi lời khuyên đó như một mệnh lệnh. Bữa kia vào lúc quá trưa, một chị trông thấy Chị thánh bước đi khó khăn quá, mới thương hại bảo rằng:

- Chị về nằm nghỉ có lẽ lợi hơn đi bách bộ, đi như thế chỉ thêm mệt.

Chị thánh thưa lại:

- Vâng chính thế: nhưng chị có biết em lấy sức gì để đi được không ? Em đi để làm ích cho một vị truyền giáo, với ý nghĩ: ở cõi xa xăm kia, có vị truyền giáo dường như đã kiệt sức vì mải miết theo đuổi công cuộc mở mang nước Chúa: em muốn dâng lên Chúa những bước đi mệt nhọc này để vị tông đồ kia đỡ nhọc mệt.

Hãy biến bàn học, bàn giấy, quày hàng, cỗ máy… thành những toà giảng, để câu, chài, bắt nhiều người sống về cho Chúa, ít ra là như cách bắt của chịTêrêxa trên. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(góp lại từ Đồng Hành, Tgm Kiệt…)