Số Phận Ngôn Sứ

(Chúa Nhật IV TNC)

Đã là Kitô hữu thì thảy đều được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương giả. Lướt cái nhìn qua ba sứ vụ ấy thì sứ vụ tư tế xem ra được kính nể hơn cả. Sứ vụ vương giả tuy có nhiều vất vả nhưng lại được trọng kính một cách nào đó. Còn sứ vụ ngôn sứ thì có lẽ hẩm hiu nhất.

Làm ngôn sứ là nhân danh Chúa và thay mặt Chúa mà trình bày ý, lời của Chúa cho đồng loại. Lời Chúa là lời tình yêu, nhưng cũng là lời chân lý. Chính vì thế mà Lời Chúa được ví như thanh gươm hai lưỡi phân rẽ tâm hồn con người. Ngay lời của con người, nếu là lời của sự thật, thì cũng đã dễ mất lòng. Phận người chúng ta xem ra công ít mà tội nhiều. Mặt tốt cũng có, việc lành cũng có, nhưng chẳng đáng là bao so với mặt tồn tại và những lỗi lầm. Và thế là người ta thật khó chấp nhận khi sự thật về con người mình bị phơi bày.

Ngôn sứ là người thường nói những lời khó nghe. Vâng lệnh Thiên Chúa để nói lời tình yêu mà cũng là lời sự thật, quả là một sứ vụ đầy cam go. Hình như các ngôn sứ khi được Chúa kêu mời thi hành sứ vụ, thì thường run rẩy hoặc tìm cách thoái thác. Quả thật chuyện “chưa được mạ thì má đã sưng” là chuyện xưa nay không hiếm. Nói lời sự thật cho nhau, nhất là cho những người đang nắm quyền cao, chức trọng, thì biết bao nguy hiểm rình chờ ập xuống đầu, xuống cổ, không biết khi nào. Thế mà Chúa vẫn cứ bảo với ngôn sứ: “Người hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ, nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn” (Gr 1,17).

Đã là ngôn sứ thì phải nói lời sự thật. Đây không chỉ là sứ mạng mà còn là cái giá của hạnh phúc người sứ ngôn. Nếu không nói thì chính sứ ngôn sẽ nhận lấy tại họa từ chính Thiên Chúa: “chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ”. Nếu người ngôn sứ mà không nói cho kẻ gian ác biết điều gian ác nó đã phạm, khiến nó phải chết trong sự gian ác của nó, thì chính Thiên Chúa sẽ đòi nợ máu nó nơi người sứ ngôn (x.Ed 3,18).

Vấn đề thật lắm oái ăm và thật nhiêu khê, khi nói lời sự thật mà đó là những sự không hay, không tốt có đụng chạm đến những người chức cao quyền lớn thì rất dễ bị quy chụp là phản động, là gây chia rẽ, là vạch áo cho người xem lưng, là… Và số phận các sứ ngôn từ trước đến nay dường như chẳng khác nhau bao nhiêu, chẳng hạn như Êlia, Giêrêmia, Gioan Tẩy Giả…thảy đều có kết cục chẳng sáng sủa chút nào.

Tuy nhiên làm sao để phân định rằng khi nào thì một ngôn sứ nói lời chân lý do Chúa phán truyền? Bởi chưng, cũng vẫn có đó nhiều sứ ngôn giả hiệu, chỉ nói những điều mình muốn nói, cho dù nhiều lúc đó là sự thật, nhưng không phải do Chúa ra lệnh nói. Chúng ta đừng quên, thần dữ cũng đã từng xui khiến nhiều người nó ám, mở miệng tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng Messia và Chúa Kitô đã ngăn cấm chúng (x.Mc 1,21-28; Lc 4,31-37).

Dĩ nhiên, đã là ngôn sứ chính hiệu thì phải nói những gì Chúa phán dạy. Những gì Chúa phán dạy luôn hướng đến điều tốt đẹp. “Đã nhổ thì phải biết trồng”; “Đã đập phá thì phải biết dựng, biết xây” (x.Gr 1,10; 18,7-10). Ngôn sứ chính hiệu thì sau khi phê phán những điều tiêu cực, những mặt hạn chế, những lỗi lầm của con người, của xã hội, thì luôn đề ra giải pháp khắc phục và biện pháp sửa sai.

Như thế, mục đích của sứ ngôn khi nói lời sự thật thì luôn nhằm điều thiện hảo cho người nghe. Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô rằng để mọi hành vi của chúng ta có giá trị thì phải xuất phát từ một tấm lòng đầy đức mến. “Giả như tôi được ơn nói tiên tri (làm ngôn sứ), và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13,2). Tình mến ở đây phải là tình yêu như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Tình yêu thương đích thực được biểu hiện qua việc chúng ta làm tất cả chỉ vì hạnh phúc người mình yêu mến, trong sự liên đới đến cùng. Thánh tông đồ dân ngoại đã từng thốt lên:“Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên” (2Cr 11,29).

Một ngôn sứ của Chúa thì phải nói lời Chúa dạy. Lời Chúa dạy luôn là lời tình yêu, lời sự thật. Khi đã nói lời sự thật, dù rằng khởi đầu bằng những hiện thực chẳng hay chẳng tốt về tha nhân hay xã hội nhưng được kết thúc bằng những phương thế giúp nhau hoán cải, đổi thay, thăng tiến. Ngôn sứ của Chúa thì luôn chân thành mong ước điều tốt đẹp cho cả người mình phê phán hay góp ý. Và dĩ nhiên một trong những hệ quả dù không mong cũng thường xảy đến đó là thập giá.

Giêrêmia đã phải hứng chịu nhiều nỗi truân chuyên khi làm kiếp “tứ phía kinh hoàng” (x.Gr 20,4). Đó là thân phận con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt. Và ngay cả những người đồng hương của ngài, dân Anathốt, cũng đã đe dọa làm hại tính mạng ngài (x.Gr 11,19-21). Số phận của Vị Đại ngôn sứ là Giêsu Kitô cũng không hơn gì. Khi thẳng thắn nói cho người đồng hương biết về tính phổ quát của ơn cứu độ, tức là tình yêu của Thiên Chúa không dành riêng cho một ai, một dân tộc nào, một xứ sở nào, thì Chúa Giêsu đã phải đón nhận sự phẫn nộ, đúng hơn là sự cuồng nộ của dân Nagiarét. Sự ích kỷ đã làm cho tâm hồn người dân Nagiarét lúc bấy giờ ra mù quáng. Ăn không được thì đập bỏ, chứ không cho kẻ khác hưởng nhờ chăng? Dù sao đi nữa thì thái độ cuồng nộ đến nỗi bắt Chúa Giêsu đem lên núi để xô Người xuống vực cho chết là một thái độ không thể hình dung, nhưng lại là sự thật.

Một vài nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng Chúa Giêsu có hai lần về Nagiarét. Một lần thì Người được tung hô, đón nhận, và lần khác thì bị tẩy chay, ngược đãi. Thế nhưng, việc thánh sử Luca kể liền một mạch hai thái độ trái ngược của người đồng hương Chúa Giêsu cũng nhắc nhớ cho ta thấy rõ lòng người rất dễ đổi trắng thay đen, khi sự ích kỷ, nhỏ nhen ngự trị. Sau này dân thành Giêrusalem cũng thế. Trước thì hoan hô, chúc tụng Con vua Đavit, thế mà sau đó mấy ngày lại giơ cao nắm đấm, la gào: “đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá”(x.Mt 21,9; 27,23).

Làm tất cả vì hạnh phúc người mình yêu, nói lời sự thật cho mình yêu và rồi sẵn sàng đón nhận sự ngược đãi, bách hại trong sự khoan dung, tha thứ, chính là chân dung ngôn sứ thật. Tuyên phán những sự may lành thì không khó, nhưng khi phải nói những điều chẳng hay, để giúp nhau thay đổi thì quả là chẳng dễ chút nào, nhất là khi sự chẳng hay ấy lại liên hệ đến những người có thể làm hại chúng ta cách này cách khác. Tuy nhiên đã là Kitô hữu thì tất thảy chúng ta đều phải làm sứ ngôn cho Thiên Chúa. Đây là một sứ mạng không thể khước từ hoặc cố tình xao nhãng hoặc tìm cách biện bạch để bỏ qua. Ước gì không một ai trong chúng ta, cách riêng các mục tử trong Giáo hội, phải hứng chịu lời tuyên án của Thiên Chúa khi Người đòi nợ máu của người gian ác trên mình, vì đã không chu toàn sứ mạng ngôn sứ: nói lời tình yêu và nói lời sự thật.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.