Do lỗi của Emirates Airlines không nối được chuyến bay cùng ngày 26-11 đi Rôma, việc đầu tiên đến Rôma chiều ngày 27-11 của chúng tôi là vội vàng tới Visitor’s Office tại Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỹ để lấy vé tham dự buổi yết kiến chung vào ngày hôm sau.

Vé yết kiến mầu vàng

Từ Khách Sạn ở cạnh Piazza di Spagna (quảng trường Tây Ban Nha), chúng tôi cuốc bộ tới gặp các dì dòng Mercy of Alma, có nhà mẹ ở Michigan, một dòng tu được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỹ trao cho việc quản lý Visitor’s Office để giúp đỡ các khách hành hương Hoa Kỳ tới viếng Rôma. Chúng tôi phát xuất từ Sydney, nhưng các dì vẫn sẵn lòng giúp giữ vé hộ. Mà không phải vé thường mầu nâu mà là vé đặc biệt mầu vàng với hàng chữ Reparto Speciale viết đậm và khổ chữ lớn hơn các hàng chữ khác. Đọc thêm thì thấy ghi: Il bigleto del tutto gratuito (vé không tốn tiền!). Hỏi lý do, thì thầy phát vé (có hai thầy đại chủng sinh giúp các dì) cho hay: Chúa lo liệu. Âu cũng bù lại cái xui của hôm trước, phải vô duyên ngủ lại đêm ở Dubai.

Ngày hôm sau dậy thật sớm, lấy metro từ trạm Spagna, qua hai trạm nữa thì tới trạm Ottaviano, đi bộ đuối người mới tới hàng cột Bernini. Nhưng lòng phơi phới y hệt đoàn người lũ lượt theo đường Ottaviano tiến về Vatican. Đến lúc xếp hàng qua trạm an ninh ở hàng cột Bernini mới thấy Giáo Hoàng có nhiều “sư đoàn” hơn tay tổ Stalin hỏi ngài: thiển nghĩ, các “sư đoàn” này dám liều mạng để cứu “thống tướng” của họ lắm. Bởi họ vượt trùng khơi đến đây chỉ để thoáng trông thấy ngài cũng đủ hả lòng. Ai nấy hân hoan ra mặt, chẳng cần dấu giếm, kể cả các linh mục và nữ tu, bất phân tuổi tác. Và họ thật kiên nhẫn, tuân theo mọi thủ tục cần thiết.



Trái với lời của dì dòng tại Giáo Hoàng Học Viện Bắc Mỹ, qua trạm an ninh, chúng tôi được chỉ thị quẹo trái, thay vì quẹo phải để vào Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô. Thì ra, hôm nay, Đức Phanxicô đãi mấy tín hữu Sydney bị lỡ chuyến bay nối kết giữa Dubai và Vatican, nên đã “tiếp” họ tại Đại Sảnh Phaolô VI, thân mật và ấm áp hơn nhiều.

Bản thân người viết mắc chứng bệnh Tôma, nên vẫn nghĩ: vé vàng thì vé, chắc tới nơi, “cá mè một lứa” chứ khác gì, ai mà lưu ý. Nhưng không, đưa vé ra, người hướng dẫn bảo lên cửa trước nghĩa là vào “bloc” ngay sau “bloc” của những người hoặc là khuyết tật hoặc là có chút “vị vọng” nào đó sẽ được bắt tay và chuyện trò “qua loa” với Đức Thánh Cha. Lọt vào bên trong thì quả thật là như thế.

Tuy nhiên, mấy anh chị em đồng hương đi từ Canberra còn được hân hạnh hơn nhiều: không những vé vàng mà còn được xướng danh trên loa phóng thanh. Chúng tôi có dịp vẫy tay chào một số anh chị em từ xa, vì họ ngồi ở “bloc” bên trái khán đài, trong khi chúng tôi ngồi ở bên phải. Nhưng họ chỉ nghe xong bài giáo lý của Đức Giáo Hoàng rồi rời khỏi vì lịch trình chuyến đi không cho phép ngồi thêm. Chúng tôi đi riêng, nên đã ngồi cho tới lúc Đức Phanxicô rời khỏi phòng yết kiến.

Đại Sảnh Phaolô VI hôm đó chật ních người, chuyện trò rỉ rả. Nhưng khi thấy màn ảnh chiếu hình Đức Phanxicô xuất hiện, mọi người nhốn nháo cả lên, ai nấy dạt qua hàng rào cản hai bên lối Đức Giáo Hoàng tiến vào. Người viết khổ người không cao, nên chỉ thấy ngài lúc ngài gần tiến lên khán đài. Ngài ngồi đó, thật gần mà cũng thật xa.

Sau đó là các màn giới thiệu bằng đủ thứ tiếng. Các vị chức sắc của Vatican vị nào cũng ân cần làm việc, phải chăng vì “careerism” (thăng tiến nghề nghiệp) như có lần Đức Phanxicô than phiền?

Tóm lược bài giáo lý

Rồi đến bài đọc, và bài Tin Mừng và sau đó là bài giáo lý bằng tiếng Ý của Đức Phanxicô. Cụ muốn nói gì thì nói, con có hiểu gì đâu. Rất may, trước bài giáo lý có phần giới thiệu bằng tiếng Anh và sau bài giáo lý có phần tóm lược bằng tiếng Anh, nên cũng nắm được phần nào nội dung.



Hôm nay, ngài kết thúc loạt bài giáo lý về Mười Điều Răn. Và bản tóm tắt chính thức bằng tiếng Anh viết như sau:

“Anh chị em thân mến: trong bài giáo lý này, bài sau cùng của chúng ta về Mười Điều Răn, dưới ánh sáng của Chúa Kitô, chúng ta suy niệm về việc không nên coi Mười Điều Răn như một loạt các qui luật, mà đúng hơn như một hướng dẫn để đạt tới sự sống chân chính của con người, một sự sống sẽ đạt tới thành toàn trong yêu thương, hân hoan và bằng an phát sinh từ việc vâng theo thánh ý Chúa Cha. Chúa chúng ta đến không phải để bãi bỏ Lề Luật nhưng để làm trọn lề luật ấy. Chúa Thánh Thần, bằng cách giúp chúng ta sống cuộc sống mới trong Chúa Kitô, đã lấy đi trái tim bằng thịt của chúng ta và dẫn trái tim này tới các ước muốn thánh thiện từ bỏ tội lỗi và nên đồng hình đồng dạng với trái tim của chính Chúa Giêsu, tình yêu và các ước muốn của Người. Mười Điều Răn mời gọi chúng ta, trước nhất, đi vào mối tương quan tín trung và đầy yêu thương với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, bác bỏ mọi ngẫu thần giả tạo vốn nô dịch chúng ta, và tìm được sự nghỉ ngơi chân chính trong sự tự do của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần. Sau đó, chúng dạy ta phải sống ra sao đời sống đã được cứu chuộc; đời sống này có đặc điểm là trung thành, chính trực và trung thực đối với người lân cận ta. Các giới răn cho ta thấy khuôn mặt của Chúa Kitô và mở cửa dẫn vào sự sống mới của ơn thánh; bằng cách chấp nhận tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa, chúng ta tìm được chính mình và nguồn vui bất tận”.

Đọc các tường trình bằng tiếng Anh sau đó, mới thấy: trong bài giáo lý, Đức Phanxicô năng dùng các thuật ngữ y khoa. Ngài ví Mười Giới Răn như “quang tuyến X” của Chúa Kitô; chúng được mô tả như bản âm nhiếp ảnh của khuôn mặt Người.

Sau đó, ngài bảo: để có thể sống “trong vẻ đẹp của tín trung, đại lượng và chân chính, chúng ta cần một trái tim mới, có Chúa Thánh Thần ngụ cư”. Và ngài hỏi làm thế nào người Kitô hữu nhận được việc ráp tim (heart implant) như thế? Và ngài trả lời: bằng cách chiêm niệm Chúa Kitô và các điều răn của Người.

Tổng hợp hai ví von trên, ngài bảo: “nơi Chúa Kitô, tính tiêu cực biểu kiến trong các điều răn (đừng, chớ...) trở thành các lệnh truyền tích cực yêu thương, dành chỗ cho người khác trong trái tim ta”.

“Đó chính là sự viên mãn của lề luật mà Chúa Giêsu đã đến để đem tới cho chúng ta”. Bởi thế mới có câu: Chúa Giêsu đến không phải để bãi bỏ lề luật mà để làm nó nên viên mãn.

Sau bài giáo lý của Đức Thánh Cha là những bản tóm lược của cả khoảng hơn 10 thứ tiếng, lần lượt được các giáo sĩ của các ngôn ngữ khác nhau tuyên đọc. Vị nào cũng cung kính cúi đầu chào Đức Thánh Cha, sau đó ngỏ với ngài đôi điều, trước khi quay về phía công chúng tuyên đọc bản tóm lược.

Cậu bé tự kỷ chiếm khán đài



Cử tọa ít lưu ý tới những nội dung ấy, họ nóng lòng chờ đợi lúc Đức Thánh Cha rời khán đài xuống gặp gỡ họ. Nhưng có người chờ không được. Đó là cậu bé mắc bệnh tự kỷ. Cậu tự nhiên rời hàng cử tọa tiến lên khán đài, hết tới gần Đức Phanxicô, lại chạy qua người vệ binh Thụy Sĩ, tung tăng khắp khán đài. Cử tọa hoan hô vang dậy. Cậu vẫn tiếp tục tung tăng. Đức Thánh Cha và Đức Tổng Giám Mục Ganswein cười đùa với cậu. Người mẹ thấy thế vội chạy lên, nhưng thay vì đem cậu xuống, lại đưa cậu lại phía Đức Thánh Cha để cả mẹ lẫn con có dịp chào kính ngài. Không hiểu có phải Đức Thánh Cha bảo chị cứ để cậu bé ở lại khán đài hay không, nhưng đó là việc người mẹ đã làm. Khiến cử tọa hết lưu ý tới cậu bé, dù cậu tiếp tục làm các hành vi cũ... Có điều, lúc Đức Phanxicô xuống gặp cậu tại hàng các người khuyết tật, cậu tỏ vẻ không lưu ý tới ngài.

Hai hàng khuyết tật ở phía trái khán đài là những người được Đức Phanxicô xuống bắt tay hỏi han từng người trước nhất. Phần lớn là bắt tay, một số được ngài ôm hôn. Hết hàng khuyết tật đầu tiên, ngài trở lui để gặp một nhóm di dân Châu Phi, được một chức sắc Tòa Thánh hướng dẫn từ phía “bloc” chúng tôi ngồi, lên cánh trái của khán đài đứng chờ, khiến hàng khuyết tật thứ hai nôn nóng. Tuy nhiên, sau đó, ngài đã đến với họ. Hết hàng này, ngài lại trở lui để gặp một nhóm hỗn hợp khác, do một chức sắc Tòa Thánh hướng dẫn, mà lúc trở về chỗ cũ, chúng tôi mường tượng như là Tổng Giám Mục Scicluna, nên đoán đây là các nạn nhân của các giáo sĩ lạm dụng tình dục. Hàng những nàng dâu và chàng rể mới cưới, trong hôn phục, được Đức Phanxicô tới bắt tay hỏi thăm sau đó. Có những cặp tặng quà ngài, phần đông xin chữ ký. Rời hàng những người mới cưới, ngài trở lui gặp một nhóm rất đông các giáo sĩ dầy đến 4 lớp đứng đợi ngay chân khán đài. Ngài nói chuyện với họ khá lâu. Và sau đó tiến về “bloc” bên phải, gần sát khán đài, gồm hai hàng người, để chào thăm từng người, không rõ thuộc dạng nào, dường như thuộc ngoại giao đoàn, hoặc ít nhất thuộc loại vị vọng nào đó. Và họ là những người sau cùng được Đức Giáo Hoàng đích thân bắt tay thăm hỏi. Những người khác dù ca hát, hô “papa”, dù để con nít la lớn “papa” thay cho mình, cũng không được ngài tới bắt tay. Có hai nhóm đáng lưu ý nhưng không được ngài đến bắt tay là nhóm Neocatechumenal Way và nhóm linh mục kỷ niệm 25 năm thụ phong. Nhóm Neocatecumenal Way, dù náo nhiệt nhất, thường xuyên tự ý ca hát và hô “papa”, còn bị xếp ngồi ở hàng vé nâu! Dù mới đây, Tòa Thánh công bố đã thành lập một cơ quan đặc biệt gọi là CHARIS (“Catholic Charismatic Renewal International Service”) để lo cho các nhóm đặc sủng. Dù sao, khuyết tật, di dân và những người mới cưới đã được Đức Phanxicô chú ý nhiều hơn.



Lúc Đức Phanxicô rời Đại Sảnh Phaolô VI, lại một lần nữa, chúng tôi, dù đứng lên ghế ngồi, vẫn không trông thấy ngài. Người ta còn thi nhau đứng lên ghế ngồi trước chúng tôi. Kể cũng hơi tham vì lúc ngài ngồi trên khán đài, chúng tôi tha hồ ngắm nhìn ngài, nhất là lúc ngài tới thăm hai hàng khuyết tật và hàng dâu rể mới, ngài chỉ cách chúng tôi mấy thước, được thấy ngài “nguyên con”. Còn lúc ngài tới “bloc” vị vọng liền sát “bloc” của chúng tôi, thì người vây lấy ngài kín mít, không để lọt để chúng tôi chụp hình thấy cả ngài lẫn chúng tôi.

Từ giã Đại Sảnh Phaolô VI, chúng tôi đi thăm Viện Bảo Tàng Vatican và Nhà Nguyện Sistina. Không như năm 2005, lúc cùng đi với Cha Văn Chi, lần này chúng tôi không phải xếp hàng hằng giờ dọc theo bờ tường Vatican, mà vào ngay cửa vào Viện Bảo Tàng. Khung cảnh Viện Bảo Tàng vẫn như cũ. Vẫn những bức điêu khắc cổ Rôma, hàng thảm thêu sặc sỡ, hàng bản đồ các nước theo lối họa xưa... Người viết không quên nhìn qua cửa sổ để thấy cột ăngten của Đài Phát Thánh Vatican. Cột ấy vẫn cao như ngày nào, nhưng tầm quan trọng của Đài thì hình như không còn như năm 2005! Đúng là vật đổi sao rời. Lối tiếp dẫn vào Nhà Nguyện Sistina có thay đổi so với năm 2005, thay vì vào thẳng, chúng tôi phải qua một hành lang dài rồi đi ngược lại, qua nhiều bậc thang đi xuống để viếng thăm một số nghệ phẩm hiện đại, sau đó leo các bậc thang đi lên để vào chính điện Nhà Nguyện Sistina. Khung cảnh và bầu khí vẫn như xưa, cấm chụp hình, và các nhân viên ở đó sẵn sàng can thiệp để bạn không táy máy. Có điều lần này không ai chen lấn bạn cả, bạn được thư thả ngắm nhìn thỏa thích các bức danh họa trên trần, trên tường, khắp phía. Có những người còn ngồi lại trên các ghế dài để thưởng ngoạn chúng. Các tranh vẽ trần nhà nguyện của Michelangelo vốn được coi là một trong các nghệ phẩm gây ảnh hưởng hơn hết ở mọi thời và là công trình xây nền cho Nghệ Thuật Phục Hưng. Trần nhà nguyện dài 40 mét, rộng 13 mét và Michelangelo vẽ hơn 5,000 feet vuông hình thù (300 nhân vật) gồm đủ câu truyện trong Sách Sáng Thế từ lúc “tạo thiên lập địa” cho tới sau Hồng Thủy một chút. Bức Phán Xét Sau Cùng của ông trên khắp bức tường bàn thờ, vẽ sau tranh trần nhà 25 năm, cũng thu hút sự thưởng ngoạn của mọi người. Điều đáng lưu ý: Michelangelo vốn là một điêu khắc gia đại tài, hai bức tranh trần nhà và tường Nhà Nguyện Sistine là những bức tranh đầu tiên ông nhận vẽ, có người cho là để chứng tỏ cho những người mưu hại ông là họ đánh giá sai lầm về ông.

Nói về Michelangelo, người ta không thể quên các bức điêu khắc nổi danh mọi thời của ông là bức Pietà ở nhà thờ Thánh Phêrô và bức David ở Galleria Dell’Accademia ở Florence. Chúng tôi được chiêm ngưỡng bức trước khi viếng Nhà Thờ Thánh Phêrô, sau khi leo Cupola trong ngày, và bức sau khi thăm Galleria Dell’Accademia ngày 1 tháng 12, 2018 o83 Florence. David cao sừng sững với đủ gân guốc và bộ phận nam giới quả là một tuyệt tác chỉ có thể gợi lên lòng sùng mộ nghệ thuật. Nhìn ở góc cạnh nào, bức tượng cũng nói lên cái tinh tế tuyệt diệu của nhà siêu nghệ sĩ.



Lần viếng Bảo Tàng Viện Vatican và Nhà Nguyện Sistina lần này kéo dài hơn lần viếng năm 2005. Chúng tôi lần lượt được thăm hầu hết các khu, kể cả khu đồ đồng, với những kỷ vật nhỏ như đồng tiền Khải Định, lên cả sân thượng để ngắm cảnh Rôma, và kết thúc bằng cầu thang xoáy trôn ốc.

Rời Bảo Tàng Viện Vatican, chúng tôi tìm đường leo Cupola của Nhà Thờ Thánh Phêrô. Năm 2005, người viết chỉ theo thang máy lên tới giữa “dome” Nhà Thờ, có đường vòng bọc lưới sắt, nhìn xuống hàng chữ TU ES PETRUS ET SUPER HANC PETRAM AEDIFICABO ECCLESIAM MEAM (Con là Đá và trên đá này, Thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của Thầy) và bàn thờ Ngai Tòa Thánh Phêrô. Lần này, người viết nhất định leo tới Cupola. Nên từ Sydney đã sắm sẵn hai cây gậy chống. Leo được chừng 20 bậc đầu tiên là bắt đầu thở dốc, nhưng sau khi dừng lại chút đỉnh, lại tiếp tục leo; mệt lại dừng lại nghỉ, những người leo sau, phần vì nể, phần cũng cần nghỉ lấy sức, nên không ai kêu ca gì. Hóa ra, không ai không mệt lử khi leo lên tới đỉnh, cao đến 136.57 mét, là “dome” cao nhất thế giới, không riêng gì mình. Tuy nhiên, hiền nội vẫn phát ra một câu không biết để khen hay để chê: điên khùng, 13 năm trước không leo, 13 năm sau ở tuổi 80, mới leo. Khùng thiệt, nhưng tạ ơn Chúa! Con đã xuống được tới dưới để xuống tầng hầm Nhà Thờ Thánh Phêrô viếng mộ Thánh Phaolô VI vừa được hiển phong.