Bài nói chuyện của Gioan Lê Quang Vinh với Giới Trẻ giáo xứ Xóm Thuốc, TGP Sàigòn, Ngày 19/4/2018

Các bạn thân mến,

Mời các bạn nhìn củ hành tây.

Bạn muốn mua củ hành. Bạn chỉ nhìn vẻ bên ngoài của nó thôi. Muốn biết bên trong, muốn biết cái cốt lõi của nó, bạn lột, bóc, nó ra từ từ. Hết lớp vỏ này, ta lại thấy lớp vỉ khác. Và cái kinh nghiệm đáng tiếc là khi biết nó trọn vẹn rồi thì bạn mất nó, chẳng dùng nó làm gì được nữa. Hình như ai trong chúng ta cũng đã có kinh nghiệm và đã thất vọng về một người nào đó trong đời mình, khi ta khám phá ra cái bên trong vô dụng, khác bên ngoài, của họ.

Con người chúng ta cũng có những lớp như thế. Cụ thể là chúng ta có bốn lớp từ ngoài vào: Cơ thể, Tri thức, Tình cảm, Tâm linh. Tình yêu của chúng ta cũng phát triển qua bốn lớp ấy.

Cơ thể chúng ta là phần ai cũng nhìn thấy và nhận xét ngay được. Cơ thể chúng ta cũng có những phần không thấy được, nhưng phần ấy tùy văn hóa, tùy lối sống, (ví dụ khăn che mặt, vớ dài…) nhưng cơ thể con người là phần hữu hình. Không ai trong chúng ta bị giới hạn vào phần cơ thể cả. Cũng không ai định nghĩa mình qua thể lý. Đẹp hay xấu do đó không còn quan trọng nữa.

Vậy lớp đầu tiên của tình yêu nằm ở ngoại hình, là cơ thể. Nhưng đó không phải là tất cả. Những người chỉ muốn chiếm đoạt người mình yêu làm của riêng thì không bao giờ hiểu được nghĩa yêu thương. Tìm cách chiếm đoạt tình yêu sẽ sinh ra ích kỷ, ghen tuông. Một người vợ ghen chồng đến độ anh làm gì cô cũng ghen. Một hôm chồng về nhà, trên áo có sợi tóc dài, cô hỏi: “Hôm nay anh đi đâu với con quỷ tóc dài?”. Cứ thế, tóc vàng, tóc nâu… Và khi không thấy sợi tóc nào trên áo chồng, cô la to: “Hôm nay anh đi đâu với con quỷ trọc đầu?” Bạn hứa tôn trọng người yêu nhé!

Lớp thứ hai đến trí thức, trí tuệ, nói lên chúng ta biết gì, nghĩ gì. Người ta thấy chúng ta mà không biết chúng ta nghĩ gì. Có khi nghĩ một đàng nói một nẻo. Nghĩ người ta xấu mà nói người ta đẹp như tiên giáng trần. Nghĩ sẽ đi nhậu mà nói là đi uống café.

Những suy nghĩ đẹp dẫn đến hành động đẹp. Xã hội ngày nay tan hoang là do những tư tưởng sai lạc, nhất là tư tưởng loại trừ Thiên Chúa. Khi trở về Balan năm 1979, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Loại trừ Chúa Giêsu ra khỏi nhân loại là tội ác chống lại loài người”. Là tội ác vì nếu cố gắng loại trừ Chúa Giêsu thì người ta sẽ rước bóng tối và bao nhiêu sự dữ vào thế gian. Xin các bạn khi yêu nhau, khi chọn người yêu, hãy suy nghĩ thật kỹ. Yêu nhau không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng. Saint Exupery nói theo nghĩa đen, nhưng cũng hiểu cả nghĩa bóng nữa. Đừng để xảy ra tình trạng “Tôi không biết anh ấy/ cô ấy nghĩ gì”. Hòa vào nhau trong tư tưởng là hạnh phúc.

Lớp thứ ba là tình cảm. Tình cảm là phần mà chúng ta ít bày tỏ cho người khác. Chúng ta chỉ tỏ ra bạn bè thân thiết và gia đình, nhất là người ấy, người đó... Yêu nhau hẳn là phải có tình cảm, không có tình cảm sao lại bảo là yêu. Tình cảm mạnh lắm các bạn ạ. Tư tưởng có thể làm thay đổi thế giới, nhưng tình cảm cũng có thể làm thế giới hạnh phúc hay chao đảo. Tình yêu dĩ nhiên gắn liền với lớp này.

Lớp thứ tư là tâm linh, là lòng đạo đức, là tình yêu của mỗi người dành cho Thiên Chúa, Đấng làm chủ cuộc đời mình, cuộc đời trong ấy có tình yêu và mọi thứ khác. Có những điều người bạn của ta, và sau này người vợ người chồng của ta cũng không biết hết được. Con người không phải là Thiên Chúa nên không thể nhìn thấy nhau rõ ràng. Nhưng những cặp nào càng ít bí mật thì càng hạnh phúc.

“Cấp độ thứ tư và là cấp độ sâu xa nhất là bản chất tâm linh của chúng ta, phần trọn vẹn và chân thật nhất trong con người chúng ta. Ở đó chứa đựng những khát khao và những động lực sâu xa nhất, những lỗi lầm và những chiến thắng của chúng ta, tội lỗi và việc cách xa Thiên Chúa cũng như những giờ phút liên kết mật thiết với Ngài. Nhiều người trong chúng ta khó bày tỏ phần thẳm sâu này của mình cho bất cứ ai, ngay cả đối với Thiên Chúa cho dù Ngài biết chúng ta trọn vẹn. Để biết rõ một con người, ngay cả để biết ngay cả để biết chính mình, chúng ta cần phải biết tất cả các khía cạnh thể lý, tâm trí, cảm xúc và tâm linh của người đó” (Pete, Chastity)

Củ hành tây có nhiều lớp, mà lớp nào cũng quan trọng. Ta không thể bỏ lớp ngoài, càng không thể bỏ lớp trong. Tình yêu trọn vẹn cũng phần nào như thế.

Bạn hãy nhìn người bên cạnh một phút. Rồi bạn nói cho tôi biết bạn biết gì về con người đó. Bạn nhìn kỹ người bạn và dùng một tính từ thôi để tả người bạn ấy, bạn nhé. Bạn biết người ấy chưa? Cái biết ấy của bạn được bao nhiêu phần trăm? Và trong cái phần trăm biết ấy, có bao nhiêu cái là đúng? Cho nên càng sống càng suy tư ta càng thấy không đơn giản để đánh giá về một con người.

Xã hội bây giờ có nhiều lệch lạc, cái gì cũng có lỗi, lỗi hệ thống, bởi vì người ta đánh giá mọi thứ quá đơn giản, dồn hết vào khía cạnh vật chất. Ai cũng muốn làm giàu cho mình mà quên hết những khía cạnh khác.

VẬY TRONG TÌNH YÊU VÀ GIA ĐÌNH, CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?

Điều này gây ảnh hưởng lớn đến nhận định và lối sống của chúng ta. Như thế, ứng với 4 lớp ta có 4 thái độ sống:

- Với thân xác, hãy nâng niu trân trọng.

- Với tư tưởng, hãy trao đổi những tư tưởng cao thượng.

- Với tình cảm, hãy chân thành với nhau.

- Với tâm linh, hãy hướng lên Chúa là Đấng làm chủ cuộc đời chúng ta.

Trong ba năm này, Giáo Hội tại Việt nam sống chủ đề gia đình. Có nhiều khía cạnh khác nhau khi nói về gia đình. Giáo Hội nhấn mạnh ba khía cạnh: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống gia đình (năm ngoái), Đồng hành với các gia đình trẻ (năm nay) và Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn (năm tới, 2019). Hôm nay chúng ta cùng trao đổi xem chúng ta có thể làm gì để thật sự hiểu nhau trong tình yêu.

Các bạn ơi, chỉ cần hai từ: YÊU – HIỂU là được rồi. Hai mẫu tự đầu: Y và H, là gì các bạn, là H-Y, là hy sinh, là quên mình. Tiếng Việt vi diệu! Yêu và Hiểu, Hiểu rồi yêu, thế là Hy sinh cho nhau. Tuyệt vời.

Chúa Giêsu đã nói cho chúng ta điều này từ lâu lắm rồi nhé. Trong Tin Mừng Gio-an chương 15, các bạn đọc câu 13: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu”. Chúng ta chắc chưa ai hiến mạng sống cho ai. Thế nhưng hy sinh mỗi ngày trong tình yêu là hiến mạng sống dần dần. Các bạn đang sống mùa Phục Sinh, mà chúng ta lại nói đến hy sinh, các bạn thấy mệt không?

Thật ra trong hy sinh đã có mầm phục sinh, như lời bài thánh ca: “Nhưng hãy vui lên hãy reo lên vì tận cuối đêm dài đã ló dạng bình minh của ngày sống lại”.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể đề nghị vài cách ứng xử cụ thế:

1. Hãy sống trung thực

Trong một xã hội mà cái gì cũng giả, thì người Công Giáo cũng dễ bị ảnh hường. Người ta giả từ trường học ra phố chợ, từ trên xuống dưới, từ trẻ đến già… Giống như xe nhả khói nhiều quá thì da mình có đẹp đến đâu cũng có màu… “cà phê pin”. Thế nhưng Chúa Giêsu dạy môn đệ Người sống trung thực. “Est est non non”, có thì nói có không thì nói không. Sống trung thực là để cho người ta nhìn vào mình, không chỉ thấy lớp bên ngoài mà thôi, nhưng còn thấy được cả những lớp tư tưởng, tình cảm, tâm linh.

Bạn sẽ hỏi: khi yêu có cần nói hết mọi thứ cho “đối phương” biết hay không? Câu trả lời: trung thực nhưng cũng khôn ngoan và tôn trọng cái riêng tư của mỗi người.

2. Hãy tìm niềm vui chân thật

Tháng 8 tới đây sẽ có đại hội Gia đình Thế giới tại Ireland. Trong bài Giáo lý số 7 của Đại Hội, chúng ta sẽ đọc được đoạn này:

“Có thể nào để được hạnh phúc, con người phải tranh đua và chiến đấu để thực hiện cho được một mô hình cuộc sống mà xét cho cùng chỉ một số ít người trên thế giới này có được?

Thánh sử Luca nhấn mạnh rằng khi Đức Maria và Thánh Giuse tìm thấy Chúa Giêsu đang ngồi trong đền thờ và đàm đạo với các kinh sư, phản ứng đầy cảm xúc đầu tiên của các ngài là ngạc nhiên (…) Sự ngạc nhiên ập đến trong tâm hồn các ngài cùng với một niềm vui không dễ gì diễn tả được, giống như khi chúng ta nhận được một món quà vượt quá sự mong chờ và ao ước của chúng ta. Niềm vui, một niềm vui thật sự, vốn luôn bất ngờ và gây ngạc nhiên, mở rộng tâm hồn chúng ta đến những chân trời vô tận. Trái lại, niềm vui nào được khát khao và tìm kiếm thì một khi đã đạt được sẽ khép chặt tâm hồn con người vào trong giới hạn của những khát khao, và rồi thúc đẩy họ đi tìm những khát vọng không được thỏa mãn khác. Một người thật sự vui mừng không phải khi những khát vọng của họ được đáp ứng nhưng khi họ nhận được niềm hạnh phúc mà họ không hề mơ ước.”

3. Sống bài ca Đức Ái của Thánh Phaolô

Đức Thánh Cha nhắc lại bài ca Đức Ái của Thánh Phaolô trong Tông huấn Niềm vui của Tình Yêu: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. (1 Cr 13,4-7).

Đức Thánh Cha cắt nghĩa từng từ trong bài ca này, các bạn có thể đọc trong bản dịch Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu do VPHĐGM xuất bản năm 2018. ĐTC viết: “Tình yêu luôn luôn bao hàm một ý thức thương cảm sâu xa dẫn tới việc chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, ngay cả khi người ấy hành động khác với kì vọng của tôi” (nhẫn nhục). Ngài định nghĩa “yêu là làm điều tốt cho người khác và thăng tiến người khác” (nhân hậu). Ngài viết về sự khiêm tốn: “Lời khuyên cho gia đình sau đây cũng thật đáng giá: “Tất cả anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5).

Khi chúng ta sống trung thực và sống đầy niềm vui, thì việc sống bài ca Đức Ái sẽ giúp chúng ta xóa các ranh giới của các “lớp vỏ tình yêu”, để mặc lấy tình yêu cao quý, vị tha và nhất là tràn đầy ơn huệ của Thiên Chúa.

Để kết thúc, xin mọi người thực hành nói với người khác: Tôi tha thứ tất cả, tin tường tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.



Sàigòn Mùa Phục Sinh 2018

Gioan Lê Quang Vinh