Lược trích bài phỏng vấn với Đức Giám Mục Renator Boccardo

VATICAN CITY (Zenit.org).-Giới truyền thông có thể giúp thế giới tránh được một cuộc va chạm đến nền văn minh đã được trù liệu, đó là lời nhận xét của một viên chức Vaticăn.

Theo Đức Giám Mục Renato Boccardo, người hiện đang giữ chức Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách về Truyền Thông Xã Hội (thay cho Đức Tổng Giám Mục John Foley), thì cuộc va chạm đó phần lớn có liên quan đến những “mâu thuẩn của sự ngu dốt” (clash of ignorance). Cũng nên biết thêm là vị Giám Mục 52 tuổi này vừa mới được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Thư Ký của Quốc Gia Vaticăn.

Trong bài phỏng vấn với hãng tin Zenit trước khi việc chính thức công bố Ngài được bổ nhiệm vào chức vụ mới, Đức Giám Mục Boccardo đã chia sẽ những kinh nghiệm của Ngài về Hội Đồng Đặc Trách Truyền Thông Xã Hội, và về Thông Điệp (message) của Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới Truyền Thông 2005.

Hỏi (H): Thưa Đức Giám Mục, liệu những cuộc mâu thuẫn về truyền thông sau này sẽ dẫn tới những cuộc xung đột về võ trang?

Đức Giám Mục Boccardo (T): Thưa, với cơ sở truyền thông ngày nay và tầm ảnh hưởng nhạy cảm của nó trên con người và các dân tộc khác nhau, ai cũng đều có thể nói rằng đây đúng là một mối hiểm họa, và cũng vì lý do này mà Đức Thánh Cha đã cảnh báo về sức mạnh của việc truyền thông ngày nay.

(H): Thưa Đức Giám Mục, có phải các phương tiện truyền thông chính là những nhà giáo dục của thời đại thông tin ngày nay?

(T): Thưa, trong Thông Điệp của Ngài, Đức Thánh Cha nói rằng, việc giáo dục là cần thiết khi biết sử dụng việc truyền thông vào mục tiêu cao cả ấy. Thật ra, Ngài nói rằng, sử dụng việc truyền thông chính là cách để giúp mang đến sự hiểu biết, sự hợp tác, sự tôn trọng về những điều khác biệt nhau, và sự chấp nhận lẫn nhau. Chính vì thế, truyền thông trở nên một khí cụ để phục vụ cho nền hòa bình, và cho sự phát triển thăng tiến của xã hội loài người.

Đức Thánh Cha dẫn chứng về việc huy động toàn thể thế giới sau cơn thảm họa Tsunami, chính là một ví dụ điển hình cho thấy một cuộc vận động về tình đoàn kết được lan rộng ra cho toàn thể thế giới, mà việc đó chưa hề xảy ra trước nay. Chính là nhờ vào các phương tiện truyền thông, và khả năng chuyển tải những hình ảnh từ nơi này đến những nơi khác nhau trên thế giới.

(H): Thưa Đức Giám Mục, nếu đây quả là một hiện thực, thì trách nhiệm của những người làm công tác truyền thông rất là lớn lao hơn bao giờ hết?

(T): Thưa, như Đức Thánh Cha đã nói, khi Ngài đề cập tới việc xây dựng nền hòa bình, rằng con người và cộng đồng chính là hệ quả và thước đo cuối cùng của việc truyền thông. Chính vì thế, những người làm công tác truyền thông phải biết đem ra áp dụng những giá trị và thái độ trong đời sống của riêng mình vào trong công tác truyền thông mà họ được gọi mời để truyền đạt lại cho những người khác.

Người làm công tác truyền thông không những chỉ thực thi công tác của mình, mà còn phải là những người biết sống đúng với công việc của riêng mình. Vói tư cách là người làm công tác truyền thông, thì người ấy truyền đạt lại ý tưởng, từ những cảm nghiệm thật sự của riêng mình. Người ấy phải là một người chứng tá cho những giá trị tốt đẹp rất cần cho xã hội.

(H): Thưa Đức Giám Mục, đâu là một ví dụ tốt đẹp nhất của một người làm công tác truyền thông?

(T): Thưa, trong Thông Điệp của Ngài, Đức Thánh Cha nói tới Chúa Kitô, và Ngôi Lời Được Nhập Thể và Thành Sự Thật. Thiên Chúa chính là Người đi ra để gặp gỡ con người và đảm nhận vai trò truyền thông với con người.

Lời của Thiên Chúa, khi được nhập thể và trở thành sự thật, đã thiết lập nên một giao ước mới giữa Thiên Chúa và con người. Bằng cách này, mà việc truyền thông của Chúa Kitô được trở nên một thông điệp và một mô hình kiểu mẫu của việc truyền thông. Điều này cũng còn có thể được áp dụng vào chính hiện thực của ngày hôm nay, vào việc kiếm tìm nền hòa bình trong một thế giới, vốn chứa đựng rất nhiều cuộc mâu thuẫn.

(H): Thành thử ra, hơn cả một sự va chạm về nền văn minh, thưa Đức Giám Mục, liệu chúng ta có nên kết luận rằng đó chính là một sự va chạm, hay mâu thuẩn của việc dốt nát và kém hiểu biết được không?

(T): Thưa, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta rất nhiều lần rằng, khi chúng ta không biết gì về nhau, thì cho ta cảm thấy sợ hãi về nhau. Chúng ta nhận thấy được điều này qua chính việc đối thoại đại kết giữa những người Kitô hữu với nhau; giữa các nền văn hóa khác nhau, và giữa Đạo Kitô Giáo với những tôn giáo khác.

Khi chúng ta không hiểu biết được nhau, thì chúng ta phải sống trong sự ngu muội, thiếu hiểu biết, và thành kiến, nếu như không muốn nói rằng, oán giận lẫn nhau, kể từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Giới truyền thông giúp làm gia tăng viêc gặp gỡ, để từ đó có thể dẫn đến sự hiểu biết lẫn nhau. Thì trong việc chúng ta hiểu biết về nhau, chúng ta mới có thể nhận ra rằng người khác, không phải luôn lúc nào cũng là một mối đe dọa, mà chính sự khác biệt của người đó nói lên sự phong phú của con người nhân loại.

(H): Thưa Đức Giám Mục, việc “chinh phục sự dữ bằng chính sự thiện hảo” có ý nghĩa như thế nào đối với một người làm công tác truyền thông Kitô giáo?

(T): Thưa, đó chính là một lời mời gọi để hướng tới một sự tự do sâu sắc hơn trong nội tâm, chứ không phải cho phép người đó thực hiện những mưu dồ dựa trên cơ cấu của sự duy cảm (sensationalism). Chúng ta thật sự nhạy cảm đến những gì đụng tới chúng ta, những gì kích thích cảm giác của chúng ta, để khiến chúng ta phải bệnh hoạn (morbid). Chinh phục điều ác, hay ma quỷ bằng điều thiện hảo có nghĩa là chinh phục được sự lệ thuộc, nô lệ của con người, qua chính việc chia sẽ và mang đến những điều thiện hảo.

Và chúng ta thấy rằng, khi các giá trị được thông truyền, khi các tin tức được báo cáo với tinh thần tích cực và khíhc lệ, thì luôn lúc nào cũng có sự đáp ứng rất nồng nhiệt từ phía những người đọc và những khán giả.