Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong một băng hình mới đây về Thánh lễ ở Quảng trường Thánh Phêrô với Đức Thánh Cha chủ sự, con rất ngạc nhiên khi thấy tất cả giáo sĩ, kể cả các Hồng Y đã tham gia đọc trong phần Kinh nguyện Thánh Thể, chỉ Rước lễ bằng cách chấm. Thưa cha, điều này có phải là mới không? Chúng con có thể sử dụng việc Rước lễ bằng cách chấm như là một lựa chọn thường xuyên trong giáo xứ không? - D. W., Toledo, Ohio, Hoa Kỳ.


Đáp: Việc Rước lễ như thế là không mới, nhưng là một khả năng đã được dự kiến trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (GIRM). Tuy nhiên, tùy chọn này hiếm khi được sử dụng ở Hoa Kỳ.

Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma trình bày một số hình thức Rước lễ của các vị đồng tế trong các số 237-249. Quy chế nói như sau về việc Rước lễ bằng cách chấm:

“249. Nếu các vị đồng tế rước bằng cách chấm, thì chủ tế rước Mình và Máu Thánh Chúa như thường lệ, tuy nhiên chú ý để lại trong chén đủ Máu Thánh cho các vị đồng tế rước. Sau đó, thầy phó tế, hay một vị đồng tế, đặt chén thành ở giữa bàn thờ hay bên cạnh bàn thờ trên một khăn thánh khác, cùng với đĩa đựng Mình Thánh.

Các vị đồng tế, từng người một, tiến đến bàn thờ, quì gối, cầm lầy Mình Thánh, nhúng một phần vào chén, rồi cầm đĩa hứng dưới miệng, rước lấy Mình Thánh đã nhúng đó, sau đó trở về chỗ ngồi lúc đầu lễ.

Phó tế cũng rước bằng cách chấm. Một vị đồng tế nói khi trao: Mình và Máu Chúa Kitô, phó tế đáp: Amen. Phó tế rước hết tại bàn thờ Máu Thánh còn lại, có thể nhờ vài vị đồng tế giúp, nếu cần, rồi đem chén thánh đến bàn phụ, và chính thầy hay một thầy có chức giúp lễ tráng, lau và xếp đặt chén thánh’’ (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Ngày 13-6-2014, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích đã ban hành một văn kiện có tiêu đề "Hướng Dẫn cho Các Buổi Lễ Đông Ngưới" - đó là kịch bản thông thường để lựa chọn tùy chọn Rước lễ bằng cách chấm. Cho đến nay văn kiện được xuất bản chỉ bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý trên trang web của Tòa thánh Vatican. Tôi không thể tìm thấy một bản dịch chính thức bằng tiếng Anh . Về việc Rước lễ của các vị đồng tế, văn kiện nói:

"29. Điều quan trọng là phải tiên liệu tốt việc Rước lễ của các vị đồng tế, vốn đòi hỏi sự chuẩn bị cẩn thận và chú ý. "Việc các linh mục đồng tế rước lễ phải diễn tiến theo các quy tắc được các sách phụng vụ ấn định, bằng cách luôn luôn sử dụng những bánh lễ được truyền phép trong chính cử hành Thánh Lễ]; vả lại, tất cả các vị đồng tế phải luôn luôn rước lễ dưới hai hình” (Huấn thị Redemptionis Sacramentum, Bí tích Cứu Độ, 98, Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam). Các vị đồng tế Rước lễ trước khi cho tín hữu Rước lễ.

"Nếu một số lượng lớn các vị đồng tế cản trở việc các vị đi đến bàn thờ, các vị nên đến những nơi chuẩn bị đặc biệt, để có thể Rước lễ trong sự yên bình và đạo đức. Trong một nhà thờ lớn, các địa điểm như thế có thể là các bàn thờ cạnh, trong khi ở ngoài trời, nên thiết lập các điểm có thể nhìn thấy được, để cho các vị đồng tế nhận thấy rõ ràng. Ở các nơi như vậy, phải có một bàn rộng và vững chắc. Trên bàn, có một hoặc nhiều khăn thánh, và trên khăn thánh có một hay nhiều chén thánh và đĩa thánh đựng bánh thánh. Nếu điều này là quá khó khăn, các vị đồng tế vẫn ở yên tại chỗ và Rước Mình và Máu Thánh Chúa, do các phó tế hoặc một số vị đồng tế chuyển cho. Phải cẩn thận tối đa để tránh Bánh thánh hay Máu thánh rơi xuống đất.

"Khi các vị đồng tế đã Rước lễ xong, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng Máu thánh còn lại phải được rước hết, và số Bánh thánh còn lại được đưa đến nơi lưu giữ Mình thánh”.

Do đó, lý do tại sao bạn đọc của chúng ta có thể thấy sự tùy chọn chấm bánh, được sử dụng tại Vatican, là do số lượng các vị đồng tế quá nhiều, vốn đôi khi có thể là vài trăm và thậm chí vượt quá một ngàn vị nữa.

Sự thực hành này là không phổ biến ở Hoa Kỳ, bởi vì hầu hết các Giám mục thường khuyến khích việc Rước lễ riêng dưới hai hình, như là phương pháp ưa thích, ngay cả đối với việc Rước lễ của tín hữu. Mặc dù việc rước bằng cách chấm được cho phép, nhưng hiếm khi được cổ vũ và thỉnh thoảng bị ngăn cản nữa.

Do đó, Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã ban hành "Các quy chế về việc cho Rước lễ và Rước lễ dưới hai hình trong các Giáo phận Hoa Kỳ, Norms for the Distribution and Reception of Holy Communion Under Both Kinds in the Dioceses of the United States of America”. Mời đọc:

"42. Trong số các cách thức rước Máu Chúa như được quy định trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, việc Rước Lễ từ Chén Thánh nói chung là hình thức ưa thích hơn trong Hội Thánh Latinh, với điều kiện nó có thể được thực hiện đúng theo các quy chế, và không có nguy cơ không tôn kính rõ ràng đối với Máu Chúa Kitô.

"43. Chén thánh được chuyển cho người rước lễ với lời "Máu Chúa Kitô", và người rước lễ đáp 'Amen'.

"44. Chén thánh không bao giờ có thể được đặt trên bàn thờ hoặc nơi khác, để cho người rước lễ tự cầm lấy mà Rước lễ (trừ trường hợp các Giám mục và các linh mục đồng tế), và cũng không thể được chuyển từ người này sang người khác. Phải luôn có một thừa tác viên cầm chén thánh.

"45. Sau khi mỗi người rước lễ đã rước Máu Thánh, thừa tác viên cẩn thận lau cả hai bờ của chén thánh bằng khăn lau chén. Hành động này là một vấn đề tôn kính và vệ sinh. Cũng vì lý do đó, thừa tác viên nên xoay nhẹ chiều của chén thánh, sau khi mỗi người rước lễ đã rước Máu Thánh.

"46. Chính người rước lễ, chứ không phải thừa tác viên, chọn rước lễ tử chén thánh.

"47. Trẻ em được khuyến khích Rước Lễ dưới hai hình, với điều kiện là chúng được dạy giáo lý đúng cách và rằng chúng đã đủ lớn để có thể rước Máu thánh.

"Các Hình thức khác của việc cho Rước Máu thánh

"48. Việc rước Máu thánh bằng một cái thìa hoặc thông qua một ống hút không phải là thông lệ trong các giáo phận Latinh của Hoa Kỳ.

"49. Việc Rước lễ bằng cách chấm được diễn ra như sau: Mỗi người rước lễ, trong khi giữ một đĩa rước lễ dưới miệng mình, đến gần vị linh mục đang cầm một bình thánh có Bánh thánh, với một thừa tác viên đứng bên cạnh và cầm chén thánh. Linh mục lấy một Bánh thánh, chấm một phần vào chén thánh, đưa lên và đọc “Mình và Máu Chúa Kitô". Người rước lễ trả lời "Amen", tiếp nhận Mình và Máu Chúa vào trong miệng từ tay linh mục, và đi về chỗ".

"50. Người rước lễ, kể cả thừa tác viên ngoại thường, không bao giờ được phép tự rước lễ, thậm chí bằng cách chấm. Việc rước lễ dưới hình bánh hoặc hình rượu phải luôn luôn được ban cho bởi một thừa tác viên thông thường hay ngoại thường cho Rước Lễ".

Đây là các quy chế chung tại Hoa Kỳ. Hầu hết các giáo phận tự giới hạn mình bẳng cách lặp lại các điều trên trong hướng dẫn của giáo phận. Thỉnh thoảng, một nhận xét ngắn được đưa thêm vào để nhấn mạnh việc ưa thích rước lễ hai hình riêng biệt. Chẳng hạn, các quy chế của một tổng giáo phận lớn nói:

"Nếu giáo xứ chọn sử dụng việc Rước lễ bằng cách chấm, như là phương pháp cho Rước lễ, thì cả cộng đoàn và các thừa tác viên ngoại thường đều phải được hướng dẫn đầy đủ về cách áp dụng cho phù hợp với luật phụng vụ. Cần lưu ý rằng việc cho rước lễ bằng cách này không phải là phương pháp được ưa thích trong các giáo phận của Hoa Kỳ".

Bởi vì sự ưa thích về việc cho rước lễ riêng biệt là đúng cho việc cho rước lễ dưới hai hình cho các tín hữu, có thể dễ dàng hiểu rằng nó thật là ngoại lệ đối với các vị linh mục đồng tế. Do đó bạn đọc của chúng ta mới tin đó là một việc mới.

Việc sử dụng việc chấm bánh như là một phương cách cho Rước Lễ dưới hai hình là phổ biến hơn ở một số nước khác. Do đó, trong khi hầu hết các linh mục ở các nước này thường rước trực tiếp từ chén thánh, họ cảm thấy thoải mái với việc rước lễ bằng cách chấm. (Zenit.org 12-12-2017)

Nguyễn Trọng Đa