Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ công bố bản dịch tiếng Anh chính thức đầu tiên về Nghi Thức Trừ Tà

Hôm 25 tháng 11, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã công bố bản dịch tiếng Anh chính thức đầu tiên của cuốn sách Nghi Thức Trừ Tà với tựa đề “Exorcisms and Related Supplications” nghĩa là “Trừ Tà và Những Lời Nguyện Liên Quan”.

Cuốn sách chỉ được phân phối giới hạn cho các giám mục, tuy nhiên các nhà trừ quỷ, các giáo sĩ, các học giả và các giáo sư chủng viện cũng có thể có được một bản sao với sự cho phép của một giám mục.

Cha Andrew Menke, Giám đốc Điều hành của Ủy Ban Phụng Tự thuộc Hội Đồng Giám Mục cho biết bản dịch tiếng Anh của cuốn sách này nhằm “giúp các giám mục dễ dàng tìm được những linh mục có thể giúp các ngài trong sứ vụ này”.

“Ngày nay tiếng Latinh ít thông dụng hơn trước đây, ngay cả trong hàng linh mục. Cho nên, bản dịch này mở ra nhiều cơ hội hơn cho các linh mục tham gia vào hoạt động này. Cho đến nay, công việc này đòi hỏi các linh mục không những phải khôn ngoan và thánh thiện, mà còn phải có khả năng tiếng Latinh nữa”

Cha Menke nói thêm với Catholic News Service.

“Nhiều linh mục có lẽ đã là các nhà trừ quỷ xuất sắc nhưng tiếng Latinh đã là một cản trở đối với các ngài. Việc có sẵn bản văn bằng tiếng địa phương giúp các linh mục có thể tập trung vào việc cầu nguyện và các nghi thức, mà không cần phải lo lắng về mặt ngôn ngữ nữa”

Đây là bản dịch từ nghi lễ được sửa đổi theo Công đồng Vatican II, đã được ban hành bằng tiếng Latinh vào năm 1999 và sau đó được sửa đổi một chút vào năm 2004. Văn bản sửa đổi lấy từ các nghi thức mà Giáo Hội Công Giáo đã sử dụng hàng nhiều thế kỷ.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã thông qua bản dịch tiếng Anh tại hội nghị khoáng đại mùa thu năm 2014. Tòa Thánh đã chuẩn y bản dịch vào đầu năm nay.

Cha Menke lưu ý rằng ngài không phải là một nhà trừ quỷ. Tuy nhiên, ngài thiết nghĩ những lời cầu nguyện bằng tiếng Anh cũng có thể đem lại ơn ích cho người được trừ quỷ khi người ấy hiểu được ý nghĩa những lời cầu nguyện.

“Lý do đầu tiên và quan trọng nhất trong việc trừ tà là để giải thoát nạn nhân khỏi quyền lực của ma quỷ. Và việc người đó hiểu được những gì đang được nói hay không, tôi nghĩ rằng ở một mức độ nào đó có thể là không liên quan. Người ấy chỉ muốn thoát khỏi sự khống chế của ma quỷ.”

“Nhưng đồng thời, các nhà trừ quỷ cũng đã nói với tôi rằng đối với một số người, điều có thể giúp ích rất nhiều là họ hiểu được những từ ngữ, những lời an ủi, những lời nhắc nhở họ về quyền năng của Chúa Kitô đối với ma quỷ. Có một sự tự tin nhất định đến từ việc nghe những lời này”.

Đối với những người khác, khi nghe nghi thức trừ quỷ được thực hiện bằng tiếng Latin dù không hiểu họ cũng thấy an ủi bởi vì người ấy “biết đây là lời cầu nguyện của Giáo Hội.”

2. Ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên

Tòa Thánh cho biết hôm 24 tháng 10 rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành một Thánh lễ đặc biệt với người nghèo và những người đã giúp đỡ họ vào ngày 19 tháng 11, ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên.

Thánh lễ sẽ được cử hành vào lúc 10h sáng bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sau năm Thánh Lòng Thương Xót kéo dài từ ngày 8 tháng 12 năm 2015, là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, đến ngày 20 tháng 11 năm 2016, là lễ Chúa Kitô Vua, Đức Thánh Cha đã thiết lập một ngày để khuyến khích cuộc gặp gỡ, tình bạn, tình liên đới và sự hỗ trợ cụ thể cho người nghèo; gọi là ngày Thế giới Người nghèo.

Trong ngày Thế giới Người nghèo đầu tiên này, Đức Thánh Cha Phanxicô theo dự trù sẽ có một buổi ăn trưa với 500 người tham dự thánh lễ, và Tòa Thánh hy vọng rằng tất cả các giáo xứ trên thế giới sẽ thực hiện những hoạt động tương tự như thế.

3. Những cử hành Phụng Vụ của Đức Thánh Cha từ đây cho đến cuối năm

Theo thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh đưa ra hôm 24 tháng Mười, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cầu cho các linh hồn vào chiều ngày 2 tháng Mười Một tại nghĩa trang quân sự của Hoa Kỳ ở Nettuno, phía Nam thành phố Rôma.

Sáng ngày 3 tháng Mười Một, theo truyền thống, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cầu cho các Hồng Y và Giám Mục qua đời trong năm vừa qua.

Ngày 19 tháng Mười Một, Ngày Thế giới Người nghèo, Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh lễ vào lúc 10h sáng bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Từ ngày 26 tháng Mười Một đến ngày 2 tháng Mười Hai, Đức Thánh Cha sẽ tông du Miến Điện và Bangladesh.

Chiều ngày 8 tháng Mười Hai, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi cầu nguyện dưới chân tượng Đức Maria gần các bậc thang Tây Ban Nha tại Rôma.

Ngày 12 Tháng Mười Hai, lễ Đức Mẹ Guadalupe, Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ cầu cho Châu Mỹ Latinh ở Đền Thờ Thánh Phêrô.

Lúc 9 giờ 30 phút tối 24 tháng 12, ngài cử hành Thánh lễ Vọng Giáng Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trưa ngày 25 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ đọc thông điệp Giáng Sinh “Urbi et Orbi” gởi dân thành Rôma và toàn thế giới và ban phép lành Tòa Thánh cho những người hiện diện cũng như tất cả những ai theo dõi qua các đài phát thanh, các đài truyền hình và các phương tiện truyền thông mới.

Chiều ngày cuối năm 31 tháng 12, bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể “Te Deum” tạ ơn Chúa đã ban muôn ơn lành cho Giáo Hội trong năm 2017.

4. Đức Thượng Phụ Kirill nói cộng sản là một đại thảm họa cho dân tộc Nga và nhân loại

Trong khuôn khổ tưởng niệm 100 năm cuộc cách mạng Bolshevik, hay còn gọi là cuộc “Cách mạng Tháng Mười”, Hội đồng Liên tôn ở Nga bao gồm đại diện tất cả các tôn giáo tại Cộng Hòa Liên Bang Nga đã có một buổi họp vào ngày 24 tháng 10 năm 2017 tại Mạc Tư Khoa để đánh giá về tầm ảnh hưởng của biến cố này đối với toàn xã hội, thế giới và cách riêng là đối với các cộng đồng tôn giáo tại Nga.

Tưởng cũng nên nhắc lại, trong hai ngày 7 và 8 tháng 11, năm 1917, những người cộng sản Bolshevik do Lenin cầm đầu đã cướp được chính quyền và thành lập một chính phủ cách mạng, kết thúc đế chế Sa hoàng và thành lập nên Liên Bang Xô Viết. Diễn biến này thường được gọi là cuộc “Cách mạng Tháng Mười” chứ không phải tháng Mười Một vì lúc đó người Nga vẫn đang dùng lịch Julian.

Trong nhận xét mở đầu, Đức Thượng Phụ Kirill là Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa và toàn Nga nói:

“Cuộc họp của chúng ta diễn ra trước những ngày đất nước chúng ta tưởng niệm một trăm năm cuộc Cách mạng năm 1917. Sự kiện này dẫn đến những hậu quả vô cùng thảm khốc cho các cộng đồng tôn giáo, vì những chính sách khủng bố các tín hữu, phá hủy các nơi thờ tự và những hoạt động tổng lực trong việc tuyên truyền chống tôn giáo. Nhìn lại thế kỷ trước, chúng ta có thể thấy những tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa từng có, và những cơ hội rất lớn được mở ra. Chẳng may, là tất cả những điều ấy đã không thể ngăn chặn được bi kịch khủng khiếp này gây ra cái chết của hàng triệu nạn nhân; và cơ man những nạn nhân khác phải chịu biết bao đau khổ vì đại thảm họa này.”

Ngài nhận xét rằng:

“Chủ nghĩa cộng sản là một bi kịch kinh hoàng cho dân tộc Nga và nhân loại trong thế kỷ qua. Nguyên nhân của nó là gì? Ở một mức độ nhất định, ta có thể nói đó là một thái độ hung hăng phủ nhận tôn giáo và quyết liệt muốn xây dựng một cuộc sống không có Thiên Chúa, là điều chắc chắn dẫn đến việc vùi dập các giá trị đạo đức.”

Hướng đến tương lai, Đức Thượng Phụ nhấn mạnh rằng:

“Tại cuộc họp trước đây của Hội đồng này, tôi đã nói rằng một trăm năm sau những sự kiện bi thảm này, điều cần thiết là chúng ta phải đưa ra được một đánh giá luân lý ngõ hầu có thể đặt một dấu chấm hết cho những thao túng và những cuộc bút chiến vẫn đang tiếp tục gây ra chia rẽ sâu sắc trong xã hội chúng ta ngày nay; và xa hơn là ngăn chặn một thảm họa tương tự như thế không thể xảy ra đối với dân tộc chúng ta và nhân loại.”

5. Ðức Thánh Cha gặp gỡ các học sinh Nam Mỹ.

Chiều ngày thứ Năm 26 tháng 10, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhóm học sinh từ một số nước Nam Mỹ và ngài kêu gọi các em đừng rơi vào vòng nghiện ngập ma túy.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại trụ sở tổ chức quốc tế gọi là Scholas Occurentes ở nội thành Vatican. Tổ chức này do Ðức Thánh Cha sáng lập khi còn là Tổng Giám Mục giáo phận Buenos Aires với mục đích góp phần giáo dục các học sinh ở những vùng sâu vùng xa. Nay nó trở thành một tổ chức quốc tế thuộc quyền Tòa Thánh, và hiện diện tại 190 quốc gia, qua một mạng liên kết hơn 446 ngàn trường học và hệ thống giáo dục.

Tham dự cuộc gặp gỡ với Ðức Thánh Cha chiều thứ Năm 26 tháng 10 năm 2017 có các học sinh từ Mễ Tây Cơ, Á Căn Đình, Paraguay và Puerto Rico, và đề tài được nói đến là ma túy, di dân, việc chăm sóc thiên nhiên và nạn tự tử. Các bạn trẻ đã trình bày cho Ðức Thánh Cha các vấn đề của họ, kể cả những hậu quả do thiên tai gây ra như cuồng phong María mới đây ở Puerto Rico, nạn động đất tại Mễ Tây Cơ trong hai ngày 7 và 19 tháng 9 vừa qua, làm cho 471 người chết. Nhiều học sinh ở các nước khác cũng theo dõi và góp ý với cuộc gặp gỡ qua hệ thống truyền hình. Ðức Thánh Cha cũng nhân tiện dịp này khích lệ những người Mỹ châu la tinh ở bang Texas Hoa Kỳ bị thiệt hại vì cuồng phong Harvey, và giải thích cho các học sinh về tầm quan trọng phải chăm sóc thiên nhiên để bớt được các thiên tai.

Các bạn trẻ ở khu phố Villa 31 ở Á Căn Đình đã lên án nạn bạo lực và chiến tranh. Và Ðức Thánh Cha cũng nhắc nhở họ rằng: 'Các con đừng để mình bị đánh lừa, ma túy không giải quyết được gì cả, đó chỉ là những viên đá màu mà người ta muốn làm cho các con coi đó là những hạt ngọc quí giá. Các con đừng để mình bị lường gạt”.

6. Các chiến dịch phò sinh giúp tỷ lệ phá thai ở Hoa kỳ giảm 25%

Theo báo cáo mới của Tạp chí về Sức khỏe Cộng đồng của Hoa kỳ, từ năm 2008 đến 2014, tỷ lệ phá thai đã giảm 25%. Báo cáo cho biết lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, con số phá thai tại Hoa kỳ xuống dưới một triệu ca một năm.

Washington Post cho biết, từ số liệu của chính phủ liên bang và viện nghiên cứu Guttmacher – một viện ủng hộ phá thai, các nhà nghiên cứu nhận thấy các vụ phá thai giảm từ 19,4 vụ trên 1000 phụ nữ (độ tuổi 15-44) trong năm 2008 xuống còn 14,6 vụ trên 1000 phụ nữ trong năm 2014. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết tỷ lệ phá thai giảm nhiều nhất là 46% trong nhóm tuổi 15 đến 19 tuổi. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 20 năm, tỷ lệ phá thai giảm nơi nhóm các phụ nữ nghèo nhất ở Mỹ - là nhóm có tỷ lệ phá thai cao nhất.

Theo một vài tác giả của bản báo cáo, yếu tố chính đưa đến giảm tỷ lệ phá thai chính là sự phát triển của các cách ngừa thai. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu của viện Guttmacher thú nhận rằng các luật ủng hộ sự sống và các nỗ lực của các nhóm ủng hộ sự sống đã tạo nên sự thay đổi này.

7. Anh Giáo tuyên bố chấp nhận Tuyên Ngôn về Công Chính Hóa cuả Công Giáo và Tin Lành Luther

Một nghị quyết của Hội đồng tư vấn Anh giáo đã đồng ý chấp nhận Tuyên Ngôn về Công Chính Hóa cuả Công Giáo và Tin Lành Luther. Việc chấp nhận này đã diễn ra một cách chính thức trong một buổi cầu nguyện tại tu viện Westminster vào ngày thứ Ba 31 tháng 10. Đó là ngày Giáo Hội Anh Giáo kỷ niệm 500 năm việc Martin Luther đóng đinh 95 luận văn chống Giáo Hội Công Giáo trước cửa nhà thờ Các Thánh tại Schlosskirche thuộc xứ Wittenberg, bên Đức.

Hành động của Luther đã mở đầu cho phong trào Cải Cách, dẫn đến những hành động đẫm máu và bạo lực chống lại người Công Giáo, hình thành nên Tin Lành Luther và sau đó là cơ man các hệ phái Kitô khác.

Những cuộc đối thoại thần học giữa Công Giáo và Tin Lành Luther đã bắt đầu từ năm 1967, nghĩa là liền sau khi bế mạc công đồng Vaticanô II. Sau những đối thoại đại kết không mệt mỏi giữa Hội đồng Giáo hoàng Hiệp Nhất Kitô Giáo và Liên đoàn Thế giới Luther, một Tuyên bố chung về Công Chính Hóa đã được đưa ra vào năm 1999. Thỏa thuận này mở đường cho một mối quan hệ gần gũi hơn giữa người Công Giáo và người Tin Lành Luther, mà đỉnh cao là sự tham gia của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một buổi cầu nguyện chung tại Malmo, Thụy Điển, năm ngoái khi Tin Lành Luther bắt đầu những hoạt động đánh dấu 500 năm cuộc cải cách Tin Lành.

Bản Tuyên Ngôn được ký kết giữa Giáo Hội Công Giáo với Liên đoàn Luther thế giới. Liên đoàn này không thay mặt cho toàn thể các Giáo hội Tin Lành phát sinh từ phong trào Cải cách, vì thế, nhiều hệ phái Tin Lành vẫn chưa chấp nhận Tuyên Ngôn này. Sau 18 năm kể từ Tuyên Ngôn được công bố, Anh Giáo mới chính thức chấp nhận.

8. Đức Hồng Y Gerhard Müller: Cuộc Cải Cách Tin Lành là ‘một vụ nổi loạn chống lại Thánh Thần’

Vị Hồng Y người Đức, nguyên là Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin, nói rằng Cải Cách Tin Lành chẳng phải là một “cải cách” gì cả, nhưng một “sự thay đổi tổng thể những nền tảng của đức tin Công Giáo.”

Viết trên tờ La Nouva Bussola Quotidiana của Ý, Đức Hồng Y Gerhard Müller nhận xét rằng nhiều người Công Giáo đương đại tỏ ra “quá nhiệt tình” khi đề cập đến Martin Luther, chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết về thần học.

Lời bình luận của ngài đã được đưa ra sau khi Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ý, là Đức Giám Mục Nunzio Galantino, được tường trình đã nói rằng “Phong Trào Cải Cách thực hiện bởi Martin Luther 500 năm trước đây là một sự kiện của Chúa Thánh Thần” và nói thêm rằng “Phong trào Cải cách quả là đúng với sự thật được thể hiện trong ngạn ngữ 'Ecclesia sempre reformanda' - Giáo Hội luôn được đổi mới”.

Đức Hồng Y Müller tỏ một thái độ mạnh mẽ chống lại quan điểm này, và nhấn mạnh rằng thật là sai lầm khi nghĩ rằng ý định của Luther chỉ đơn giản là muốn chống lại những lạm dụng về ân xá, cũng như những tội lỗi của Giáo Hội trong thời Phục Hưng.

Ngài nói: “Những lạm dụng và những hành động tồi tệ luôn tồn tại trong Giáo Hội. Chúng ta là Giáo Hội thánh thiện là nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa và các bí tích, bất kể tất cả mọi người đều là những kẻ tội lỗi, tất cả đều cần sự tha thứ, sự ăn năn hối lỗi, và sám hối.”

Nhưng Luther từ bỏ “tất cả các nguyên tắc của đức tin Công Giáo, Thánh Kinh, Thánh Truyền, huấn quyền của Giáo hoàng và các Công đồng, các giám mục.”

Vì thế, không thể nói rằng cải cách Luther là “một sự kiện của Chúa Thánh Thần” bởi vì “Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội duy trì tính liên tục của mình thông qua các giáo huấn của Giáo Hội.”

Martin Luther đã công bố vào ngày 31 Tháng Mười, 1517 một luận văn gồm 95 điểm chống lại Giáo Hội Công Giáo và thành lập ra Tin Lành Cải Cách. Đó là sự khởi đầu của cuộc cải cách dẫn đến sự rạn vỡ của Kitô giáo phương Tây.

Cuộc Cải Cách Tin Lành không chỉ xâu xé Công Giáo; nhưng cũng khiến nhiệm thể của các tín hữu Kitô lâm vào những cuộc ly giáo bất tận, với hàng ngàn giáo phái Tin Lành. Phong trào Cải Cách đã dẫn đến những thập kỷ chiến tranh, cách mạng, những cuộc tranh giành vô tận và phân chia tan nát châu Âu. Thánh Thần là nguồn mạch của hiệp nhất, và bình an; phong trào Cải Cách thực hiện bởi Martin Luther 500 năm trước đây, do đó, không thể là một sự kiện của Chúa Thánh Thần.

9. Ðức Thánh Cha tiếp Thủ Lãnh Giáo Hội Tin Lành Tô Cách Lan.

Sáng thứ Năm 26 tháng 10, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Mục Sư Derek Browning, Thủ lãnh Giáo Hội Tin Lành Tô Cách Lan, cùng với phái đoàn, và ngài kêu gọi tiếp tục con đường tìm về hiệp nhất hữu hình.

Lên tiếng trong dịp này, Ðức Thánh Cha nhắc đến năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther, việc kỷ niệm này đã giúp các tín hữu Kitô thuộc hai khối Giáo Hội xác tín hơn mình là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô, và không còn coi nhau như những người xa lạ hay người cạnh tranh.

Ðức Thánh Cha nói:

“Quá khứ tự nó là điều không thể thay đổi được, nhưng một điều cũng rất đúng, đó là ngày nay chúng ta hiểu nhau đi từ cái nhìn của Thiên Chúa trên chúng ta: trước hết chúng ta là con cái của Chúa, tái sinh trong Ðức Kitô, trong cùng một phép rửa, vì thế chúng ta là anh chị em với nhau. Trong thời gian dài, chúng ta đã quan sát nhau từ xa với một cái nhìn quá phàm nhân, đầy nghi kỵ, chú ý đến những khác biệt và sai lầm, và tâm hồn thường than trách về những điều thiệt hại phải chịu”.

“Trong tinh thần Tin Mừng, giờ đây chúng ta hãy tiếp tục tiến bước trên con đường bác ái khiêm tốn, đưa tới sự vượt thắng những chia rẽ, và chữa lành những vết thương. Chúng ta đã đi vào một cuộc đối thoại hiệp thông, cuộc đối thoại dùng ngôn ngữ riêng của những người thuộc về Thiên Chúa và là điều kiện không thể từ khước để loan báo Tin Mừng. Làm sao chúng ta có thể loan báo Thiên Chúa Tình Thương nếu chúng ta không yêu thương nhau?”

Giáo Hội Tô Cách Lan là Giáo Hội quốc gia của nước Tô Cách Lan và đây là một Giáo Hội Tin Lành trưởng lão do Mục Sư John Knox thành lập năm 1560 và hiện có 1 triệu 700 ngàn tín hữu thuộc 1,427 giáo xứ.

10. Thông điệp của Đức Thánh Cha gởi cho giới lao động Italia

Hôm thứ Năm 26/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video cho những người tham dự Tuần Xã Hội lần thứ 48 của người Công Giáo Ý đang nhóm họp tại thành phố Sardinia thuộc giáo phận Cagliari.

Trong thông điệp dài, Đức Giáo Hoàng tập trung vào phẩm giá của lao động và tầm quan trọng của việc đặt con người, chứ không phải lợi nhuận, ở trung tâm của tất cả các hệ thống kinh tế.

Đức Thánh Cha đã nhắc rằng trong Kinh Thánh, có nhiều người được xác định bởi các loại công việc họ làm - như nông dân và ngư dân, những người thợ mộc hoặc những người quản lý. Ngài nói Thiên Chúa kêu gọi chúng ta thông qua việc làm của chúng ta để đưa kỹ năng và tài năng của chúng ta vào việc phục vụ công ích.

Đức Thánh Cha đã đề cập đến các loại ngành nghề khác nhau, bao gồm cả những nghề làm thoái hóa, làm nhục hoặc khai thác con người thông qua chế độ nô lệ, buôn bán vũ khí, thị trường chợ đen, hoặc những công việc bấp bênh làm ngày nào biết ngày ấy.

Ngài kể lại những mẫu đối thoại của mình với rất nhiều người sống trong nỗi lo sợ mất việc làm. Đức Thánh Cha nhận xét rằng tình cảnh bấp bênh như vậy là “vô luân” vì nó “giết chết” nhân phẩm của con người, gây thiệt hại sức khỏe của họ, gia đình họ và toàn bộ xã hội.

Ngài cũng đề cập đến những người phải làm việc trong những điều kiện nguy hiểm hoặc không lành mạnh, phải đối diện thường xuyên với cái chết và thương tích. Ngài bày tỏ tình liên đới của mình với tất cả những ai đang thất nghiệp hoặc thiếu việc làm và đang mất đi dần niềm hy vọng tìm kiếm được một công việc tử tế và chắc chắn.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng hệ thống kinh tế toàn cầu ngày nay tập trung vào việc bảo vệ mức tiêu dùng chứ không phải nhân phẩm của dân chúng hay môi trường sống.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã nói đến những dấu chỉ hy vọng thể hiện nơi những người tìm kiếm những cách thức tạo ra những điều kiện làm việc tốt hơn và tin tưởng hơn, cũng như những mối quan hệ tôn trọng tại nơi làm việc. Những đổi mới công nghệ phải được đưa vào phục vụ người dân và không thể bị coi là một thứ quyền lực kinh tế trong tay những người có quyền thế.

11. Cuộc trò chuyện giữa Ðức Thánh Cha với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong phần cuối của chương trình, chúng tôi sẽ tường thuật với quý vị và anh chị em một diễn biến rất thú vị là cuộc trò chuyện giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và các phi hành gia đang bay trên quĩ đạo cách trái đất 400km.

Vào lúc 3 giờ chiều thứ Năm 26 tháng 10 theo giờ Rôma, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 25 phút với phi hành đoàn trên trạm không gian quốc tế đang ở trên quĩ đạo cách trái đất 400km. Ðức Thánh Cha đã đặt một số câu hỏi cho 6 thành viên của phi đội.

Ðức Thánh Cha chào phi hành đoàn và tiến sĩ phi hành gia người Ý Paolo Nespoli. Ngài cám ơn các phi hành gia và tất cả những người đã sắp xếp buổi kết nối hôm nay, đã cho ngài cơ hội “gặp gỡ các phi hành gia” và hỏi họ vài điều.

- Câu hỏi đầu tiên của Ðức Thánh Cha là: Thiên văn học giúp chúng ta chiêm ngắm những chân trời vô hạn của vũ trụ và gợi lên trong lòng chúng ta những câu hỏi: chúng ta đến từ đâu? Tôi muốn hỏi tiến sĩ Nespoli: dưới ánh sáng những kinh nghiệm ở trong không gian của tiến sĩ, ông nghĩ gì về chỗ của con người trong vũ trụ?

+ Tiến sĩ Nespoli trả lời: thưa Ðức Thánh Cha, đây là một câu hỏi phức tạp. Con nghĩ mình là một kỹ thuật viên, một kỹ sư, con ở giữa các máy móc, với các kinh nghiệm; nhưng khi nói về những điều như “chúng ta đến từ đâu”.. con bị bối rối. Ðây là vấn đề khó nói. Con nghĩ là mục đích của chúng con là nhận biết sự hiện hữu của chúng con, để làm đầy sự hiểu biết, hiểu những điều xung quanh chúng ta... Con thích có những người như ngài, không chỉ là các kỹ sư và vật lý gia, nhưng là các thần học gia, triết gia, văn sĩ, thi sĩ có thể đến đây với chúng tôi để khám phá việc một người ở trong không gian có nghĩa gì.

12. Câu hỏi thứ hai của Đức Thánh Cha với các phi hành gia

- Tiếp đến, Ðức Thánh Cha nhắc lại câu nổi tiếng mà thi sĩ Dante đã kết thúc tác phẩm “Hài kịch thần linh”, “tình yêu di chuyển mặt trời và các vì sao khác”. Ngài hỏi các phi hành gia, khi nói tình yêu là sức mạnh di chuyển vũ trụ, điều này có nghĩa gì với họ.

+ Trả lời câu hỏi này của Ðức Thánh Cha, phi hành gia người Nga Alexander Misurkin đề cập đến cuốn sách “Hoàng tử nhỏ” của Antoine de Saint-Exupéry, kể về một cậu bé đã sẵn sàng hy sinh sự sống để cứu các cây cối và thú vật trên trái đất và ông nói: một cách căn bản, tình yêu là sức mạnh đem lại cho bạn khả năng trao bạn sự sống của bạn vì một ai đó.

13. Câu hỏi thứ ba của Đức Thánh Cha với các phi hành gia

- Câu hỏi thứ ba của Ðức Thánh Cha, như ngài nói, là một sự hiếu kỳ. Ngài hỏi: “Ðiều gì đã thúc đẩy anh em trở thành các phi hành gia?

+ Phi hành gia người Nga Sergei Ryazanskiy cho biết chọn lựa trở thành phi hành gia của ông có liên quan đến ông nội của mình, một trong những người tiên phong trong ngành không gian và là kỹ sư của phi thuyền không gian Sputnik 1. Sergei muốn theo bước ông nội của mình vì không gian rất xinh đẹp và lý thú và cũng rất quan trọng đối với con người. Phi hành gia Randy Bresnik người Mỹ nhấn mạnh đến cơ hội có thể nhìn Trái đất “một tí” với đôi mắt của Chúa” và nhìn vẻ đẹp không thể tin nỗi của hành tinh này. Ông cho biết thêm, với vận tốc của quỹ đạo là 10 km/ giây, các phi hành gia nhìn Trái đất với đôi mắt khác: chúng tôi nhìn thấy một Trái đất không có biên giới, nơi mà bầu khí quyển vô cùng mỏng manh, và quan sát Trái đất lúc này chúng tôi nghĩ về con người, nghĩ đến việc chúng ta cùng nhau làm việc thế nào cho một tương lai tốt hơn.

14. Câu hỏi thứ tư của Đức Thánh Cha với các phi hành gia

- Câu hỏi thứ 4 của Ðức Thánh Cha dựa trên một quan sát: hành trình trong không gian thay đổi nhiều điều, ví dụ như ý niệm “trên” và “dưới”. Có điều gì khi đang sống trong trạm không gian làm anh em ngạc nhiên? Ngược lại, có điều gì đánh động anh em bởi vì nó được xác định ở đó, trong một bối cảnh khác như thế?

+ Phi hành gia người Mỹ Mark T. Vande Hei trả lời: “Ðiều làm tôi ngạc nhiên là sự kiện “trong không gian bạn thấy các sự vật hoàn toàn khác, dường như là những điều không thể nhận ra được. Ông nói thêm: để hiểu tôi ở đâu, tôi phải quyết định đâu là trên và đâu là dưới và thiết lập mô hình thu nhỏ của tôi.

15. Câu hỏi cuối cùng của Đức Thánh Cha với các phi hành gia

- Câu hỏi cuối cùng, Ðức Thánh Cha nói: xã hội của chúng ta rất là cá nhân và ngược lại cuộc sống của chúng ta rất cần sự cộng tác với nhau. Các anh có thể nêu vài ví dụ có ý nghĩa về sự cộng tác của anh em trên trạm không gian không?

+ Phi hành gia Joseph Acaba người Mỹ nói rằng “trạm không gian là một ví dụ của sự cộng tác quốc tế”. Có những người Mỹ, người Nga, Nhật, Canada, 9 nước châu Âu... Một điều quan trọng và lý thú là mỗi người có sự khác nhau và tất cả sự khác nhau này được đặt chung làm thành một tổng hợp rất lớn, hơn một người duy nhất. Với nhau, chúng tôi có thể làm nhiều điều tốt hơn nếu chúng tôi chỉ làm một mình.

Sau câu trả lời, Ðức Thánh Cha nhận xét: “Anh em là một tòa nhà bằng kiếng nhỏ mà tổng thể lại lớn hơn tổng số của các phần”. Ðây là mẫu gương của anh em đối với chúng tôi.

Trước khi kết thúc, Ðức Thánh Cha đã chào và cám ơn các phi hành gia. Ngài nói: “Chúng tôi nhìn nhận anh em như những đại diện của cả gia đình nhân loại trong chương trình nghiên cứu vĩ đaị ở trạm không gian.

Tiến sĩ Nespoli cũng cám ơn Ðức Thánh Cha đã đánh giá cao các phi hành gia, đã đưa họ ra khỏi khung cảnh máy móc hàng ngày và đã giúp họ nghĩ đến những điều lớn hơn.