Bất kể những thứ “nhật lệnh” vừa lên giây cót tinh thần, vừa hăm dọa của bọn lãnh đạo khủng bố Hồi Giáo IS, đã không có những vụ nổ bom tự sát, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng tại Raqqa như đã từng xảy ra tại Mosul.

Rạng sáng ngày 17 tháng 10, quân Kurd mở cuộc tấn công vào Bệnh Viện Quốc Gia tại thành phố Raqqa nơi bọn khủng bố Hồi Giáo đang tử thủ. Những tên khủng bố này hầu hết là người nước ngoài. Chúng là những kẻ thường chiến đấu rất liều lĩnh và quyết liệt vì nếu bị bắt chúng ít hy vọng có thể sống sót trở về nguyên quán tại các quốc gia phương Tây. Có về được cũng không thể tránh vòng tù tội.

Sau khi 22 tên khủng bố bị giết trong trận chiến tại Bệnh Viện Quốc Gia, số còn lại dắt díu theo vợ con chạy đến vận động trường thành phố Raqqa và tử thủ tại đó.

Giao tranh ác liệt đã diễn ra tại đây. Tuy nhiên, quân Kurd đã ngưng các cuộc tấn công vào vận động trường sau khi nhận ra sự hiện diện của một số lớn phụ nữ và trẻ con là vợ con của bọn khủng bố.

Bị quân Kurd bao vây, cạn kiệt đạn dược, và đói khát đã khiến những tên khủng bố IS quyết định đầu hàng tập thể.

Talib Sello, phát ngôn viên của Lực Lượng Dân Chủ Syria, gọi tắt là SDF, nói hôm 19 tháng 10 rằng cuộc chiến đã kết thúc sau một chiến dịch kéo dài 5 tháng.

“Mọi thứ đã kết thúc ở Raqqa, lực lượng của chúng tôi đã kiểm soát được Raqqa. Thành phố từng được coi là thủ đô của bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã được hoàn toàn giải phóng”, ông Sello nói.

Ông cho biết thêm: “Các hoạt động quân sự ở Raqqa đã kết thúc, nhưng hiện đang có các cuộc hành quân nhằm phát hiện những tên khủng bố đang trốn tránh, và loại bỏ các bom mìn”.

Raqqa là thành phố lớn thứ sáu của Syria, nằm cách Aleppo 160km về phía Đông. Trước cuộc nội chiến bùng phát vào năm 2011, Raqqa có 230,000 dân trong đó hơn 10% là các tín hữu Kitô. Trong quá khứ, Raqqa là vùng toàn tòng Kitô Giáo và đã từng là nơi đặt Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ La Tinh và Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite.

Năm 2013, quân nổi dậy Syria chiếm được Raqqa. Tuy nhiên, quân chính phủ vẫn còn giữ được phi trường Al-Tabqa lân cận và dùng phi trường này làm căn cứ để mở các cuộc không kích vào thành phố Raqqa, gây thiệt hại nặng cho quân nổi dậy. Trước các cuộc không kích kinh hoàng này, đa số các Kitô hữu đã bỏ chạy khỏi Raqqa trong năm 2013.

Lợi dụng tình trạng quân nổi dậy Syria bị quân chính phủ đánh nhừ tử, cuối năm 2013, bất kể các hiệp nghị trước đó, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào quân nổi dậy Syria và ngày 13 tháng Giêng 2014 chiếm được thành phố này.

Raqqa là nơi tiêu biểu cho sự tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Thật vậy, sau khi chiếm được Raqqa, bọn khủng bố Hồi Giáo IS tử hình tất cả những người Hồi Giáo Alawites, đóng đinh các tín hữu Kitô còn sót lại, phá hủy tất cả các nhà thờ Kitô Giáo, trừ ra nhà thờ Các Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Armenia bị chúng sử dụng làm bộ chỉ huy cảnh sát Hồi Giáo.

Ngày 10 Tháng 8 năm 2014, quân khủng bố Hồi Giáo IS tiến đánh phi trường Al-Tabqa. Sau nửa tháng giao tranh ác liệt, ngày 24 tháng 8, phi trường Al-Tabqa lọt vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS. 170 quân nhân Syria tử trận. 250 quân nhân bị bắt sống và tất cả đều bị bọn khủng bố Hồi Giáo IS xử tử.

Số dân tại Raqqa không đông đúc như Mosul. Dân chúng liều lĩnh chạy trốn trước sự tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS và để khỏi chết vì bom đạn của rất nhiều nước. Chẳng hạn, như hôm 15 tháng 11 năm 2015, nổi giận vì bị tấn công khủng bố tại Paris, Pháp đưa máy bay thả 20 trái bom vào nhiều địa điểm.

Suốt trong đêm mùng 6 rạng sáng ngày 7 tháng 6, liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo mở 25 cuộc không kích dữ dội vào thành phố Raqqa, mở đường cho quân SDF, gồm chủ yếu là người Kurd, mở chiến dịch giải phóng thành phố Raqqa.

SDF theo phương châm là đa sắc tộc, đa tôn giáo, duy trì tính thế tục, cổ vũ dân chủ nên thu hút được đông đảo người của nhiều tôn giáo tham gia. Ít nhất 30% quân số của SDF là nữ giới nhưng các nữ quân nhân này tỏ ra rất thiện chiến.