Chúa Nhật 27 Thường Niên A

Tin Mừng Matthêu chương 21 kể: sau cuộc đối thoại với những kẻ tự bưng tai, che mắt, bịt miệng, Chúa Giêsu lay tỉnh họ bằng ba dụ ngôn: “Hai người con”, “Những tá điền sát nhân” và “Dụ ngôn tiệc cưới” để vạch trần tâm địa của họ và cho họ biết cái gì chờ họ ở cuối con đường họ đang đi.

Tiếp theo dụ ngôn “Hai người con” (Chúa Nhật 26), Chúa Giêsu kể cho thượng tế và kỳ lão nghe dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”. Chúa vẫn dùng phương pháp kể chuyện rồi đặt câu hỏi, bắt họ rút ra kết luận, sau đó Chúa dùng chính kết luận ấy áp dụng vào bản thân họ. Chúa nói về những tá điền làm vườn nho, tức là những thành phần lãnh đạo trong lịch sử đã hành hạ, bắt bớ, giết chết các ngôn sứ và giết chính con ông chủ, quăng ra ngoài vườn nho. Chúa hỏi họ xem họ nghĩ ông chủ sẽ xử thế nào với bọn tá điền. Họ trả lời rất thỏa đáng. Chúa quay sang áp dụng vào bản thân họ, đồng thời trích lời TV 118,22-23, vạch cho họ thấy rằng người con ông chủ sai đến chính là Đấng mà họ sắp giết.

Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn và cũng là một ám ngôn, vì vừa hình dung vừa diễn tả sự thật, vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri.

Ông chủ vừa trồng xong vườn nho. Ông rất yêu qúy vườn nho của mình. Chung quanh vườn, ông rào cẩn thận. Ở giữa vườn, ông cho đào một bồn ép làm rượu. Ông còn cho xây một cây tháp cao để canh giữ kẻ gian. Ông chăm sóc vườn nho thật chu đáo.

Ông chủ có lòng nhân ái với các tá điền. Họ vốn là những người nghèo khổ, không "một tấc đất cắm dùi" nên ông thương tình và muốn giúp họ sinh sống. Ông chủ thật quảng đại, thay vì chỉ thuê và trả theo lương công nhật, ông lại tin tưởng và giao toàn quyền vườn nho cho họ chăm sóc và trẩy đi phương xa. Các tá điền vui mừng được canh tác theo ý mình. Đến mùa, họ chỉ cần nộp một phần nhỏ hoa lợi cho chủ là xong trách nhiệm. Nhưng con người có lòng tham không đáy "được voi đòi tiên". Dù đã được hưởng phần lớn hoa lợi nhưng họ còn muốn sở hữu luôn cả vườn nho để khỏi phải nộp một phần hoa lợi nào cả! Do đó, khi thấy các đầy tớ ông chủ sai đến để thu hoa lợi như đã hợp đồng, chẳng những họ đã không nộp mà còn hành hạ đánh đập, thậm chí ném đá để giết hại các người đầy tớ đó. Thấy vậy, ông chủ vẫn kiên nhẫn sai thêm một số đầy tớ khác đông hơn trước đến, nhưng số phận của những người này cũng không khá hơn những đầy tớ đến trước. Cuối cùng, ông chủ còn sai người con trai duy nhất đến, với hy vọng bọn tá điền sẽ tôn trọng con trai mình. Nhưng bọn tá điền thấy con trai ông chủ liền bàn nhau giết luôn người thừa tự kia để chiếm đoạt vườn nho cho mình.

Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi về thái độ của ông chủ vườn đối với bọn tá điền bất nhân ác đức kia là gì? Các thính giả nghe dụ ngôn đã đồng thanh trả lời : "Ác giả ác báo, ông chủ sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, nộp phần hoa lợi cho ông". Chúa Giêsu kết luận bằng cách áp dụng vào chính họ : "Tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi".

Dụ ngôn này diễn tả một cách ngắn gọn cả một lịch sử cứu độ dài, một thiên tình sử giữa Đức Chúa và dân Ngài. Dụ ngôn là tóm lược toàn bộ Thánh Kinh về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vườn nho ám chỉ nước Thiên Chúa được trao cho dân Do Thái. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Những người thợ làm vườn nho là giới lãnh đạo, đứng đầu trong dân. Các đầy tớ là hàng loạt các ngôn sứ được Thiên Chúa phái đến đều bị ngược đãi hoặc bị giết chết. Trước thái độ bất nhân bất nghĩa đó, nước Thiên Chúa được chuyển sang một quốc gia khác là Hội Thánh, một dân phổ quát và Công Giáo, sẽ lan rộng đến tất cả mọi quốc gia. Qua dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu quy trách nhiệm cho giai cấp lãnh đạo Do thái còn cứng rắn hơn dụ ngôn hai con trai trước đó. Đồng thời, Ngài cũng kín đáo và thống thiết muốn cho họ hiểu rằng Ngài là Con Thiên Chúa và sắp bị giết chết bởi lòng dạ gian ác của họ.

Dụ ngôn vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri. Dụ ngôn diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ. Hơn nữa, dụ ngôn cũng cho thấy rõ thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu. Những người được sai đến trước Ngài, dù nổi tiếng như Êlia, Isaia, Giêrêmia, Gioan Tiền Hô… cũng chỉ là đầy tớ, còn Ngài mới là con trai duy nhất của Chúa Cha.

Dụ ngôn nói tiên tri về Đạo Chúa sẽ lan rộng khắp các dân tộc. Chúa Giêsu giải thích khi trích dẫn Tv 118: “Viên đá người thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Ấy là Chúa đã làm nên như vậy, trước mắt chúng ta, thật lạ lùng”. Thánh vịnh này ca ngợi việc chấn hưng dân Ítraen tương lai và được giải thích như Thánh vịnh thiên sai. Giáo Hội tiên khởi đã thấy ở đây một lời loan báo về sự Phục Sinh của Đức Kitô (x. Cv 4, 11 và 1Pr 2, 7). Con Thiên Chúa bị giết chết xem ra là một sự thất bại rõ ràng. Nhưng nhờ cái chết của Người Con ấy, một dân mới, được biểu thị không còn qua hình ảnh vườn nho nhưng tòa nhà. Toà nhà này Chúa Giêsu sẽ là viên đá góc tường sẽ được xây dựng trên nền móng vững chắc: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18).

Mỗi người chúng ta là một tá điền, Thiên Chúa trao phó cho một vườn nho. Đó là những ơn phúc. Mỗi người có bổn phận phải đem hoa lợi về cho Chúa. Mỗi người hoàn toàn tự do sắp xếp công việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về những việc mình làm.

Những ơn phúc Chúa ban như sự sống, tài năng, sức khỏe, của cải vật chất, chúng ta phải biết sử dụng chúng để sinh lợi. Mỗi người được Chúa trao ban cho một vốn liếng khác nhau không ai giống ai, nhưng ai cũng phải làm lợi ra với số vốn liếng đó.

Thiên Chúa trao cho chúng ta công việc chăm sóc vườn nho của Ngài. Thiên Chúa không ngừng sai những sứ giả đến để nhắc nhở hãy tích cực chăm sóc vườn nho. Vì thế mỗi người có bổn phận biết ơn là dâng lại cho Ngài những điều tốt đẹp, những chùm nho ngon ngọt của việc làm tốt mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.

Xin Chúa giúp chúng con luôn biết siêng năng làm việc, chu toàn bổn phận hàng ngày. Xin cho chúng con biết sử dụng tài năng, sức lực, thời giờ, của cải Chúa ban để xây dựng sự nghiệp đời này và sự nghiệp đức tin trên Nước Trời. Amen.

Câu chuyện suy gẫm.

Khi giảng về việc giữ ngày Chúa Nhật, một linh mục Trung hoa đã minh họa bằng câu chuyện sau đây : "Một bà kia đi chợ mang theo 7 quan tiền trong túi áo. Khi tới chợ, bà trông thấy một người đàn ông bị què, áo quần rách nát, đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Bà thấy tội nghiệp nên đã móc túi ra cho hắn 6 quan tiền và chỉ giữ lại duy một quan đi chợ. Nhưng tên ăn mày này vốn tham lam, thấy bà ân nhân vẫn còn một quan tiền ở trong túi, hắn ta liền bám sát theo và nhân cơ hội bà sơ ý, hắn ta đã ăn cắp nốt quan tiền còn lại. Khi nghe câu chuyện về tên ăn mày tham lam này, có lẽ ai trong chúng ta cũng nghĩ hắn ta đúng là một tên mạt rệp đáng khinh bỉ và trừng phạt !".

Rồi vị linh mục đặt vấn đề với cộng đoàn : Còn chúng ta thì sao ? Trong một tuần lễ, Chúa đã ban cho chúng ta 6 ngày lao động kiếm ăn, thế mà còn duy một ngày Chúa Nhật để ta dành ra mà nhớ đến Chúa, làm các việc thờ phượng kính mến Chúa và các việc bác ái phục vụ tha nhân, nhưng nhiều khi chúng ta đã tiếc xót, vẫn làm việc thêm mong kiếm nhiều tiền cho đầy túi tham ! Như vậy, chúng ta sẽ là hạng người nào ?