Vào lúc 5g chiều giờ Việt Nam (12g trưa giờ Rome), ngày Lễ Thánh Louis 25/8/2017, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Tiến sĩ Thần học Hôn Nhân Gia đình, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục VN và Thư ký Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình thuộc HĐGMVN làm Giám mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Sài gòn, hiệu tòa Catrum. Vietcatholic xin phép được phỏng vấn Đức Tân Giám Mục.

PV. Trọng kính Đức Cha, Cha Giám đốc Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic, Ban Biên Tập và độc giả xin cùng tạ ơn Chúa và chúc mừng Đức Cha trong sứ vụ mà Thiên Chúa và Hội Thánh trao phó. Xin Đức Cha cho phép chúng con được phỏng vấn Đức Cha nhân dịp này.

Thưa Đức Cha, Đức Cha đã đảm nhiệm vai trò Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục trong nhiều năm, điều này thuận lợi như thế nào trong sứ vụ mới của Đức Cha?


Đức Cha Louis: Kính chào quý Cha và anh chị em. Được bổ nhiệm làm Chánh Văn Phòng HĐGMVN từ tháng 12/2014, đồng thời vẫn là Thư ký cho giáo tỉnh Sài gòn và thường trực cho HĐGMVN từ năm 2009, tôi thường xuyên tiếp xúc cá nhân và làm việc với các đức Giám mục, cũng như hiện diện như là thư ký trong các buổi họp, hội nghị HĐGM. Điều đó cho tôi hiểu biết cụ thể các ưu tư và gánh nặng trách nhiệm của một giám mục giáo phận, cũng như các hướng mục vụ và ý nghĩa quan trọng của chúng trong Hội thánh tại Việt Nam và Hội thánh hoàn vũ. Vai trò của Thư ký và Chánh Văn phòng HĐGM cũng là phục vụ cho mối liên kết hiệp thông giữa văn phòng các ủy ban trực thuộc HĐGM với Văn phòng Tổng Thư ký và các giáo phận trong vùng Việt Nam với Hội thánh lớn hơn và với thế giới, qua các kênh thông tin. Điều đó cũng giúp mở rộng tầm nhìn của tôi như là mục tử vốn luôn khao khát sự hiệp nhất và hiệp thông yêu thương tạo nên sức sống của đàn chiên của Chúa.

Ngoài Chánh Văn Phòng, tôi còn có nhiệm vụ đồng hành với các gia đình, các cộng đoàn, nhóm gia đình, và đồng hành với ơn gọi thánh hiến. Kinh nghiệm về mục vụ gia đình và ơn gọi thời gian mười năm qua cũng rất có ích cho sứ vụ giám mục mới của tôi.

PV: Thưa Đức Cha, xin Đức Cha chia sẻ một số những tâm tình cũng như ưu tư của Đức Cha khi nhận được sự bổ nhiệm của Toà Thánh?

Đức Cha Louis: Ngày 25.8 vừa qua, cũng là ngày kính thánh Louis bổn mạng của tôi, Tòa Thánh công bố Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm tôi làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn - TP.HCM. Đối với tôi, dù có biết trước không lâu, sự kiện này cũng khiến tôi cảm thấy ngỡ ngàng, vui mừng và hãnh diện, pha chút lo âu vì thấy mình bất xứng. Nhưng tin tưởng vào ơn Chúa luôn ban đủ cho tôi, vào sự tín nhiệm của các bề trên trong Hội Thánh và sự quảng đại của mọi người luôn luôn sẵn sàng cộng tác, tôi cảm thấy bình an.

PV: Xin Đức Cha cho chúng con biết đôi nét về hành trình ơn gọi của Đức Cha.

Đức Cha Louis: Tôi là người con thứ sáu trong gia đình có 9 anh chị em, đã có 2 anh qua đời. Từ khi còn nhỏ các anh em chúng tôi đã được gởi vào học nội trú trong các trường Dòng. Con trai thì theo các sư huynh Lasan, con gái theo các sơ Dòng St Paul de Chartres. Căn bản tôi có là gì như hôm nay đã được định hình bởi các nhà giáo dục tốt nhất là các sư huynh Lasan. Lớn lên sau năm 1975, năm 1979 tôi thi đậu, học và tốt nghiệp đại học khoa Toán ngành Tin học Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa Học Tự Nhiên); năm 1984 đi làm như kỹ sư điện toán trong vòng một năm tại Trung Tâm Máy Tính Bưu Điện, rồi được gọi thi hành nghĩa vũ quân sự. Sau hai năm hoàn tất nghĩa vụ, năm 1987, tôi mới có ý dâng mình cho Chúa rõ ràng. Bâng khuâng giữa ngã ba đường đời, vừa tiếp tục đi làm lại vừa ghi danh tìm hiểu ơn gọi tại Đại Chủng viện, mãi đến 6 năm sau tôi mới được vào Đại Chủng Viện (ĐCV) Thánh Giuse Sài Gòn. Trong thời gian ấy, cánh cửa cuộc đời rộng mở đón chào một thanh niên với điều kiện lịch sử và không thiếu khả năng như tôi, vừa rõ ràng vừa hấp dẫn hơn con đường hẹp vào ĐCV vốn còn nhiều khó khăn do hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Có lẽ những gì được trải nghiệm trong 2 năm ấy góp phần quyết định cho chọn lựa làm linh mục của tôi. Ngày hay tin được chấp nhận vào ĐCV (tháng 10 năm 1993) là ngày hạnh phúc lớn của tôi. Ngày chịu chức linh mục 30.6.1999 cùng với các anh em Khóa 3 ĐCV là ngày tôi nhủ thầm như thánh Phaolô “tôi đã chết cho thế gian” và “sống là Đức Kitô”, để từ nay làm gì cũng được, “miễn là Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1,18) là tôi vui mừng. Hai năm làm cha phó giáo xứ Phú Nhuận là thời gian “trăng mật” đẹp của đầu đời linh mục. Rồi 2001, Đức Tổng Giám mục Gioan B. Phạm Minh Mẫn cử tôi đi học về Gia đình tại Rôma. Hơn 5 năm tại Italia không chỉ học kiến thức thần học, nhưng còn là thời gian trải nghiệm rất quý để hiểu thế nào là Hội Thánh Công giáo, duy nhất và tông truyền. Gần gũi Đức Giáo Hoàng, các Hồng y giám mục, linh mục, học hành sống chung, ngày cũng như đêm, một quãng đời dài với các sinh viên linh mục các màu da, dân tộc, văn hóa khác nhau, tu sĩ và giáo dân thuộc đủ các nước cho tôi kinh nghiệm đó. Ngày bảo vệ luận án tiến sĩ Thần học chuyên biệt về Hôn nhân Gia đình tại Học viện Nghiên cứu về Hôn nhân - Gia Đình Gioan Phaolô II (Đại học Latêranô) 22.11.2006, lại đúng ngày kỷ niệm 25 năm Tông huấn về Gia đình Familiaris Consortio. Cũng trong năm cuối cùng 2005-2006, tôi theo học một năm chương trình Đào tạo các nhà đào tạo ơn gọi (Formazione dei Formatori) tại Đại học Grêgoriana. Hai ngành học khác nhau như đã định hướng cho sứ vụ sau đó của tôi. Về nước từ đầu năm 2007, tôi được giao phụ trách các Chủng sinh Dự bị ĐCV. Và cũng trong năm đó, ngày 7.7.2007, Đức Hồng y Gioan Baotixita giao thêm cho tôi làm Trưởng Ban Mục vụ Gia đình của giáo phận, sau đó kiêm Thư ký Ủy ban Mục vụ Gia đình trực thuộc HĐGMVN. Năm 2009, tôi lại được trao nhiệm vụ Thư ký HĐGMVN cho giáo tỉnh Sài Gòn và công tác thường trực. Đến 2013, được miễn nhiệm công tác đào tạo Chủng sinh Dự bị để rồi năm sau đó (2014) lại được ủy thác cho nhiệm vụ Chánh Văn phòng HĐGMVN cho đến nay.

PV: Xin Đức Cha cho chúng con biết một số nét đặc thù của công việc mục vụ tại Tổng Giáo Phận Sài gòn?

Đức Cha Louis: Hiện nay, Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc định hướng mục vụ chủ đạo cho Giáo phận Sài gòn là truyền giáo và Mục vụ Gia đình, các sinh hoạt, hoạt động mục vụ khác cần nối kết với Gia đình. Hiện nay Đức cha Phụ tá Giuse Đỗ Mạnh Hùng đang tiến hành chương trình thiết lập và mở các giáo điểm quanh Sài gòn cần sự đóng góp công lao và của cải của mọi thành phần Dân Chúa. Còn tôi trong tương lai vẫn giúp đức tổng về nội dung các lãnh vực mục vụ, cách đặc biệt Mục vụ Gia đình và xây dựng sự hiệp thông các cộng đoàn giáo hội cơ bản tại các giáo hội địa phương.

PV: Đức Cha chuyên về lãnh vục Mục Vụ Gia đình, đã từng đi du học ở Ý nhiều năm và có bằng Tiến sĩ Thần học về Hôn Nhân Gia đình. Đức Cha là Thư Ký Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình của HĐGMVN. Xin Đức Cha cho chúng con biết đôi nét về thực trạng cũng như giải pháp cho vấn đề Gia đình từ cái nhìn và sứ vụ của Đức Cha, đặc biệt trong ba năm chủ đề Gia đình của HĐGMVN?

Đức Cha Louis: Trong mười năm qua, mục vụ gia đình là công việc song hành và thường xuyên với các nhiệm vụ khác của tôi, hầu như không có tháng nào không có đồng hành cá nhân với các anh chị em gặp khó khăn trong cuộc sống hôn nhân - gia đình, cũng như với các cộng đoàn nhỏ. Tôi nhận thấy rất rõ khủng hoảng của đời sống hôn nhân và gia đình trên thế giới và tại Việt Nam. Bầu khí thế tục hóa và chủ nghĩa tương đối loại trừ mầu nhiệm và sự thiêng liêng, tức là loại trừ Thiên Chúa khỏi cuộc sống con người đã và đang ảnh hưởng nặng nề trên các gia đình. Nạn ly hôn, sống chung không kết hôn, kết hợp đồng tính, “hôn nhân đồng tính” và yêu sách đòi định nghĩa lại hôn nhân không còn là sự kết hợp duy nhất và bền vững trong giao ước giữa một người nam và một người nữ; rồi nạn phá thai, ngừa thai, hiếm muộn, thụ tinh nhân tạo… là những hiện tượng ngày càng phổ biến, thể hiện cuộc khủng hoảng. Trong hoàn cảnh đó, người tín hữu sống và tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô qua cuộc sống hôn nhân gia đình hạnh phúc của mình như chứng từ của Tình yêu thần linh ấy quả là một sự lội ngược dòng đầy khó khăn vất vả. Thế nhưng, họ cần cậy dựa vào sức mạnh của ân sủng Chúa đồng hành qua Hội Thánh và đặt tin tưởng hy vọng vào chiến thắng cuối cùng của Tình Yêu Thập Giá - Phục Sinh Chúa Kitô. Các cộng đoàn nhỏ Hội Thánh (Cộng đoàn cơ bản) với Chúa Kitô là Trung tâm sẽ là môi trường sống động và vững chắc nuôi dưỡng đức tin và loan báo Tin Mừng thuyết phục cho các gia đình, nhất là những gia đình trẻ, gia đình có tín hữu tân tòng, gia đình di dân. Mô hình các cộng đoàn nhỏ với những anh chị em sống gần nhau trong thân tình, lấy Lời Chúa và Bí tích dưỡng nuôi thường xuyên và cùng nhau sống đức tin qua các việc chia sẻ giáo hội, bác ái xã hội, gắn bó mật thiết với Hội Thánh địa phương có lẽ là phương thế thích hợp nhất cho mục vụ gia đình và truyền giáo hôm nay.

PV: Chúng con được biết Đức Cha rất quan tâm đến Phương Pháp Tiếp Cận Mục Vụ Toàn Diện tại Á châu (AsIPA, trực thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu). Xin Đức Cha cho dân Chúa được biết đâu là “chìa khóa”, là cốt lõi của phương pháp này.

Đức Cha Louis: Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu tại Đại hội lần thứ V 1990 đã tuyên bố Một Cách thế Hiện Diện Mới của Hội thánh như là sự Hiệp thông của các Cộng đoàn, và tiểu ban AsIPA thuộc Văn Phòng Giáo dân và Gia đình (OLF) được thành lập để thực hiện tầm nhìn này về Giáo hội. AsIPA là viết tắt của Asian Integral Pastoral Approach (Phương pháp Tiếp cận Mục vụ toàn diện tại châu Á). Chữ Asian muốn nói việc LBTM cần hội nhập văn hóa trong bối cảnh văn hóa địa phương (châu Á). Chữ Integral ám chỉ đi tìm một sự hòa điệu giữa đức tin và cuộc sống, giữa chiều kích thiêng liêng và xã hội, giữa cá nhân và cộng đoàn, giữa sự lãnh đạo của Giáo hội phẩm trật và tính đồng trách nhiệm của người giáo dân. Chữ Pastoral diễn tả muốn quan tâm chăm sóc đến mọi người sống với ta và quanh ta; đào tạo Dân Chúa, cách riêng người giáo dân, để họ sống sứ vụ LBTM của họ. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một cung cách lãnh đạo mới thế nào để mọi thành phần dân Chúa có khả năng, hợp tác vào trách nhiệm lãnh đạo phục vụ. Approach là đường lối lấy Chúa Kitô (Lời Chúa) làm trung tâm, quy về cộng đoàn, hướng đến sứ vụ (truyền giáo). Như thế, AsIPA là một cách thế thực hiện tầm nhìn, một cách thức hiện diện mới của Hội thánh, một Hội thánh tham gia qua các Cộng đoàn Kitô nhỏ (SCC- Small Christian Communities hay BEC – Basic Ecclesial Communities) lấy Chúa làm trung tâm, Cộng đoàn là trung tâm, hướng đến truyền giáo.

Hiện nay, ở các giáo xứ Việt Nam đã có tổ chức theo giáo họ, giáo khu, liên gia, đó là “xác” nhưng cần thổi “hồn” để các nhóm nhỏ hay liên gia sống gần nhau hiệp thông với giáo hội địa phương, lấy Lời Chúa và bí tích làm trung tâm và hướng tới hành động đức tin như sứ vụ.

PV: Chắc chắn Đức Cha sẽ còn quan tâm để đẩy mạnh tầm nhìn và cách tiếp cận này. Bây giờ xin Đức Cha cho chúng con biết về khẩu hiệu và huy hiệu Giám mục của Đức Cha.

Đức Cha Louis: Huy hiệu Giám mục nói lên đường hướng thiêng liêng và mục vụ của mục tử. Nhìn vào huy hiệu tôi chọn với khẩu hiệu “Này con đây” (Hic ego sum), có thể thấy các chi tiết có ý nghĩa như sau :

Thánh giá : Chúa Kitô Phục Sinh

Màu xanh da trời : Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình

Hai trái tim : Tình yêu đối với các gia đình

Các nhánh lúa : Tình yêu đối với người độc thân thánh hiến

Màu xanh mạ : Lữ hành đường Hy vọng

Châm ngôn “Hic ego sum : Này con đây” (Xin hãy sai con đi loan báo niềm hy vọng Chúa Kitô - Tình yêu cứu chuộc, đặc biệt cho các gia đình, và các anh chị em sống đời dấn thân thánh hiến vì Nước Trời). Có lẽ độc giả đã hiểu thông điệp tôi muốn nói.

PV: Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha và cầu chúc Đức Cha tràn đầy hồng ân Chúa Thánh Thần trong sứ vụ mới.

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện