Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Vatican chính thức xác nhận Đức Thánh Cha sẽ thăm Miến Điện, Bangladesh vào tháng Mười Một

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm viếng Myanmar và Bangladesh vào tháng 11, Vatican đã khẳng định như trên.

Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, tuyên bố vào ngày 28 tháng 8 rằng Đức Thánh Cha sẽ tông du Miến Điện vào ngày 27 tháng Mười Một, và ở đó cho đến ngày 30. Sau đó, ngài sẽ dừng chân tại Dhaka, Bangladesh, từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 trước khi trở lại Rôma.

Khả năng Đức Thánh Cha đến thăm Miến Điện đã là một chủ đề được suy đoán nhiều trong vài tuần qua. Trong khi đó, kế hoạch dừng ở Bangladesh, một quốc gia có tuyệt đại đa số dân theo Hồi giáo, là một điều khá bất ngờ.

Một số nhà lãnh đạo Phật giáo ở Miến Điện đã phản đối một cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha vì các phát biểu công khai của Vatican đối với cuộc bức hại của người thiểu số Hồi Giáo Rohingya. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã lặp lại lời cầu khẩn của mình cho người Rohingya trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 27 tháng 8: chỉ một ngày trước khi chuyến đi của ngài được chính thức công bố.

Tại Miến Điện, Đức Thánh Cha sẽ thăm các thành phố Yangon và Nay Pyi Taw. Trong khi đó, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã không đề cập đến bất cứ thành phố nào khác ở Bangladesh trừ thủ đô Dhaka.

2. Phản ứng của Đức Hồng Y Pietro Parolin về video đe doạ tấn công khủng bố Đức Giáo Hoàng

“Ta không thể không lo lắng, trước hết là đối với thứ hận thù vô nghĩa này.”

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói với các phóng viên hôm thứ Bảy rằng một ngày trước đó ngài đã xem đoạn video, trong đó bọn khủng bố Hồi Giáo IS mô tả Đức Giáo Hoàng là một mục tiêu của chúng. Gần đây, trong một video khác, được truyền trên kênh Telegram của những kẻ ủng hộ ISIS, cho thấy Italia là mục tiêu tiếp theo của các cuộc tấn công cực đoan sau các vụ khủng bố tại Tây Ban Nha.

Đức Hồng Y nói: “Rõ ràng, người ta không thể không lo lắng, trước hết là đối với thứ hận thù vô nghĩa này.” Nhưng ngài nói thêm rằng Vatican sẽ không thêm nhiều biện pháp khác để bảo đảm an ninh vì những biện pháp an ninh được áp dụng trong thời gian gần đây đã là rất cao.

3. Đức Hồng Y João Braz de Aviz khuyên các nữ tu tránh xa việc chạy theo tiền của thế gian

Đức Hồng Y João Braz de Aviz, tổng trưởng Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Các Tu Hội Đời, đã cảnh báo các nữ tu tại châu Phi hãy kiên quyết chống lại hấp lực của tiền bạc.

“Các giám mục và các tu sĩ phải thường tranh đấu đối với vấn đề tiền bạc như thế nào?”, Ngài đã đưa ra câu hỏi trên trong bài giảng Thánh lễ ở Dar es Salaam, Tanzania. “Phải thường xuyên. Chúng ta biết điều đó trước những tin tức về những cuộc chiến này.”

Đức Hồng Y nói thêm:

“Tiền ra lệnh cho mọi thứ ngày hôm nay, tiền tạo ra quyền lực, tiền tạo ra người nghèo, tiền tạo ra cái chết, nó tạo ra vũ khí, và nó tạo ra sự sợ hãi. Chúng ta không muốn là đầy tớ của tiền bạc, chúng ta muốn phục vụ Thiên Chúa và phải làm sao để tiền của chúng ta có được dùng vào việc phục vụ Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta.”

4. Kết thúc việc điều tra một giám mục Indonesia

Một giám mục Indonesia được Vatican chỉ định để điều tra các khiếu nại về tham nhũng trong một giáo phận khác đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và sẽ sớm trình báo cáo của mình lên Vatican.

Đức Cha Antonius Subianto Bunjamin của Bandung, Tổng Thư ký Hội Đồng Giám mục Inđônêxia, đã được Tòa Thánh chỉ định xem xét các khiếu nại trong giáo phận Ruteng, nơi Đức Cha Hubertus Leteng bị buộc tội lạm dụng các quỹ nhà thờ để trợ giúp một người phụ nữ bị cáo buộc là tình nhân của ngài.

Đức Cha Bunjamin nói với thông tấn xã UCANews rằng ngài đã phỏng vấn 30 người, thu thập bằng chứng cho thấy cần thiết và sẽ trình những phát hiện của mình lên Vatican “trước đầu tháng 9”.

Đức Cha Bunjamin được chỉ định để tiến hành một cuộc thanh tra tông tòa sau khi hàng chục linh mục trong giáo phận Ruteng đã cáo buộc rằng Đức Cha Leteng đã nhận hơn 100,000 đô la từ giáo phận và Hội Đồng Giám mục Indonesia. Trong một phản ứng rất quyết liệt, 69 linh mục từ chức tập thể để phản đối Đức Cha Leteng.

5. Guatemala: các giám mục chỉ trích tổng thống sa thải quan chức chống tham nhũng

Tổng thống Jimmy Morales của Guatemala đã sa thải một thành viên trong Ủy ban Quốc tế Chống Tham Nhũng ở Guatemala. Việc sa thải này đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng từ các giám mục của quốc gia này.

“Cuộc đấu tranh chống lại nạn tham nhũng mà không bị trừng phạt là một nhu cầu không thể bỏ qua và là một công việc cấp bách đối với Guatemala”, các giám mục đã nói như trên trong một tuyên bố. Các ngài nói thêm rằng “các cá nhân và tổ chức tham nhũng là những kẻ đứng đằng sau vụ sa thải này vì họ là những kẻ được hưởng lợi nhiều nhất”.

6. Một Giám Mục Tây Ban Nha xin lỗi vì đã để xảy ra việc cung nghinh thần Ấn Giáo trong một nhà thờ Công Giáo

Đức Giám Mục Rafael Zorzona Boy của giáo phận Cadiz y Ceuta đã đưa ra một lời xin lỗi những người Công giáo địa phương vì đã để xảy ra việc cung nghinh thần Ganesh vào một nhà thờ Công giáo.

Cuộc rước diễn ra ở Ceuta, một lãnh thổ của Tây Ban Nha ở bờ biển phía bắc của châu Phi gần Gibraltar. Người Ấn Giáo địa phương đã bước vào nhà thờ Đức Mẹ Châu Phi, cung nghinh hình ảnh của chú voi Ganesh, và được chào đón bởi vị tổng đại diện của giáo phận, là Cha Juan José Mateos Castro.

Đức Cha Rafael Zorzona Boy đã nhận xét rằng sự kiện này là “đáng tiếc” bởi vì mặc dù rất hợp với tình hữu nghị với những người Ấn Giáo địa phương, nhưng quyết định cho phép một vị thần Hindu được tôn vinh trong một nhà thờ Công giáo có thể gây ra “đau đớn, lúng túng, hoặc tai tiếng trong cộng đồng Kitô hữu”.

Phản ứng trước việc cung nghinh tà thần trong một nhà thờ Công Giáo, giáo dân địa phương đề nghị cha tổng đại diện Juan José Mateos Castro và cả Đức Giám Mục Rafael Zorzona Boy nên từ chức.

7. Các Giám Mục Ấn Độ kêu gọi chính phủ xúc tiến việc thương thảo nhằm trả tự do cho cha Tom

Các giám mục của Giáo hội Công giáo Syro-Malabar, một Giáo Hội Công giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, đã kêu gọi chính phủ Ấn Độ tăng cường nỗ lực những nỗ lực thương thảo để Cha Tom Uzhunnalil sớm được trả tự do.

Những kẻ khủng bố tự xưng là có liên hệ với khủng bố IS đã bắt cóc cha Tom ở Aden, Yemen, vào tháng 3 năm 2016.

Các Giám Mục đã kêu gọi các tín hữu Kitô cầu nguyện cho cha Tom sớm được trả tự do.

Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Ấn nói vị linh mục Ấn Độ bị những tên khủng bố Hồi giáo bắt cóc ở Yemen vào tháng 3 năm 2016 sẽ sớm được trả tự do.

Các vị đại diện của dòng Salesian đã họp tuần trước với Ngoại trưởng Ấn Độ, Sushma Swaraj, để thúc ép các hành động của chính phủ hơn nữa trong cuộc tìm kiếm việc trả tự do cho Cha Tom Uzhunnalil. Bà Bộ trưởng Ngoại giao nói rằng linh mục còn sống, và nói bà nghĩ rằng ngài sẽ sớm được trả tự do. Bà hứa rằng chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để mang lại việc trả tự do cho ngài.

Vào tháng 5, cha Uzhunnalil đã xuất hiện trên một video cầu xin giúp đỡ, và nói rằng ngài cần được chăm sóc y tế. Bà Swaraj xác nhận rằng các tin tức của chính phủ Ấn cho biết cha Tom đã bị “nhiều vết thương và đau khổ” không thể tưởng tượng được trong tình trạng bị giam cầm.

Tháng 7 vừa qua, ngoại trưởng Yemen nói rằng Cha Uzhunnalil vẫn còn sống, và chính phủ của ông cũng đang làm việc để giải phóng ngài. Chính phủ Yemen cũng không cho biết nơi cha Tom bị giữ. Những kẻ bắt cóc ngài được tin là có liên hệ với quân khủng bố Hồi Giáo IS.

8. Lãnh đạo Shiite Iraq sẽ được Đức Thánh Cha tiếp kiến

Một phát ngôn viên của Muqtada al Sadr nói rằng nhà lãnh đạo người Shiite của Iraq sẽ có cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha trong chuyến thăm Châu Âu sắp diễn ra.

Vatican đã không xác nhận tin này.

Lãnh đạo một nhóm thiểu số người Shiite ở Iraq, al Sadr từ lâu đã là kẻ thù chính của Mỹ, và quân đội của ông đã từng đụng độ với lực lượng Mỹ trong cuộc chiến đẫm máu vào năm 2004. Trong những năm gần đây, ông ta đã giải giáp lực lượng của mình và tuyên bố theo đuổi con đường bất bạo động. Ông hy vọng sẽ giúp xây dựng lại Iraq.