Lửa thử vàng, giàu sang thử đức tin.

Tôi xin tản mạn một chút trước khi vào đề.

Dân gian Việt có những câu ca dao, tục ngữ, hoặc những câu nói ngắn gọn nhưng súc tích, nói lên những kinh nghiệm sống rất thực, rất thâm thúy, và không khó hiểu gì trong quần chúng bình dân. Có những câu đúng như khi chúng được nói lên như câu Lửa thử vàng, gian nan thử sức hay Vàng thật không sợ lửa. Lại có những câu, theo tôi nghĩ, đúng cả hai chiều, chiều thuận và chiều nghịch, như câu Tốt khoe ra, xấu xa đậy lại. Theo ý nghĩa chiều thuận thì chúng ta chỉ nên khoe cái tốt để lấy tiếng tốt cho mình và dấu cái xấu đi để không ai biết mình xấu. Chiều nghịch thì có người cho rằng khoe khoang cái tốt của mình là lỗi đức khiêm nhường, trong khi đó nếu khoe cái xấu thì sẽ được giúp đỡ và hướng dẫn để trở thành tốt.

Tôi nghĩ rằng mọi người trong chúng ta đều hiểu và thường dùng hai câu dính dáng tới vàng trong cuộc sống của mình. Quả thực vậy, nếu là vàng thật thì bỏ vào lửa nó không đổi màu, dù lửa nóng đến đâu. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, một đôi lần lượm được cái nhẫn trông có vẻ vàng, bèn đem vào bếp bỏ vào lửa một lúc rồi cào ra, nó đổi màu xám xịt. Gần đây trong thời gian còn ở trong nước, thỉnh thoảng tôi dành dụm được cái nhẫn vàng rồi khi cần lại đem bán đi. Khi mình mua thì người bán vàng không thử, nhưng khi mình bán thì họ lại để nó dưới cái đèn xì nóng cả ngàn độ, thổi một chút thì vàng đỏ lên rồi lại trở về màu vàng khi nguội; màu vàng có thể lạt một chút thì người ta bớt tiền đi vì họ bảo vàng có pha.

Từ cái kinh nghiệm cụ thể trong việc thử vàng, mặc dầu có thể có nhiều người chưa từng thấy vàng hoặc chưa thấy thử vàng, dân gian Việt cho rằng chỉ khi có khó khăn, có gian nan, chúng ta mới biết được cái sức, cái khả năng, hay bản lãnh của một người nào đó. Quả vậy, trong cuộc sống đời thường, chúng ta có thể gặp, hay biết những người có cuộc sống quá tốt, quá đầy đủ, chỉ vì họ thường gặp những điều quá may mắn. Dân gian Việt lại có câu ‘Đẻ bọc điều’ để chỉ trường hợp này. Chúng ta lại cũng có thể gặp những người khi mới lọt lòng mẹ đã có ngay cuộc sống quá đầy đủ nhờ ‘phước ấm cha mẹ’. Hai trường hợp này không có gian nan, không có khó khăn nên không thể chứng minh được ‘cái sức’ của người trong cuộc, không biết được vàng thật hay giả.

Tóm lại, chỉ có gian nan, nghèo khổ, chèn ép, áp bức… mới chứng minh được cái tài trí, cái bản lãnh vươn lên của người trong cuộc. Và cái quyết tâm vươn lên ấy cũng được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, tốt có, xấu có.

Trong cuộc sống hiện nay, nhất là trong nước, khi người dân còn gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt, nhất là về vật chất, thì cái sức vươn lên ấy được thể hiện thật rõ nét. Trong khi đa số dân ta vẫn cần cù, nhẫn nại, phấn đấu để hy vọng vượt ra khỏi cái bế tắc, cái nghèo nàn, thì không ít người đã cố gắng thoát khỏi cái gian nan ấy bằng những cách không mấy tốt đẹp, thậm chí còn là tội lỗi. Điển hình nhất là một số không nhỏ những cô gái Việt của chúng ta đã phải đi vào con đường làm nô lệ xác thịt. Họ đáng trách hay đáng thương?

Cũng trong nước, và về vấn đề tôn giáo, kể từ khi được tha ra từ trại cải tạo khoảng giữa năm 1981 và được sống dưới chế độ mới này cho đến khi qua Mỹ, đầu năm 1994, tôi đã được chứng kiến dân gian Việt vẫn duy trì, và cố gắng duy trì tín ngưỡng của mình, dù cho có những khó khăn, những hạn chế nhất định, và cuộc sống đời thường có nhiều gian nan. Riêng Công giáo, tôi thật cảm động khi thấy các nhà thờ vẫn đông nghẹt giáo dân đi lễ vào những ngày Chúa nhật và những ngày lễ lớn. Nhất là ở Nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm Sài gòn và Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế cách đó không xa, rất đông giáo dân phải đứng hai bên hông nhà thờ và đàng trước nhà thờ. Tôi còn cảm động hơn khi được biết có khá nhiều anh chị em mới trong đại gia đình Chúa. Họ đã tìm thấy đức tin trong gian nan. Họ đã đã tìm thấy đức tin ngay trong chế độ không tin vào quyền năng của Thiên Chúa.

Cái câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nói chung, đã được chứng minh là rất đúng trong những trường hợp này, trong những trường hợp có khó khăn. Cái sức của con người nói chung, của người dân Việt nói riêng, vẫn mãnh liệt, vẫn tạo ra được nhiều kỳ tích trong cuộc sống khi gặp gian nan.Vậy tại sao tôi lại đặt vấn đề “Lửa thử vàng, giàu sang thử đức tin”? Tôi xin kể một sự việc sau đây để chúng ta cùng suy gẫm.

Khi còn ở trong nước, vào một buổi chiều Chúa nhật, tôi đi đón vợ tôi đi làm về, làm bắt buộc chứ không phải làm ô-vơ-taim như ở Mỹ, chúng tôi ghé đi lễ ở Nhà thờ Đức Bà, còn được gọi là Vương Cung Thánh Đường. Chúng tôi tới trễ nên nhà thờ đã đông nghẹt. Phía trước nhà thờ, người thì đứng cạnh xe đạp hoặc xe máy dầu của mình, hoặc ngồi lên yên sau xe, người thì khoanh tay chăm chú, đứng lách nhau chút đỉnh để được nhìn vào nhà thờ. Trời chiều vẫn còn chút nắng, nhưng gió từ phía sông Sài Gòn thổi lên nên mọi người cũng cảm thấy dễ chịu. Chúng tôi cố gắng nhưng không nhìn được vào nhà thờ, bèn đi vòng qua phía cánh gà bên phải, đối diện với bưu điện thành phố.

Chúng tôi tìm được chỗ đứng khá tốt, vừa đúng lúc vị linh mục khách người Canada lên bục giảng. Ngài nói tiếng Pháp và một linh mục Việt Nam dịch lại. Đại ý, ngài khen giáo dân Việt vẫn giữ đạo tốt, vẫn sốt sắng đi lễ; điển hình là những người dù phải đứng bên ngoài vẫn chăm chú theo dõi và tham dự thánh lễ một cách nghiêm trang. Đó là hình ảnh mà ngài nói rằng ngài chưa từng gặp ở nước ngài, ở giáo xứ ngài. Rồi với một giọng không mấy vui, ngài nói rằng mấy chục năm trước, khi nền kinh tế Canada còn nhiều khó khăn thì khoảng ít là 85 phần trăm giáo dân trong giáo xứ ngài đi lễ ngày Chúa nhật. Giờ đây khi nền kinh tế ổn định, mọi người dân Canada có mức sống sung túc, thì chỉ còn khoảng 5 phần trăm giáo dân trong giáo xứ ngài đi lễ ngày Chúa nhật mà thôi.

Lạy Chúa! Thì ra người ta chỉ đến với Chúa khi họ gặp khó khăn, thiếu thốn, khi họ muốn xin Chúa một điều gì đó. Để rồi khi họ đã vượt qua được khó khăn, khi đã có được điều họ xin, thì họ lại xa rời Chúa hoặc quên Chúa đi. Thậm chí họ lại còn cho rằng với những tiến bộ của khoa học, con người tạo ra nhiều của cải vật chất hơn, dễ dàng hơn, nhờ đó họ có cuộc sống cao hơn, không liên quan gì tới Chúa cả. Và với những tiến bộ của khoa học, người ta đang cố gắng giải thích các hiện tượng của trái đất mà chúng ta đang sống, cũng như những hiện tượng của vũ trụ, để rồi họ không tin hay không muốn tin rằng chính Chúa là Đấng Quyền Năng đã tạo ra vũ trụ và muôn loài. Trên thực tế, những nhà khoa học đã từng bay mem mém vào vũ trụ cũng đã phải nhận rằng cái hiểu biết của con người chưa đi đến đâu cả so với vũ trụ bao la mà những người có đức tin tin rằng phải có một Đấng Quyền Năng tạo ra vũ trụ này.

Chúng ta phải công nhận rằng những hiểu biết của con người trên mặt đất mới chỉ giới hạn trên mặt đất, có thể mem mém tới vũ trụ bao la mà Thiên Chúa đã tạo nên mà thôi. Quả vậy, mới đây tôi tình cờ coi kênh lịch sử (History Channel) trên TV đụng ngay đề tài ‘Đĩa bay’ (Unidentified flying objects) với những lời thuyết giảng rằng đĩa bay là có thật. Sở dĩ đề tài này không được phổ biến rộng rãi, hay còn bị phủ nhận, là vì các nước, nhất là nước Mỹ, không muốn làm dân chúng hoảng loạn mà thôi. Các nước có khả năng vẫn có những chương trình theo dõi và nghiên cứu nhằm biết được những sinh vật trong những vật lạ đó có ý định tấn công trái đất hay không để tìm cách đối phó. Và cho đến nay, may mắn là chúng ta vẫn chưa thấy ‘ý đồ xấu’ của những sinh vật lạ trên những vật lạ mà chúng ta gọi là đĩa bay. Đặc biệt là Vatican cũng có chương trình theo dõi, không phải để tìm cách dối phó mà, theo dẫn ý của người thuyết trình, là để nhận biết rằng con người với những tiến bộ khoa học trên mặt đất, vẫn chưa thể hiểu biết được bao nhiêu so với cái vũ trụ huyền bí mà Thiên Chúa đã tạo ra. Vậy mà con người đã muốn đem sự hiểu biết hạn hẹp đó để chứng minh rằng không có Thiên Chúa, đã muốn chối bỏ Thiên Chúa.

Ấy vẫn còn may! Vâng, tôi nói vẫn còn may vì ngoài cái hiện tượng bệnh hoạn của một số khá lớn con cái Chúa chối bỏ Ngài, đức tin của phần còn lại vẫn mạnh mẽ. Một điều chúng ta dễ nhận thấy là sự ‘chối Chúa’ cho đến nay chỉ xảy ra ở những nước có sự tiến bộ nhanh về khoa học, có mức sống cao. Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều nhà thờ Mỹ đóng cửa vì không có đủ giáo dân. Người Mỹ phải chăng chối Chúa vì cho rằng chính khoa học mới đem lại sự sống phồn vinh cho họ. Mới đây, trên sáu mươi giáo xứ đóng cửa chỉ trong một Tổng giáo phận. Người ta lại cho rằng các vị chăn chiên tội lỗi là nguyên nhân của sự ‘chối Chúa’.

Nhưng vẫn còn may, cái may này đã xảy ra ngay trên đất Mỹ, quê hương thứ hai của chúng ta, khi chúng ta nhận ra rằng dù cho có những phong ba bão táp, đức tin vẫn trội vượt, vẫn ‘nằm êm’ đâu đó, khi cần sẽ phát lên tiếng nói của mình. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, chính những người còn đức tin đã mang lại phần thắng cho Tổng thống Bush vì ông đã đứng về phía đức tin, mặc dầu đất nước vẫn còn những khó khăn khác, nhất là về kinh tế. Đa số người Mỹ đã tạm giảm bớt cái nhu cầu của bao tử để giữ lấy trái tim trong sạch.

Như trên tôi vừa trình bày, ở một nước Việt Nam còn nhiều khó khăn về nhiều mặt, đức tin vẫn được trải rộng thêm. Nhưng ngày nào đó, khi Việt Nam đã thực sự phồn vinh thì liệu giáo dân Việt có ‘chối Chúa’ không? Tôi xin được tin rằng, ít ra là hy vọng rằng ‘không’. Thực tế là giáo dân Việt đang sống trên đất nước Mỹ tiến bộ và phồn vinh này vẫn giữ đạo tốt. Chính các vị chức sắc cao cấp trong Giáo hội Mỹ đã nhận định như vậy. Các nhà thờ vẫn đông nghẹt giáo dân Việt. Có thể có những ‘vấn đề’ trong các cộng đồng giáo dân Việt, nhưng tất cả đã quên đi, hay tạm quên đi những ‘vấn đề’ đó để tìm đến với Chúa. Và tôi xin được tin rằng khi mà mọi người trong chúng ta vẫn còn tin và thờ lạy ‘Một Cha trên trời’, có nghĩa chúng ta tất cả đều là anh em, thì mọi vấn đề cũng sẽ được giải quyết xuông sẻ thôi.

Dân tộc Việt có nhiều đặc tính tốt, trong đó có đặc tính chung thủy và trung thành. Chúng ta hãy tiếp tục trung thành với Chúa, vì chính Chúa mới là nguồn mạch của mọi sự sống. Trung thành với Chúa cũng chính là một đặc tính tốt của dân tộc Việt, của văn hóa Việt. Chúng ta đã được dạy rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ muôn loài, không phải chỉ một trái đất. Vậy những hiểu biết của con người trên trái đất còn quá hạn hẹp so với vũ trụ bao la. Chúng ta phải sáng suốt, dẹp bỏ ngay, không bao giờ bắt chước những tư tưởng lệch lạc, bệnh hoạn, của một số người đã làm mất lòng Chúa khi họ chối Chúa chỉ vì cái cuộc sống giàu sang phù du, tạm bợ của họ khi họ còn có mặt trên thế gian này. Chúng ta cũng sẵn sàng cầu nguyện cho họ sớm tỉnh ngộ và quay về với Chúa để được nhận ơn tha thứ.