LTS: SỐNG LÀ ĐỨC KI-TÔ (Pl 1, 21) là chủ đề của 14 bài gợi ý suy niệm dành cho các chị đệ tử dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Theo LM. Joseph Trương Đình Hiền các bài trên đây chỉ để lưu hành nội bộ. Tuy nhiên, vì thấy nội dung những bài này rất sâu sắc và hữu ích cho nhiều tâm hồn nên nhân ngày Quốc Tế Đời Tận Hiến 2005, VietCatholic đã xin phép tác giả cho hàng tuần phổ biến tài liệu này. Thay mặt quý độc giả, VietCatholic xin một lần chính thức cám ơn LM. Jos. Trương Đình Hiền.

ĐỀ TÀI CHIA SẺ TRONG CUỘC TĨNH TÂM

Dẫn nhập

1. Hãy cởi dép ra

2. Đức Ki-tô cầu nguyện

3. Đức Ki-tô khiêm hạ

4. Đức Ki-tô khó nghèo

5. Đức Ki-tô vâng phục

6. Đức Ki-tô yêu thương

7. Đức Ki-tô thờ phượng và tôn vinh Cha

8. Đức Ki-tô xây dựng Nước Chúa

9. Đức Ki-tô, Người tôi tớ phục vụ

10. Đức Ki-tô xây dựng hiệp nhất

11. Đức Ki-tô, Tấm Bánh cho muôn người, Hy Lễ cứu độ

12. Đức Ki-tô, Vị Ngôn Sứ và Tông Đồ của Cha

13. Lên đường với Đức Ki-tô Phục Sinh

Kết luận : Hạnh phúc thay "Kẻ chọn phần tốt nhất".

"Quả thật, đời thánh hiến tạo nên một bài thuyết minh sinh động về cách sống và hành động của Chúa Giê-su theo tư cách là Ngôi Lời Nhập Thể trong tương quan với Chúa Cha và với mọi người. Đời thánh hiến là một truyền thống sinh động về cuộc đời và về sứ điệp của Đấng Cứu Thế"(Tông huấn Đời Thánh Hiến số 22)

DẪN NHẬP

1. Một chút ý nghĩa cho cuộc tĩnh tâm :

Muốn định nghĩa hoặc diễn tả thế nào mặc lòng, thì ý nghĩa căn bản của cuộc "tĩnh tâm cộng đoàn"vẫn là "cuộc gặp gỡ, cuộc hội ngộ với nhau trong Đức Ki-tô". Vẫn biết, cuộc sống thường ngày của mỗi một cộng đoàn thánh hiến đã là cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô rồi. Tuy nhiên, tĩnh tâm luôn là một cuộc "dừng chân" cần thiết, một "điểm hẹn" lý tưởng để mỗi người tìm lại nét mới mẻ và sinh động trong tương quan với nhau và nhất là với Đức Ki-tô, mối tương quan mà có lẽ do cuộc sống trùng lặp, ngăn nắp đã biến thành thói quen đơn điệu hoặc tệ hơn, thành cũ mòn xơ cứng. Chính vì thế, tĩnh tâm đó là cuộc gặp gỡ của tình "huynh-đệ-muội" để cùng nhau và giúp nhau trở thành môn sinh Chúa Ki-tô, giúp nhau thuộc về Ngài nhiều hơn, giúp nhau tìm lại "tình yêu thuở ban đầu" với Chúa Ki-tô mà sách Khải huyền đã nhắc nhở : "Ta biết các việc ngươi làm, nổi vất vả và lòng kiên nhẩn của ngươi...Nhưng Ta trách ngươi điều nầy : ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu". (Kh 2, 2.4-5).

Chính trong ý nghĩa đó mà việc gặp nhau, trao đổi, chia sẻ, gợi ý...hoàn toàn tự nhiên và bình thản. Ở đây, người gợi ý (hay người giảng phòng) cùng đồng hành với mọi người trong một cuộc "leo núi nội tâm" và hiện diện như một người anh em cùng giúp nhau, an ủi nhau, động viên và nâng đỡ nhau tiến bước trong cuộc hành trình vượt qua với Đức Ki-tô. Bởi vì như Đức Ki-tô đã từng nói :"Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau". (Mt 23, 8 ). Điều đó cũng muốn nói với mỗi người rằng : đừng đến với cuộc tĩnh tâm với thái độ đợi chờ một "cha giảng tuyệt vời", một "nhà tu đức kinh nghiệm", một "chuyên viên linh hướng thánh thiện, tài ba"...Nhưng xin hãy đón nhận nhau như một người anh em giữa muôn người đến đây để cậy nhờ nhau, cùng nhận và cho trong bầu khí và tâm tình chia sẻ huynh-đệ hầu nhờ đó gặp gỡ sâu xa hơn với Chúa Ki-tô và cùng với Ngài sống phong phú và đầy ý nghĩa trong những ngày sắp tới.

2. Lý do lựa chọn đề tài và nội dung chia sẻ :

Đề tài và nội dung của cuộc tĩnh tâm nầy xin được qui chiếu vào lời sau đây của Thánh Phao-lô Tông đồ :"SỐNG LÀ ĐỨC KI-TÔ" (Pl 1, 21). Đề tài trên được chọn lựa vì những lý do sau :

Thời sự mục vụ :

Cộng đoàn Dân Chúa đang nô nức trong những những ngày cử hành Đại Năm Thánh 2000, mừng biến cố Con Chúa Nhập Thể-Giáng Sinh được 2000 năm. Hòa nhịp với định hướng mục vụ chung của Hội Thánh mà Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nêu bật:

"Đức Giê-su Ki-tô là sự bắt đầu mới mẻ của mọi sự : trong Người, mọi sự tìm lại được chính mình, mọi sự được nhận lấy và được trả về Đấng Tạo Hoá là nguồn gốc của chúng" (TNK số 6 ).

"Cuộc Giáng sinh của Đức Giê-su tại Bê-lem không phải là một sự kiện mà ta có thể xếp gọn trong dĩ vãng. Quả vậy, tất cả lịch sử nhân loại đều có chỗ trước mặt Người : hiện tại và tương lai thế giới được chiếu sáng nhờ sự hiện diện của Người. Người là "Đấng Hằng Sống" (Kh 1, 18), "Đấng đang có và sẽ đến" (Kh 1, 4). Trước mặt Người mọi đầu gối sẽ quì lạy, ở trên trời, dưới đất và trong hỏa ngục, và mọi miệng lưỡi đều phải xưng tụng Người là Đức Chúa (x. Pl 2, 10-11). Gặp được Đức Ki-tô, ai nấy sẽ khám phá ra huyền nhiệm đời mình". (MNNT số 1).

Chúng ta cũng đừng quên những lời tuyên xưng đầy xác tín của HĐGMVN trong thư mục vụ về Năm Thánh ngày 16.11.1999:

"Đức Giê-su mang đến một sự sống mới dồi dào phong phú (x. Ga 10, 10). Khi trả lại cho con người địa vị làm con Thiên Chúa, Người đã nâng cao phẩm giá con người. Khi ban Thánh Thần, Người cho con người được tham dự vào chính nguồn mạch sự sống, nguồn mạch hạnh phúc, nguồn mạch niềm vui của chính Thiên Chúa. Sự sống ấy luôn sung mãn. Hạnh phúc ấy luôn đầy tràn. Niềm vui ấy luôn tươi mới". (HĐGMVN số 1).

Trong khi đó, Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu Ecclesia in Asia đã long trọng tuyên bố :

"Không cá nhân nào, không quốc gia nào, không nền văn hóa nào mà không tiếp thu tiếng gọi của Chúa Giê-su nói từ đáy của thân phận con người. "Chính đời sống của Người nói, nhân bản của Người, lòng trung thực của Người với chân lý, tình yêu bao quát của Người nói. Hơn nữa sự chết của Người trên Thánh Giá nói, tức là nói tới bề sâu không đáy của sự đau khổ và bị bỏ rơi của Ngưởi". Khi chiêm ngắm Chúa Giê-su trong bản tính nhân loại của Người, dân chúng tại Á Châu gặp được câu trả lời cho tất cả những câu hỏi sâu sắc nhất của họ, hy vọng của họ được hoàn thành, nhân phẩm của họ được nâng cao và sự ngã lòng của họ được vượt thắng. Chúa Giê-su là Tin Mừng đối với các nam nữ của mọi thời đại và nơi chốn, trong lúc tìm kiếm ý nghĩa sự sống và tìm kiếm sự thật về bản tính nhân loại của mình".(GHTAC số 14).

- Tông huấn "ĐỜI THÁNH HIẾN" :

Sống Đức Ki-tô, lựa chọn Đức Ki-tô, mô phỏng Đức Ki-tô và bước theo chân Đức Ki-tô...là căn tính của đời thánh hiến mà Tông huấn "ĐỜI THÁNH HIẾN" đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Một cách nào đó, nội dung chủ yếu của những chia sẻ trong cuộc tĩnh tâm nầy là cùng nhau đọc và suy tư những chỉ dẫn cốt yếu của Tông Huấn nầy mà chiều kích "ki-tô học" luôn được triển khai như một nét nhạc chủ đạo chi phối tất cả (leitmotiv).

"Chúa Con, đường dẫn đến Chúa Cha (Ga 14, 6), mời gọi tất cả những ai mà Chúa Cha giao phó cho Người (Ga 17, 9) tiếp bước theo Người, điều đó hướng dẫn cuộc đời của họ.

Thế nhưng, đối với một số người, đặc biệt những người được thánh hiến, Chúa Con đòi buộc một sự dấn thân trọn vẹn, bao gồm sự từ bỏ mọi sự (Mt 19, 27) để sống thân mật với Người và theo Người bất cứ nơi nào Người đến" (Kh 14, 4/ ĐTH số 18).

"Mọi tu sĩ nam nữ cần phải tiếp tục giữ lấy Chúa Ki-tô như mẫu gương cho mọi thời đại, bằng cách nuôi dưỡng trong kinh nguyện một sự thông hiệp tâm tình sâu xa với Người (x. Pl 2, 5-11), làm cho cả cuộc đời của họ thấm nhuần tinh thần chiêm niệm" (ĐTH số 9. Xem thêm các số từ 14-16).

"Trong đời thánh hiến, không chỉ có vấn đề tiếp bước theo Chúa Ki-tô với cả tâm hồn, bằng cách yêu mến Người "hơn yêu cha hay yêu mẹ, hơn yêu con trai hay con gái (Mt 10, 37), như đòi buộc đối với từng môn đệ, mà còn phải sống và bày tỏ điều đó bằng một sự gắn bó, là sự "biến đổi trọn vẹn cuộc sống với Chúa Ki-tô trong chiều hướng triệt để để dự phần trước vào sự trọn lành cánh chung, tuỳ theo các đặc sủng khác, và để, chừng nào có thể, đạt tới sự trọn lành đó trong thời gian" (ĐTH số 16).

"Quả thật, đời thánh hiến tạo nên một bài thuyết minh sinh động về cách sống và hành động của Chúa Giê-su theo tư cách là Ngôi Lời Nhập Thể trong tương quan với Chúa Cha và với mọi người anh em. Đời thánh hiến là một truyền thống sinh động về cuộc đời và về sứ điệp của Đấng Cứu Thế" (ĐTH số 22).

Linh đạo của Dòng Mến Thánh Giá :

Sống Đức Ki-tô, tập trung vào Đức Ki-tô cũng chính là nét đặc trưng của nền linh đạo dòng Mến Thánh Giá mà Vị Tổ Phụ sáng lập là Đức Cha Phêrô Maria Lambert de la Motte (1624-1679) đã lưu lại trong các di cảo của Ngài:

"Điều quan trọng nhất là chúng con phải thực hành mọi việc thay cho Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài muốn đích thân làm những việc ấy mà không thể được, nên dùng một số người do Ngài lựa chọn mà ban đầy tinh thần của Ngài là tinh thần trung gian để tiếp nối cuộc đời lử thứ và hy sinh của Ngài cho đến tận thế"... Từ nay, chúng con chỉ còn sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô". (Bức Tâm Thư gởi cho hai Chị MTG tiên khởi là Anê và Paula 7-8).

"Tôi cảm thấy chín mùi quyết liệt trong ý chí dâng tiến, trao gởi và cống hiến thân xác tôi cho Chúa Giê-su Ki-tô, ngõ hầu Người dùng thân tôi mà thực hành những việc đền tội, hãm mình và Người có thể hằng ngày tiếp nối sự hy sinh lao nhọc trong một thân xác cảm thụ do chính Người mượn lấy và chọn lựa cho mục đích đó" (Bài Tự Sự I, 4).

"Chúa Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta" (Tiểu sử ĐC L. de la Motte 13).

3. Đề nghị một tiến trình để suy tư và cầu nguyện:

Giai đoạn 1 : Gặp gỡ, đối diện, chiêm ngắm Đức Ki-tô qua những nét tiêu biểu trong cuộc sống và lời mời gọi sống trọn lành của Ngài để qua đó tìm lại căn tính của đời mình. Đây cũng là giai đoạn thanh luyện tâm hồn để tiến tới việc thống hối ăn năn mà cao điểm đó là lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải.

- Đức Ki-tô cầu nguyện.

- Đức Ki-tô khiêm hạ - Khó nghèo.

- Đức Ki-tô vâng phục Thánh ý Chúa Cha.

- Đức Ki-tô yêu thương bằng tình yêu trinh khiết vẹn tuyền.

Giai đoạn 2 : Chiêm ngắm một Đức Ki-tô mà chúng ta phải "sống như và sống với" để nhờ đó xác lập một tương quan mới mẻ và sống động với cộng đoàn; để vì cộng đoàn, với cộng đoàn và nhờ cộng đoàn thăng tiến mỗi ngày cuộc đời thánh hiến. Đây cũng là giai đoạn nhờ chiêm ngăm Đức Ki-tô để xây dựng một đời sống "trưởng thành trong đời tu".

- Đức Ki-tô thờ phượng và tôn vinh Chúa Cha.

- Đức Ki-tô xây dựng Vương quốc Thiên Chúa.

- Đức Ki-tô người tôi tớ phục vụ và xây dựng sự hiệp nhất.

- Đức Ki-tô Tấm Bánh cho muôn người và Lễ Hy sinh cứu độ.

Giai đoạn 3 : Một tương quan cá nhân thân mật với Đức Ki-tô, một quan hệ tốt đẹp, thánh thiện trong cộng đoàn sẽ là một động lực giúp người được thánh hiến đồng cảm với Giáo Hội, thiết tha với sứ mệnh tông đồ, truyền giáo của Hội Thánh. Đây cũng là giai doạn kết hiệp mật thiết với Đức Ki-tô, trở nên "đồng hình đồng dạng với Ngài" để cùng Ngài ra đi loan Tin Mừng cứu độ.

- Đức Ki-tô Vị Ngôn Sứ và Tông Đồ của Chúa Cha.

- Lên đường với Đức Ki-tô Phục Sinh.

4. Kết luận : "Hạnh phúc thay kẻ chọn phần tốt nhất"

Trong tác phẩm tu đức "Nên thánh trong thời đại mới", Kilian Mc Gowan, C.P. đã nói một cách mạnh mẽ rằng :

"Lãng phí lớn nhất của trí tuệ con người là sống mà không nhận biết Chúa Kitô. Thất bại thê thảm nhất của trái tim con người, nếu có, là chưa bao giờ thật sự yêu mến Chúa Kitô. Vở kịch bi thương nhất trong bất cứ cuộc đời nào là không đặt Chúa Kitô làm trung tâm của đời sống chúng ta" (Nên thánh Thời đại mới, trang 72).

Như vậy, lẽ sống và hành trang của những ai chọn sống đời thánh hiến mãi mãi chính là Đức Ki-tô, là "mối tình" dâng hiến cho Ngài. Đó chính là "viên ngọc quí" Mt 13, 45-46), là "kỷ phần tốt nhất" (Lc 10, 42), là "đối tượng duy nhất của lòng trí" mà tất cả những điều khác chỉ là thứ yếu để có thể từ bỏ, coi thường (Pl 3, 8). Lựa chọn đó, cảm nhận đó, cuộc sống đó... có thể là một "bất bình thường, một gai chướng" đối với não trạng thực dụng và duy vật của con người hôm nay. Điều đó cũng giống như chuyện cô Maria Betania ngày nào lấy dầu cam tùng quí giá xức chân Chúa Giê-su, một hành vi mà dưới mắt Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã trở thành phí phạm. (Ga 12, 1-8).

Để tâm đắc những giá trị đó, để sống tận cùng những ý nghĩa đó không phải là chuyện của một sớm một chiều mà là cuộc phấn đấu thường xuyên, từng ngày, từng giây phút, như lời của ĐTC G.P II : "Sau lần gặp gỡ đầu tiên đầy hứng thú với Chúa Ki-tô, rõ ràng còn cần phải bền chí cố gắng bằng lời đáp hằng ngày, điều nầy biến ơn gọi thành một thiên tình sử với Chúa" (ĐTH số 64).

Tĩnh tâm phải chăng là cơ hội tốt giúp chúng ta có điều kiện thuận lợi để cảm nhận, suy nghĩ và định hướng lại những lựa chọn nền tảng ấy. Trong ý nghĩa đó chúng ta cũng có thể nói được rằng tĩnh tâm chính là một giai đoạn "Toàn Xá" trong hành trình cuộc sống. Và như thế, điều quan trọng cuối cùng đó là chúng ta cùng giúp nhau biến cái "không gian và thời gian nầy" thành :

- Một cuộc hẹn hò luôn mới mẻ,

- Một cuộc gặp gỡ luôn ngỡ ngàng,

- Một mối tình như "thuở ban đầu lưu luyến ấy",

- Một "lời chứng" tinh khôi như lời chứng của M.Mađalêna vào buổi sáng tinh mơ ngày "Thứ Nhất trong tuần" (Ga 20, 1-18), với Đấng - là Emmanuel,

- Là Mục Tử nhân lành,

- Là Anh Cả của muôn vạn người em,

- Là ĐỨC KI-TÔ HÔM QUA, HÔM NAY VÀ MÃI MÃI

Đề tài tuần tới: Hãy cởi dép ra