Theo tin của Catholic News Services, sau khi mở rộng phạm vi và ban hành qui chế mới cho Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Sự Sống, Đức Phanxicô vừa bổ nhiệm các thành viên mới cho cơ quan cố vấn này, bao gồm các khoa học gia, các giáo sư và chuyên viên y khoa lẫn đạo đức học xuất thân từ hậu cảnh tôn giáo và thế tục.

Bẩy thành viên là người Hoa Kỳ và Gia Nã Đại, trong đó có Bác Sĩ Kathleen M. Foley, một nhà thần kinh học tại Trung Tâm Ung Thư Tưởng Niệm Sloan ở New York, và Bác Sĩ William F. Sullivan, một y sĩ gia đình và đạo đức học ở Toronto, người hiện giữ chức chủ tich Hiệp Hội Đạo Đức Sinh Học Quốc Tế tại Canada.

Trong một tuyên bố phát hành sau cuộc công bố ngày 13 tháng Sáu, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Hàn Lâm Viện, nói rằng việc bổ nhiệm các giáo sĩ, khoa học gia và chuyên viên y khoa, vừa đạo vừa đời, sẽ đem lại cho Giáo Hội và thế giới một “viễn kiến sâu sắc và khôn ngoan trong việc phục vụ sự sống con người, nhất là sự sống yếu ớt nhất và ít được bảo vệ nhất”.

Ngài cho biết "trong số các vị này, có một số vị không phải là người Công Giáo, hoặc thuộc các tôn giáo khác hoặc không có tôn giáo nào cả, một dấu hiệu cho thấy việc bảo vệ và cổ vũ sự sống con người không có phân rẽ và chỉ có thể được bảo đảm qua cố gắng chung”.

Việc bổ nhiệm lần này bao gồm Giáo Sĩ Do Thái Giáo Fernando Szlajen, người Á Căn Đình nhiều kinh nghiệm lâu dài về đạo đức sinh học, và mục sư Anh Giáo Nigel Biggar, hiện đang giảng dạy thần học mục vụ và luân lý tại Đại Học Oxford.

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, giáo sư đạo đức sinh học và luân lý, và Đức Hồng Y Willem Eijk của Utrecht, Hòa Lan, nguyên bác sĩ y khoa làm việc tại bệnh viện của Đại Học Amsterdam, trước khi đi tu làm linh mục, cũng đã được Đức Phanxicô bổ nhiệm vào Hàn Lâm Viện.

Được Đức Gioan Phaolô II thành lập năm 1994, Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Sự Sống có nhiệm vụ bảo vệ và cổ vũ “giá trị của sự sống con người và phẩm giá của nó”.

Tháng Mười Một năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành qui chế mới cho Hàn Lâm Viện để mở rộng phạm vi hoạt động và tìm tòi của nó liên quan đến các vấn đề sự sống.

Qui chế mới nói thêm rằng việc bảo vệ sự sống của Hàn Lâm Viện phải bao gồm “việc chăm sóc phẩm giá của con người nhân bản trong các giai đoạn khác nhau của cuộc sống” cũng như “việc cổ vũ phẩm chất của sự sống con người bắng cách tích hợp giá trị vật chất và tinh thần của nó nhằm tiến tới một ‘sinh thái nhân bản’ chân chính, một sinh thái giúp ta tái khám phá sự quân bình nguyên thủy của tạo thế giữa con người nhân bản và toàn thể vũ trụ”.

Các thành viên mới được Đức Phanxicô bổ nhiệm xuất thân từ 27 quốc gia khác nhau, trong đó có Ý, Tây Bna Nha, Nhật Bản, Tunisia, Do Thái và Burkina Faso.

Việc bổ nhiệm lần này cũng bao gồm 13 thành viên vốn đã phục tại Hàn Lâm Viện trước khi ban hành qui chế mới.

Năm vị lãnh đạo Hàn Lâm Viện trước đây cũng đã được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm thành viên danh dự đó là Đức Hồng Y Carlo Caffarra, Tổng Giám Mục hưu trí của Bologna, Ý, và Birthe Lejeune, phó chủ tịch của qũy lập ra để tôn kính chồng bà là Jerome Lejeune, chủ tịch đầu tiên của Hàn Lâm Viện.

Đức Tổng Giám Mục Paglia nói rằng các thành viên danh dự “đại diện cho lịch sử hàn lâm viện và sự đam mê đối với sự sống con người mà chúng ta phải biết ơn”.

Chính nhờ “công trình tiên khởi của rất nhiều vị nam nữ sáng chói mà ngày nay, với sự bổ nhiệm các hàn lâm sĩ mới, định chế của chúng ta tiếp tục phục vụ sự sống của mình với một năng lực canh tân”.

Ngoài hai thành viên Foley và Sullivan, các thành viên khác phát xuất từ Hoa Kỳ cà Gia Nã Đại là: Carl Anderson, hiệp sĩ tối cao của Hội Hiệp Sĩ Columbus; John Haas, chủ tịch, Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học Toàn Quốc, Philadelphia; Bác Sĩ Daniel Sulmasy, giáo sư đạo đức sinh học của Đại Học Georgetown; John Keown, giáo sư đạo đức học Kitô Giáo của Đại Học Georgetown; và Đức Cha Noel Simard của Valleyfield, Quebec, phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Gia Nã Đại về các vấn đề đạo đức sinh học liên quan tới an tử.

Các thành viên của Hàn Lâm Viện có nhiệm kỳ 5 năm, có thể được tái bổ nhiệm. Tư cách thành viên sẽ chấm dứt khi hàn lâm sĩ tới 80 tuổi.