Lễ Hiện Xuống.

“Lưỡi mang hình ngọn lửa,” hay “lửa mang dáng chiếc lưỡi” ?

1. Lưỡi lửa: nói nhiều thư tiếng

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đều nằm lòng đoạn sách Công Vụ mô tả biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống như hình lưỡi lửa tản ra đậu trên đầu từng người môn đệ Chúa Kitô. Nhưng hỏi thêm một bước, hình lưỡi lửa đó, lưỡi là chính hay lửa là chính. Tức là ngọn lửa như hình cái lưỡi, hay là cái lưỡi có ngọn lửa, thì có lẽ chúng ta hơi bí. Nếu lửa là chính, thì nó diễn tả sự nung đốt trong lòng. Còn nếu lưỡi là chính, thì nó nói lên, chứ không im lặng. Lưỡi là nói chứ không là liếm. Lưỡi chó mới liếm. Lưỡi mà có lửa, nói càng hăng. Vậy lưỡi là chính hay lửa là chính. Ta sẽ trả lời dễ dàng nếu ta đọc nguyên bản tiếng Hi Lạp. Mà ta chẳng cần đọc. Bởi đọc cũng chẳng hiểu, ấy là chưa nói không đọc được, vì nó lằng ngoằn như con sâu, với alfa beta gamma épsilon đủ thứ. Các nhà chuyên môn đọc dùm ta: lưỡi là chính. Chúa Thánh Thần hiện xuống như hình những chiếc lưỡi có lửa, chứ không phải như ngọn lửa có hình dáng cái lưỡi, như chúng ta hay nói, ngọn lửa đã liếm (có lưỡi mới liếm được) đến mái nhà.

Vậy cái lưỡi nói nhiều thứ tiếng của Chúa Thánh Thần, thánh Phaolô gọi là ơn ngôn ngữ, có nghĩa gì. Hỏi cách khác: có đúng là được tràn Chúa Thánh Thần thì nói được nhiều thứ tiếng không? Câu trả lời ta nhường cho một tác giả Châu Phi thế kỉ 6, mà Giaó Hội cho đọc trong bài đọc 2 giờ Kinh Sách, áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

“Các môn đê khi tràn đầy Thánh Thần thì nói nhiều thứ tiếng khác nhau, tuỳ theo Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4).

Tác giả Châu Phi thế kỉ 6 lý luận bằng một câu hỏi như sau: “Nếu có ai hỏi người nào trong chúng ta: ‘bạn đã lãnh nhận Thánh Thần, tại sao bạn không nói nhiều thứ tiếng?’ (biết có mỗi tiếng Việt, Chúa Thánh Thần ngự xuống, cũng chỉ mỗi một tiếng Việt mà nói) thì phải trả lời: ‘Tôi đang nói nhiều thứ tiếng đây’ vì tôi đang ở trong Thân Mình Đức Kitô là Hội Thánh.”

Một lập luận rất đạt. Tôi quảng diễn thêm. Khi ta lãnh Phép Rửa bằng nước và Thánh Thần, tràn đầy ơn của Người, là ta gia nhập vào Hội Thánh Công Giáo. Hội Thánh là Thân Mình Chúa Kitô. Hội Thánh có nhiều loại người, nên có nhiều ngôn ngữ. Người Mỹ nói tiếng Anh, người Pháp nói tiếng Tây, người Thượng Ban Mê nói tiếng Rađê. Vậy là gia nhập vào Hội Thánh là ta nói nhiều thứ tiếng. Không phải chỉ riêng ta nói, mà Hội Thánh nói. Mà Hội Thánh có nhiều loại người, nhiều dân tộc, nên nói được nhiều ngôn ngữ. Mấy ngàn ngôn ngữ như hiện nay.

Nói tượng hình hơn: Hội Thánh là Thân Thể Chúa. Mà Thân thể thì đâu chỉ toàn là mắt. Nếu vậy lấy chi mà nghe. Thân Thể cũng đâu chỉ là tay, lấy gì mà đá bóng. Vậy thân thể có nhiều chi thể khác nhau, cho nên có nhiều cách biểu lộ khác nhau, cũng giống như có nhiều ngôn ngữ. Có người nói bằng tay, có người nói bằng mắt, có người nói bằng nhíu mày, có người nói bằng vươn vai. Gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo (tức phổ quát) là Thân Thể Đức Kitô, là ta nói nhiều thứ tiếng theo nghĩa đó.

2. Nhiều thứ tiếng, nhưng ai cũng hiểu được.

Nếu nhiều thứ tiếng mà chẳng ai hiểu ai, thì có khác gì vụ việc Babel ngày xưa. Ngày xưa, ở Babel, con cháu ông Nôe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, bỗng dưng để cho tính kiêu ngạo xúi giục muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình cao hơn Thiên Chúa, nên đã bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, người này không còn hiểu người kia nữa, và chia rẽ nhau. Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không quy tụ quanh Thiên Chúa thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm cho nhau.

Hôm lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần sửa lại sự hư hại đó: tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc và các ngôn ngữ khác nhau nhưng đã hiểu nhau. Nhờ đâu? Nhờ chính Chúa Thánh Thần, nguồn tình yêu.

Tôi quảng giải thêm. Có một thứ ngôn ngữ mà ai ai cũng hiểu được: đó là ngôn ngữ của khổ đau và nhất là ngôn ngữ của tình yêu. Tuy hai thứ nhưng hai trong một. Two in One. Một người ngoại quốc, như Hàn Quốc, Pháp quốc, chắc chắn hiểu được ngôn ngữ đau khổ của người Tàu, người Việt ta. Nhăn mặt là biết ta đang đau, chứ đâu cần hiểu được tiếng Việt “đau” là gì mới biết được ta đau. Nhưng phải yêu thương mới hiểu được đau thương. Không có lòng thương yêu họ đau mà ta thấy trơ trơ, không hiểu. Ngôn ngữ tình yêu càng diệu kỳ hơn nữa trong lãnh vực tình yêu đôi lứa. Bất chấp màu da chủng tộc, quốc tịch. Bất chấp giàu bạc đống hay nghèo khố ôm, ai ai cũng hiểu được ngôn ngữ tình yêu.

Do đó, tuy nói nhiều thứ tiếng, nhưng ai cũng hiểu được, vì ta nói một ngôn ngữ là tình yêu thương. Chúa Thánh Thần là thần tình yêu làm cho mọi người nói tiếng khác nhau mà hiểu nhau được.

Chúa Thánh Thần hiệp nhất ta trong Hội Thánh khiến ta nói được nhiều ngôn ngữ.

Chúa Thánh Thần tình yêu, làm cho ta tuy nói nhiều ngôn ngữ nhưng lại hiểu được nhau, vì cùng nói một thứ tiếng: tình yêu.

3. Lưỡi lửa mà con người hôm nay cần

Vậy ngày nay người ta cần thứ ngôn ngữ nào, cần nói tiếng nào?

Nói là một sinh hoạt cần thiết trong cuộc sống chung: hằng ngày khi gặp người khác, chúng ta chào nhau, hỏi thăm nhau, trao đổi ý kiến với nhau, thảo luận, tranh luận v.v. Chính vì để phục vụ cho sinh hoạt cần thiết này mà khoa học kỹ thuật ngày nay đã phát minh ra máy khuếch âm, máy ghi âm, điện thoại v.v.

Nhưng nói với nhau là một chuyện, còn hiểu nhau là một chuyện khác. Hai chuyện này chưa hẳn luôn đi đôi với nhau. Nói với nhau thì nhiều nhưng hiểu nhau chắc không được bao nhiêu. Dịch một ngoại ngữ thì dễ hơn là hiểu được ý thật, lòng thật của người đang ở sát bên cạnh mình.

Có đặt mình trong bối cảnh như thế, chúng ta mới thấy được "lưỡi lửa" mà bài sách Công vụ hôm nay mô tả là cần thiết thế nào cho con người hôm nay. Ngày xưa, những người có mặt hôm lễ Ngũ tuần tuy nói nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng đều hiểu nhau. Đó là hiệu quả bởi "lưỡi lửa" của Chúa Thánh Thần Tinh Yêu. Lưỡi hình lửa là tiếng nói của tình yêu. Tiếng nói chân thật nhất là tiếng xuất phát từ cõi lòng.

Tiếng nói dễ hiểu nhất là tiếng của tình yêu. Xin đừng nói lời hận thù, chẳng ai hiểu được đâu dầu có gặp nhau liên tục. Israel và Palestine phái Hamas không hiểu nhau được, vì không dùng chung ngôn ngữ yêu thương.

Trong gia đình cha mẹ con cái vợ chồng hãy nói bằng một ngôn ngữ thôi: ngôn ngữ yêu thương, thì dù tính khí khác nhau, hoài bão khác nhau, sở thích khác xa nhau: người thích đá banh kẻ thèm sướt mướt phim tình cảm Hàn Quốc, thì vẫn hiểu nhau được.

Xin "lưỡi lửa" hiện xuống tràn đầy trong mỗi người chúng ta và trong cộng đoàn chúng ta, đặc biệt trong gia đình nhân năm chuẩn bị cho người trẻ bước vào gia đình này.

Gia đình hiệp nhất là gia đình nói được nhiều thứ tiếng.

Gia đình yêu thương là gia đình tuy nói nhiều thứ tiếng nhưng vẫn hiểu được nhau. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm