CỬ TRI PHÁP BẦU TỔNG THỐNG NĂM 2017

Ðây là lần thứ 11, thời Ðệ Ngũ Cộng hòa, cử tri Pháp thực thi quyền bầu chọn Tổng thống bằng phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Ngoài ra, kỳ này là lần đầu, Tổng thống xuất nhiệm từ chối ứng cử nhiệm kỳ hai, dù được Hiến pháp cho phép. Do đó, kết quả cuộc tuyển cử Tổng thống cho nhiệm kỳ 2017-2022 đã và sẽ có những bất ngờ và, cuối cùng, nước Pháp, tuy có thay đổi giới cầm quyền, nhưng vẫn… tiếp tục như cũ. Tại sao ?

I. KẾT QUẢ VÒNG MỘT.

Ngày 23.04.2017, 77,77% trong số chừng 47,58 triệu cử tri người Pháp ghi danh đã đặt lá phiếu của mình vào thùng để hoàn tất nhiệm vụ công dân, tham gia việc tuyển chọn Tổng thống, vòng một, năm 2017. Kết quả, 97,45% số phiếu được hơn 37 triệu phiếu hợp lệ được bỏ vào thùng ; 658.302 phiếu trắng (1,78% số phiếu được kiểm, những phong bì trống hay có giấy trắng) và 285.431 phiếu bất hợp lệ (0,77%).

Tại một phòng phiếu ở quận 15 Paris, khi kiểm phiếu, người ta tìm thấy một phong bì chứa đựng một tờ bạc mệnh giá 50 euros có ghi ‘Pour Pénélope’ (Dành cho Pénélope). Người ta cũng tìm thấy những phong bì với những lá phiếu tự tạo có ghi tên một người nổi tiếng như ca sĩ Céline Dion và tên các cầu thủ đá banh nổi tiếng. Một cử tri cắt nắp hộp fromage nổi tiếng ở Pháp ‘Camembert Président’ (Tổng thống Camembert) để vào phong bì đựng phiếu.

Việc kiểm phiếu xác định hai ứng cử viên Emmanuel Macron (Tiến bước, En Marche, EM) thu được 24,01% số phiếu hợp lệ và Marine Le Pen (Mặt trận Quốc gia, Front national, FN) với 21,30% để vào tranh cử ở vòng hai vào ngày 07.05.2017. Những ứng cử viên khác : François Fillon (Những người Cộng hòa, LR, Les Républicains) thu được 20,01% số phiếu hợp lệ, Jean-Luc Mélenchon (nước Pháp bất khuất, La France insoumie) 19,58%, Benoit Hamon (Ðảng Xã hội, PS, Parti socialiste) 6,36%, Nicolas Dupont-Aignan (Ðứng lên nước Pháp) 4,70%,… đều bị loại.

Ðiều đáng lưu ý là 2 chính đảng thườøng có mặt ở vòng hai đã bị loại : LR, hữu phái và PS Ðảng sau này, sau khi dày công đưa François Hollande vào điện Elysée và Manuel Valls vào Matignon, đang trên đường bị tiêu diệt. Tại vòng sơ tuyển, 7 ứng cử viên muốn đại diện cho đảng Xã Hội mở rộng đã cam kết sẽ đứng về phía người thắng cuộc. Thế nhưng, ngày 29.01.2017, thất cử ở vòng hai trước Benoit Hamon. Sau đó, ông Manuel Valls đã thất hứa không ký giấy giới thiệu cho ông Hamon ứng cử Tổng thống. Lời hứa đồng chí Thủ tướng PS không đáng tin cậy và ông đã về ‘đầu quân’ cho Emmanuel Macron (Tiến bước). Tiếp theo, các ngôi sao sáng PS khác (những thành viên nội các Valls) chia làm làm hai để theo Macron hy vọng có ăn hơn theo Hamon (ứng cử viên chính thức PS), thí dụ như Jean Yves Le Drian, Tổng trưởng Quốc phòng. Năm 2015, khi tranh cử Hội đồng Vùng Bretagne, ông hứa nếu đắc cử, sẽ từ chức trong nội các. Khi đắc cử, ông không giữ lời hứa. Cũng như Le Drian, các Vị khác thuộc tả phái, hữu hay trung phái theo Macron cũng chỉ để tìm ‘quyền’ và ‘lợi’. Một sinh viên 22 tuổi nói với phóng viên báo Le Monde : thái độ của cựu thủ tướng Valls còn ‘tệ hơn cả một sự phản bội. Đó là bằng chứng cho thấy chính giới quá xem thường nguyện vọng của cử tri (…) Vậy thì chúng tôi đi bầu làm gì ? Chúng tôi không còn tin tưởng vào đời sống chính trị ở Pháp nữa. Cuối cùng chỉ vẫn ngần ấy người được quyền định đoạt vận mệnh của đất nước.

Trái lại, LR đang tái lập hàng ngũ để ‘thua keo này, bày keo khác’ nhằm chiếm đa số tại Quốc hội để thành lập Chính phủ nhằm thực sự thay thế tả phái hầu cải thiện toàn diện nước Pháp. Thiện ý như vậy, nhưng có đạt được hay không là việc khác. Chờ xem.

II. GIEO GIÓ, GẶT BẢO.

A./ Những thành quả không đi đôi với lời hứa.

Trong mùa bầu cử năm 2012, cử tri Pháp, sau khi nghe lời hứa ‘Le changement, c'est maintenant’ (Thay đổi, ngay bây giờ) của ứng cử viên PS, đã tín nhiệm François Hollande vào chức vụ Tổng thống và đảng Xã hội trở thành đa số tại Quốc hội trong khi đảng này đang có đa số tại Thượng nghị viện. Mọi điều kiện để thành công đều trong tay họ. Tuy nhiên, sau khi gặp bà Angela Merkel, Thủ tướng Ðức, những lời hứa không được thực thi… kết quả, kinh tế không tăng trưởng, số thất nghiệp làm sao giảm được ?

1. Đạt được mức thăng bằng ngân sách vào cuối nhiệm kỳ.
« Thâm hụt ngân sách sẽ được giảm xuống còn 3% tổng sản phẩm quốc nội (PIB, Produit Intérieur Brut, tiếng Pháp và GDP, Gross Domestic Product, tiếng Anh) năm 2013. Tôi sẽ tái lập sự cân bằng ngân sách vào cuối nhiệm kỳ ». Oâng Hollande đã giải thích trong ‘60 cam kết với Pháp’ khi vận động tranh cử năm 2012. Theo số liệu từ INSEE (Institut national de la Statistique et Etudes économiques) , thâm hụt ngân sách Pháp là 4% PIB năm 2013. Trong năm 2016, thâm hụt đã là 3,4% PIB, thì việc cân bằng ngân sách năm nay là một việc không tưởng.

2. Không gia tăng nợ công (dette publique).
Ngày 29.09.2012, trong một cuộc họp báo tại Motor Show, ông Hollande đã cam kết ‘không một euro tăng thêm’ cho nợ công vào cuối nhiệm kỳ. Lời hứa đã không được tôn trọng. Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2016, nợ công nước Pháp từ 1.868 tỉ đã tăng lên 2.147 tỉ, tức tăng đến mức 96% PIB. Theo OCDE (Organisation de coopération et de développement économiques, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế), với mức tăng đó, đến năm 2018, bách phân nợ công Pháp sẽ vượt quá 100% so với PIB.

3. Mức tăng trưởng kinh tế quá thấp trong nhiệm kỳ 2012-2016.
Do sức cầu nội địa và xuất khẩu yếu, sự tăng trưởng kinh tế (sức cung) thấp : Năm 2012 (0% PIB), 2013 (0,30%), 2014 (0,40%), 2015 (1,10%) và 2016 (1,10%). Những mức tăng trưởng kinh tế này cho phép nước Pháp giải quyết nạn thất nghiệp.

4. Đảo ngược khuynh hướng thất nghiệp vào cuối năm 2013. Ngày 09.09.2012, qua màn ảnh đài TF1 bản tin 20 giờ, ông Hollande hứa sẽ làm được việc này trong vòng một một năm, tức vào cuối năm 2013. Mục tiêu này đã không đạt được. Khi ông lên nắm quyền tháng 5/2012, Pháp đã có 4,36 triệu người thất nghiệp ghi tên tại Pôle Emploi. Gần năm năm sau đó, tháng 2/2017, nước này có 5,52 triệu người thất nghiệp ghi tên tại cơ quan này.

Do những thành quả yếu kém đó, Tổng thống Hollande đã từ chối ứng cử nhiệm kỳ hai. Ngày 20.04.2017, ba ngày trước vòng một bầu Tổng thống, khi đến viếng các công nhân viên xí nghiệp Andros, tại Biars-sur-Cère (Lot), ông Hollande nói ông rời nhiệm vụ để lại ‘một đất nước trong tình trạng tốt hơn nhiều so với khi tôi nhậm chức’… ‘Tôi muốn người kế nhiệm tôi có thể, từ căn bản này, tiếp tục, và không tìm cách, như một số người cho biết, sẽ phá hủy, không tiếp tục những gì đã được khởi đầu từ năm năm qua, không có gì tệ hơn trò chơi này, bởi thay đổi liên tiếp, phá dỡ những gì đã được thực hiện bởi những người tiền nhiệm, thậm chí không thể xây dựng cho tương lai’. Trong những chuyến đến thăm các xí nghiệp từ hai tháng qua, ông không che giấu sự ủng hộ Emmanuel Macron hay Benoit Hamon.

B./ Hậu quả chính trị

Về phương diện chính trị, chúng ta thường so sánh những lời hứa khi vận động tranh cử với những hành động cùng thành công khi thực thi thẩm quyền Quốc trưởng. Năm 2012, người dân Pháp cần một chính trị gia có khả năng tạo sự tăng trưởng kinh tế hầu đưa nước Pháp ra khỏi khủng hoảng xã hội do nạn thất nghiệp tăng cao.

Thật vậy, do nước Pháp đang khủng hoảng xã hội, cử tri từ chối các đảng cổ điển và muốn ‘thử’ các ứng cử viên chưa cầm quyền như Macron hay Le Pen. Có lúc, người ta còn sợ trường hợp nguy khốn: Le Pen và Mélenchon vào vòng hai, tức cực tả và cực hữu, chúng ta không còn lựa chọn. Do đó, trong đêm 23.04.2017, những dự đoán của các viện thống kê lúc 20 giờ không gây niềm tin nơi các đại diện của ‘France insoumise’ và các vị này yêu cầu phải chờ kết quả từ Bộ Nội vụ. Bà Le Pen được sự tín nhiệm của 7.678.491 cử tri, ông Mélenchon được 7.059.951 và, còn phải kể 2 ứng cử viên Ðệ Tứ cộng sản bà Nathalie Arthaud với 232.384 và ông Philippe Poutou: 394.505 phiếu. Tổng cộng số phiếu tín nhiệm những ứng viên các cực hữu và tả đã lên đến 15,37 triệu, tức 41,53% cử tri bầu hợp lệ. Ða số những cử tri này là những người nghèo, nạn nhân các chính phủ thập niên qua. Sự phát triển của FN đã được chúng tôi trình bày tại : http://vietcatholic.com/News/Html/217697.htm
§ C./ Cơ hội cho Mặt trận Quốc gia thăng tiến.

C./ Ai là chủ lá phiếu dân chủ và tự do ?

Trong đêm tối 23.04.2017, sau khi kết quả vòng một được phỏng đoán, hai ứng cử viên không dự vòng hai đã có những phát biểu :

- ông François Fillon, sau khi cám ơn sự tín nhiệm của các cử tri dành cho ông và nhận hoàn toàn trách nhiệm về sự thất cử này, đã cho biết ông sẽ đầu phiếu cho E. Macron và kêu gọi mọi người cũng làm như vậy.

Cử tri đã tín nhiệm ông chưa hết buồn vì sự vắng mặt của ông ở vòng hai, không cho phép tình trạng tồi tệ của nước Pháp có cơ hội để phục hồi. Cử tri đã trên 18 tuổi để có thể hiểu biết thế nào là FN (nếu đảng này nguy hiểm, tại sao các chính phủ tả hữu liên tiếp đã không cấm ?) và thế nào là tiếp nối nhà nước xã hội hiện tại… Hợp lý hay không khi, ngày nay, tín nhiệm Macron và tháng sau, bằng lá phiếu tín nhiệm một ứng cử viên Quốc hội LR có kế hoạch chống lại tiến trình chính trị của Macron… Là chủ lá phiếu dân chủ, cử tri dành quyền bầu phiếu cho ai hay vắng mặt hoặc phiếu trắng là tự do của mình.

- ông Benoît Hamon cũng làm như vậy, nhưng vì PS đang bị bức tử, nên không biết có giới thiệu ứng cử viên dự tuyển Quốc hội hay không hay phải đầu quân cho En Marche của Macron để ông này giới thiệu ứng cử.

Nên nhớ ‘Các Ðức Giám mục mời gọi chúng ta đầu phiếu theo linh hồn và lương tâm’ (Les évêques nous disent de voter en notre âme et conscience).

D. Hô hào ‘Thay đổi’ nhưng hành động vẫn ‘Như vậy’.

Ngay từ đêm 23.04.2017, ông Macron đã hành động như đã đắc cử Tổng thống. Di chuyển trên đường phố với một đoàn hộ tống hùng hậu. Thực vậy, nếu vô vòng hai với ông Fillon, thì chưa chắc. Nhưng với bà Le Pen ở vòng này, tuy kết quả không cách biệt như năm 2002, khi Tổng thống J. Chirac đã thắng ông Jean-Marie Le Pen với tỷ số 82,21% và 17,79% số phiếu hợp lệ, nhưng ông Macron cũng sẽ thắng với tỷ số 60% - 40%, theo kết quả các cuộc điều tra dân ý. Do đó, các chánh trị gia ‘quá mùa’ từng hiện diện trong các chính phủ tả lẫn hữu đến xin đầu quân cho En Marche bằng lên án bà Le Pen để rồi xin ông Macron một chức, có khi đến… Thủ tướng. Do đó, hôm 05.05.2017, ông Macron hứa sẽ công bố sau khi vào điện Elysée, có thể sẽ là một nữ Thủ tướng… Nên nhớ Làm Chính Trị không phải là hành một nghề mà là để Phục vụ ‘Công Ích và Công bình Xã hội’ trong từng nhiệm kỳ.

Trong những ngày qua, nhiều vĩ nhân như trí thức, chánh trị gia, cầu thủ đá banh… lên tiếng kêu gọi đừng bỏ phiếu cho bà Le Pen. Thấy vậy, các học sinh trung học cũng rời trường xuống đường… Thế rồi, các thành viên tổ chức Greenpeace leo lên tháp Eiffel để giăng biểu ngữ ‘Tự Do, Bình Ðẳng, Bác Ái’ gọi là để chống bà Le Pen. Kết quả, những người này bị bắt và, lúc đó, người ta mới kinh hồn nếu kẻ gian leo như vậy, thì an ninh còn gì cho Thủ đô nước Pháp. Thay gì, từng số người đó chống lại bà Le Pen thì, từ năm 2002, họ đã học và thi hành bài học khi ông Le Pen vào vòng nhì với Tổng thống Chirac để hàng triệu người dân Pháp khỏi phải rơi vào cảnh thất nghiệp như hiện nay và bà Le Pen đã không có cơ hội để lọt vào vòng hai như hiện nay. Xin đừng trách những cử tri bầu cho bà Le Pen, mà hãy lên án những kẻ không giữ lời hứa.

Hà Minh Thảo