Nóng bỏng con tim là con tim yêu mến, nồng cháy tình yêu. Ngày xưa Môisen trong Cựu Ước nhận biết Thiên Chúa qua bụi gai lửa cháy bập bùng nhưng bụi gai vẫn xanh tươi. Trong Tân Ước hai môn đệ trên đường về quê làng Emmaus cũng nhận biết Đức Kitô Phục Sinh khi tâm tư các ông bừng cháy lửa tình yêu và các ông nhận ra Thầy Phục Sinh. Mặc dầu không đồng í với cách đối xử của chính quyền, họ vừa lạm dụng quyền hành vừa xử án tử hình bất công với Đức Kitô nhưng các môn đệ vẫn dùng ngôn từ của người tỏ ra có tư cách, lịch sự để diễn tả tâm tình đau khổ của người đang mất niềm hy vọng nơi các nhà lãnh đạo.

Nhờ tâm tình bác ái và lòng nhân các ông đã biến con tim đau khổ thành con tim nồng cháy tình yêu. Bác ái và lòng nhân với người xa lạ không quen, các ông gặp trên đường về quê. Dù hai người đang to nhỏ, tâm sự về nỗi đau đớn trong lòng, các ông vẫn chào đón người lạ trên đường và cùng với người lạ chia sẻ tâm sự riêng của hai người. Người lạ không những chỉ lắng nghe với tâm tình chân thành, cởi mở và mau chóng trở thành người chủ toạ, hướng dẫn cuộc đối thoại, giải thích cho các ông về mọi biến cố xảy ra cho Đức Kitô. Chính những đau khổ, tủi nhục đó lại trở thành vinh quang để nhân loại nhận biết tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Các môn đệ lắng nghe và thầm cảm tạ người lạ về những điều người đó giải thích cho các ông. Người lạ đó nói với tất cả tấm lòng chân thành, yêu mến và chính tình yêu đó để lại trong tâm các môn đệ lòng yêu mến thiết tha. Chiều đến người lạ còn định đi tiếp nhưng các môn đệ tỏ í mời người lạ cư ngụ tại nhà các ông qua đêm. Điều này bao gồm cả việc đãi bữa cơm tối, chỗ ngủ và có lẽ bữa ăn sáng ngày hôm sau.

Các môn đệ nhận ra Đức Kitô Phục Sinh khi Ngài bẻ bánh. Thay vì được phục vụ nơi bàn tiệc, người xa lạ làm công việc của chủ nhà, chủ tiệc. Ngài cầm bánh trong tay, dâng lời chúc tụng, tạ ơn trước khi trao cho các ông. Việc làm trên nhắc các ông về bữa Tiệc Li Đức Kitô thực hiện trước khi chịu khổ hình. Đúng lúc đó các môn đệ nhận ra Đức Kitô, Ngài liền biến khỏi các ông. Lúc đó các ông mới nhận biết người xa lạ dọc đường, nói với tất cả tâm tình chính là Đức Kitô Phục Sinh dưới hình thức người đi đường. Dù sau một ngày vất vả, cực nhọc nhưng tâm tình các ông chan hoà lòng mến và tình yêu, ngay đêm đó các ông lên đường trở về nơi mà lúc sáng các ông dời bỏ, chạy trốn. Các ông trở lại nơi đó để báo tin vui cho các bạn hữu là các ông đã gặp lại Đức Kitô Phục Sinh và tin vui các người phụ nữ loan báo là tin thật bởi chính các ông đã gặp Ngài, được Ngài giảng dậy dọc đường và chính các ông chứng kiến việc Ngài bẻ bánh và biến khỏi mắt các ông. Câu chuyện trên đường Emmaus cho biết các môn đệ gặp Đức Kitô bởi tâm tình yêu mến Thiên Chúa và hành động bác ái của các ông. Hành động bác ái là cách Đức Kitô dùng để mở con mắt tâm linh, con mắt trong tâm hồn con người. Các ông thể hiện bác ái qua việc mời người lạ cùng chia xẻ tâm tình của mình. Các ông thực hiện bác ái bằng tâm tình lắng nghe, nghe một cách chân thành. Các ông thực hiện bác ái bằng việc mời người lạ trú ngụ qua đêm. Các ông thực hiện bác ái bằng việc cho kẻ đói ăn, khát uống, lạnh cho chăn ấm. Các ông thực hiện bác ái bằng lời nói thành thật và nhẹ nhàng, nhưng không kém phần sắc bén, quyết đoán, khi nói về người lãnh đạo lạm quyền và đối xử bất công.

Đức Kitô Phục Sinh nói với chúng ta qua tiếng nói của con tim yêu mến. Điều răn mới Đức Kitô truyền lại là điều răn yêu thương và điều này được cho miễn phí. Điều răn mới không phải bằng lời nói suông mà được thể hiện qua việc bác ái, yêu thương và lòng nhân dành cho tha nhân. Điều mà các môn đệ trên đường Emmaus thực hiện trong cuộc sống.

Câu chuyện trên cho biết thực phẩm, thức ăn, thức uống, ngôn ngữ, bác ái yêu thương gắn liền với cuộc sống. Chúng quan trọng cho cuộc sống trần gian và khi chúng ta dùng chúng một cách khôn ngoan chúng trở thành giá trị thiết thực cho cuộc sống tâm linh.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org