THƯ MỤC VỤ PHAN THIẾT NGÀY 15.11.2004, Số 139

DỤ NGÔN VIÊN NGỌC QUÝ

Trong Thư Mục Vụ số 136 vừa qua, chúng ta đã học dụ ngôn Kho tàng. “Nước Trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng” (Mt 13,44). Chúng ta đã áp dụng dụ ngôn đó cho Giáo Hội, vì Giáo Hội là khởi đầu của Nước Trời sẽ được hoàn thành trong ngày Chúa quang lâm. Với cái nhìn (khách quan) của loài người, chúng ta thấy sự phong phú đặc thù của Giáo Hội về kiến thức, về nhân sự, nhất là về khả năng đóng góp của Giáo Hội cho lợi ích của con người và xã hội.

Ngoài ra, đối với các tín hữu chúng ta, Giáo Hội còn là kho tàng ân sủng và sự sống của Thiên Chúa. Công đồng Vatican II dạy: “Giáo Hội là phương thế cứu rỗi chung” (Hiệp nhất 3). “Vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại” (GH 1). Giáo Hội chính là Chúa Kitô, tiếp tục hiện diện, ban sự sống và ơn cứu độ cho con người.

Dụ ngôn hạt ngọc quý

Đây là dụ ngôn thứ sáu về “Giáo Hội” đã được thánh Matthêu ghi lại. Dụ ngôn viết:

Nước Trời giống như người buôn nọ, đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,45-46).

Giáo Hội được coi như là viên ngọc quý không những vì bản chất vừa nhân loại vừa thần linh của mình, mà - theo sự nhận định của hầu hết các quốc gia trên thế giới - còn vì khả năng và khối lượng đóng góp to lớn của Giáo Hội cho lợi ích của con người. Chúng ta hãy tìm đọc những Thông điệp xã hội của các Giáo Hoàng, những Văn kiện của Công đồng Vatican II, những Tông huấn, những Sứ điệp, những Giáo huấn của Tòa Thánh. Ngoài ra, còn không biết bao đóng góp khác trên bình diện giáo dục, y tế, từ thiện, văn hóa, thông tin, khoa học, nhất là trong việc chăm sóc nạn nhân các chứng bệnh nan y, chiến tranh, thiên tai, người nghèo khó, các trẻ em mồ côi. v.v. Chúng ta hãy vui mừng vì thấy Giáo Hội được tự do thực hiện những công tác hữu ích này trong nhiều quốc gia trên thế giới.

Hạt ngọc phản chiếu ánh sáng của bầu trời

Được Thiên Chúa mạc khải và dạy dỗ, Giáo Hội đem những điều mình hiểu biết chia sẻ lại cho con người. Ánh sáng của bầu trời được hạt ngọc thu nhập, rồi phản chiếu lại xung quanh. Nhờ ánh sáng đón nhận từ Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Giáo Hội được trở thành - như Kinh Thánh dạy - ánh sáng chiếu soi lại trần gian.

Chúa Giêsu là “Sự Sáng thế gian” (x. Ga 9,5). Người cũng đã nói với các môn đệ: “Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi không thể che dấu được. Người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời” (Mt 5,14-16). Giáo Hội có bổn phận phục vụ con người, bằng ánh sáng đón nhận từ Thiên Chúa. Và Giáo Hội đã thi hành sứ vụ này, khi đưa ra những giáo huấn liên quan đến sự sống, phẩm giá và tự do của con người, sự thật, công bằng, hòa bình, quyền lợi của người lao động, trách nhiệm của những nhà lãnh đạo quốc gia, của các nước giàu, của các tổ chức văn hóa, thông tin, giáo dục, y tế, xã hội trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế. Như Công đồng Vatican II đã dạy: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của những người nghèo và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS 1).

Nói vắn tắt, Giáo Hội quan tân đến tất cả mọi vấn đề liên quan đến con người và chỉ muốn được tự do phục vụ, theo gương Chúa Kitô, “Đấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý, để cứu rỗi chứ không luận phạt, để phục vụ chứ không để được hầu hạ” (GS số 3).

Giáo Hội - hạt ngọc trong tiến trình lịch sử

Giáo Hội là sánh sáng trần gian. Nhưng phải giải thích cách nào về những lỗi lầm, sai phạm, bất công xảy ra trong Giáo Hội như vụ nhà thiên văn Galilée bị Tòa án Giáo Hội lên án vì đã chủ trương trái đất xoay quanh mặt trời vào thế kỷ XVIII; vụ nữ thánh Jeanne d’arc bị tòa án giáo phận Beauvais kết án lạc giáo và bị thiêu sống vào thế kỷ XV; những vụ lạm quyền phần đời của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội thời Trung cổ; những lỗi lầm, ngộ nhận của một số vị lãnh tụ Giáo Hội là nguyên nhân của những vụ ly khai. v.v. Đối với chúng ta hôm nay, những mặt tiêu cực này đã được phân tích rõ ràng như là những sai lầm của một số thành phần con cái của Giáo Hội. Chúng làm lu mờ phần nào ánh sáng của hạt ngọc quý, nhưng không thiệt hại đến bản chất thánh thiện của Giáo Hội Chúa Kitô.

Nhiệm vụ của chúng ta là làm hết sức mình để bảo vệ và phát huy sự trong sáng của Giáo Hội, bằng chính cuộc đời lương thiện, nhân bản và lành thánh của mình.

Tính trong sáng của hạt ngọc quý

Đặc tính thông thường của hạt ngọc là sự tình ròng, trong sáng, không pha lẫn bụi bặm hay rác rến. Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Giáo Hội, đã xưng mình là sự thật. “Ta là đường đi, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Người là sự thật tự bản chất. Thánh Phaolô viết: “Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng mà chúng tôi rao giảng cho anh em, đã không vừa là ‘có’ vừa là ‘không’, nhưng nơi Người chỉ toàn là có” (2Cr 1,19). Giáo Hội Người thiết lập cũng phải là sự thật như Người. Công Đồng Vatican II viết: “Giáo Hội phải là rường cột và nền tảng sự thật” (x.GH.8). Là ‘rường cột và nền tảng sự thật’, Giáo Hội phải bảo vệ chân tính và sự trong sáng, tinh tuyền của mình.

Giáo Hội chúng ta phải là Giáo Hội đích thực của Chúa Kitô, không pha lẫn hay đồng hóa với một tổ chức văn hóa, xã hội hay chính trị trần thế nào. Là “dụng cụ của ơn cứu độ phổ quát” (HN.3), Giáo Hội phải là mái nhà chung cho toàn thể nhân loại. Công đồng Vaican II đã dạy: “Bởi sứ mệnh và bản chất, Giáo Hội không cấu kết với một hình thức văn hóa nhân loại đặc thù nào, hoặc một chế độ chính trị, kinh tế hay xã hội nào. Nhờ tính cách phổ quát ấy, Giáo Hội có thể là một mối dây liên kết hết sức chặt chẽ giữa các cộng đồng nhân loại và các quốc gia khác nhau, miễn là các quốc gia và các cộng đồng nhân loại ấy tin tưởng vào Giáo Hội và thực sự nhìn nhận Giáo Hội có quyền tự do đích thực để chu toàn sứ mệnh của mình” (GS số 42).

Kết luận

Bảo vệ căn tính và chức năng đích thực của mình, không chạy theo những thế lực trần thế, không lợi dụng những quyền lực thế gian và cũng không để ai lợi dụng hay tha hóa, Giáo Hội, như hạt ngọc quý, trong sáng sẽ giúp ích cho xã hội và mọi người.

Nước Trời giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được viên ngọc quý rồi, anh trở về bán hết mọi của cải mà mua viên ngọc quý ấy” (Mt 13,45-46).