CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN C.

MONG CHỜ SỰ TÍN TRUNG CỦA THIÊN CHÚA

(Lc 21, 5-19)

Thưa quý vị,

Ngôn sứ Malachia là một gương mặt màu nhiệm. Tên của ông có nghĩa là “Sứ Giả Của Ta”, nhưng chúng ta chẳng hay biết gì về ông, thời gian ông tuyên sấm cũng không chắc chắn. Có lẽ vào năm 515 trước công nguyên, sau khi Đền thờ Giêrusalem được thánh hiến. Điều chúng ta biết được là sứ điệp của ông: “Này ngày Chúa đến, đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác, sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng”. Ngoài ra chẳng còn gì hơn nữa, có thể nói ông là một tiên tri vô danh. Đọc hết những điều ông viết ra cho chúng ta quan niệm là ông hô hào một nền đạo đức chính danh, không giả dối bôi bác, phục vụ thành tâm và nghiêm chỉnh. Nhất là một nền công lý chân thật và rộng khắp: “Con phải kính trọng cha, tôi tớ kính sợ chủ. Vậy nếu ta là cha, thì đâu là lòng kính trọng Ta? Và nếu ta là chủ thì đâu là lòng kính sợ Ta? Đức Chúa các đạo binh nói với những tư tế khinh thường danh ta”. Chủ yếu dân tộc Do thái được Thiên Chúa xây dựng là để thờ phượng Ngài cho phải đạo, gìn giữ Đền thờ, sống thánh thiện và thừa hưởng lời hứa cứu độ. Nhưng họ đã lơ là, chạy theo tiền tài, sắc dục và thần tượng ngoại bang. Cho nên vị tiên tri đã hô lớn lời cảnh báo về việc phụng thờ thiếu xót đó. Phần trích dẫn hôm nay ở đoạn 3 câu 19-20 thách thức những ai than phiền về Đức công chính của Thiên Chúa: Người ngay lành phải khốn đốn còn kẻ gian ác được thành đạt.

Tiên tri Malachia thẩm định một cách ngay thẳng nếp sống sa đoạ của xã hội hiện thời và tuyên bố rằng mặc dù kẻ dữ được may mắn nhưng về lâu dài sẽ lãnh những hậu quả tai hại. Chúng ta có thể đồng ý với vị tiên tri về quan điểm này và cùng có quan điểm với ông về thời tương lai. Cho nên đừng nản chí, đừng vì hào nhoáng bề ngoài, chạy theo thế gian, và bị Satan lừa dối thê thảm. Trái lại hãy can đảm đi theo đường ngay nẻo chính của Đức Chúa Trời, và liên kết với những kẻ sống trong lề luật Thiên Chúa. Nhất định sẽ có một ngày, tiên tri cảnh báo, Đức Chúa Trời thiết lập vương quốc công lý một cách viên mãn trên mặt địa cầu. Khi ấy chắc chắn tai hoạ khủng khiếp sẽ đổ lên đầu những kẻ làm điều gian ác. Do đó ngôn sứ loan báo “Ngày của Thiên Chúa” sắp đến: “Này ngày của Thiên Chúa sắp đến, đốt cháy như hoả lò... Ai chịu nổi ngày người đến? Ai đứng được khi Ngài xuất hiện? Quả thật, Người như lửa luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt, Người sẽ ngồi để luyện kim, tẩy bạc. Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc”. Đúng là một lời cảnh báo nghiêm khắc. Tiên tri đã nói lên sự thật này từ nhiều nghìn năm trước. Nhưng cho đến hôm nay, thiên hạ vẫn bỏ ngoài tai, giả điếc làm ngơ. Người tín hữu không thể có thái độ như vậy. Nhưng phải chú ý lắng nghe sứ điệp của tiên tri, mà nhìn lại nếp sống của mình. Đồng thời phải tin chắc có ngày báo oán của Thiên Chúa. Ngày mà người lành được thưởng, kẻ dữ bị trừng phạt. Cho nên lúc này mặc dù tín hữu xem ra nhỏ bé, tiếng nói của họ chẳng có ý nghĩa nào trước những bất công của xã hội, chiến tranh, thù ghét, thối nát, tham nhũng, áp bức kinh tế, chính trị thì cũng không sờn lòng. Thiên Chúa chẳng hề ngủ quên, Ngài luôn quan tâm đến số phận của những kẻ yếu hèn, chịu đựng đau khổ. Ngài là thẩm phán cuối cùng, sẽ lo toan cho thế gian ở trong trật tự ngay thẳng và hợp lý.

Phụng vụ mấy tuần vừa qua đã đổi giọng các bài đọc, người ta có thể nhận ra chu kỳ C sắp kết thúc. Kinh thánh nói nhiều về việc Thiên Chúa trừng phạt kẻ dữ, bênh vực người lành. Những xấu xa, tội lỗi sắp được xét sử công minh. Thế giới lui dần đến ngày tận số. Như vậy chúng ta phải sống thánh thiện, đợi chờ ngày Thiên Chúa ra quyết định. Tiên tri Malachia loan báo “Mặt trời công chính “ đang xuất hiện: “Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ danh ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh”. Đây không phải là lời nói dối, mà là sự thật vững chắc. Các tín hữu tiên khởi đã căn cứ vào sự tiên báo này như dấu chỉ Đền thờ Giêrusalem sắp bị phá huỷ, dân tộc Do thái đi lưu đầy, tản mác khắp nơi, đất nước bị xoá tên. Chúa Giêsu cũng nói về ngày tận cùng và nói trước khi sự việc xảy ra, như Tin mừng hôm nay thuật rõ. Đức Giêsu đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây” và thời kỳ đã đến gần... Sẽ có chiến tranh, loạn lạc, sẽ có những trận động đất lớn và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém”. Thánh Luca ghi lại sự kiện này sau khi thành Giêrusalem bị triệt hạ năm 70, để chứng tỏ lời Chúa Giêsu đã được ứng nghiệm đầy đủ. Tuy nhiên, ngày tận cùng của thế giới chưa tới. Người tín hữu còn chịu nhiều những bách hại. Họ sẽ bị các lãnh đạo tôn giáo, chính trị đàn áp. Một số người sẽ bị sát hại. Các cơ cấu hỗ trợ họ sẽ bị phá huỷ. Ngay trong gia đình, cha tố cáo con, anh chị em tố cáo lẫn nhau. Chúng ta chẳng thể đoán trước được tình hình sẽ thế nào cho các tín hữu, cho Giáo hội toàn cầu. Bởi lẽ sự thù nghịch của thế gian ngày càng gia tăng. Tuy nhiên Chúa Giêsu bảo đảm, ngay trong thời gian tệ hại nhất, chúng ta vẫn có bàn tay Thiên Chúa che chở: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu”.

Hẳn quý vị đã được nghe câu chuyện nhiều tập “còn sót lại” (left Behind). Từ năm 1995 đã có 11 tập được xuất bản với hơn 40 triệu ấn bản. Những sách này đặt căn bản trên sự giải nghĩa của sách Khải huyền. Bài đọc 3 hôm nay xem ra gần với cuốn sách danh tiếng đó về cách mô tả sự tàn phá vũ trụ, trời đất, biển khơi, trăng sao tinh tú. Nội dung trung tâm của “còn sót lại” là sự mang đi (the Rapture). Khi việc đó xẩy ra, người lành thánh sẽ được Chúa Giêsu đưa về trời, hưởng phúc lộc vô tận, còn kẻ dữ là đa số nhân loại sẽ bị bỏ lại (the left behind). Sau đó (tức sau Rapture) phản Kitô sẽ ngự trị trái đất. Lúc ấy thế gian sẽ là hoả ngục: Chiến tranh, tai hoạ, dịch bệnh, đói khát lan tràn khắp nơi. Những kẻ bị bỏ lại sẽ chịu cực hình khủng khiếp, xưa nay chưa từng thấy, vì những sự dữ chúng đã thực hiện. Phải chăng sự kiện đó xác nhận lời tiên tri của Malachia hôm nay: “Này ngày của Đức Chúa đến, đốt cháy như hoả lò”. Phải chăng nó cũng báo trước những tai hoạ mà Chúa Giêsu đề cập trong Phúc âm chúng ta vừa nghe đọc? (xin xem thêm trong tạp chí “Rao giảng” (Preach magazine) số tháng 12, 2004).

Khi người ta đòi hỏi những dấu chỉ của ngày mà Đền thờ sẽ bị “lật nhào”. Chúa Giêsu trả lời bằng những tai họa chiến tranh, phá huỷ, dịch bệnh, thì các nhà chú giải hiểu ngay là Ngài muốn nói một cách cụ thể theo nghĩa đen, đúng như Malachia và Luca mô tả. Ví dụ loạt truyện “còn sót lại” mà chúng tôi vừa đề cập tới. Nhưng trong truyền thống giải thích của Giáo hội, chúng ta hiểu chúng chỉ có tính cách ẩn dụ áp dụng ý nghĩa vào cuộc sống hiện tại của mỗi người. Tối thiểu khi chúng ta cảm thấy thất vọng về hiện tình của thế giới và bị cám dỗ buông xuôi vì nghĩ rằng dầu sao thì sự dữ luôn luôn thắng thế. Các bài đọc hôm nay không cho phép chúng ta thất vọng. Ngay cả khi phải chịu khốn đốn vì bênh vực điều lành. Chúng ta luôn tin cậy vào lòng tín trung của Thiên Chúa. Tất yếu ngài sẽ giơ tay cứu chữa. Thực tế, Chúa Giêsu nói: “Có kiên trì anh em mới giữ được mạng sống mình”. Như vậy đau khổ vì Danh Ngài sẽ là cơ hội tốt để chúng ta làm chứng về Ngài, cho đến khi ngày của Chúa được tỏ hiện và mọi sự sẽ được an bài theo ý định của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, ngay sau đó Chúa phán một điều xem ra trái ngược: “Nhưng dù một sợi tóc tên đầu anh em cũng không bị mất đâu”. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa lời tuyên bố này ra sao? Đây là lời xác nhận số phận loài người ở trong tay Thiên Chúa, không chi làm hại được chúng ta, cho nên mô tả của Luca và Malachia không thể hiểu theo nghĩa đen được. Nó chỉ là lời cảnh báo nghiêm khắc để mọi người xem lại tình trạng tâm hồn mình.

Hiện thời chúng ta sống trong thời kỳ chờ đợi. Sự sống, sự chết và sự sống lại của Đức Kitô đã mở màn thời cánh chung. Chúng ta chẳng thể biết được khi nào nó đến và bằng cách nào nó đến. Thời gian còn bao lâu nữa? Nhưng có một điều chắc chắn chúng ta phải vững vàng trong đức tin và có những việc chúng ta phải thực thi. Đó là làm chứng cho Đức Kitô, bất chấp đau khổ và bách hại. Tin cậy vào lòng Chúa xót thương, luôn ủi an nâng đỡ những tâm hồn tan nát. Nhiều tín hữu đã kinh nghiệm lời tiên báo của Chúa Giêsu, tình hình thế giới trong những ngày đầy xáo trộn này cho chúng ta thấy rõ điều đó. Trong nháy mắt và chẳng hề được báo trước, nhiều mạng người vô tội đã bị nổ tung vì hận thù chính trị, kinh tế, tôn giáo. Theo thống kê thì có hàng ngàn, hàng vạn mỗi ngày. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Lời Chúa Giêsu nên hiểu về tận cùng của mỗi cá nhân, khi chúng ta phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống như bệnh tật, đau ốm, căng thẳng. Chúa kêu gọi chúng ta trung thành với Ngài. Sự trung thành này không những nâng đỡ chúng ta, làm cho chân tay và tinh thần vững mạnh, mà còn biến chúng ta thành những chứng nhân của Ngài. Thiên hạ sẽ nhìn vào đức tin của các tín hữu mà nhận ra Thiên Chúa kiện cường các môn đệ của Chúa Giêsu ra sao! Nhiều lần Chúa Giêsu đã tuyên bố chỉ trong đau thương mà chúng ta chứng tỏ mình là đồ đệ thật của Ngài và những đau khổ cá nhân chịu đựng trong âm thầm biểu lộ sức mạnh của Thiên Chúa. Ngài đang hoạt động trong các cá nhân đó để xây dựng cộng đoàn. Sự ồn ào bề ngoài không có ích lợi bao nhiêu.

Quí vị đã được chứng kiến những tâm hồn trung thành trong gian lao khổ cực vì Chúa Giêsu chưa? Nếu có, quý vị được xây dựng nhiều lắm đấy, nhờ gương sáng của họ. Nhiều vị thánh trong Giáo hội suốt đời bệnh tật nhưng đã nêu gương sáng đức tin cho người đồng thời. Hoặc chúng ta nhìn xem chung quanh mình, nhiều người cha người mẹ trong gia đình chịu đựng thiếu thốn, thất nghiệp, tàn tật, mất mát, sức khoẻ kém, nhưng vẫn chứng tỏ một đức tin sáng ngời. Nếu chịu thử thách như họ, liệu chúng ta còn đứng vững được không? Trong các giáo xứ, nhiều gia đình cả nhà đi bán vé số hoặc nhặt ve chai. Vậy mà họ vẫn cố gắng cho con cái đi học giáo lý đều đều. Tâm hồn họ thật vững mạnh trong đức tin. Cho nên chúng ta phải xác nhận Thiên Chúa vẫn đứng bên cạnh các gia đình khốn khổ đó, an ủi và nâng đỡ họ trong gian nan thử thách.

Rõ ràng trong trình thuật của thánh Luca hôm nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ chờ đợi (12-14). Chúng ta phải trải qua nhiều khốn khó, để Thiên Chúa thử thách đức tin và lòng trung thành của các môn đệ Chúa Giêsu. Nhưng Chúa nói: “Dầu một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Anh em kiên trì thì sẽ giữ được mạng sống mình”. Chúng ta không chịu gian nan một mình, có Chúa luôn hiện diện bên cạnh, cùng chịu đựng với chúng ta. Đó là lý do chúng ta cử hành Bí tích Thánh thể. Bởi lẽ Thánh thể là của ăn nuôi dưỡng tín hữu qua những khó khăn hằng ngày mà họ phải gánh chịu. Hy vọng mỗi người thực sự ý thức được thực tế đó. Amen.
  • Ý ĐẸP: Chuyện đầu tiên phải nói là Tân ước khích lệ chúng ta nên thánh: “Vậy anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã chịu nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Eph 5,1-2). Việc quan tâm căn bản không phải là nhận định điều cấm làm, điều được phép. Lời Chúa luôn khuyến khích chúng ta bước đi về phía thánh thiện Kitô giáo, sống như Chúa đã sống, bắt chước Ngài, có trái tim tự do, lòng yêu thương kẻ khó nghèo, thanh sạch, tử tế và cảm thông. Nói cách khác, Kinh thánh kêu gọi chúng ta tiến tới hơn là chỉ xa tránh tội lỗi hoặc tự mãn không làm điều ác. Nó thúc đẩy chúng ta tự hỏi: “Điều chi dẫn đến sự viên mãn Kitô giáo? Điều chi dẫn cộng đoàn tín hữu lớn lên trong yêu thương và hy vọng?” (Kevin 1. O’neil, CSSR)