Chúa nhật III Mùa Chay A

Đón nhận ơn tái sinh

Tin Mừng theo thánh Gioan cho biết, người đàn bà có sáu đời chồng, ra giếng múc nước vào buổi trưa, gặp Chúa Giêsu và được Chúa đánh thức tâm hồn, đó là người đàn bà xứ Samaria.

Samaria trước là vùng đất Do thái, vì thế, những người sinh sống tại đây cũng là người gốc Do thái. Nhưng qua nhiều đổi thay của đất nước, nhất là trong những lần bị đưa đi lưu đày, nhiều lần bị đặt dước ách đô hộ của các đế quốc, làm cho lịch sử biến chuyển không ít… Người Do thái ở Samaria không còn giữ được nguyên gốc Do thái. Họ ngày càng có nhiều mối dây liên hệ với dân ngoại. Do đó, người Samaria luôn luôn bị người Do thái khinh miệt, tránh mọi liên hệ gần gũi và tiếp xúc.

Nhưng Chúa Giêsu thì không. Người đã không đứng chung hàng ngũ với những người đồng hương để lên án con người, mà luôn ý thức vai trò cứu rỗi của mình: đưa con người từ tội lỗi về lại với sự thánh thiện.

Tin Mừng theo thánh Gioan viết: “Đức Giêsu tới thành gọi là Kikha thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng Giacóp, Đức Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu”(Ga 4,5-6).

Bỗng dưng một phụ nữ ra giếng múc nước. Chúa nhìn thấy tâm hồn chị. Chúa biết chị luôn sống trong mặc cảm của tội, bởi chị đã có đến “năm đời chồng và hiện người đang sống với chị không phải là chồng chị”. Nhưng Người cũng nhìn thấy khả năng đón nhận chân lý nơi chị, vì thế, chính Chúa lên tiếng trước: “Cho tôi chút nước uống”.

Chúa phá tan sự nghi kỵ. Chúa đã làm khiến ngạc nhiên không ít. Bởi không phải chỉ vì “Ông là người Do thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria, cho ông nước uống”. Nhưng nếu theo dõi hết trình tự của câu chuyện, ta sẽ thấy, Chúa khiến chị phụ nữ phải đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Đúng hơn, khi đối thoại với Chúa Giêsu, người phụ nữ Samaria đã phải chuyển từ ngạc nhiên sơ khởi dần dần đi lên đến đỉnh điểm của đức tin.

Chỉ cần một chi tiết sau, đủ chứng minh tình cảm biến đổi từ thấp lên cao dần của chị: Khởi đầu chị gọi Chúa là “ông”, rồi chuyển sang gọi là “ngài”, kế đến là “đấng tiên tri”, cuối cùng là “Đấng Kitô”.

Chúa làm thay đổi hoàn toàn tình thế: Chúa, người xin, trở thành người cho; chị phụ nữ, người được xin, trở thành kẻ đón nhận.

Một loạt những lời nói của Chúa Giêsu đã biến chính Người thành Đấng trao ban, còn chị phụ nữ thành người thụ nhận:

- “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: cho tôi chút nước, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10).
- “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).
- “Đã đến giờ và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý. Đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn” (Ga 4, 23).
- Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật (Ga 4, 34).
- Và sau hết, như một đoạn kết có hậu, một đoạn kết tất yếu phải có, Chúa Giêsu dứt khoát chỉ cho chị để chị nhận ra “Chân Lý” mà chị cần gặp, chị phải gặp. “Chân lý” ấy không phải ai khác mà là chính Chúa, Đấng đã tự mình tìm đến với chị: “Đấng Mêsia chính là Ta, Người đang nói với chị đây” (Ga 4, 26).
Bất cứ ai, khi được Chúa chạm đến, với điều kiện người ấy phải chấp nhận sự thật về mình, chấp nhận vạch trần con người tội lỗi của mình, đều được biến đổi. Một khi đã được biến đổi, người ấy lập tức trở thành chứng nhân của Chúa, chứng nhân của tình yêu tha thứ mà Chúa ban cho mình.

1. BIẾN ĐỔI:

Người phụ nữ Samaria chắc chắn đã phải giật thót mình khi “bị” một người xa lạ đánh đúng vào thái độ đùa nghịch với đạo đức, với luân lý mà chị đã quen sống từ trước đến nay.

Chị đã thật sự nhận ra mình trong phút chốc khi chị được Chúa soi sáng.

Không ai có thể thật sự thấy mình, cho đến khi soi mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa.

Chị phụ nữ đã được Chúa buộc phải nhìn vào Chúa để từ đây, chị biến đổi chính mình.

Cú “giật mình” đã phải làm cho chị nhanh chóng thốt lên: “Tôi thấy ngài thật là một tiên tri…” (Ga 4, 19).

2. CHỨNG NHÂN:

Thánh Gioan đã không bỏ qua chi tiết chị phụ nữ “bỏ vò nước lại” ngay tại chỗ chị đã gặp Chúa Giêsu. Tại sao lại bỏ vò nước? hành động này, tuy nhỏ, lại nói lên nhiều ý nghĩa lớn:
- Sự biến đổi ngoạn mục trong chị đã làm cho chị phải dẹp những gì là cồng kềnh vướng víu, để lập tức ra đi trong nhẹ nhỏm, trong thanh thoát.
- Sự biến đổi ấy đã làm cho chị sung sướng đến độ không còn nhớ việc ban đầu của mình.
Điều duy nhất quang trọng lúc này là chạm đến chân lý, là khám phá tận căn con người hèn hạ của mình, nhằm chứng minh với mọi người Đấng đã giúp mình khám phá chính bản thân mình.
- Sự biến đổi đã thôi thúc chị ra đi với “tốc độ”, ra đi càng nhanh càng tốt.
Chị nóng lòng, không phải với việc múc nước nữa, nhưng là làm sao phải hô thật to, nói thật nhiều cho mọi người biết Đấng Tiên Tri và chạm đến Người, như chính mình đã được biết, đã được chạm đến.
- Chị “bỏ lại” để chị còn quay lại. “Bỏ lại” là lý do tốt nhất để còn được quay lại.

Bắt đầu từ Chúa Giêsu, chị khám phá sự thật về mình.

Bắt đầu từ Chúa Giêsu chị biến đổi chính mình.

Bắt đầu từ Chúa Giêsu, chị ra đi loan báo ơn tái sinh.

Và rồi bắt đầu từ Chúa Giêsu, chị quay lại với Chúa Giêsu.

Chúa vẫn yêu thích tìm đến cùng chúng ta. Chúa muốn chúng ta mở lòng đón Chúa để được tái sinh và biến đổi đời mình.

Chúng ta hãy làm như chị người Samaria, đó là mềm lòng để Chúa uốn nắn. Từ nay ta sẽ trở về, biết chối từ quá khứ lầm lỡ đển vươn tới tương lai thánh thiện trong Chúa.