Chúa Nhật II Mùa Chay A : BÓNG MÁT CUỘC ĐỜI

St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9

Sài Gòn đã xa rời những bóng mát, chỉ còn một số con đường ít ỏi cây xanh, làm những bóng che cho người đi đường tránh cái nắng cháy thịt cháy da…. Người dân thành thị luôn khao khát những bóng cây để làm mát dịu cuộc đời.

Nhớ về những vùng quê những bóng mát, nhất là bóng của lũy tre rũ mát êm đềm mà ta có thể bắt gặp ở khắp mọi nẻo đường làng quê Việt Nam xưa:

Yêu lắm lũy tre làng xanh xanh thân thương,

tỏa bóng mát nơi làng quê yên ả…

Dưới bóng tre các cụ già đàm đạo, con trẻ nô đùa. Nhớ về trường làng xưa có hàng tre xanh, cây xanh rợp bóng mát yêu đời yên lành, cho lũ trẻ tinh nghịch, vui đùa dưới bóng mát… lũy tre, cây xanh càng lớn, cuộc sống mới càng phát triển trong các trẻ nhỏ khao khát thành tài nên người…. Tre làng đang mất dần, những rặng tre xưa giờ đã được thay bằng những bước tường gạch vô hồn…

Hồi ức về những bóng của cây đa, cây cổ thụ đầu làng, đã làm những bóng mát để người đi chợ ghé vào nghỉ ngơi, trẻ thơ nô đùa, bác nông dân ghé vào nghỉ mệt để có thêm sức cho công việc đồng áng vất vả suốt ngày: « đổ mồ hôi sôi nước mắt »… bóng cây đa, cây cổ thụ ở đồng quê cũng đang dần xa vời …

Bóng mát của cây xanh dù ở đâu cũng rất là quan trọng trong đời sống lao động làm lũ của con người Việt Nam dưới cái nắng chói chang...

Đi trên đường dài dưới ánh nắng, có bóng mát cây xanh dù chỉ là một tí, để nghỉ ngơi còn gì quý cho bằng…

Trong Kinh Thánh, Ngôn sứ Elia trong hành trình lên núi Khorep để gặp Chúa thật vất vả, và đã nghỉ mệt dưới bóng của cây Kim Tước, nghỉ ngơi và cầu xin Chúa tha thiết vì hoàn cảnh khổ sợ khi bị truy đuổi của hoàng hậu Ideven (1 V 19,4). Thiên Chúa cho mọc lên cây Thầu Dầu bên cạnh Giona, để rợp bóng che đầu ông khi gặp sự mệt mỏi, đem lại cho ông sự bình an thanh thản được che mát… (x. Gn 4,5-6).

Bước vào hành trình của người theo Chúa, đường thật là dài, theo Chúa lên Giêrusalem đối diện với cuộc tử nạn. Một hành trình được ẩn dụ bằng hình ảnh bước đi dưới nắng hạn, cần được nghỉ ngơi, bổ dưỡng sức lực tinh thần. Vì thế, Chúa Giêsu đưa ba môn đệ trên bước đường lên Giêrusalem, các ông là những người sẽ được chứng kiến thử thách thương đau trong vườn Cây Dầu, lên đỉnh Taborê - ngọn núi cao khoảng 600 thước, cho các ông được chiêm ngưỡng vinh quang rực rỡ của Ngài. Vinh quang tỏ hiện, Ngài hé lộ thần tính để các môn đệ thêm niềm tin tưởng và chấp nhận con đường đau khổ mà Ngài sắp trải qua. Cho nên, biến cố hiển linh của Chúa Giêsu như là bóng mát, bóng mát của niềm tin làm sức mạnh được tiếp trên đường đi theo Chúa…. ban cho các môn đệ niềm hy vọng: con đường đau khổ Thập giá sắp đối diện sẽ dẫn đến hạnh phúc. Cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan. Là điềm báo trước, giúp các môn đệ hiểu biết định mệnh người theo Chúa trong hành trình cuộc sống: Bản tính Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu đã chiếu sáng trên con người dương thế và vì thế, con người tham dự hành trình thập của Chúa Kitô sẽ được rạng ngời vinh quang Thiên Chúa.

Chúa biến hình trên núi cao, trong truyền thống Thánh Kinh (cũng như trong hầu hết các tôn giáo), núi cao được xem như là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa Thần Linh và con người, như Môsê đã gặp Chúa ở núi Sinai, đàm đạo với Ngài, Ngài trao cho ông các điều răn… Elia gặp Chúa ở núi Khorep và Carmel…Môsê và Elia là những con người của núi cao, con người làm mới cố gắng để được gặp Chúa (x. Xh 38,18-22; 1 V 19,9-14).

Trên núi, giữa trời và đất, Chúa Giêsu biến hình đổi dạng, sự biến hình đổi dạng cho thấy một bản chất sâu xa bên trong, tương lai sẽ được tỏ hiện. Người thường không thấy được điều ấy, họ chỉ thấy được cái gì hiện ra bên ngoài trong hiện tại. Đức Kitô tỏ hiện tương lai sẽ đến với mầu nhiệm chết và phục sinh…

Dung nhan chói lọi như mặt trời: biểu tượng của thiên tính, đầy vinh quang, quyền lực, Phaolô diễn tả vinh quang Thiên Chúa trong xác phàm: “Ngài khi ấy ở trong hình dạng Thiên Chúa,... đã lấy hình dạng con người đầy tớ... (Pl 2,6-7). Thánh Phêrô luôn nhớ về kỷ niêm không phai nhoà này : "chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến". Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người" (2 Pr 1,16 -18).

Vinh quang tỏ hiện và y phục sáng ngời, theo nhà chú giải Kinh Thánh Noel Quesson, trong văn hoá Kinh Thánh, biểu tượng "y phục" cũng giúp ta bổ sung cho sự quan sát đầu tiên này. Y phục “trắng tinh và chói loà" là “dấu chỉ" cho các hữu thể trên trời (x. Đn 7,9 - 10,5). Còn các Kitô hữu đầu tiên dùng y phục trắng tinh để nói về Đức Giêsu Phục Sinh (x. Kh 1,13, Lc. 17,23-24,4). Đó là tấm áo trắng các bé thơ của chúng ta thường mang cho các em khi chịu phép rửa... Áo trắng của những người lớn khi tuyên xưng lại đức tin... áo trắng của cô dâu trong ngày cưới, áo của linh mục trên bàn thờ... Đó là những dấu chỉ của Phục sinh, dấu chỉ của những môn đệ, chia phần vinh quang với Thầy (Kh 3,4-5 - 3,18-4,4 - 6,11-7,9-9,13)

Trước vinh quang tỏ hiện qua Lời Thiên Chúa Cha, các môn đệ chưa hiểu hết mầu nhiệm và kinh hoàng ngã sấp (x. Mt 17,5 – 6), Chúa Giêsu thúc giục các môn đệ hãy “trỗi dậy” (Mt 17,7), Kitô hữu đầu tiên dùng động từ trỗi dậy để chỉ sự phục sinh, và lúc này sức mạnh vinh quang phục sinh của Chúa đã khởi đầu trong cuộc sống của các môn đệ và cùng với Ngài xuống núi. Xuống núi, rồi bóng mát sau khi được nghỉ ngơi thêm sức mạnh, tiếp tục cuộc hành trình đã định hành trình cùng Thầy tiến về Giêrusalem

Cùng với ba môn đệ, chúng ta trong hành trình của Mùa Chay, hy sinh hãm mình, vượt khó, có những lúc sức con người cảm thấy có hạn, cần một bóng mát nghỉ ngơi, để thêm sức cho bước tiến…

Trong cả cuộc hành trình cuộc sống: Bóng mát vô tận là chính Chúa, Đức Giêsu dẫn các môn đệ nghỉ ngơi bên Thiên Chúa - bóng mát cho hành trình của Ngài và của các môn sinh, và chính Ngài cho nhân lọai một bóng mát vô tận như Ngài phán: "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gồng gánh nặng nề. Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các con sẽ được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Khi rời bóng mát, người bộ hành cảm thấy được thêm sức khỏe, tinh thần sản khóai. Gia tăng sự bình an, sức mạnh, lòng can đảm. Cho nên cuộc sống luôn cần có bóng mát để có thể tiếp sức cho người lữ hành đủ nghị lực tiến bước

Bất cứ ai khi được sống trong những giây phút bóng mát sẽ cảm nghiệm được sức sống mới như hình ảnh ẩn dụ mà Van Gogh phắc họa “Người tiều phu hoặc thợ mỏ nghèo nàn nhất, vẫn có thể có những giây phút đầy xúc động và cảm hứng, giúp cho người đó được một cảm giác về một quê hương vĩnh cửu, mà họ đang ở gần”.

Người môn đệ của Đức Kitô trong hành trình cuộc sống được thêm sức từ bóng mát Chúa Kitô mang trong tim ngập tình yêu, cũng trở nên bóng mát cho anh chị em đồng hành thân quen nương nhờ… Mọi người được mời gọi bóng mát cho nhau dù chỉ một nụ cười, một lời nói, một hành động sẻ chia trong cuộc đời…

Núi Tabord, Chúa gọi mời,

Cho con bóng mát nghỉ ngơi bên Ngài

Sức mạnh tình thường Chúa ban

Con vui bước tiến ngập tràn bình an.

Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn ...