Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Bất chấp những chống đối của Giáo Hội Công Giáo, Phi Luật Tân tái lập án tử hình

Mặc dù có sự chống đối mạnh mẽ từ hàng giáo phẩm Giáo Hội Công Giáo, các nhà lập pháp ở Phi Luật Tân đã bỏ phiếu khôi phục lại án tử hình.

Hình phạt tử hình đã kết thúc ở Phi Luật Tân vào năm 2006. Tuy nhiên, Hạ viện Phi Luật Tân đã bỏ phiếu ủng hộ một dự luật nhằm khôi phục hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng liên quan đến ma túy. Dự luật vẫn còn phải được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện.

Luật mới nhằm mục đích trừng phạt những kẻ buôn bán ma túy. Dự luật đã được sửa đổi để loại bỏ các trường hợp giết người, hãm hiếp, và phản quốc là những tội danh có thể bị trừng phạt bằng án tử hình.

Rõ ràng việc thông qua luật này là một sự ủng hộ cho chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte. Tổng thống đã bày tỏ sự ủng hộ của ông ta đối với biệt đội tử thần cảnh sát. Biệt dội này đã tiến hành khoảng 8,000 vụ tử hình không cần xét xử đối với của những người bị nghi ngờ buôn bán ma túy.

Các giám mục Phi Luật Tân đã lên án bạo lực tư pháp và phản đối việc khôi phục án tử hình. Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas, chủ tịch hội đồng giám mục, nói rằng các giám mục cảm thấy đau đớn trước tình hình đất nước, “nhưng chúng ta không bị đánh bại, cũng không nên im lặng.”

2. Tương quan giữa Giáo Hội Phi Luật Tân và tổng thống Duterte

Có một hố ngăn cách giữa chính quyền của tổng thống Duterte và Giáo Hội Công Giáo ở Phi Luật Tân. Trong khi tổng thống Duterte gia tăng các tuyên bố chống lại Giáo Hội và hàng giáo sĩ, thì lá thư mục vụ của các Giám mục được gửi đến các giáo xứ trên toàn quốc hồi tháng 2, có tựa đề “Thiên Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết”, tố cáo “vương quốc của sợ hãi” đã bắt đầu trong hiện tại.

Cha James Anthony Perez, chủ tịch Hiệp Hội Công Giáo “người Phi Luật Tân vì sự sống” nói với hãng tin Fides: “Tôi nghĩ là Giáo Hội và tổng thống Duterte đối đầu vì cùng mục đích, đó là công bằng và hòa bình cho xã hội. Nhưng chính quyền muốn đạt được mục đích theo cách thức mà Giáo Hội không thể chấp nhận.”

Trong những vấn đề chính yếu chia rẽ giữa chính quyền và Giáo Hội, có vấn đề về cuộc chiến chống ma túy, với hành trình dài của các cuộc hành quyết không xét xử; việc tái lập án tử hình: việc hạ độ tuổi chịu trách nhiêm xuống đến 9 tuổi.

3. Đại Hội Các Tỉnh Dòng Salesian Don Bosco Nam Á Châu và Úc châu

Tại Huahin, Thái Lan, từ ngày 6/3-11/3 toàn ban thượng cố vấn của Bề Trên Cả từ Roma qua họp mặt với tất cả các ban cố vấn của 11 tỉnh dòng bao gồm cả các Delegations (Đại diện) của một số tỉnh dòng. Tỉnh dòng Việt Nam có con số cố vấn đông nhất là 11 người. Trong tổng số 97 tham dự viên đến từ Thái lan, Myanmar, Hồng Kông, Phi luật tân, Đại hàn, Nhật Bản, Parkistan, Samoa, Mongolia, Cambodia, Trung Hoa, Úc Châu, Timor, Indonesia, Papua New Guinea và Ý. Có 12 người Việt Nam, 10 đến từ Việt Nam và 1 từ Mongolia và Úc Châu.

Chủ đề chính của đại hội là “Những người con Don Bosco vùng Nam Á Châu, Úc Châu và Châu đại dương quyết tâm trung thành dấn bước theo Ơn Đoàn Sủng của Cha thánh Gioan Bosco để trở thành những người loan báo Tin Mừng cho Giới trẻ, đặc biệt giới trẻ nghèo và bị bỏ rơi bằng học hỏi đào sâu và áp dụng thực hành Phương pháp Giáo dục đề phòng của thánh Gioan Bosco trong các tỉnh dòng qua:

- Việc cộng tác hỗ tương trong các chương đào luyện, Tông đồ giới trẻ, Gia đình Salesian, Truyền thông và các dịch vụ khác.

- Hỗ trợ nhau một cách cụ thể, nhất là trợ giúp những lúc thiên tai hay xảy ra trong miền.

- Kiện cường và đào sâu những liên đới với nhau và sử dụng Anh ngữ như là ngôn ngữ chính trong vùng.

Xoay quanh những điểm chính trên, các đề tài liên quan đến nhu cầu của từng tỉnh dòng được nêu lên, thảo luận và tìm ra những giải đáp thích ứng cho từng hoàn cảnh và môi trường.

4. Dân chúng hết hy vọng cha Tom Uzhunnalil được trả tự do

Cũng liên quan đến dòng Salêdiêng, một năm sau khi cha Tom Uzhunnalil, dòng Salêdiêng, bị dân quân Hồi giáo ở Yemen bắt cóc, những người cầu nguyện cho cha Tom Uzhunnalil cảm thấy buồn bực và thất vọng.

Cha Uzhunnalil bị bắt cóc tại nhà dưỡng lão do các nữ tu dòng Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa chăm sóc ở Aden, miền nam Yemen, vào ngày 04/03/2016. Những kẻ bắt cóc đã giết 16 nhân viên, trong đó có 4 nữ tu.

Giáo Hội Ấn độ đã cầu nguyện cũng như yêu cầu chính quyền can thiệp để cha Uzhunnalil được trả tự do. Tại Ramapuram, bang Kerala, quê nhà của cha, các biểu ngữ và hình ảnh được giăng lên, nhắc nhở dân chúng rằng cha đã bị bắt cóc một năm rồi. Những buổi cầu nguyện đặc biệt được tổ chức vào ngày 04/03 ở giáo xứ quê nhà để cầu nguyện cho cha.

Cha George Njarakunnel, cha sở giáo xứ thánh Augustin ở Ramapuram phê bình và phủ nhận tin tức từ các bộ trưởng liên bang là cha Uzhunnalil cứ đi Yemen dù bị cấm đến đó. Cha tin là cha Uzhunnalil vẫn còn sống, theo nguồn tin đáng tin, và bị canh giữ để đòi tiền chuộc.

Hôm 02/03, chính quyền bang Kerala yêu cầu chính quyền liên bang gia tăng nỗ lực để giải cứu cha Uzhunnalil. Nhiều người đề nghi chính quyền liên bang cầu cứu sự giúp đỡ của Liên hiệp quốc để cứu cha Uzhunnalil.

Cha Uzhunnalil thuộc tỉnh dòng Salêdiêng Bangalore và tỉnh dòng đã tổ chức cầu nguyện cho cha vào chiều ngày 04/03. Chương trình bao gồm cầu nguyện và một cuộc hội họp. Các vị lãnh đạo Giáo Hội và chính trị có tiếng được hy vọng sẽ tham gia. Cha giám tỉnh cho biết là tỉnh dòng rất lo lắng về sự chậm trễ trong việc bảo đảm cho cha Uzhunnalil được thả tự do.

Về phần mình, một nữ tu Công Giáo cho biết sơ hết hy vọng là cha được thả tự do. Sơ cho biết dân chúng trở nên nghi ngờ về điều này.

5. Ngày càng có nhiều người tìm đồ ăn trong đống rác tại Venezuela

Tổng Giám Mục Ulises Antonio Gutiérrez Reyes phàn nàn rằng tại thành phố Ciudad thuộc tổng giáo phận của ngài ngày càng có nhiều người đi tìm đồ ăn trong đống rác.

Đức Cha Gutierrez nói với báo chí địa phương: “Chúng tôi không nói đến những người vô gia cư hay kẻ ăn xin, mà là những đàn ông, đàn bà, trẻ em bình thường đi tìm thức ăn trong đống rác”

Đức Tổng Giám mục nói thêm đó không phải là tình huống của số ít người, nhưng là hàng trăm gia đình ở Ciudad. Họ không có gì để ăn vì mức lương quá thấp trong khi giá lương thực quá cao nên gia đình thường xuyên không có gì ăn.

Đức Tổng Giám Mục kể chuyện: “Gần đây tôi gặp một người đàn ông tìm thức ăn trong đống rác. Nói chuyện với ông, ông kể ông có việc làm, nhưng lương không đủ nuôi con”

Đức Tổng Giám Mục Gutierrez nói thêm rằng số người xin ăn trên đường phố ngày càng tăng. Ngài nói: “Nhiều người đến Tòa Tổng Giám Mục xin ăn và thuốc uống. Bây giờ thì Tòa Giám Mục đã trở thành điểm phân phát thuốc men. Hiện giờ Caritas Venezuela có thể cung cấp thuốc men nhưng ngày càng có nhiều người đến xin thuốc”

Đức Tổng Giám Mục kết luận: Người dân Venezuela không đáng phải sống như thế vì quốc gia tài nguyên dồi dào về dầu lửa, “Tôi nghĩ rằng chính phủ đang quản lý tài nguyên quốc gia một cách tồi tệ”.

6. Tìm lại hiệp nhất xung quanh bữa tiệc ly của Chúa Giêsu

Đề tài của bài suy niệm thứ 3 trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha là “Bánh và thân thể, rượu và máu”. Cha Michelini, vị giảng thuyết đã chú giải đoạn Tin mừng về Bữa tiệc ly (Mt 26,20-35) như sau:

Bài suy niệm khởi đi từ một yếu tố đặc trưng cho chiều kích nhân loại của việc cùng ăn. Chúa Giêsu ngồi vào bàn cùng với 12 tông đồ. Ngồi cùng bàn muốn nói đến cảm nghiệm nét đẹp của ở cùng với nhau và nhận cùng thứ được chuẩn bị cho một hành động yêu thương. Theo thánh sử Gioan Tông đồ, chính Chúa Giêsu Phục sinh cũng đã chuẩn bị thức ăn cho các môn đệ của Ngài, bên bờ hồ Galilê (x. Ga 21,9).

Thức ăn và ăn uống cũng đưa ra ánh sáng tội lỗi của con người cũng như tính ích kỷ và sự yếu đuối của con người. Chúng ta nhớ đên biểu tượng Thánh kinh của sự bất tuân đầu tiên xảy đến do thức ăn (St 3,1) và tội ác đầu tiên, giết một người anh em, xảy đến do lòng ghen tức của Cain đối với lễ vật của Aben (St 4,4). Chúng ta cũng không quên sự chia rẽ giữa các anh em, Giacóp và Esau là bởi cơn đói (st 25,34). Chúng ta còn có thể đi xa hơn nữa, cho đến khi đọc thông điệp Laudato si’ nói về sự ích kỷ đối với lương thực.

Trong thực tế, ăn uống là dấu hiệu đầu tiên của sự yếu ớt mong manh thật sự về mặt nhân chủng học: một nhu cầu con người và yếu kém. Ăn uống trước hết là nhận sự sống bên ngoài mình, nghĩa là nhận biết mình không độc lập. Nói khác đi, nhận ra giới hạn của mình. Ăn cùng với người khác là thú nhận với người khác giới hạn này của thụ tạo. Bởi lý do này, các thiên thần trong Thánh kinh không ăn uống.”

Trong bữa tiệc ly của Chúa Giêsu nổi bật yếu tố này: Giuđa trao nộp Chúa. Nhưng Chúa Giêsu, trong đêm bị phản bội, đã không thu hồi món quà của Ngài, đã ban tất cả những gì Ngài có thể trao: thân mình Ngài và máu Ngài (1Cor 11).

Ngôi Lời, Chúa Con, đã dâng hiến ngôi vị thần linh của mình, dù là Thiên Chúa nhưng Ngài đã không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa (Phil 2,6). Giờ đây Ngài trao ban chính bản tính nhân loại, là thân xác ngài, bởi vì trong thân xác này mà Ngôi Lời đã làm người. Bằng cách thức này, Chúa Giêsu trao ban tất cả chính mình, không giữ lại điều gì.

Bài học của thánh Mátthêu về bữa Tiệc ly nêu bật một điểm mà chúng ta chỉ tìm thấy ở đây, máu đổ ra từ thập giá để tha tội lỗi. Cuối cùng, ai đọc Tin mừng này, tìm ra ý nghĩa của tến Giêsu và có thể biết cách thức tha tội, cách thức mà Con Thiên Chúa và cùng với Ngài, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cùng thực hiện để trao ban sự sống. Như Thánh vịnh 49,8 nói, con người không thể tự đền hay trả giá cho mình xứng hợp, chỉ Thiên Chúa chuộc đền con người khỏi chính họ và khỏi sự dữ.

Cha Michelini đưa ra 3 câu hỏi suy tư: thứ nhất, nói về tương quan chúng ta với thức ăn. Xét mình với quy luật thứ 7 của thánh Inhaxio: Cần tránh để tâm hồn chú ý đến thứ mình ăn và tránh ăn vội vã vì ngon miệng, trái lại cần làm chủ mình, trong cách ăn cũng như trong số lượng.”

Thứ hai: các Kitô hữu chúng ta làm sao có thể phải tìm ra sự hiệp nhất xung quanh bàn ăn, thực hiện cùng cách thức chia sẻ của chúng ta sự chia sẻ linh độn của cộng đoàn Corintô.

Cuối cùng là vấn nạn về ơn tha tội. Chúng ta có thật sự ý thức rằng Chúa Giêsu đã đổ máu Ngài ra, với chính sự sống và không chỉ với lời nói, đã nói và đã trao ban sự tha thứ của Thiên Chúa.

7. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội nghị quốc tế về thánh nhạc

Đức Thánh Cha khuyến khích các chuyên gia về thánh nhạc giúp cộng đoàn phụng vụ và dân Chúa tích cực tham dự vào mầu nhiệm Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 4 tháng 3 dành cho 400 tham dự viên Hội nghị quốc tế về chủ đề: “Âm nhạc và Giáo Hội: việc phụng tự và văn hóa 50 năm từ sau Huấn Thị về Thánh Nhạc”. Hội nghị do Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa, Bộ giáo dục Công Giáo, Giáo Hoàng Học viện về Thánh Nhạc và Giáo Hoàng Học viện về phụng vụ thuộc trường thánh Anselmo ở Roma cùng tổ chức.

Huấn thị “Musicam sacram” đề ra những đường hướng cụ thể để áp dụng Hiến chế của Công đồng chung Vatican 2 về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium).

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đề cao tính chất thời sự của Huấn Thị này, trong đó có nêu bật tầm quan trọng sự tham gia của toàn thể cộng đoàn tín hữu, một cách tích cực, ý thức và trọn vẹn, vào hoạt động phụng vụ. Trong ý hướng đó, ngài nhiệt liệt khuyến khích các chuyên gia về thánh nhạc, các vị ca trưởng các ca đoàn, “hãy giúp cộng đoàn phụng vụ và Dân Chúa nhận thức và tham gia, với tất cả giác quan thể lý và tinh thần, vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Thánh Nhạc và thánh ca phụng vụ có nghĩa vụ mang lại cho chúng ta ý nghĩa vinh danh Thiên Chúa, vẻ đẹp, sự thánh thiện bao trùm chúng ta như đám mây sáng ngời”

8. Croatia sẽ sớm hoàn thành một trong những tượng Đức Mẹ lớn nhất thế giới

Một tượng Đức Mẹ Loreto cao gần 17m đang được thực hiện ở thành phố Primošten, Croatia. Đây sẽ là một trong những nơi kính Đức Mẹ lớn nhất thế giới.

Chính quyền thành phố Primošten cho biết đây là dự án duy nhất ở Croatia và cả bên ngoài nước này. Dự án này được chúc lành bởi Đức Thánh Cha.

Tượng Đức Mẹ Loreto được dựng ở Primošten, thành phố ven biển, một thành phố trên đồi, 20 dặm về hướng nam của Šibenik. Primošten nổi tiếng với các vườn nho và bãi biển, và bây giờ sẽ được ghi dấu như là nơi có một trong những tượng Đức Mẹ lớn nhất thế giới.

Người dân Primošten có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ Loreto và dân thành phố cử hành ngày lễ truyền thống kính Đức Mẹ vào các ngày 9-10 tháng 5 hàng năm.

Việc làm tượng có sự cộng tác của Cammini Lauretani, tổ chức nhắm nối kết các đền thành Đức Mẹ ở châu Âu.

Thị trưởng của thành phố Primošten đã gặp gỡ các lãnh đạo của Cammini Lauretani với cố gắng liên kết các đền thánh Đức Mẹ ở Italia và Croatia, nhắm tạo nên các hoạt động du lịch và phát triển tôn giáo.

Chính quyền Croatia chưa cho biết khi nào địa điểm kính Đức Mẹ sẽ hoàn thành dù họ cho biết là pho tượng đang ở giai đoạn cuối của tiến trình làm việc.