THỨ NHẤT

CẦU NGUYỆN TRONG VƯỜN CÂY DẦU

Rồi Người đi ra núi Ôliu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.” Rồi Người đi cách các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy xin đừng làm theo ý Con, mà xin theo ý Cha”. Bầy giờ có thiên sứ từ trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất. Cầu nguyện xong. Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22: 39-46).

Theo luật của người Do Thái đòi hỏi, bữa ăn Vượt Qua phải được tổ chức ở trong khu vực thành Giêrusalem. Vì số người dự lễ Vượt Qua quá đông, nên phải mở rộng khu vực thành Giêrusalem bao gồm cả núi Ôliu. Núi Ôliu chạy song song với thành Giêrusalem khoảng hai dặm rưỡi về phía Đông. Sau bữa Tiệc Ly, cũng là bữa ăn Vượt Qua, Chúa Giêsu băng qua thung lũng Kidron để đi lên núi Ôliu cầu nguyện cùng với các môn đệ trong một thửa đất gọi là vườn Ghết-sê-ma-ni.

Trong văn chương Khải Huyền, tên núi Ôliu có ý nghĩa biểu tượng chỉ về một trận chiến vĩ đại vào ngày cánh chung của Thiên Chúa (Dcr 14). Lúc ấy bàn chân của Thiên Chúa sẽ đứng trên núi này để phán xét thiên hạ. Núi Ôliu cũng còn là khung cảnh làm nền cho sự kiện Chúa Giêsu lên trời (Cv 1:9, 12). Theo thánh Máccô, Chúa Giêsu đã ngồi trên núi này để nói tiên tri về số phận của thành Giêrusalem (13:3).

Xa hơn nữa, trong Cựu Ước, Ápsalôm đã hướng dẫn dân thành Giêrusalem nổi loạn chống lại vua Đavít bằng sự phản bội của Akhithôphen, người cố vấn được vua Đavít tin tưởng. Sau đó, vua Đavít cũng đã ra đi đến núi Ôliu khóc than và cầu nguyện với Thiên Chúa (2 Sm 15:30). Câu chuyện ngày xưa lại tái diễn. Tại địa danh lịch sử này, Chúa Giêsu cũng đã bị phản bội bởi Giuđa, người môn đệ được tin tưởng, rồi sau đó Giuđa cũng đi thắt cổ tự tử giống như Akhithôphen đã làm (2 Sm 17:23).

Đang lúc cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Ngài đã nhìn thấy trước tất cả những gì sẽ xảy ra cho Ngài: sự bỏ rơi, phản bội của các môn đệ, sự tàn bạo và lòng vô cảm của con người, những cực hình đau đớn về thể xác và linh hồn mà người Tôi Trung của Thiên Chúa sẽ phải chịu như lời tiên tri Isaia đã nói (Is 53: 1-12). Đứng trước sự đau đớn khủng khiếp này, Chúa Giêsu đã bị cám dỗ: “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này.” (Lc 22: 42). Hơn bao giờ hết, giờ phút đã điểm, Chúa Giêsu biết rất rõ chén này là chén gì.

Đó là chén hình phạt của Thiên Chúa dành cho một kẻ tội lỗi bị nguyền rủa phải chịu (Is 51:17; Gr 25:15-16; 51:7; Ed 23:33; Ps 75:9). Mặc dù vô tội, Ngài đã tự ý mang lấy lời nguyền rủa này (Gl 3:13), mang lấy hậu quả tội lỗi của nhân loại (2 Cr 5:21), để biến đổi chén đắng thành chén cảm tạ (1 Cr 10:16), và chén cứu độ: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22: 20).

Theo các nhà chú giải, cơn thử thách cuối cùng hay hấp hối của Chúa Giêsu ở vướn Ghết-sê-ma-ni, dịch từ tiếng Hy Lạp “agonia”. Agonia có nghĩa là đau đớn, nhưng còn mang một ý nghĩa khác là sự căng thẳng của người lực sĩ sắp chạy đua. Trước khi bước vào cuộc thi, người chạy đua phải khởi động các cơ bắp, làm nóng cơ thể với mồ hôi chảy ra đầm đìa để chuẩn bị chịu đựng sự thử thách gay go sắp tới. Trong ý nghĩa này, Luca đã diễn tả: “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22:44). Rồi có thiên thần đến tăng sức cho Người giống như vai trò của người huấn luyện viên trợ giúp cho các lực sĩ. Nhờ sự cầu nguyện Chúa Giêsu đã sẵn sàng ở điểm khởi hành của cuộc đua. Nhưng trớ trêu thay, các môn đệ lại đang ngủ mê mệt!Thánh Phaolô cũng đã dùng hình ảnh của người lực sĩ trong cuộc chạy đua (1 Tx 2:2; 1 Cr 9:25; 1 Tm 6:12) để chỉ về cuộc chiến đấu tinh thần chống lại tội lỗi và sa tan: “Tôi đã thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp” (2 Tm 4:7). Chính Phaolô còn gọi Chúa Giêsu là “người tiền phong” (Dt 6:20), và so sánh cuộc đời của người Kitô hữu là cuộc chạy đua (Dt 12:1).

Trong cách nhìn tích cực này, theo Luca, sự hấp hối đau đớn của Chúa Giêsu là một sự căng thẳng của người lực sĩ chuẩn bị sẵn sàng chờ đón thử thách sắp đến. Trong bốn Phúc Âm, chỉ một mình Luca tường thuật lại sự kiện Chúa Giêsu đổ mồ hôi ra như máu. Theo các nhà chú giải, văn chương Hy Lạp có lối diễn tả rất bóng bẩy ví von bằng hình ảnh: Chúa Giêsu đổ mồ hôi ra nhễ nhãi như thể máu rơi xuống đất. Luca thường sử dụng lối so sánh như vậy: “Xin gọi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15:19), hay “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa” (Cv 2:3).

Tuy nhiên theo y khoa ngày nay cho biết, có hiện tượng đổ mồ hôi máu gọi là hematidrosis. Hiện tượng này xảy ra do sự giãn nở quá mạnh của các huyết quản dưới da làm máu chảy vào các hạch mồ hôi, đọng lại thành cục và xuất hiện dưới lớp da lúc ra mồ hôi. Điều này có thể xảy ra vì sự căng thẳng quá mức, như trường hợp của Chúa Giêsu trong vườn Ghết-sê-ma-ni.

Theo thánh Tôma Aquina, Chúa Giêsu có hai bản tính: bản tính con người và bản tính Thiên Chúa. Đứng trước thử thách lớn lao này, bản tính nhân loại của Ngài cảm thấy “bồi hồi xao xuyến”. Nhưng nhờ thái độ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã chiến thắng được sự yếu đuối này để dạy chúng ta một bài học thiêng liêng.

Theo Luca, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ phải cầu nguyện “kẻo sa chước cám dỗ”, rồi Ngài đi ra xa “và quỳ gối cầu nguyện”. Quỳ gối là tư thế cầu nguyện của các Kitô hữu (Cv 7:60; 9:40; 20:36; 21:5). Thánh Phaolô cũng đã theo gương Chúa Giêsu và hành động tương tự như vậy để chiến thắng thử thách. Phaolô trên đường đi vào tù, ông rất buồn bã (Cv 20:22), các môn đệ vây quanh ông than khóc, nhưng Phaolô đã quỳ xuống và cầu nguyện với họ (Cv 20:36-37).

Trong các Phúc Âm, một mình Luca đã tường thuật rằng chính các môn đệ đã yêu cầu Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện (Lc 11:1). Vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Chúa Giêsu lại nhắc nhở họ: “Hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22:40). Sau khi đi cầu nguyện về, thấy các ông còn đang ngủ, Ngài lập lại: “Dậy mà cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22:46). Trong đời sống rao giảng Tin Mừng, Chúa đã dạy các ông phải cầu nguyện bằng chính gương mẫu cầu nguyện hằng ngày của Ngài, và bây giờ khi phải đối diện với sự chết, Ngài cũng dạy các ông chỉ một điều duy nhất: phải luôn luôn cầu nguyện trong cuộc sống cũng như trước sự chết.

Luca đã so sánh tư thế quỳ gối xuống để cầu nguyện của Chúa Giêsu với thái độ nằm ngủ mê mệt của các môn đệ. Ngủ tức là không cầu nguyện. Hai thái độ này chỉ cách xa nhau: “một quãng, bằng ném một hòn đá”. Khoảng cách này cho phép các môn đệ còn có thể liên lạc được với Chúa, có thể nhìn thấy hay nghe được. Nhưng khoảng cách này cũng là một khoảng cách đối nghịch khi người Do Thái ném đá các tiên tri (Lc 13:34), Stêphanô (Cv 7:58-59), Phaolô và Barnaba (Cv 14:5). Một khoảng cách gần gũi về thể lý nhưng lại rất xa cách về tinh thần.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện liên lỉ để liên kết mật thiết với Thiên Chúa Cha: “Cha ơi, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Lc 22:42). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu không phải là một sự nổi loạn, hay chống lại ý của Thiên Chúa, nhưng chứng tỏ sự tin tưởng nơi tình yêu và quan phòng của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha đã không cất chén đắng thử thách khỏi Con của Người, nhưng đã sai thiên thần đến gia tăng sức mạnh để Ngài “đứng lên” (Lc 22: 45), một tư thế sẵn sàng để chiến đấu chống lại quyền lực của bóng tối (Lc 22:53). Chính mồ hôi chảy ra như máu nhỏ xuống đất là dấu hiệu bề ngoài của sự sẵn sàng bước vào cuộc thử thách và tử đạo của Chúa Giêsu như lời Ngài đã nói trước rằng: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12:50).

Lạy Mẹ Maria, từ khi thưa hai tiếng “Xin Vâng” đến lúc đứng dưới chân Thánh Giá, Mẹ đã luôn luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa như Con Mẹ đã làm gương mẫu. Bằng đời sống suy niệm và cầu nguyện trước những thử thách khó hiểu, Mẹ đã nhận ra và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con biết từ bỏ ý riêng, xa tránh những dục vọng đam mê tội lỗi và ăn năn trở về sống theo thánh ý của Thiên Chúa.