Tôi đi thăm Xứ Chùa Tháp

Những ngày hè năm nay, cũng như nhiều người khác, tôi muốn dành một thời gian để đi đến Xứ Chùa Tháp Campuchia. Động lực nào khiến tôi chọn đi đến Xứ Chùa Tháp này? Những thời gian trước hè tôi, và chắc bạn đọc nữa, đã gặp nhiều mẩu tin từ internet hay truyền hình loan tải về tình trạng các trẻ em Việt Nam bị bán qua Campuchia để phục vụ trong các dịch vụ mại dâm, trong đó có các em mới độ chừng mười tuổi.

Nhận được những mẩu tin như thế lòng tôi cảm thấy đau nhói. Tôi cảm thấy xót thương cho những con người đang bị lợi dụng và bị ngược đãi. Tôi cảm thấy phẫn nộ trước những bất công trong xã hội. Thật sự được làm một chuyến đi thực nghiệm đến Campuchia, tôi không bao giờ nghĩ tôi là đấng cứu thế đến để xóa bỏ tình trạng nô lệ tình dục trẻ em. Tôi cũng biết là tôi không thể làm gì được cho họ trong thời gian vắn vỏi và trong những hiểu biết rất hạn hẹp về văn hóa và ngôn ngữ. Tôi chỉ muốn đến để hiện diện và đồng cảm với những người đang khổ đau. Tôi muốn được có mặt chung với những người đang lâm cảnh oan nghiệt này. Sau khi suy nghĩ và bàn hỏi với nhiều người về ý định của mình, những thao thức trong tôi càng thúc đẩy tôi mạnh hơn và rồi tôi đã đi.

Chuẩn bị cho chuyến đi, tôi hẹn với một linh mục cùng Dòng Tên với tôi hiện đang sống tại Nhật để cùng nhau đến Campuchia. Tiếc là hai máy bay không trùng giờ tại điểm hẹn nên không gặp được cha và đành phải một mình đáp máy bay đến Siem Reap. Siem Reap là một thành phố nhỏ nằm ở Tây Bắc Campuchia và được biết với địa danh Angkor Wats. Bước ra khỏi phi trường Siem Reap tôi gặp rất nhiều tài xế taxi đứng đón khách. Một trong những tài xế người Miên đã đóan tôi là người Việt Nam nên ngỏ lời mời bằng một câu tiếng Việt lơ lớ không rành: “Muốn tìm gái không? Mời lên xe tôi!” Lời mời này làm tôi cảm thấy bị xúc phạm. Lời mời đó cũng khiến cho một dòng suy nghĩ xen vào những cảm xúc bực tức kia, “Chắc đã có những người Việt Nam, bên cạnh những khách thập phương khác từng đến Xứ Chùa Tháp này để tìm những khóai lạc tư dục kia, nên những tài xế mới phải học những câu nói rất bắt khách đó.” Tìm hiểu về tình trạng mại dâm ở xứ Chùa Tháp này người ta cho biết mại dâm là chuyện rất phổ biến. Tuần báo New York Times gọi những nước nghèo như Campuchia và Mễ Tây Cơ là thiên đường mãi dâm.

Tôi chọn một taxi khác để đi về khách sạn. Bắt chuyện với anh tài xế taxi, tôi hỏi, “Anh làm tài xế đưa đón khách du lịch chắc là cũng kiếm được kha khá mỗi ngày, như vậy anh làm gì với số tiền đó?” Anh thản nhiên trả lời, “Thanh niên mà, làm ra tiền để làm gì và ở đây có gì để giải trí đâu, vào những chỗ kia mỗi tuần thì đâu có đủ. Anh vừa nói vừa chỉ tay vào một tiệm mát-xa bên đường. Đại đa số những tiệm mát-xa là những dịch vụ mại dâm trá hình. Anh tài xế cho biết là những tiệm mát-xa đó chỉ có cái tên như vậy thôi nhưng bên trong thì muốn gì được đó, chỉ cần có nhiều tiền thôi. Ở mỗi tiệm mát-xa, bạn có thể thấy những cô gái ngồi hai hàng ghế trước cửa tiệm để mời khách. Họ trông rất trẻ. Khi đi ngang qua những tiệm đó, tôi nghe thấy các cô ấy nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Tôi bỗng giật mình và cảm thấy một cảm giác buồn đột nhập phân chia dòng suy nghĩ của tôi. Chắc là đắt khách lắm nên mới có nhiều dịch vụ thế này tại đây. Nếu đứng nhìn một góc phố, bạn có thể đếm được từ chín đến mười tiệm mát-xa.

Tôi không có dịp đến Phnom Penh thủ đô của Campuchia, nhưng tôi nghe nói ở đó còn nhiều tệ nạn này hơn nữa. Phnom Penh là trạm dừng đầu tiên của những dịch vụ buôn người từ Việt Nam và từ đó người ta mới dần dần chuyển “hàng” đến vùng giáp giới Thái Lan như Battambang để bán đi các nước khác. Battambang là một thành phố nằm giáp giới Miên Thái nơi đang xẩy ra đầy dẫy những lầu xanh, sòng bài và buôn bán ma túy.

Tại sao tình trạng buôn người bán nhân phẩm lại xảy ra nhiều ở những xứ như Việt, Miên vậy? Thống kê năm 2003 của Giáo phận Battambang ở Campuchia cho biết--40% dân số Miên sống dưới mức nghèo; 46% các làng ở đó không có lớp học, và chỉ có 33% trẻ em độ tuổi 12 là học đến lớp 6. Có người còn nói Campuchia đang phải xây dựng lại đất nước của họ không chỉ bắt đầu từ con số không, nhưng là từ những con số âm, tức là không biết phải bắt đầu từ đâu. Báo chí thường dùng từ các trẻ em Việt Miên bị bán. Tôi nghĩ nếu chỉ nói là bị bán thì chưa đủ nói lên hết tình trạng buôn bán trẻ em và phụ nữ, mà phải gồm cả bánbị bán, bị lừa bị bắt cóc. Chung quy vấn đề cũng chỉ vì nghèo. Cái vòng luẩn quẩn của cái nghèo thường đẩy những người nghèo Việt Miên vào ba trường hợp sau: trở thành ăn xin vô gia cư, các trẻ em phải kiếm sống trên các đống rác, họăc các em và phụ nữ bị bán làm việc cực nhọc hay làm nô lệ dục tình. Đúng vậy! Người Việt mình có câu, “Cái khó bó cái khôn,” hay “Đã nghèo lại phải cái eo.” Đời sống của những người Việt Miên ở quê, nghèo, không được đi học và quanh năm sống bám vào một mảnh ruộng đủ để nuôi sống gia đình. Được mùa thì cả gia đình được nhờ; chẳng may hạn hán hay thiên tai mất mùa thì gia đình có thể lâm vào tình trạng đói ăn, túng quẫn. Người ta có thể nói, “Ừ thì ở thôn quê cũng có thể câu con cá, bắt con tôm và đào mót củ này củ kia để ăn qua ngày.” Nhưng nếu một người thân trong gia đình bị ngã bệnh nặng giữa những lúc quẫn bách đó thì sẽ không có tiền thuốc và chắc là đành phải cầm ruộng hay vay mượn tiền để chạy thuốc. Và vay muợn tiền ở những xứ sở này cũng bị ăn lời cắt cổ hay cầm ruộng rồi cũng hết tiền mà bệnh tật thì chưa chắc đã khỏi. Cái vòng luẩn quẩn của nghèo lại kéo theo cái eo khiến cho người nghèo không còn lối thóat. Giữa những lúc túng quẫn đó mà một người đến hứa hẹn một việc làm có tiền để giúp gia đình thì họ sẽ nghe theo ngay. Điều này thật dễ hiểu. Người mang tin này trở thành một sứ giả của Trời gởi đến. Được đi làm để có tiền giúp trong gia đình trong lúc túng quẫn là một ơn Trời rất lớn lao. Tiếc là họ thường không được làm việc như họ đã được hứa nhưng bị làm những việc mà không ngờ, không muốn và cũng không có ngày về. Họ bị lừa. Cũng có những trường hợp đương sự đã tự bán mình để giải thóat hòan cảnh túng quẫn của gia đình.

Hiện nay để giúp giải quyết phần nào cảnh túng quẫn của người dân tại xứ Chùa Tháp, các linh mục và tu sĩ của Giáo phận có mua một số ruộng để cho các gia đình không có ruộng thuê. Cuối mùa thu họach những người thuê ruộng sẽ trả bằng lúa và các tu sĩ dùng lúa đó để phát cho dân nghèo. Những người thuê ruộng này có thể thuê đến năm năm, mười năm. Khi đã biết họ chuyên chủ làm ăn và biết canh tác thì các tu sĩ cho họ quyền làm chủ mảnh đất đó. Mục đích muốn họ phải thuê ruộng năm mười năm chứ không cho ngay vì sợ họ sẽ bán đi và tiêu xài hết tiền. Ngòai việc cho thuê ruộng canh tác, các linh mục và tu sĩ còn giúp họ đắp đê, đắp đập dẫn nước vào ruộng và giúp dân làng có giếng để lấy nước ăn.

Bên cạnh cảnh nghèo đã tạo ra những dịch vụ buôn người cho các dịch vụ mại dâm ở Xứ Chùa Tháp, tôi còn được nghe biết đời sống hôn nhân ở đây rất lỏng lẻo và sinh họat tình dục tương đối phóng khóang nên có lẽ đây cũng là lý do kiến các dịch vụ mại dâm mọc lên như nấm. Người ta dựng vợ gả chồng rồi ly dị sau một vài năm là chuyện rất thường. Những dịch vụ mại dâm rộng rãi đã trở thành môi trường thuận lợi cho bệnh AIDS phát triển. Báo cáo của Địa phận Battambang cho biết, Campuchia được kể là nước bị nhiễm HIV-AIDS nhiều nhất ở Đông Nam Á và Battambang là địa phận có tỷ lệ nhiễm bệnh này cao nhất trong nước. Tôi có gặp một em trai tên Soksan, độ chừng chín tuổi và vẻ mặt thật hồn nhiên đang ngồi vá lại chiếc túi đi hoc. Em mặc một chiếc quần cụt, mình trần. Đang chơi bên em là em trai của em cũng mặc giống thế. Hỏi thăm tôi được biết là hai em vừa mới mất cả cha lẫn mẹ vì bị bệnh AIDS. Tôi lại gặp chị Ly, người Miên gốc Việt. Chị độ chừng 30 tuổi. Chị có hai con và chồng chị là người Miên mới qua đời vì bị bênh AIDS. Chị nghĩ chị đã mắc HIV nhưng không có tiền để vào bệnh viện và chị cũng không muốn nghĩ đến nó. Nghĩ đến AIDS, chị cảm thấy lo vì sợ một ngày nào đó nó sẽ cướp đi cuộc đời của chị bên con cái và gia đình. Bên cạnh hai con chị Ly còn phải chăm sóc cha mẹ già. Mặc dù vất vả chăm nuôi gia đình, nhưng chị vẫn dành một số giờ đến giúp trung tâm điều dưỡng dành cho các bệnh nhân nghèo của Giáo phận.

Trong khi càng ngày các vi khuẩn HIV như những trái mìn đang được gài vào trong thân thể và gia đình của các nạn nhân mại dâm, nơi xứ Chùa Tháp này vẫn còn tràn ngập các lọai mìn được gài bởi nhiều nhóm khác nhau qua nhiều cuộc chiến giai dẳng trên khắp miền đất nước. Người ta ước tính là ngày hôm nay, mỗi ngày có độ chừng 3 người, một tháng độ chừng 86 người và một năm có độ chừng 831 người bị tai nạn do đạp phải mìn. Số mìn ước tính tại Campuchia nhiều hơn số trẻ em mà đất nước này có, cứ hai trái mìn một em. Mìn nổ có thể gây ra chết người, hay cụt tay, cụt chân hoặc mù lòa. Tôi gặp một người Miên tên Phat, anh bị cụt hai tay và chỉ còn một khúc ngắn phần trên của hai cánh tay dính vào hai vai. Anh đang cố gắng quét rác để kiếm sống nuôi gia đình. Tôi cũng gặp bé em gái Sivon chừng mười tuổi. Em bị mù từ khi mới sinh, cha mẹ em đã chết trong một tai nạn mìn nổ khi họ đi làm vườn. Em đang đẩy xe lăn cho bạn của em là Chreb bị chứng bại liệt (polio) cũng mồ côi cha mẹ. Cả hai đã là bạn thân của nhau và chăm sóc cho nhau từ những ngày mới vào Trung tâm Arrupe của Giáo phận, nơi dành cho trẻ mồ côi bại liệt và bị mìn đạn. Được giới thiệu, em muốn tỏ cử chỉ thân thiện với tôi. Em xin được sờ vào mặt tôi để có thể cảm nhận khuôn mặt tôi như thế nào vì em bị mù.

Tôi bị sốc nặng vì chưa bao giờ trong đời tôi thấy nhiều người bị cụt tay, cụt chân và bại liệt phải ngồi xe lăn như tôi đã thấy tại Campuchia. Chiến tranh đã kéo quá dài nên việc chủng ngừa bị gián đọan; vì vậy, rất nhiều người sinh ra bị bệnh bại liệt. Bạn có thể tưởng tượng bãi đậu xe của giáo xứ bạn đầy những xe hơi nếu ở bên Mỹ và đầy xe gắn máy và xe đạp nếu ở Việt Nam thì ở nhiều nơi bên Campuchia lại rất nhiều những xe lăn đậu ngang dọc. Hiện nay Dòng Tên đang có một trung tâm tại Siem Reap chuyên chế tạo những xe lăn bằng gỗ để phát cho những người nghèo bị mìn đạn và bị bệnh bại liệt.

Đất nước tê liệt vì chiến tranh, mìn đạn và nghèo túng khiến cho nhiều người trong vùng này bỏ xứ đi làm ăn bên đất Thái. Họ đi xa làm ăn để lại nhà vợ, hoặc con cái hay bố mẹ già với các cháu. Tôi gặp cụ bà Thành người Miên gốc Việt đã lúm tuổi. Cụ là người Việt đã thuộc thế hệ thứ hai ở đây. Khuôn mặt cụ đã có nhiều nếp gấp và đượm đầy vẻ buồn u uẩn. Cụ ngồi bên vệ đường bán dăm ba cái bánh chuối nướng để nuôi thân và mấy đứa cháu. Cụ nói với tôi: “Con cái tôi nó đi Thái hết rồi, hai ba năm chúng nó mới về một lần. Chúng nó đi để con cái lại cho tôi nuôi. Một mình tôi nuôi tôi còn không xong lại còn mấy đứa cháu nữa. Nhiều hôm đói quá phải vào xin cơm của Đức Cha. Đức Cha tốt lắm lại thương người nữa!”

Cha Enrique Figaredo, S.J., được biết với tên Kike, một linh mục Dòng Tên đến từ Tây Ban Nha. Ngài được cử làm Giám mục tại Battambang được bốn năm. Ngài đã đến xứ Chùa Tháp này trên 15 năm và chuyên lo cho các nạn nhân bị mìn đạn và trẻ em bị bại liệt. Ngài quả là tốt và thương người như lời cụ bà nói. Mỗi khi ngài đi đâu một đám đông con nít trong làng cũng bám theo ngài, có đứa bắt ngài bế, có em trèo lên cổ bắt ngài kiệu. Người già thì dừng chân chắp tay cúi chào với vẻ kính trọng.

Khu Tòa Giám mục của Địa phận Battambang, nơi Đức Cha Kike đang ở, trước kia là một tu viện của các sơ Dòng Chúa Quan Phòng. Trước thời Pol Pot, các nữ tu có một bệnh viện chuyên chữa trị cho các bệnh nhân bị nhiễm trùng tai và sốt rét. Khi chiến tranh xảy ra, cơ sở này bị cướp phá, một số tu sĩ bị trục xuất khỏi nước, một số khác bị Pol Pot giết cùng với nhiều giáo dân Miên Việt tại đây. Ngày nay nhiều người dân trong nước vẫn còn nhớ đến trung tâm này với cái tên: Pet Yiey Chee, tạm dịch là Bệnh Viện của Các Bà Phước. Cách đây vài năm khu vực này đã được mua lại và trở thành trung tâm mục vụ của giáo phận. Đức Giám mục cũng vẫn muốn duy trì chương trình chữa trị cho các bệnh nhân nghèo bị nhiễm trùng tai và sốt rét cũng như chương trình chăm sóc người già vốn là mục vụ ban đầu của các Nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng. Hàng tháng trung tâm có các bác sĩ đến khám bệnh và phát thuốc cho các bệnh nhân ở trong trung tâm. Họ được nuôi dưỡng đầy đủ trong thời gian ở tại trung tâm cho đến khi lành bệnh rồi trở về nhà. Trong trường hợp nặng thì bệnh nhân sẽ được chuyển tới bệnh viện. Các bệnh nhân nghèo bao gồm đủ mọi lớp người nam nữ, già trẻ, Miên Việt, bất kể họ là ai. Đức Giám mục nói với tôi bằng một giọng vui sướng là đôi khi có các thầy chùa và ni-cô mặc áo cà-sa đi dạo trong trung tâm này vì họ cũng đến để dưỡng bệnh. Tại Campuchia các bệnh viện cũng có những những tình trạng như ở các bệnh viện bên Việt nam, tức là những người nào có tiền thì có thể được chữa trị sớm, còn ai không có thì cứ nằm chờ vậy. Ngòai ra cơ sở mục vụ này còn có một Trung Tâm Arrupe với 20 chỗ cho các em bị bệnh bại liệt và cũng dành để đón tiếp những nạn nhậm bị mìn đạn họăc dành cho những ai cần chăm sóc cách đặc biệt. Tất cả các em đều thuộc gia đình nghèo, mồ côi, mù lòa, và tàn tật vì bẩm sinh hay do bom đạn. Các em mồ côi vì cha mẹ đã qua đời do bệnh AIDS họăc chiến tranh hay đạn dược. Trong khu này còn là nơi dành cho hơn một trăm thanh thiếu niên nghèo nội trú để đi học tại các trường bên ngòai của chính phủ. Tại đây ngòai giờ học, các em được học hỏi và phát triển về những năng khiếu, nghệ thuật, văn hóa truyền thống, cũng như các ngành nghề như may, dệt. Các em này cũng là những giáo lý viên. Cuối tuần họ được gởi đến các làng mạc để dậy giáo lý cho các trẻ em trong làng.

Trong thời gian lưu lại tại Battambang, tôi còn được đi thăm nhiều cộng đòan và một số trung tâm nuôi dậy trẻ. Tất cả các học sinh đều được nuôi ăn tại trường. Linh mục Heri Baratasudarma, S.J., một trong các linh mục Dòng Tên đến từ Indonesia hiện đang phụ trách một số cộng đòan và nhà trẻ cho biết, mỗi ngày tốn độ chừng 10 xu tiền Mỹ nuôi ăn hai bữa cho mỗi em. Các em gồm các độ tuổi khác nhau từ 3-4 tuổi đến 8-9 tuổi cùng vào một lớp học, chắc như những trường làng của Việt Nam ngày xưa. Có những em có đủ áo quần để mặc, nhiều em chỉ có quần hay váy mà không có áo. Thay vì tay các em mang vở, tôi chỉ thấy các em đi tay không hay có những em tay mang theo đồ đựng thức ăn để mong cuối ngày có chút phần ăn thừa của trường mang về cho người thân ở nhà.

Mỗi làng, mỗi cộng đòan họ đạo tôi được chứng kiến cuộc sống của rất nhiều người giáo dân với nếp sống của những người già và những mảnh đời của các trẻ thơ lang thang trong các làng mạc. Trong thời gian hai tuần lễ tại Campuchia, trong những người mà tôi gặp từ ngày đầu tiên cho đến khi ra đi, chỉ thấy họ ăn mặc có một bộ đồ. Nhiều em nhỏ, trai cũng như gái chỉ mặc có chiếc quần cụt hay chiếc váy đã nhàu bụi đất và thủng nhiều lỗ. Tôi nghĩ chắc họ chỉ có một bộ quần áo đó, may ra còn có một bộ đẹp hơn để dành dùng trong các dịp lễ hội.

Địa phận Battambang cũng là nơi đã từng có rất nhiều người Việt đến đây định cư từ thời người Pháp còn ở Đông Dương. Đại đa số họ là người Công Giáo. Nhiều người đã bị giết thời diệt chủng của Pol Pot. Tôi có dịp được gặp một số người Miên gốc Việt. Họ đã là thế hệ thứ hai hay thứ ba ở đất Chùa Tháp này. Họ vẫn còn biết nói tiếng Việt và cũng biết cả tiếng Miên nữa, nhưng vẫn còn giữ những vẻ đẹp của lòng hiếu khách và nét mộ đạo của phong hóa Việt. Đời sống của người Việt Nam tương đối khá so với người dân bản địa. Họ chủ yếu sống bằng nghề buôn bán. Giữa hai dân tộc Miên Việt, đôi khi, cũng gặp những khó khăn và xung khắc. Sự hiềm khích chắc đã bén rễ sâu từ lâu trong lịch sử bởi những cuộc chiến có liên quan đến cả hai nước Việt Miên, xa xưa cũng như gần đây. Bởi thế bất cứ ai muốn đến đây để làm việc giúp người nghèo cần phải có một trái tim lớn đủ để yêu cả hai dân tộc thì mới mong làm việc được. Nếu không, chỉ tạo sự chia rẽ và làm tổn thương đến Giáo hội địa phương vốn đang nỗ lực hàn gắn những vết thương của chia rẽ và hận thù từ lâu năm giữa hai dân tộc. Trước khi lên đường đi đến xứ Chùa Tháp, tôi chỉ nghĩ đến các trẻ em và phụ nữ Việt Nam bị bán làm mại dâm. Tính dân tộc trong tôi nổi lên. Lòng trắc ẩn đối với những nạn nhân đang phải chịu vì những hành động bất nhân kia đã chiếm ngự hết tâm hồn tôi. Tôi không nghĩ gì khác ngòai các nạn nhân Việt Nam đáng thương đang bị bán kia. Nhưng khi đến đó rồi, tôi mới biết, trong những người bị bán không chỉ chỉ có các trẻ em và phụ nữ Việt Nam mà cả các trẻ em và phụ nữ Miên nữa. Bởi vậy nếu có ai đến đây để làm việc, người đó không thể chỉ thương giúp các trẻ em và phụ nữ Việt Nam mà cần phải thương tất cả các nạn nhân Việt Miên. Ở Xứ Chùa Tháp này, người dân không chỉ phải đối diện với giặc đói mà cũng như Việt Nam, họ đã từng phải đối diện với giặc giã qua một giai đọan chiến tranh quá dài và giặc dốt do nạn diệt chủng Pol Pot gây nên. Đến xứ Chùa Tháp này, nếu có dịp nói chuyện với bất cứ người nào bạn cũng có thể bắt gặp những chuyện rất thương tâm và không có câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Mỗi người là một bi kịch. Chuyện buôn bán trẻ em mới chỉ là một trong biết bao những khó khăn khác mà đất nước này đang phải đành chịu.

Bạn đọc mến! Một câu chuyện buồn thường làm cho người ta không muốn nghe vì nó dễ làm cho họ cảm thấy buồn. Nhưng không hẳn là chuyện buồn nào cũng làm cho người khác có những cảm giác buồn. Cuộc sống của bạn và tôi chắc đã có những lần gặp những chuyện rất đau thương, cảm thấy rất buồn, nhưng một khi vượt qua được những khó khăn đó hay rút tỉa được một bài học gì qua câu chuyện đó ta có thể cảm nghiệm được những niềm vui bất tận.

Cám ơn bạn đã cùng đi với tôi đến xứ Chùa Tháp và chứng kiến những chuyện buồn của người dân tại đây. Xin bạn đừng buồn vì đó không là chủ đích của tôi và chắc chắn những người bạn đang sống ở xứ Miên cũng không hài lòng khi nghe bạn buồn về chuyện buồn của họ. Tôi mong bạn sau khi đọc bài này hãy sống như những gì bạn vẫn sống. Nếu cuộc đời cần bạn vui, xin bạn hãy vui và góp cho đời vui đến hết mình. Nếu cuộc đời đang ban tặng cho bạn điều gì, xin bạn hãy trân quý những gì bạn đang có, đừng than phiền hay đòi hỏi quá đáng vì biết bao nhiêu người đang ước mơ những điều bạn đang có nhưng lại không được. Xin mỗi giây phút bạn đang tận hưởng những hoa trái trong đời cũng nhớ đến những người kém may mắn hơn bạn. Cuối cùng, sau khi đọc bài viết này nếu có một tiếng mời gọi nào đó trong tâm hồn bạn mời gọi bạn chia sẻ những gì bạn có với những người kém may mắn hơn bạn trong gia đình, nơi cộng đòan, sở làm, xứ sở hay thế giới này, xin bạn đừng khước từ và đừng bao giờ sợ tranh đấu cho họ. Vì Đức Giêsu cũng đã không ngừng tranh đấu và đứng về phía họ, dẫu phải chết. Ngài chọn những người nghèo và bị áp bức làm bạn thân của Ngài.

Nếu bạn muốn tiếp một tay với công việc của các linh mục và tu sĩ nam nữ thuộc Giáo phận Battambang để những phép lạ Chúa làm, qua tay của những vị tu sĩ đang nỗ lực phục vụ cho những người bạn Miên Việt của chúng ta, tiếp tục xảy ra trên mảnh đất Chùa Tháp, xin bạn gởi trực tiếp về địa chỉ bên dưới. Không có món quà nào là quá lớn hay quá nhỏ. Các bạn của bạn ở xứ Chùa Tháp đó thật sư biết ơn sự hảo tâm của bạn, đặc biệt khi bạn phải cắt chia từ cuộc sống khó khăn của bạn chứ không phải chỉ cho đi những gì bạn có dư. Xin đề rõ bạn muốn sự đóng góp của bạn được giúp vào chương trình nào. Hiện nay trong Giáo phận đang có các chương trình sau:

  • 1. Arrupe Center for Handicapped (Trung tâm dành cho các trẻ em bại liệt và tai nạn vì
  • mìn);
  • 2. Tep Im Student Hostel (Chương trình Nội trú cho học sinh nghèo);
  • 3. St. Vincent of Paul Day Care Center (Trung tâm chăm nuôi dậy trẻ);
  • 4. Pet Yeiy Chee Welcome Center for the Sick (Trung tâm chăm sóc bệnh nhân nghèo
  • và người lớn tuổi);
  • 5. Care for Persons with HIV-AIDS (Trung tâm chăm sóc các bệnh nhân bệnh liệt
  • kháng).
Bạn có thể gởi quà trực tiếp đến: Apostolic Prefecture of Battambang, Account # 30-060-3605, Swift code: FTCCKHPP