Bông Hồng 4: Maria, Hướng Về Thiên Chúa

THỨ BỐN: DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THỜ

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. (Lc 2:22-26).

Nhân ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào đền thờ, ĐGH Gioan Phaolô II đã suy niệm như sau: “Này đây Chúa vào đền thờ do Mẹ Maria và Thánh Giuse bồng bế. Người vào như một trẻ thơ 40 ngày để giữ trọn luật Mô-sê. Người ta đem Chúa đến đền thờ như nhiều trẻ em Do Thái: trẻ em nghèo. Chúa Giêsu vào đền thờ mà ít người nhận biết và trông đợi vì Người là “Thiên Chúa ẩn mình” (Is 45:15) và hầu như bị chống đối như lời tiên báo của ngôn sứ Malachia. Ẩn mình trong xác thể loài người trong một hang bò lừa ngoại ô thành Bêlem, Chúa tuân phục luật như Mẹ Người tuân phục luật thanh tẩy.” (Une année avec Marie, p. 79-80).

1- Mẹ dạy ta đức vâng phục:

Tuân phục Lời của Thiên Chúa và thánh ý Người là một trong những bài học quan trọng trong đời sống của Mẹ Maria. Mẹ đã dạy cho chúng ta bài học này bằng lời nói và gương sáng. Tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã nói với các gia nhân và với chúng ta rằng: “Người bảo gì các anh cứ làm theo” (Ga 2:5). Và thái độ của Mẹ vào ngày dâng Con trong đền thờ kêu mời chúng ta hãy noi gương Mẹ.Theo luật Mô-sê, người phụ nữ sinh con trai phải ở cử một thời gian rồi làm lễ tẩy uế. Con trẻ phải chịu phép cắt bì. Vì mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh dâng kính Thiên Chúa. Cha mẹ con trẻ phải dâng lễ tế một cặp chim gáy hay một đôi chim bồ câu tơ (Lv 12:2-8; Xh 13:2-12).

Mẹ Maria không cần phải thanh tẩy, vì Mẹ đẹp đẽ hơn mặt trời, trong sáng hơn mặt trăng, rực rỡ hơn rạng đông. Nhưng Mẹ vẫn vâng giữ luật Mô-sê để mời gọi chúng ta tuân phục không những lệnh truyền của Thiên Chúa mà còn những lời khuyên dạy và ý muốn của Người.Thánh Phanxicô Salêsiô đã nói: “Rất Thánh Trinh Nữ tự ý tuân giữ luật thanh tẩy vì Mẹ yêu quý lệnh truyền. Mẹ hay Con Mẹ khộng buộc phải tuân giữ, nhưng vì tình yêu mến làm cho Mẹ tuân giữ. Mẹ tuân giữ luật để làm gương xây dựng cho những người khác.”

2- Mẹ dạy ta trách nhiệm của cha mẹ:

Đức Maria dâng Con vào đền thờ không những để thi hành các nghi thức theo luật buộc mà còn chu toàn trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ. Bổn phận của bậc làm cha mẹ đã đưa dẫn hai người hành động. Bổn phận này dựa trên niềm tin tưởng vào lời giao ước của Thiên Chúa với dân Israel được lưu truyền trong gia tộc và cộng đoàn. Giao ước của tình yêu thương giữa Thiên Chúa và các tổ phụ của dân Israel như lời tiên tri Êdêkien đã nói: “Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các người. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36:28). Đây là điều mà người ta thường mong đợi nơi các bậc cha mẹ đạo đức thời ấy. Đức Maria và thánh Giuse là các bậc cha mẹ thánh thiện. Các ngài ý thức về trách nhiệm của mình một cách tích cực. Đồng thời cũng luôn ấp ủ con cái trong tình yêu thương và sự chăm sóc chu đáo theo khuôn mẫu đạo đức của truyền thống. Đối với các bậc cha mẹ, tình yêu thương con cái là điều tự nhiên nẩy sinh ai cũng có. Nhưng sự chăm sóc thì đòi hỏi các bậc cha mẹ phải bỏ ra nhiều nổ lực hy sinh và vất vả. Dạy con cái sống đạo đức khó khăn hơn học kiến thức. Dạy lễ nghĩa vất vả hơn văn chương. Dạy con đường nên thánh hy sinh hơn kiếm tìm tiền bạc vật chất!

3- Mẹ dạy ta hướng về Thiên Chúa:

Đức Giêsu vốn là Thiên Chúa, nên dù Mẹ Maria có dâng hiến cho Thiên Chúa hay không, thì Người cũng đã thuộc về Thiên Chúa rồi. Nhưng việc dâng hiến biểu lộ một thái độ nội tâm, một sự chọn lựa của Mẹ Maria luôn hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa là cùng đích của mọi quyết định và chọn lựa đã mang lại niềm vui và sự an bình cho Mẹ giữa những thử thách cam go trong vai trò làm Mẹ Đấng Cứu Thế.Thánh Thomas Aquinas đã nói: “Không ai có thể sống mà không có niềm vui. Đó là lý do tại sao khi người ta bị đánh mất niềm vui tinh thần thì liền đi tìm khoái lạc xác thịt.” Hay nói một cách khác, bởi vì con người không biết đến niềmvui tinh thần, hay không thể hưởng được niềm vui thánh thiện vì tội lỗi của họ, nên mới phải quay sang tìm kiếm thú vui trần gian, để rồi dù có phải chịu đau khổ thế nào, con người cũng vẫn cắm đầu lao vào!Thánh Phaolô đã khuyên nhủ các tín hữu Philipphê những điều như sau: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi… Trong mọi hoàn cảnh, anh em hãy đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4: 4-7).

Thật vậy, niềm vui là hoa trái của đời sống thánh thiện được hướng dẫn bởi Thần Khí (Gl 5:22). Và chính tội lỗi, kẻ thù của Thiên Chúa, sẽ cướp đi mất niềm vui và sự an bình trong tâm hồn của chúng ta (Ps 51:5-8, 12). Con người sống trong tội lỗi sẽ không bao giờ có niềm vui đích thực, cho dù bề ngoài họ có của cải vật chất, cười nói vui vẻ, nhưng trong tâm hồn chất đầy sầu muộn như lời sách Cách Ngôn đã nói: “Cả khi cười, lòng vẫn vương sầu muộn, sau niềm vui lại đến nỗi buồn phiền” (Cn 14: 13).

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu thường nói về sự giàu có, nhưng điều Ngài lên án không phải là việc có nhiều của cải vật chất, mà chính là lòng ham mê không kiềm chế, sự ao ước, thèm khát để chiếm hữu những của cải và khoái lạc dâm tà (Mc 4:19; 7:6; Lc 11: 39-42; 16:15; Mt 23:25-27). Những dục vọng đã làm phát sinh ra bao nhiêu sự gian tà, âm mưu, toan tính và tội lỗi. Cái bản năng vô giới hạn này làm cho tinh thần của con người trở nên quyến luyến, gắn bó và trở thành nô lệ cho của cải trần gian. Mối giây ràng buộc vô hình này nằm sâu trong lòng con người còn độc hại hơn là chính sự chiếm hữu của cải nữa. Nó làm cho con người trở thành kẻ nô lệ của ma quỷ, xác thịt và thế gian.Các nhà tu đức thường khuyên chúng ta rằng lòng quyến luyến của cải trần gian thì nguy hiểm và tồi tệ hơn là việc thực sự chiếm hữu chúng. Càng tách rời ra khỏi những sự thèm khát này, tâm hồn chúng ta càng có cơ hội đón nhận sự cao cả của đời sống tinh thần. Trần gian cống hiến cho chúng ta khoái lạc chốc lát và nghèo nàn.

Chỉ có Thiên Chúa mới ban cho chúng ta được niềm vui vô tận. Bởi thế, sau bao nhiêu ngày tháng kiếm tìm hạnh phúc, sau cùng Thánh Augustinô đã phải tự thú rằng: “Linh hồn tôi còn thao thức xao xuyến mãi cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa là Thiên Chúa chân thực của tôi.”Chính vì đời sống thánh thiện, luôn tuân giữ lề luật và sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa nên Mẹ Maria đã đem dâng hiến Chúa Giêsu trong đền thánh. Ở đâu có Thiên Chúa hiện diện, ở đấy tràn ngập niềm vui. Người Kitô hữu cũng phải hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa với quyết tâm đi tìm kiếm niềm vui nơi tình yêu thương và ơn sủng của Thiên Chúa. Chính sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống thánh thiện của người Kitô hữu sẽ mang lại niềm vui và an bình.