Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Một linh mục Mễ Tây Cơ bị băng đảng ma tuý đánh đập tàn nhẫn

Một linh mục người Mễ Tây Cơ đã bị bắt cóc hôm 11 tháng 11. Ngài đã được trả tự do nhưng mình mẩy đầy những vết thương vì bị tra tấn trong hai ngày.

Cha Jose Luis Sanchez Ruiz bị bắt cóc sau khi nhận được nhiều lời đe dọa. Giáo Phận San Andres Tuxtla, ở bang Veracruz, cho biết các băng đảng ma tuý đã đe dọa ngài vì những lời tuyên bố của vị linh mục lên án tham nhũng và các hoạt động tội phạm ở thị trấn Catemaco, nơi ngài đang phục vụ.

Cha Sanchez Ruiz là linh mục thứ 3 bị bắt cóc ở bang Veracruz trong ba tháng qua, và là người đầu tiên còn sống sót quay về. Cảnh sát cho rằng các vụ tấn công các linh mục chỉ là chuyện cướp bóc thường tình. Giả thuyết này bị các viên chức Giáo Hội bác bỏ. Hơn 30 linh mục đã bị giết ở Mễ Tây Cơ trong những thập kỷ qua, hầu hết các ngài phải đổ máu vì chống lại các băng đảng buôn bán ma túy.

2. Đóng Cửa Thánh tại 3 đại đền thờ ở Rôma

Cửa Thánh tại các Vương Cung Thánh Đường và các đền thánh trên toàn thế giới đã được đóng lại hôm Chúa Nhật 13 tháng 11. Tại Rôma, Cửa Thánh của ba đại đền thờ cũng được đóng lại trong ngày Chúa Nhật này.

Cửa Thánh tại Đền Thờ Thánh Phêrô là Cửa Thánh cuối cùng trên thế giới được Đức Thánh Cha Phanxicô đóng lại trong ngày lễ Chúa Kitô Vua, Chúa Nhật 20 Tháng 11, như được quy định trong Tông Chiếu công bố Năm Thánh.

Đại diện cho Đức Giáo Hoàng tại các đền thờ Thánh Gioan Latêranô, Đức Bà Cả, và Thánh Phaolô Ngoại Thành là các vị quản nhiệm của các đền thờ này. Đó là Đức Hồng Y Agostino Vallini, Đức Hồng Y Santos Abril y Castelló và Đức Hồng Y James Michael Harvey.

Theo Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa, có 20,625,000 người tham dự các sự kiện Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Vatican từ khi khai mạc hôm 8 tháng 12 năm ngoái cho đến lúc đóng các Cửa Thánh tại ba đại đền thờ ở Rôma.

Trong bài giảng tại đền thờ Thánh Gioan Latêranô, Đức Hồng Y Agostino Vallini nói “Cửa Thánh, vừa được đóng lại, là một dấu chỉ hữu hình của Năm Thánh Lòng Thương Xót, một năm trong đó chúng ta nhận ra ‘một lần nữa’ rằng số phận của thế giới không nằm trong tay con người, nhưng trong lòng thương xót của Thiên Chúa.”

Ngài nói thêm rằng khi suy tư về lòng thương xót của Thiên Chúa trong năm nay chúng ta đã nhận ra rằng lòng thương xót không phải là một dấu chỉ của sự yếu đuối hay đầu hàng, nhưng là ánh quang “mạnh mẽ, hào hùng” của tình yêu toàn năng của Chúa Cha, Đấng “chữa lành những yếu đuối của chúng ta, nâng chúng ta dạy từ chỗ vấp ngã của chúng ta và kêu gọi chúng ta làm điều thiện”.

Trong lễ nghi đóng Cửa Thánh tại Đền Thờ Đức Bà Cả, Đức Hồng Y Abril y Castello nói rằng dù Cửa Thánh đã được đóng lại, “cánh cửa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa luôn luôn rộng mở” và ngài khích lệ các tín hữu phải mạnh mẽ trong sự xác tín này và hãy trở thành các chứng nhân đáng tin cậy của lòng thương xót trên thế giới.

Trong bài giảng của ngài tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, Đức Hồng Y Harvey cũng nói rằng khi chúng ta long trọng đóng Cửa Thánh này “cùng một lúc, chúng ta hãy mở một cánh cửa bên trong tâm hồn mình cho một giai đoạn tiếp theo của cuộc hành trình của chúng ta hướng về đức tin, hy vọng và lòng bác ái”.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13 tháng 11, đề cập đến việc đóng cửa Năm Thánh, Đức Thánh Cha nói:

“Ngày hôm nay, tại các nhà thờ chính tòa và đền thánh trên toàn thế giới, có nghi thức đóng Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta hãy cầu xin ơn đừng nhắm mắt trước Thiên Chúa, Đấng đang nhìn chúng ta, và trước tha nhân đang gọi hỏi chúng ta. Chúng ta hãy mở mắt nhìn Thiên Chúa, thanh tẩy cái nhìn của tâm hồn khỏi những hình ảnh lừa đảo và sợ hãi, khỏi thần quyền lực và trừng phạt, những phóng dội kiêu căng và sợ hãi của con người. Với lòng tín thác chúng ta hãy nhìn lên Thiên Chúa Thương Xót, với xác tín rằng ‘đức mến sẽ không bao giờ chấm dứt’ (1 Cr 13,8). Chúng ta hãy canh tân niềm hy vọng cuộc sống chân thực mà chúng ta được kêu gọi tiến đến, cuộc sống nãy sẽ không qua đi và chúng ta đang chờ cuộc sống ấy trong sự hiệp thông với Chúa và với tha nhân, trong niềm vui mãi mãi, vô tận. Và chúng ta hãy mở mắt nhìn tha nhân, nhất là người anh em bị lãng quên và loại bỏ. Chính tại đó kính phóng đại của Giáo Hội nhắm tới. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự quay lăng kính ấy về chúng ta. Xin Chúa cất những cạm bẫy làm cho chúng ta chia trí, khỏi những lợi lộc và đặc ân, khỏi những quyến luyến quyền hành và vinh dự, khỏi sự quyến rũ của tinh thần thế gian. Giáo Hội là Mẹ chúng ta đang đặc biệt nhìn đến thành phần của nhân loại đang đau khổ và khóc lóc, vì biết rằng những người ấy thuộc về Giáo Hội theo luật của Tin Mừng”

3. Giáo Hội tại Mã Lai Á trải qua một Năm Thánh an bình

Sáng Chúa Nhật 13 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Julian Leow Kim của Kuala Lumpur, Mã Lai Á đã cử hành nghi lễ đóng Cửa Thánh tại nhà thờ chính tòa thủ đô. Trong bài giảng Đức Tổng Giám Mục khích lệ các tín hữu tạ ơn Chúa vì đã trải qua một Năm Thánh an bình sau một năm 2015 đầy những cuộc biểu tình bạo lực của người Hồi Giáo.

Mã Lai Á là một quốc gia Đông Nam Á với 30.9 triệu dân, 61% theo Hồi giáo, Phật giáo 20%, 6% Hindu, 5% Tin Lành, và 4% là người Công Giáo. Hồi giáo được coi là quốc giáo tại Mã Lai Á.

Trong năm 2015, nhiều cuộc biểu tình chống Công Giáo đã nổ ra theo sau vụ tiểu vương bang Selangor, một trong 13 tiểu bang của Mã Lai Á, ra lệnh rằng người ngoài Hồi giáo không được sử dụng thuật ngữ “Allah” để dịch từ “God” (Thiên Chúa) trong tiếng Anh. Theo sau lệnh của tiểu vương Sharafuddin Idris Shah, 325 cuốn Kinh Thánh bằng tiếng Mã Lai đã bị tịch thu.

Người Công Giáo kháng cáo lên tòa án tối cao Mã Lai Á. Nhiều cuộc biểu tình bạo động của người Hồi Giáo nổ ra. Ngay cả sứ thần Tòa Thánh tại Mã Lai Á, là Đức Tổng Giám Mục Joseph Salvador Marino, cũng bị dọa trục xuất khỏi quốc gia này vì ngài lên tiếng bênh vực cộng đoàn Công Giáo tại đây.

Ngài lập luận rằng Kitô hữu tại Malaysia đã sử dụng từ “Allah” (như người Việt chúng ta dùng từ “Chúa”) để dịch từ “God” trong tiếng Anh, ít nhất là là từ năm 1852. Hàng trăm năm nay không có vấn đề gì. Tại sao bây giờ lại nêu vấn đề như thế? Đâu là động cơ của trào lưu này?

Cuối cùng tòa án tối cao Mã Lai Á cũng ra phán quyết cấm các Kitô hữu dùng từ “Allah” để chỉ Thiên Chúa. Với phán quyết này lệnh cấm được áp dụng trên toàn quốc Mã Lai.

Đức Tổng Giám Mục Julian Leow Kim đã bày tỏ sự thất vọng sâu xa của ngài và nhận xét rằng quyết định này có một hệ quả nghiêm trọng cho tự do tôn giáo tại quốc gia châu Á này.

Đức Tổng Giám Mục nói trước những cuộc biểu tình bạo động của người Hồi Giáo tại quốc gia này, ngài không ngạc nhiên trước phán quyết này. Thế nhưng Đức Tổng Giám Mục bày tỏ âu lo phán quyết này có thể “mở ra cái hộp thần kỳ” ước sao được vậy cho phép chính phủ can thiệp sâu rộng hơn trong các vấn đề đối với các tôn giáo thiểu số.

Sau những đụng độ này, cộng đoàn dân Chúa tại Mã Lai Á đã được trải qua một Năm Thánh yên hàn.

4. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm giám mục phó cho Giáo phận Hương Cảng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Micae Dương Minh Chương (Yeung Ming-cheung) hiện là Giám mục phụ tá của Hương Cảng lên làm Giám mục phó của Giáo phận này. Thông báo được Tòa Thánh công bố lúc 12 giờ trưa Rôma, tức 7 giờ tối Hương Cảng hôm Chúa Nhật 13 tháng 11, trong khi cử hành nghi thức đóng Cửa Thánh Năm Lòng Thương Xót tại nhà thờ chính tòa Hương Cảng.

Đức Cha Dương Minh Chương năm nay 71 tuổi sẽ kế vị Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon) hiện là giám mục chính tòa của Hương Cảng, đang bước sang tuổi 78. Đức Hồng Y Thang Hán tròn 75 tuổi hồi năm 2014, là độ tuổi nghỉ hưu theo nguyên tắc, nhưng Đức Giáo Hoàng đã mở rộng trách vụ của ngài thêm ba năm nữa, cho đến năm 2017.

Vào cuối Thánh Lễ, Đức Cha Ante Jozic - Trưởng phái đoàn Tòa Thánh liên lạc với Hương Cảng đã công bố thư bổ nhiệm chính thức, ngài nhận xét rằng Đức Cha Dương Minh Chương đã có khoảng thời gian phục vụ giáo phận Hương Cảng bằng “sự cống hiến và tình yêu mới mẻ dành cho Giáo Hội của Chúa Kitô”, “với trách nhiệm ngày càng lớn này”, ngài sẽ phụ giúp Đức Hồng Y Thang Hán trong nhiệm vụ của mình.

Đức Cha Dương Minh Chương quỳ gối trước mặt Đức Hồng Y Thang Hán và Đức Hồng Y Trần Nhật Quân (Zen Ze-kiun) – nguyên giám mục Hương Cảng. Sau đó ngài đứng dậy đến ôm cả hai vị Hồng Y cùng với Đức Cha phụ tá Giuse Hạ Chí Thành (Ha Chi-shing).

Gặp gỡ các tín hữu, Đức Cha Dương Minh Chương thú nhận mình còn có nhiều khiếm khuyết và cám ơn Đức Thánh Cha đã tin tưởng trao sứ vụ cho mình. Ngài cũng cảm ơn hai vị Hồng Y vì khoảng 44 năm trước đã đưa ngài gia nhập chủng viện.

Ngài cho biết Đức Hồng Y Trần Nhật Quân luôn ủng hộ ngài, và từ Đức Hồng Y, ngài đã học được cách đối diện với những khó khăn. Còn từ Đức Hồng Y Thang Hán, ngài đã học được tấm lòng nghĩa hiệp và hào hùng, giàu tình yêu dành cho nền văn hóa, con người và Giáo Hội Trung Quốc. Trong một xã hội đa dạng như Hương Cảng, hai vị Hồng Y cũng giống như hai đại thụ để ngài có thể nhận được một chút 'bóng mát’. Và trong khi vẫn trung thành với Đức Giáo Hoàng, ngài không thể không làm theo sự chỉ bảo của hai vị Hồng Y này.

Đức Cha Dương Minh Chương sinh tại Thượng Hải ngày 1 tháng 12 năm 1945 trong một gia đình Công Giáo và đến Hương Cảng khi lên bốn tuổi. Ngài từng làm việc trong ngành xuất nhập khẩu trước khi vào chủng viện Hương Cảng năm 26 tuổi. Ngài được thụ phong linh mục ngày 10 tháng 6 năm 1978, hoàn thành nghiên cứu truyền thông (ở Syracuse, Hoa Kỳ), triết học và giáo dục (ở Harvard, Hoa Kỳ). Kể từ tháng 8 năm 2003, ngài là trưởng ban Caritas và Tổng Đại Diện giáo phận từ năm 2009. Ngài được tấn phong làm Giám mục phụ tá vào tháng 8 năm 2014.

5. Đức Giáo Hoàng kêu gọi hội nghị Liên Hiệp Quốc hành động không trì hoãn trước sự thay đổi khí hậu

Cộng đồng quốc tế có một “trách nhiệm nghiêm trọng về luân lý và đạo đức phải hành động không chậm trễ” để chống lại những biến đổi khí hậu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói như trên trong một thông điệp gởi tới hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là COP22, đang diễn ra tại Thành phố Marrakech, bên Ma-rốc.

Trong thông điệp của ngài, Đức Thánh Cha khuyến khích các tham dự viên tại hội nghị hãy thực thi những thỏa thuận đã đạt được trong hội nghị về thay đổi khí hậu nhóm tại Paris hồi năm ngoái.

Trích dẫn các nhu cầu “thúc đẩy những lối sống hướng đến các mô hình bền vững trong sản xuất và tiêu dùng,” Đức Giáo Hoàng kêu gọi một “nền văn hóa bảo vệ” những người lân cận và thiên nhiên.

6. Tân sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ thúc giục các Giám Mục Mỹ hãy giúp giới trẻ gặp gỡ Đức Kitô

Trong bài phát biểu đầu tiên của ngài trước các giám mục Hoa Kỳ, Tân Sứ Thần Tòa Thánh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc Giáo Hội tiếp cận với cộng đồng giới trẻ.

Nhắc lại rằng là chủ đề sắp tới của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới là “tuổi trẻ, niềm tin, và việc phân định ơn gọi”, Đức Tổng Giám mục Christophe Pierre nói với các giám mục Mỹ đang họp tại Baltimore rằng “một ngôn ngữ mới, một phương pháp mới, và một lòng nhiệt thành truyền giáo mới là cần thiết để mỗi người trẻ có thể trải nghiệm một cách cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa.”

“Phương pháp loan báo Tin Mừng của chúng ta cần phải được xem xét lại một cách sâu sắc để xem liệu các phương ấy có hiệu quả hay không trong việc thông truyền cho giới trẻ những kinh nghiệm Kitô đích thực - với sự gần gũi, giản dị, ấm áp và minh bạch”

Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng

“Nhiều người trẻ không bị dị ứng với các chân lý đức tin hay với Giáo Hội, nhưng đơn giản là họ chẳng biết gì, hoặc biết rất ít về đức tin.”

Để kết luận, Đức Tổng Giám Mục kêu gọi một sự đồng hành mục vụ với những người trẻ tuổi trong đó lắng nghe đóng một vai trò lớn. Ngài nói:

“Chúng ta được khuyến khích, như Đức Thánh Cha liên tục nhắc chúng ta, hãy là một Giáo Hội đi ra, một Giáo Hội truyền giáo thực sự, chiếu sáng huy hoàng như một ngôi sao sáng hướng dẫn những người trẻ trong cuộc hành trình của họ để họ có thể gặp được ánh sáng thật. Giáo Hội phải là một tiếng nói mạnh mẽ trong thế giới này, đặc biệt là đối với giới trẻ, và phải vang vọng những lời của Người Cha Nhân Hậu nói với người con cả, “Con luôn ở cùng Cha và mọi sự thuộc về Cha cũng là của con.”

7. Chủ tịch ủy ban di dân Hội Đồng Giám Mục Mỹ kêu gọi tổng thống tân cử nhìn nhận những đóng góp của người di dân cho Hoa Kỳ

Chủ tịch Ủy ban Giám Mục Hoa Kỳ về di dân bảo đảm với Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump về lời cầu nguyện; và bảo đảm với những người nhập cư và tị nạn tình đoàn kết của ngài.

“Tôi muốn đưa ra một lời đặc biệt với các di dân và các gia đình tị nạn đang sống trên đất Mỹ là các bạn hãy yên tâm, chúng tôi luôn đoàn kết và tiếp tục đồng hành với các bạn là những người đang nỗ lực làm việc để có một cuộc sống tốt hơn”.

Đức Cha Eusebio Elizondo, là Giám mục phụ tá Seattle nói. “Chúng tôi cầu nguyện để chính quyền mới khi khởi sự vai trò lãnh đạo đất nước chúng ta, nhận ra sự đóng góp to lớn của người di dân và tị nạn đối với sự thịnh vượng chung và hạnh phúc của dân tộc chúng ta.”

Ngài nói thêm, “Chúng tôi sẽ làm việc để thúc đẩy các chính sách nhân đạo trong đó bảo vệ nhân phẩm vốn có của người di dân và tị nạn”, giữ cho các gia đình được xum họp với nhau, trong khi đề cao và tôn trọng luật pháp của quốc gia này.

Phục vụ và chào đón những người phải chạy trốn bạo lực và xung đột ở các khu vực khác nhau trên thế giới là một phần của bản sắc người Công Giáo chúng tôi. Giáo Hội sẽ tiếp tục truyền thống bảo vệ cuộc sống này.”

Ngài kết luận:

Chúng tôi cầu nguyện cho Tổng thống vừa đắc cử Trump và tất cả các nhà lãnh đạo trong đời sống công cộng, để họ có thể gánh vác trách nhiệm được ủy thác cho họ với ân sủng và lòng can đảm. Và xin cho tất cả chúng ta là người Công Giáo và là người Mỹ hãy tiếp tục đoàn kết với những người khác đang trong lúc túng ngặt; hãy tiếp tục là một dân tộc hiếu khách đối xử với người khác như chúng ta muốn được người ta đối xử với mình như thế.

Trong phiên họp đầu tiên hôm 14 tháng 11, các giám mục Hoa Kỳ, đang nhóm tại Baltimore, đã bày tỏ sự ủng hộ của các ngài đối với tuyên bố của Đức Cha Elizondo.

8. Gây rối trong thánh lễ của các Giám Mục Mỹ đang nhóm tại Baltimore

Chiều tối thứ Hai 14 tháng 11, các Giám Mục Hoa Kỳ đang nhóm hội nghị thường niên tại Baltimore đã cử hành thánh lễ tại St. Peter Claver Church, một nhà thờ của người Mỹ da đen ở West Baltimore.

Tới phần thuyết giảng, một cựu linh mục và là một người tranh đấu cho đồng tính luyến ái đã bị huyền chức và bị rút phép thông công đã xông vào nhà thờ và chạy lên bàn thờ gây rối.

Video từ Tổng Giáo Phận Baltimore cho thấy người đàn ông bước vào thánh đường và hôn bàn thờ - như cử chỉ các linh mục vẫn làm ở đầu Thánh Lễ. Đương sự sau đó rút ra một băng rôn với dòng chữ “hãy chấm dứt đàn áp những người đồng tính.”

Theo Rocco Palmo, một ký giả theo dõi các sự kiện tại Vatican, có mặt tại hiện trường, kẻ gây rối là cựu linh mục Roy Bourgeois dòng Maryknoll. Bourgeois đã bị huyền chức vào năm 2012 sau khi tham gia vào một buổi lễ “phong chức” cho một phụ nữ.