SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM C

(Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13)

KITÔ HỮU VÀ TIỀN CỦA

Mọi nơi, mọi thời, con người luôn khát khao và tìm kiếm hạnh phúc. Nhiều người vẫn nghĩ hạnh phúc chỉ có nơi tiền bạc, của cải, danh vọng, quyền thế. Đã có một thời Mussolini, Nhật Hoàng, Hitler tưởng rằng thế giới sẽ nằm gọn trong trục tay ba của họ, nhưng họ đã gục ngã thảm bại và lịch sử vẫn xoay theo chiều của nó. Đã có lúc Napoléon Đại đế tưởng rằng sẽ thâu tóm toàn thể Âu châu trong bàn tay bách chiến bách thắng của ông, nhưng rồi ông đã chết cô đơn trên đảo Corse, và Âu châu vẫn xoay theo chiều của nó. Như viên đá ném xuống dòng sông, làm lay động mặt nước trong chốc lát, và rồi dòng sông vẫn im lìm xuôi chảy...Mọi sự đều qua đi... Sách Giảng viên đã viết : “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Quả là

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy

Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười” (Cao Bá Quát).

Chúa Giêsu đã từng phê phán những người giàu chỉ biết cậy dựa vào tiền của và tìm hưởng thụ là kẻ ngu xuẩn vì chỉ nhìn cái hiện tại chóng qua mà không quan tâm đến định mệnh cuối cùng và không biết tìm hạnh phúc vững bền (Lc 12,13-21). Thu tích của cải đời này mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì quả là ngu xuẩn vì “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm” (Lc 12,15); vả lại sự vướng bận vào của cải cản trở việc tìm kiếm Nước Chúa là cõi phúc thật (x.Lc 18,18-30). Vậy đâu là thái độ đúng đắn đối với tiền của ? Tiền của ở đây được hiểu là tiền bạc giàu sang, vinh hoa phú quý, tài năng, quyền lực...

1. Ngôn sứ Amos lên án sự bất công và cuộc sống ham mê tiền của

Các ngôn sứ thời Cựu ước vẫn thường chỉ trích những thói tham lam, lọc lừa và nặng lời kết án những người giàu bất công, áp bức, khinh dễ kẻ nghèo. Vào thế kỷ VIII tcn, Israel sống thời kỳ thịnh vượng dưới triều Giêrôbôam II. Do sự phồn thịnh ấy mà người ta sinh hư đốn: bon chen, tham lam, tranh giành tiền bạc của cải bằng đủ mọi hình thức bất công: giàu hiếp đáp nghèo, dùng tiền mua lương tâm, địa vị; người giàu chỉ biết ích kỷ hưởng thụ mặc cho dân nghèo đói rách cơ cực... Ngôn sứ Amos kịch liệt lên án. Ông quả xứng danh là nhà ngôn sứ của sự công bằng. Bản cáo trạng của nhà ngôn sứ đối với những người quyền thế, giàu sang bất công vẫn luôn vang vọng và có hiệu lực cho mọi thế hệ.

2. Chúa Giêsu đối với tiền của

Chúa Giêsu luôn đứng về phía người nghèo và bênh vực kẻ cô thế. Ngài sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo. Ngài chọn các môn đệ giữa số những người nghèo. Ngài hằng quan tâm, yêu thương vỗ về những người nghèo và tuyên bố mối phúc đầu trong bát phúc: “Phúc cho những người nghèo khó vì Nước Trời là của họ” (Lc 6,20; Mt 5,3). Yêu người nghèo, nhưng Chúa Giêsu không hề kết án người giàu và tẩy chay sự giàu có. Ngài ân cần tiếp đón và đối thoại với người giàu, sẵn sàng đến dùng bữa với họ khi được mời; Ngài để cho những phụ nữ giàu đi theo giúp đỡ trong hành trình sứ vụ. Tuy nhiên, Ngài nặng lời chỉ trích những người giàu chỉ biết bám víu vào tiền của, sống ich kỷ hưởng thụ bỏ mặc người nghèo đói cơ cực (x. Lc 16,19-31 : dụ ngôn người giàu và Lazarô), làm giàu cách bất lương, ỷ vào tiền của mà khinh dễ kẻ khác. Không phi bác tiền của, không phê phán sự giàu sang, cũng không bác bỏ người giàu, Chúa Giêsu chỉ nhắc nhở thái độ phải có đối với tiền của và cảnh cáo, phê phán những người giàu trong việc sử dụng tiền của.

Tiền của tự nó không xấu; xấu hay tốt là tuỳ ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Chúa Giêsu lên án sự ham mê tiền của, coi đó như tất cả cuộc sống, đến nỗi dành hết sức lực, thời gian, trí tuệ để cố chiếm hữu thật nhiều; thậm chí bán rẻ cả lương tri, phẩm giá con người. Tiền của trở thành thần tượng (Mamôn) và chiếm chỗ độc tôn trong lòng người. Ngài kết án những người vì đồng tiền mà sống bất công, lừa thầy phản bạn, coi thường mạng sống và danh phẩm người khác. Ngài còn phê phán chỉ trích những người giàu sang chỉ biết cậy dựa vào tiền bạc và sống ích kỷ hưởng thụ.

Tiền của là phương tiện tốt nếu được dùng để làm điều thiện, giúp đỡ người thiếu thốn, phục vụ khoa học vì những mục đích tốt.. . Chỉ có cách đó mới làm cho người ta không làm tôi của cải. Lòng tham lam, việc tích trữ của cải là mối nguy hiểm lớn cản trở con đường tìm kiếm Nước Trời và đưa ta xa rời Thiên Chúa. Người thanh niên giàu có được mời gọi bán tất cả của cải tài sản để đi theo Chúa đã buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải. Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh : Người giàu có vào Nước Trời còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim. Vì thế không lạ gì thái độ cương quyết của Chúa Giêsu : Ngài đòi hỏi một chọn lựa dứt khoát là không đi nước đôi : Không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của. Thiên Chúa là ông chủ tuyệt đối, phải thuộc trọn về Người.

3. Đích điểm cuộc đời là Nước Trời

Đích điểm cuộc đời là Nước Trời. Thánh Augustin đã thốt lên : “Lạy Chúa, Chúa đã tạo thành con cho Chúa; linh hồn con khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”. Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp đạt tới đích là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy ta xa Chúa để tìm kiếm những sự thuộc thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương thế đạt Nước Trời. Dụ ngôn người quản lý bất lương chỉ ra bài học cụ thể ấy.

- Nỗ lực tìm kiếm Nước Trời

Đọc câu chuyện dụ ngôn, ta ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu khen tặng người quản lý bất lương vì cách ứng xử khôn khéo của y. Thực ra, Chúa Giêsu muốn phân biệt một bên là những người thuộc về thế gian mà thủ lãnh là Satan (Ga 12,31) và bên kia là con cái sự sáng, con cái của Thiên Chúa (1Tx 5,4-5). Nếu con cái thế gian biết khôn ngoan lanh lợi để tậu cho mình những phần thưởng trần thế chóng qua, thì các Kitô hữu cũng phải nỗ lực, đầu tư thời giờ, tiền bạc, công sức để đạt phần thưởng vĩnh cửu trên trời. Không phải Chúa Giêsu khen tặng sự khôn khéo của người quản lý bất lương cho bằng Ngài mời gọi con cái sự sáng phải biết nỗ lực hành động để đạt đến Nước Trời. Nỗ lực cơ bản là sẵn sàng từ bỏ tất cả để tìm kiếm Chúa và phụng sự một mình Người. Có Chúa là có tất cả; khi không còn gì nhưng còn có Chúa là còn tất cả vì Người là lẽ sống. Khi đã chọn Chúa, ắt sẽ biết sử dụng tiền của và tất cả những gì Chúa ban để phụng sự Ngài và Giáo hội qua việc phục vụ anh em đồng loại.

- Dùng tiền của mua tình bạn

Người quản lý được khen tặng vì đã biết dùng tiền của để mua bạn hữu. Qua đó, ta rút ra bài học chủ yếu : cách sử dụng tiền của tốt nhất là tạo tình bằng hữu, thiết lập các mối tương quan huynh đệ. Tiền bạc lúc ấy sẽ trở nên phương tiện chia sẽ và thân giao. Nó tạo niềm vui và hy vọng xanh tươi cho kẻ khác và trước hết là cho chính người biết trao ban : cho thì có phúc hơn là nhận. Tin mừng Lc thường nhấn mạnh hơn các Tin mừng khác về một Đấng Thiên sai của người nghèo. Nước Thiên Chúa dành cho những ai biết yêu thương, chia sẻ và phục vụ những người nghèo khó.

- Trung thành trong việc nhỏ dẫn đến trung thành trong việc lớn

Nếu tiền của có thể là phương tiện mua tình bạn, để chia sẻ với tha nhân, thì nó cũng là một sức mạnh xấu, là cạm bẫy cần cảnh giác, như thư gởi Timôthê đã viết : “Những người giàu, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ” (1Tm6,17-18). Tiền của chỉ là việc nhỏ sánh với việc lớn là Nước Trời. Tiền của giàu sang nơi trần gian chỉ là tạm bợ, không thể tạo hạnh phúc đích thực cho con người; ngược lại nó làm con người vong thân khi bị nó chiếm hữu, và lúc ấy nó sẽ là chủ nhân ông và con người sẽ biến thành tôi tớ. Vậy nếu ở đời này, con người biết sử dụng tiền của tạm bợ cách tốt đẹp, họ sẽ được trao phó của cải vĩnh cửu trên trời.

Kết luận:Tiền của cần thiết cho cuộc sống. Thế nhưng nó cũng là nguyên nhân cho bao băng hoại, tráo trở trong xã hội, đổ vỡ trong gia đình, hư đốn trong bản thân. Sỡ dĩ thế là vì con người đã quá đề cao và bám víu vào tiền của, coi nó là vạn năng, là tất cả cuộc sống để trở thành nô lệ cho nó. Thiên Chúa ban cho con người tiền của chóng qua để sống, thăng tiến, phát triển, phục vụ.. . Giá trị của tiền của hệ tại con người biết sử dụng cách đúng đắn như phương tiện phục vụ anh em, đặc biệt người nghèo khổ, để đạt tới Nước Trời là hạnh phúc đích thực.