VŨ KHÚC ÐÁNH GIẦY

Cách đây ít lâu tôi có dịp đi vào một trung tâm tịnh niệm trong sa mạc rỗng trống Arizona trong vòng một tháng để tìm về cảm nghiệm cõi trống như đã từng được nghe trong nhiều truyền thống tôn giáo, đặc biệt trong Ðạo Chúa.

Nhưng rồi sau một thời gian “chờn vờn với Ðấng Vô Hình” đầy kỳ thú trong sa mạc, tôi lại phải trở về cuộc sống bình thường. Liệu tôi có thể tìm lại những giây phút an tĩnh, hay lại bị những công việc nhàm chán chồng chất đầy đặc hằng ngày làm lu mờ con mắt và cuốn hút mình đi một cách tội nghiệp?

Ðứng đợi máy bay ở phi trường Tucson, trong lúc đang lẩn vẩn bởi ý nghĩ trên, tôi bất chợt để ý quan sát một người đánh giầy. Ðó là một bà Mỹ trắng trung tuổi, rất vui vẻ tươi tỉnh với từng động tác đánh giầy. Vì thường tôi vẫn thấy những người đánh giầy ở phi trường New Orleans là những anh chàng da màu mặc cảm với cái nghề “bất đắc dĩ” thấp kém trong bậc thang xã hội. Ngay cái kiểu khách hàng ngồi chễm chệ ở trên ghế cao mà phải đứng ở dưới cúi mình để lau chùi thì cũng đủ cảm thấy bất ổn, rồi sinh cau có, mặt mũi ủ dột như bánh bao chiều chứ làm sao mà tươi cho nổi!

Thấy thái độ và cử chỉ lạ thường của người đàn bà, tôi bèn “liều mạng” lên ghế ngồi cho bà ta đánh giầy, vì thực ra đôi giầy của tôi đã đầy bụi sau nửa tháng quần thảo trong sa mạc, và tôi cũng có ý lợi dụng cơ hội để tìm hiểu về bà ta.

Mà đúng thật. Cái điệu quẹt xi và đánh bóng thật nhịp nhàng khoan thai như một khúc vũ. Chỉ sau mấy phút là tôi đã gạ chuyện liền. Ðược vặn “trúng đài,” bà ta thao thao kể về đời sống của bà, trước đây là một dân ăn chơi thừa mứa tiền bạc của con nhà giầu, rồi cũng bị hút vào cái vòng xoáy của xã hội “văn minh,” rồi tối ngày sáng đêm phải thi hành cho đúng chỉ thị của cái đà xã hội ra lệnh cho hợp tiêu chuẩn, không thể cưỡng lại được. Riết rồi thấy cuộc sống mệt mỏi buồn nôn như một tên nô lệ “không người lái!” “Tình cờ một ngày kia tôi đã được một người bạn chỉ cho tôi con đường vào sa mạc Arizona này. Trong cõi trống bao la, tôi đã khám phá ra cách giải thoát chính mình. Tự nhiên tôi xả buông mọi thứ lỉnh kỉnh xưa nay vốn trói buộc tôi, để hòa vào một sức sống lớn hơn trong cõi trống huyền nhiệm bao la của sa mạc. Tôi thấy rõ tất cả chỉ có một sức sống: đất trời, cỏ cây, súc vật, con người. Mọi công việc lớn nhỏ, mọi động tác đều phát khởi và hướng về một nguồn sức sống mà thôi. Tôi đã khám phá ra tôi có thể biến cả cái nghề đánh giầy vốn hèn này thành một khúc luân vũ cuộc đời. Vũ trụ chỉ có một sức sống đang chuyển động tăng trưởng không ngừng, đang múa ca theo một nhịp vũ. Xả trống cái tôi to vo ứ đọng mà hòa vào được vào cái Ta đại thể trong nhịp múa này thì sung sướng biết chừng nào. Cuộc sống tôi bây giờ là một khúc vũ. Mỗi công việc, mỗi cử chỉ đều làm nên một tác phẩm tuyệt vời. Tôi đang sáng tác mỗi giây phút đó, thấy chưa.”

THỜI ÐIỂM NHỮNG KHOẢNG TRỐNG KỲ DIỆU

Chắc hẳn nhiều người đã từng được nếm những khoảnh khắc thấy mình thật thảnh thơi khi ngồi nhìn trời cao mà thả hồn theo một đám mây trôi hay một dòng suối chảy. Tự nhiên những ứ đọng, những căng thẳng cũng tan biến trôi đi lúc nào không biết. Ðó là những phút giây mà cái tôi tan biến đi để hòa nhập được vào cái Ta toàn mãn theo nhịp đất trời. Mây, suối, núi, sông, cây hoa, cọng cỏ, con ong, con dế... tất cả đều theo một nhịp. Con trăng cũng có nhịp khi tròn khi khuyết. Thời tiết theo đúng nhịp đúng lúc thì làm lễ nghi bàn giao đổi mùa, có lá vàng rơi lả tả chào mừng.

Tất cả tạo vật đều biết hòa theo được đạo trời, nên tươi cười sảng khoái. Chỉ có con người là tự tạo ra quá nhiều thứ nhịp riêng làm bấn loạn thân tâm, khiến cho mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhó ủ dột. Là vì mình đang thích tìm tích trữ cho nhiều thứ của, khiến cho cái tôi mỗi ngày mỗi sinh kềnh càng vướng vít, cố ghì lại cái nhịp hổn hển mệt nhọc một cách đáng thương.

Ðọc “Những Lá Thư Viết Từ Sa Mạc” của thầy tiểu đệ Carlo Carretto, ai mà chả mê cái kinh nghiệm tâm linh của thầy. Ðó là kinh nghiệm về cõi trống diệu vợi của sa mạc. Thầy kể chuyện chính thầy đã từng làm chủ tịch phong trào giới trẻ Công Giáo toàn nước Ý thời Ðức Thánh Cha Piô XII với biết bao sinh hoạt và chương trình tưởng có thể thay đổi bộ mặt thế giới. Nhưng trong thâm tâm thầy vẫn thấy có cái gì hụt hẫng, bất ổn. Sau nhiều ngày vật lộn với chính mình thì đùng một cái, thầy bị Chúa quật ngã. Chúa đã gọi thầy bỏ cõi “đầy đặc” để đi tìm cõi trống nơi sa mạc.

Vào sa mạc là tự nhiên bước vào cõi trống không. Chung quanh không còn gì ngoài bãi cát thật nóng ban ngày mà ban đêm thì lạnh buốt. Trên đầu cũng không còn cây to bóng mát. Chỉ còn lại bầu trời mở rộng thăm thẳm kia. Ðúng là ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Bước vào cái bầu khí đất trời bao la vô hạn này là tự nhiên thấy lòng mình sao nhỏ nhen chi lạ, không còn đủ can đảm kéo ghì cái thành quách kiên cố bao phủ con người mình bấy lâu nữa, mà chỉ muốn để cho sập xuống bình địa, xả buông mọi loại nhịp riêng tù túng phiền muộn của cái tôi chất đầy các thứ của bụi bặm phù du mà hòa vào một thực tại lớn hơn, hòa vào một sức sống bao la hơn, hòa vào một nhịp sống của vũ trụ. Trong cõi trống bao la này, con người không cần phải suy niệm về Ðấng Huyền Nhiệm nữa, mà chứng nghiệm được Người thật sinh động, chạm đến tay Người đang vươn tới tìm mình. Và như một mâu thuẫn không giải thích nổi, là trong cái tĩnh lặng và trống rỗng hầu như tuyệt đối này, một cảm nghiệm toàn mãn đầy tròn bao phủ. Thật lạ.

TIN VUI BẮT LẠI ÐƯỢC NHỊP

Ai cũng phải công nhận nhịp sống bây giờ căng thẳng và hối hả quá, mất đi thế cân bằng tự nhiên. Suốt ngày tối mặt vùi đầu trong những cơ sở, tách rời khỏi mạch sống thiên nhiên, chả còn giờ mà để ý tới nhịp trăng sao vạn vật. Tiền của thì có thể khấm khá hơn thật đấy, nhưng chắc là không tươi bằng cái cảnh đã từng in sâu trong máu dân Việt:

Người ta đi cấy lấy công

Tôi đây đi cấy còn trông nhiều bề.

Trông trời trông đất trông mây

Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm.

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời trong bể lặng mới yên tấm lòng.


Mấy câu ca dao tuyệt quá, nói lên nét văn hóa trong đạo sống người mình. Ði làm đâu phải chỉ để lo kiếm tiền trả “bill” hay chất thêm của vào ngân hàng! Mà còn phải biết trông nhiều bề: nhịp trời, nhịp đất, nhịp lòng người. Làm sao cho nhịp cuộc sống mình được hài hòa mọi phía, mang lại an vui hạnh phúc thật. Chất kiên tâm chịu đựng và tin tưởng của người mình được diễn thật tài tình: chân mềm như vậy mà luyện cho cứng ra được; đá cứng như vậy mà cũng phải mềm ra được. Ðiều không thể xẩy ra này người mình vẫn nhất định tin và thể hiện được vì biết trông vào ơn Trời đủ cho mình mà bước theo:

Dù ai nói ngược nói xuôi

Ta đây cứ vững đạo Trời khăng khăng.


Trời đất chỉ có một nhịp. Biết qui hướng mọi nhịp riêng xé mảnh vào được nhịp chung này thì đời sống tìm lại được thăng bằng thảnh thơi. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã nhấn rất mạnh: “Ai theo Thầy mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ Thầy được... Ai không từ bỏ tất cả những gì mình có thì không thể làm môn đệ Thầy được.”

PHÚT TỊNH TÂM

Của mình đang có cộng lại được bao nhiêu so với kho Trời lồng lộng kia nhỉ? Dịp này mình để ý một nghi thức rất gợi cảm trong thánh lễ: đó là lúc linh mục pha một giọt nước vào chén rượu, tức là hòa tan vào nguồn sinh lực vô biên, với câu niệm: “Nhờ việc hòa giọt nước này vào rượu, xin cho chúng con được thông phần bản tính Chúa, Ðấng đã chia sẻ nhân tính của chúng con”.

Ðúng rồi, cái tôi nhỏ nhoi của mình đang được tan biến hòa nhập vào chính Thần Lực toàn mãn của Chúa. Cảm nghiệm tìm vào sa mạc đây rồi, phút giây sảng khoái tròn đầy đây rồi: mình đang thả hồn theo được nhịp Chúa. Mọi ứ đọng tự nhiên trôi mất. Một sức sống mới đang bừng mở trong tâm. Ðánh giầy hay đi cấy, nấu cơm hay đánh máy, rửa chén hay hay cắt cỏ, mỗi công việc, mỗi động tác đều trở thành một tác phẩm, một khúc vũ, khi mình hòa vào được nhịp Hơi Thở Tình Yêu sinh động.

Cho con được hát lên khúc “Hòa Nhịp” phó thác trọn vẹn của Thánh I-Nhã sau những cảm nghiệm hút hồn ghi lại từ trong hang trống Manresa:

Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí khôn và ý chí con. Tất cả những gì con có và làm chủ. Chúa đã cho tất cả, con xin dâng lại cho Chúa. Tất cả là của Chúa. Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo tôn ý. Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa. Thế là đủ cho con. Amen.

(tại nhà tĩnh tâm I-Nhã trên Ðồi Cao Los Altos vùng Vịnh San Francisco, Cali)

Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường

Xin mời ghé thăm trang Tin Vui Thời Điểm: www.vietcatholic.net/caotuong và Con Đường Dũng Lạc của Lm. Trần Cao Tường: www.chungnhanduckito.net/dunglac.htm.