Suy Niệm Chúa Nhật XXX THƯỜNG NIÊN C

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh hai người lên đền thờ cầu nguyện. Họ khác nhau về nhiều mặt: về địa vị, về thái độ cầu nguyện và đặc biệt kết quả của lời cầu nguyện của họ cũng khác nhau.

1. Người Biệt phái

Biệt Phái hay còn gọi là Pharisiêu. Đây là nhóm tín đồ Do Thái giáo. Họ thông thạo Lề Luật, tuân giữ luật cách nhiệm nhặt, tự cho mình là thánh thiện. Họ sống tách biệt với dân nghèo và dân ngoại. Hôm nay, một người trong nhóm Biệt phái đó lên đền thờ cầu nguyện. Ông đứng thẳng. Ông kể công đức của mình với Chúa: “Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng cho Chúa một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi” (Lc 18,12). Theo luật Do Thái, mỗi năm chỉ buộc ăn chay một lần vào ngày Đền tội (x. Lv 16,19-31), và chỉ buộc dâng cúng một phần mười hoa lợi từ ruộng đất của mình (x.Tl 14,22). Vậy mà, người biệt phái này ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cúng một phần mười tất cả các thứ hoa lợi, tức là ông dâng cả những phần hoa lợi mà luật không buộc. Nếu xét theo việc làm của ông, thì quả thật ông không phải là một người xấu. Trái lại, ông là một người tốt, đáng khen ngợi và những việc làm của ông đáng cho mọi người học tập. Nhưng đáng tiếc là ông làm tất cả những điều đó không phải vì yêu mến Thiên Chúa nhưng vì yêu mình.

Vì thế, ông mắc vào những thứ sai lầm sau đây: Sai lầm thứ nhất, ông tự đề cao mình khi cho rằng những gì ông làm được là do sức ông chứ không phải do ơn ban của Thiên Chúa. Sai lầm thứ hai, ông dựa vào các công đức của mình để đòi buộc Thiên Chúa ban ơn cho ông. Sai lầm thứ ba, ông dựa vào công đức của mình để khinh thường người khác: “Tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia” (Lc 18,11). Thái độ và lời nói của ông sặc mùi kiêu ngạo, thiếu bác ái với anh em mình. Vì vậy, lời cầu nguyện của ông không được Chúa chấp nhận, chính Đức Giêsu đã nói: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống” (x. Lc 18,14). Như vậy, người biệt phái đến đền thờ không phải là để cầu nguyện cho bằng để kể công với Chúa. Ông đến đền thờ là vì ông chứ không phải vì Chúa.

Xét mình lại, có thể ít nhiều chúng ta vẫn có thái độ như người biệt phái kia: kể công với Chúa vì mình làm được chuyện nọ chuyện kia như đi lễ, đi nhà thờ, lần hạt, xưng tội rước lễ, làm việc bác ái…; hay khi chúng ta dựa vào những công việc mình làm được để khinh thường người khác?

2. Người thu thuế

Trong xã hội Do thái thời bấy giờ, ai làm nghề thu thuế là người đó tiếp tay cho ngoại bang, ức hiếp dân lành. Họ thường áp đặt lên người dân những khoản thu nặng nề, quá mức cho phép. Họ có thể lợi dụng chức quyền để tham ô, tham nhũng. Vì vậy, người thu thuế được đồng hóa với người tội lỗi, ngang hàng với bọn gái điếm. Tin mừng cho chúng ta biết, cùng lên đền thờ cầu nguyện hôm nay còn có một người thu thuế. Thái độ của người thu thuế khác với người biệt phái: ông không có việc lành để dâng cho Chúa. Ông chỉ có tội lỗi. Ông thực sự là người khốn nạn, đáng trách, đáng phạt không phải thời bấy giờ mà cả trong xã hội chúng ta ngày hôm nay. Nhưng, ông lại có tấm lòng khiêm tốn. Bởi vì, ông nhận ra tội lỗi của mình. Ông thống hối ăn năn và đến đây để xin Chúa tha thứ. Tin mừng kể: “Ông đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'.” (x. Lc 18,13). Vì thái độ và tấm lòng khiêm tốn của ông nên Đức Giêsu cho biết: “Người thu thuế ra về và được khỏi tội.” Ngài còn khẳng định: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (x. Lc 18,14).

Xét mình lại, có thể chúng ta giống người thu thuế khi đi lễ mà không bao giờ vào nhà thờ, chỉ đứng xa xa, không phải vì khiêm nhường mà vì thói quen. Có thể chúng ta giống người thu thuế ở điểm lỗi công bằng, tham ô tham nhũng nhưng không chịu sám hối ăn năn và đền bù tội lỗi của mình. Ước gì chúng ta giống người thu thuế ở điểm này, đó là thái độ khiêm nhường, biết nhận ra tội lỗi của mình để biết thống hối ăn năn, xin Chúa tha thứ.

3. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta

Thứ nhất, cần phải tránh xa tội kiêu ngạo. Người kiêu ngạo thường đề cao mình, đề cao công trạng của mình, đẩy Thiên Chúa ra bên lề của cuộc đời mình. Mặt khác, vì muốn đề cao mình, nên người kiêu ngạo thường hạ thấp kẻ khác bằng các thủ đoạn: nói xấu, nói hành, bỏ vạ cáo gian. Kiêu ngạo là một trong bảy mối tội đầu. Vì thế, người mắc tội kiêu ngạo sẽ dễ sinh ra biết bao nhiêu tội lỗi khác. Lịch sử cứu độ cho chúng ta thấy: Vì kiêu ngạo nên Thiên thần Luxife đã bị Thiên Chúa giáng phạt xuống hỏa ngục; vì kiêu ngạo nên Tổ tông loài người đã sa ngã phạm tội; vì kiêu ngạo mà biết bao người đã sa ngã phạm tội cách này cách khác trong đạo ngoài đời. Lời cầu nguyện của kẻ kiêu ngạo sẽ không được Thiên Chúa nhận lời. Nên chúng ta cần tránh xa tội kiêu ngạo.

Thứ hai, cần phải luyện tập nhân đức khiêm nhường. Khi đề cao gương của người thu thuế, Đức Giêsu muốn chúng ta học nơi ông sự khiêm nhường, nhận biết mình là người tội lỗi cần được tha thứ. Vì mỗi người chúng ta là kẻ tội lỗi. Chúng ta mắc tội Tổ tông. Chúng ta mắc tội riêng. Để được tha thứ tội lỗi cần phải có lòng khiêm nhường thống hối ăn năn. Khiêm nhường là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Người khiêm nhường sẽ được Thiên Chúa yêu thương và mọi người mến chuộng. “Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tâng mây” (Hc 35,15).

Lạy Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin loại ra khỏi chúng con tính kiêu ngạo và giúp chúng con biết sống khiêm nhường trước mặt Chúa và anh chị em mình. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành