Suy Niệm LỄ THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

Ngày 18/10

Lc 10,1-9

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”(x. Lc 10,2). Đó là lời nhắc nhở của Đức Giêsu đối với các Tông đồ và mọi người Kitô hữu qua mọi thời đại. Để có thể thực thi lời nhắc nhở này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu: Ai là thợ gặt? Hành trang của người thợ gặt là gì? Cách thức gặt lúa như thế nào? Cuối cùng, chúng ta noi gương Thánh Luca là mẫu gương của người thợ gặt.

1. Ai là thợ gặt ?

Chính Thiên Chúa là chủ thợ gặt. Đức Giêsu là thợ gặt đầu tiên và được sai xuống trần gian trong vòng ba mươi ba năm: Ba mươi năm là thời gian Ngài ở ẩn; ba năm cuối đời Ngài chính thức đi “gặt lúa.” Trong thời gian đi gặt lúa, Ngài chọn các Tông đồ và huấn luyện họ trở nên những thành phần nòng cốt để tiếp tục các công việc của Ngài.

Để thêm người cộng tác với các Tông đồ, Đức Giêsu còn chọn thêm bảy mươi hai môn đệ và một số thành phần khác. Ngài còn dành nhiều thời gian để rao giảng Tin mừng. Đi liền với việc rao giảng Tin mừng là làm nhiều phép lạ để xua trừ ma quỷ, chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền: cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ què đi được, kẻ chết sống lại...Trước khi về trời, Ngài trao phó sứ mạng thợ gặt cho các Tông đồ. Sứ mạng đó được tiếp tục nơi mọi thành phần trong Giáo Hội mãi cho đến tận thế.

2. Hành trang của người thợ gặt là gì?

Muốn trở nên thợ gặt lành nghề, cần phải chuẩn bị hành trang. Hành trang trước hết của người môn đệ chính là những kiến thức về giáo lý được rút ra từ Tin mừng. Người môn đệ Chúa phải lấy Tin mừng làm trung tâm cho mọi hoạt động. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Ánh sáng của Phúc Âm là ngọn đèn dẫn đường cho ai dấn thân phục vụ nền văn minh tình thương.” Vì vậy, trong sinh hoạt của mình, việc dạy Giáo lý, giúp cho mọi thành phần hiểu biết về Tin mừng là công việc hàng đầu của Giáo Hội. Tại các giáo xứ thường có các lớp giáo lý: bao đồng, sơ cấp, căn bản, Kinh Thánh, vào đời, tiền hôn nhân, hôn nhân và dự tòng. Tại các Tập viện hay Chủng viện, ngoài các bộ môn cần thiết khác bao giờ cũng có các lớp họ Kinh thánh và Thần học. Bởi vì, các chủng sinh muốn tiến tới chức linh mục phải có một số kiến thức vừa đủ về Kinh thánh và Thần học. Vì vậy, để có hành trang cho việc truyền giáo, người môn đệ phải cố gắng tham gia vào các lớp Giáo lý, Kinh thánh, Thần học để giúp cho mình có được một số vốn kiến thức vừa đủ về những giáo huấn của Đức Giêsu. Nhờ đó, người môn đệ mới có thể trao ban cho anh chị em mình, vì “không ai cho người khác cái mình không có.”

Đi liền với sự hiểu biết về Giáo lý và Kinh Thánh, người môn đệ cần phải có Đức Tin và Đức Mến. Bởi vì, người môn đệ không chỉ dùng kiến thức để rao giảng mà còn cần phải chứng minh lời rao giảng của mình bằng Đức Tin và Đức Mến. Đức Tin và Đức Mến được thể hiện rõ nét nhất trong các hoạt động của người môn đệ: Cử hành Phụng vụ, bác ái xã hội…Qua đó, người môn đệ làm chứng cho Chúa, thuyết phục người khác và đưa họ về với Thiên Chúa.

3. Cách thức “gặt lúa” như thế nào?

Có nhiều cách, nhưng có ba cách quen thuộc và hiệu quả sau đây:

Thứ nhất: Rao giảng. Đó là khi người môn đệ nói về Chúa, rao giảng về Chúa, về giáo huấn của Người cho mọi người. Trên nguyên tắc, Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các linh mục là những người được trao phó một cách đặc biệt nhiệm vụ để rao giảng Lời Chúa: Rao giảng Lời Chúa sau bài Tin mừng trong mỗi thánh lễ; rao giảng Lời Chúa trong các buổi cử hành phụng vụ và những dịp đặc biệt khác. Nhưng trong thực tế, tất cả mọi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội đều phải có trách vụ rao giảng Lời Chúa, như lời Đức Giêsu mời gọi: “Anh em hãy đi rao giảng Tin mừng khắp thế gian” (Mc 16,15). Thánh Phaolo cũng nhắc nhở: “Hãy rao giảng Tin mừng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”(2Tm 4,2). Chẳng hạn, các giáo lý viên có trách nhiệm dạy giáo lý cho con em trong giáo xứ, cho các dự tòng. Cha mẹ dạy giáo lý, nói về Chúa cho con cái của mình. Người kitô hữu có thể nói về Chúa cho mọi người chưa biết Chúa ở mọi nơi mọi lúc. Chúng ta có thể noi gương các nhà truyền giáo, đặc biệt noi gương Thánh Phanxicô Xaviê: trong mười năm, Ngài đã can đảm nói về Chúa cho người Ấn độ và Nhật Bản, giúp cho nhiều người hoán cải mà đón nhận đức tin.

Thứ hai: Cầu nguyện. Lời Chúa hôm nay mời gọi: “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa về”(x. Lc 10,2). Chúng ta không chỉ cầu nguyện cho có nhiều thợ gặt, mà còn phải cầu nguyện cho “lúa”. Lúa ở đây là các thành phần trong đạo ngoài đời: những người chưa biết Chúa, những người đã biết Chúa nhưng không thực hành Đức tin…Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục, các kitô hữu chu toàn sứ mạng Chúa trao phó, trở nên những thợ gặt lành nghề; chúng ta cầu nguyện cho những người chưa biết Chúa để họ nhận biết Chúa; chúng ta cầu nguyện cho những người khô khan nguội lạnh để họ sống đạo sốt sắng hơn; chúng ta cầu nguyện cho những kẻ có tội biết sám hối trở về với Chúa...Chính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã chọn cách thế cầu nguyện để truyền giáo, và số lượng các linh hồn mà Ngài cứu được do đời sống cầu nguyện cũng bằng số lượng mà Thánh Phanxicô Xaviê đi khắp nơi rao giảng.

Thứ ba: Đời sống chứng tá. Đời sống của người môn đệ phải họa lại đời sống của Đức Giêsu. Hay nói cách khác, đời sống của người môn đệ phải là một cuốn Tin mừng rút gọn, phải chứng minh cho người khác biết về niềm tin của mình được tóm gọn trong Kinh Tin Kính: Tin có Thiên Chúa, tin có sự sống đời đời, có Thiên đàng và Hỏa ngục…Người môn đệ phải thực hành các giáo huấn của Đức Giêsu: Sống công bằng, không trộm cắp, gian lận, lừa dối, buôn gian bán lận, cho vay nặng lãi…; sống bác ái yêu thương, không được đánh đập, chửi bới, nói xấu nhau. Trái lại, cần phải giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần cũng như vật chất; những người sống trong bậc hôn nhân gia đình, cần phải giữ một vợ một chồng, chung thủy với nhau, con cái phải thảo kính cha mẹ, cha mẹ phải biết tôn trọng sự sống, chu toàn bổn phận sinh sản, nuôi dạy con cái theo đúng luật Chúa; những người sống trong đời sống tu trì, cần phải trung thành với các lời khấn độc thân, vâng lời, khiết tịnh.

Khi thực hành được những điều trên đây thì người môn đệ đang truyền giáo bằng chứng tá đời sống của mình.

4. Mẫu gương truyền giáo của Thánh Luca

Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính Thánh Luca, thánh sử. Ngài là tác giả của Tin mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ. Ngài là một thầy thuốc, là môn đệ của Thánh Phaolô. Mặc dầu không được Đức Giêsu trực tiếp kêu gọi và huấn luyện, nhưng dựa vào những lời của các Tông đồ rao giảng, Thánh Luca đã dùng ngòi bút của mình để họa lại một Đức Giêsu hoàn hảo. Tin mừng của Thánh Luca là Tin mừng của niềm vui, Tin mừng của người nghèo, người bị áp bức…Đặc biệt, Ngài làm nổi bật một Thiên Chúa giàu lòng thương xót qua các dụ ngôn: người cha nhân hậu, người đàn bà đánh mất đồng bạc, người chủ chiên đi tìm con chiên lạc. Thánh Luca đã có công lớn trong việc ghi lại những sinh hoạt của Giáo Hội sơ khai qua cuốn sách Công vụ Tông đồ. Theo tương truyền, Thánh Luca không chỉ viết sách mà Ngài còn rao giảng Tin mừng tại nhiều nơi như ở Achaie, ở Béotie, làm Giám mục ở Thébes, tử đạo ở Patras năm 84 tuổi.

Mừng lễ kính Thánh Luca hôm nay, chúng ta cùng nhau cảm ơn Ngài vì đã để lại cho chúng ta kho tàng quý báu là cuốn Tin mừng thứ ba và sách Công Vụ Tông Đồ. Đồng thời, xin Ngài bầu cử để mọi thành phần trong Hội Thánh biết noi gương Ngài chu toàn sứ mạng rao giảng Tin mừng mà Đức Giêsu trao phó.

Lm. Anthony Trung Thành