Chúa Nhật XXVI Thường Niên C

VÔ CẢM

Am 6, 1a.4-7; 1Tm 6, 11-16; Lc 16, 19-31

Khoảng 17g30 ngày 13/10/2012, trên một con đường nhỏ ở Quảng Phật Ngũ Kim Thành thuộc quận Nam Hải – Tỉnh Quảng Đông Trung quốc, bé gái Vương Duyệt, 2 tuổi đang tập đi thì bị một chiếc xe tải nhỏ tông phải và cán lên phần gần đầu của bé. Tài xế cho xe dừng lại vài giây rồi thản nhiên cho xe chạy tiếp và bánh xe sau lại nghiến nát một phần thân thể bé gái. Chỉ vài phút sau, một chiếc xe tải nhỏ tiếp tục cán nát đôi chân của bé gái này.

Cô bé đau đớn nằm trên vũng máu, 7 phút sau tai nạn (theo camera an ninh ở gần hiện trường ghi lại), có đến 18 người đi ngang chỗ bé Duyệt đang thoi thóp trên vũng máu, nhưng tất cả đều thản nhiên đi qua mà không hề cứu giúp bé. Thương xót, đau lòng làm sao …

Cô bé xấu số chỉ được cấp cứu khi một người phụ nữ nhặt rác đi qua, thấy cảm thông, đau lòng nên đã bế cô đi bệnh viện…

Tuy nhiên, bé Duyệt đã không qua khỏi sau hơn 1 tuần cấp cứu tại bệnh viện. Câu chuyện đã được cho là gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về sự vô cảm thiếu lòng nhân ái ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Vô cảm là tình trạng không có cảm xúc trước một sự việc xảy ra trong cuộc sống; thái độ lạnh lùng trước niềm vui và nhất là đau khổ của anh em. Vô cảm là kết quả của quá trình tác động tiêu cực: Thiếu tình người trong gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu sự vô cảm cứ lặp đi lặp lại nhiều lần làm cho con người dễ trở nên thờ ơ, dửng dưng với tất cả những gì xảy ra xung quanh, hững hờ với mọi hoàn cảnh, đặc biệt là hoàn cảnh đau khổ.

Tin mừng Lc 16,19-31: người phú hộ giàu có, cơm nước thịt thà không thiếu thứ gì, ngày ngày chè chén say sưa nhưng bên cạnh ông là một anh Lazarô nghèo nàn, mong được chút bánh vụn qua ngày. Nhưng người phú hộ hững hờ vô cảm coi người anh em nghèo khó như không có trước mặt ông. Người phú hộ không làm gì sai trái, không vi phạm đức công bằng: ông không gian tham của ai, không trộm cắp của người và không bớt xén tiền bạc của tha nhân. Với Lazarô khốn khó, ông đâu có khinh miệt và sai gia nhân xua đuổi nhưng ông lại không quan tâm, hững hờ trước tình trạng bi đát của Lazarô – người nghèo khó và bệnh tật bên hiên nhà mà chính ông gặp hàng ngày. Trong khi người phú hộ áo ấm, dư thừa “ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16, 17), còn Lazarô “thèm được những mảnh vụn trên bàn ăn của ông ấy rơi xuống mà ăn cho no” (Lc 16,21). Lazarô không chỉ đói vì thiếu cơm bánh mà còn đau đớn hơn khi anh thiếu tình thương của đồng loại. Chẳng ai quan tâm đến anh “chỉ có bầy chó đến liếm láp”. Người phú hộ không có tội gì khác, chỉ có tội hững hờ vô cảm trước tha nhân và sống ích kỷ cho riêng mình. Tội của ông ta là dửng dưng, coi như không có sự hiện diện của Lazarô thống khổ đang cần sự giúp đỡ.

Qua hình ảnh của người phú hộ, sứ điệp Tin mừng chuyển đến tôi và bạn: không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với tha nhân. Khi mắt tôi và bạn không để ‎ý sự đau khổ, tâm hồn chúng ta không chút xót thương đến những số phận đen bạc, lòng trắc ẩn không hề rung động trước cảnh bi đát của anh em đồng loại sẽ tạo nên hố sâu ngăn cách giữa người và người như sự ngăn cách giữa người phú hộ và Lazarô nghèo rộng lớn đến nỗi không thể qua được, dù sống sát bên nhau hàng ngày. Chính vì không thể qua bức ngăn trong cuộc sống hàng ngày, cả cuộc sống mai sau cũng ngăn cách sâu thẳm (x. Lc 16,26).

Hững hờ vô cảm trước nỗi đau của anh em vẫn còn diễn ra hàng ngày trong cuộc sống hôm nay khi chúng ta mang cách sống của người phú hộ giàu có:

• Tôi và bạn có điều kiện nhưng lại không sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn. Khi chúng ta gặp người hành khất đã không chia sẻ lại còn xua đuổi, dè bỉu khinh khi. Gặp người bị tai nạn vẫn bỏ đi như chuyện “mưa nắng thường ngày” có gì phải chú ý quan tâm. Hững hờ như người tư tế, trợ tế trong dụ ngôn người Samaria thấy người bị nạn bên vệ đường nhưng lại làm ngơ (x. Lc 10,31-32).

• Nơi công cộng, trên xe buýt: thấy cụ già, các chị mang thai… tôi lại không đưa bàn tay giúp đỡ; trước người tàn tật mà tôi làm ngơ không nhường chỗ cho họ, có khi lại nhạo báng những khuyết tật của họ.

• Tất cả những gì tôi có thể chia sẻ đến tha nhân thiếu thốn – đau khổ bằng tinh thần – vật chất nhưng tôi làm ngơ, coi như không có gì đáng quan tâm.

Vâng, đó là sự hờ hững vô cảm của người hôm nay trước hoàn cảnh đáng thương của người anh em. Sự hờ hững vô cảm không chỉ trái với Giáo huấn của Chúa Giêsu: trái tim phải biết rung động trước nỗi đau của anh em mà còn đi ngược lại di sản ngàn năm tinh thần mà cha ông Việt Nam đã để lại: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng: trong cuộc sống hôm nay, bon chen xô bồ phát sinh nhiều điều giả dối. Có những kẻ lợi dụng lòng nhân ái của người khác để làm lợi cho mình khiến chúng ta cảnh giác trước những hoàn cảnh đau thương và đặt trên “kính hiển vi của sự phân tích”. Vì quá cẩn thận và mổ xẻ những sự việc đã khiến lòng ta đóng băng trước những nỗi đau của anh em đồng loại. Chính sự sáng lọc thiệt kỹ để trái tim ta hững hờ và dè xẻn trước nỗi đau sẽ làm cho chúng ta trở nên vô cảm.

Trạng thái hững hờ trước nỗi đau của tha nhân không chỉ làm cho chúng ta vô cảm trước nhu cầu được giúp đỡ của tha nhân, nó còn làm băng giá trái tim. Với năm tháng thời gian, dần dần làm chúng ta mất cảm giác yêu thương và làm tăng tính ích kỷ. Tính ích kỷ sẽ tăng dần khi sự vô cảm ngự trị dần trong cuộc sống, sẽ cản trở sự phát triển toàn diện nhân cách và làm đe dọa cả hạnh phúc trong gia đình, ngăn cách chúng ta với mọi người xung quanh như búc tường vô hình ngăn cách giữa phú hộ và Lazarô. Hơn nữa, gia đình trong hiện tại và tương lai không thể có hạnh phúc nếu chúng ta đóng cửa tâm hồn và ích kỷ cho riêng mình.

Hãy nuôi trong lòng mình ý nghĩ “yêu thương” tinh thần sẻ chia. Trong tình thương không bao giờ tồn tại sự so đo, tính toán: yêu thương hết mình, chia sẻ hết tình khi người anh em tôi có nhu cầu cần bàn tay giúp đỡ của tôi. Đừng nên nghĩ ngợi phân tích quá nhiều chỉ vì sợ lầm lẫn, bị lừa gạt. Chỉ cần thấy người anh em khốn khó như Lazarô cần sự sẻ chia, tôi và bạn sẵn lòng dù chỉ một lời chia sẻ, một cái nắm tay cảm thông, một bát gạo lúc túng quẫn: “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Tất cả không chỉ cho anh em với huynh đệ sẻ chia, hơn nữa để con tim tôi và bạn không vô cảm trước nỗi đau. Hãy để con tim luôn sẵn sàng: Chia nụ cười – sẽ nhận về vô số niềm vui… Chia vòng tay – sẽ nhận về mênh mông ấm áp… Chia quan tâm – sẽ nhận về bao la yêu thương… Chia yêu thương – sẽ nhận về rất nhiều hạnh phúc…

“... cuộc đời có bao lâu mà hững hờ ”, mong con tim tôi và bạn mang nhịp đập yêu thương, luôn nhạy cảm với nỗi đau của người anh em! như thánh Phaolô dạy:

“Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).

Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn, 24/09/2016.