Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Trong một diễn từ quan trọng hôm thứ Năm 15 tháng 9 về tình hình chính trị và xã hội tại Mỹ, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của tổng giáo phận Philadelphia than thở rằng cuộc bầu cử tổng thống năm nay là cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên có những “khuyết điểm sâu sắc”, bao gồm “một kẻ điên cuồng mị dân”, và “một kẻ nói láo chuyên nghiệp”. Ngài nhấn mạnh rằng xã hội Mỹ nói chung đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

“Chúng ta đã rơi vào một thời điểm khi tư duy và từ vựng chính trị của quốc gia chúng ta dường như đã cạn kiệt”. Đức Tổng Giám Mục nói trong bài giảng Tocqueville tại Đại học Notre Dame.

Ngài cho rằng Kitô hữu cần phải hành động để phục hồi viễn kiến đạo đức của xã hội Hoa Kỳ.

Trong phần sau Hà Thu và Trúc Ly xin giới thiệu với quý vị và anh chị em những nhận định của Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput.

Nhưng trước hết bài giảng Tocqueville là gì?

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Alexis de Tocqueville, sinh năm 1805 và qua đời năm 1859, là một nhà ngoại giao và đã từng giữ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp.

Ông cũng là một nhà sử học, nhưng trên hết người ta nhớ đến ông như một người Công Giáo đi tiên phong trong khoa học về chính trị xã hội qua hai tác phẩm Democracy in America, nghĩa là Nền Dân Chủ tại Hoa Kỳ, và The Old Regime and the Revolution, nghĩa là Chế độ cũ và Cách Mạng.

Bài giảng Tocqueville là một phần trong chương trình Tocqueville của Đại học Notre Dame nhằm giới thiệu với các sinh viên những phân tích về tôn giáo và tình hình chính trị xã hội tại Hoa Kỳ.

Năm nay, nhà trường đã mời Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput nói về đề tài: “Sex, Family, and the Liberty of the Church: Authentic Freedom in Our Emancipated Age”, nghĩa là “Tính dục, Gia đình, Tự do của Giáo Hội: Tự do đích thực trong thời đại tháo thứ của chúng ta”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Bàn về cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục đưa ra một nhận định rất tiêu cực về hai ứng cử viên Donald Trump và Hilary Clinton. Ngài nói:

“Theo quan điểm của nhiều người, một ứng cử viên là một kẻ điên cuồng mị dân và không kiểm soát được những xung động của mình. Còn ứng cử viên thứ hai, cũng theo quan điểm của nhiều người, là một kẻ nói dối chuyên nghiệp, đầu óc phong phú một cách độc đáo với những suy nghĩ cũ mèm và những ưu tiên tệ hại”.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục cảnh cáo rằng hệ thống chính trị Mỹ, và xã hội Hoa Kỳ nói chung đang phải đối diện với những vấn đề còn nghiêm trọng hơn rất nhiều so với chuyện lựa chọn tổng thống trong năm nay.

Nghĩa vụ của người Công Giáo là tham gia xây dựng xã hội trần thế. Để làm điều đó, chúng ta không chỉ phê phán xã hội nhưng chính chúng ta cũng phải thay đổi lối sống của chính mình. Trên quan điểm của một linh mục đã ngồi tòa giải tội trong 50 năm qua, ngài tường trình rằng:

“Có một sự tăng vọt kinh hoàng những người – cả đàn ông lẫn đàn bà - thú nhận tội hoang dâm, ngoại tình, bạo lực và rối loạn tình dục xảy ra thường xuyên trong cuộc sống, và vai trò kinh khủng của phim ảnh khiêu dâm trong việc phá hoại hôn nhân, gia đình và thậm chí tàn phá cả các ơn gọi linh mục và tu sĩ”.

Theo Đức Tổng Giám Mục, người Mỹ ngày nay đang sống trong “một nền văn hóa rối loạn chức năng trong đó con người thất vọng và đầy thương tích ngày càng không có khả năng cam kết lâu dài, không có tinh thần xả kỷ, không duy trì được tình thân một cách bền lâu, và né tránh không muốn đối mặt với thực tế những vấn đề của riêng mình.”

Một quốc gia lành mạnh không thể được duy trì bởi những con người như thế. Tương lai của đất nước “thuộc về những ai tin vào một cái gì đó vượt ra ngoài bản thân họ, và những ai biết sống và hy sinh một cách thích hợp.”

Trong khi chào đón sự nhấn mạnh của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Tổng Giám Mục cảnh báo rằng thuật ngữ “thương xót” có thể bị hiểu lầm.

Lòng thương xót của Thiên Chúa được ban phát trong tòa giải tội, nhưng hối nhân chỉ có thể đến với tòa giải tội nếu họ “hiểu được, ít nhất một cách lờ mờ rằng họ cần phải thay đổi cuộc sống của họ và tìm kiếm sự thương xót của Thiên Chúa.”

Đức Tổng Giám Mục nói: “Nếu không có sự minh bạch về sự thật luân lý, lòng thương xót chẳng có nghĩa gì. Đó chỉ là biểu hiện của sự mủi lòng”.