Có sự phân biệt giữa ơn gọi làm quản gia công trình Chúa tạo dựng chung cho mọi người và ơn gọi riêng cho từng cá nhân. Cả hai ơn gọi có những điểm tương đồng và điểm khác nhau. Khi tạo dựng con người Thiên Chúa ban cho con người tài năng khác nhau để cùng chung nhau xây dựng xã hội, bảo vệ môi sinh, bảo vệ công trình Chúa tạo dựng và giúp đỡ nhau chung sống hoà bình. Đây chính là ơn gọi chung của tất cả mọi người. Ơn gọi chung này là ơn gọi làm người quản gia của công trình Chúa tạo dựng. Vì thế mọi người đều có trách nhiệm liên đới với vũ trụ và với tha nhân. Ơn gọi làm quản gia mỗi người nhận tài năng khác nhau và có trách nhiệm phát triển tài năng Chúa ban làm nguồn sinh sống nuôi thân. Phát triển tài năng thành nghề chuyên môn, tiến thân và phục vụ tha nhân. Ngoài ơn gọi chung mỗi người còn có ơn gọi riêng. Đó là ơn gọi đặc biệt cho cá nhân. Để biết rõ ơn gọi cá nhân cầu nguyện là cách tốt nhất tìm hiểu ơn gọi đó.

Vì có điểm tương đồng giữa ơn gọi chung và ơn gọi cá nhân nên người ta thường lẫn lộn giữa hai ơn gọi. Ngày nay ảnh hưởng bởi kinh tế thị trường nên một số người còn lầm tưởng cả hai ơn gọi chỉ là một. Lầm lẫn này dẫn đến hậu quả một số người coi đời là gánh nặng. Để đơn giản ta phân biệt ơn gọi ngành nghể chuyên môn và ơn gọi riêng cá nhân. Ơn gọi riêng cá nhân có thể là ơn gọi đời sống gia đình, ơn gọi sống độc thân, ơn gọi sống đời tu sĩ.

Trước hết, tài năng Chúa ban giúp ta phát triển thành ngành nghề chuyên môn trong khi ơn gọi riêng là đáp trả lại lời Chúa mời gọi sống nhân chứng Tin Mừng và làm sáng danh Chúa. Lời mời gọi này phát xuất từ bí tích Thanh Tẩy chúng ta lãnh nhận và tuyên xưng làm con Chúa và coi tha nhân như chính anh chị em mình. Liên kết với Chúa nhiều hơn sẽ làm cho ơn gọi này rõ ràng hơn và chúng ta sẽ sẵn sàng, cởi mở hơn đáp lại lời mời gọi sống theo í Chúa. Ơn gọi giúp ta nhìn rõ mục đích cuộc đời là sống để làm sáng Danh Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân.

Thứ hai, chúng ta có thể nhiều lần thay đổi công ăn, việc làm cho phù hợp với hoàn cảnh sống; trong khi đó dù di chuyển, thay đổi nơi sống thì ơn gọi riêng cũng không thay đổi. Ơn gọi này được hiểu là sống suốt đời trong ơn gọi đó. Hầu như những ai cố tình theo í riêng thay đổi ơn gọi đều sống trong tâm trạng bất an.
Thứ ba, con người có thể được biết đến như là chuyên khoa trong ngành nghề của mình, trở thành những người chuyên môn nhưng không ai dám nói là chuyên môn trong ơn gọi mình bởi ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Người khiêm nhường học cách đón nhận qua cầu nguyện và lắng nghe hướng dẫn từ Thánh Thần Chúa để sống ơn gọi tốt hơn. Thí dụ không ai dám tự hào trở thành chuyên gia trong đời sống gia đình, hay chuyên gia trong đời sống tu trì.

Thứ tư, con người cần tham dự các buổi hội thảo hay học thêm để thăng tiến ngành nghề trong khi ơn gọi thì không thể thăng tiến qua các buổi hội thảo mà qua liên kết mật thiết với Chúa qua siêng năng cầu nguyện, chay tịnh và bác ái.

Thứ năm, hầu như không mấy khi bị cám dỗ về công việc chuyên môn nhưng ơn gọi bị cám dỗ triền miên vì thế cần phải liên tục phấn đấu chống lại cám dỗ.

Sự khác biệt trên cho chúng ta thấy nhận xét khác nhau giữa hai cô Maria and Martha. Maria không nói điều gì nên ta không thể đoán biết cô nghĩ gì. Chúng ta có thể biết khi Đức Kitô nói với Martha là Maria nhận phần tốt hơn. Martha tỏ ra sốt sắng trong việc nấu nướng phục vụ như thế có thể coi đó là tay nghề của cô. Maria chọn phần tốt hơn cả tay nghề. Phần tốt hơn đó chính là gì? Maria ngồi dưới chân, lắng nghe Lời Chúa. Cô trở thành người môn đệ biết lắng nghe. Điều chắc chắn là cả tay nghề lẫn ơn gọi đều quan trọng. Cần cả hai, không thể thiếu. Tay nghề giúp nuôi thân xác; ơn gọi giúp nuôi tâm linh. Cả hai hỗ trợ nhau. Câu nói ‘có thực mới vực được đạo’ không chính xác bởi rất nhiều trường hợp dư thừa lương thực con người đâm ra báng đạo. Hữu thực, vô đạo đời thành vô nghĩa bởi vui nhờ ăn uống không mang lại bình an. Chính ơn gọi tăng sức mạnh cho thân xác không phải thân xác mạnh khoẻ ban sức cho tâm hồn; mà tâm hồn an lành ban bình an cho thân xác.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org