Hai ca đoàn Anh giáo và Tin lành Lutherô cùng hát lễ Hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô
Thanh Quảng sdb

Đài phát thanh Vatican 28/6/2016 cho hay thứ Tư tức ngày mai 29/6, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để đánh dấu ngày lễ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, quan thày của thành phố Rome. Trong Thánh lễ, Đức Giáo Hoàng cũng trao giây pallium cho các Đức Tổng Giám Mục mới, những người được bổ nhiệm trong năm qua.

Lễ hai thánh Phêrô và Phaolô cũng là một cơ hội nói lên tình đại kết… Sẽ có một đoàn đại biểu Chính thống đại diện cho Tòa Thượng phụ ở Istanbul về Rome để tham dự đại lễ này.

Trong những năm gần đây, Thánh lễ này cũng được phong phú hóa nhờ sự tham dự của dàn hợp xướng từ các Giáo Hội Kitô giáo khác phối hợp chung với ca đoàn của điện Sistina Vatican. Năm nay, một ca đoàn của giáo phái Tin lành Lutherô từ Đức và một ca đoàn Anh giáo từ Đại học Oxford sẽ cùng hát lễ và trình diễn buổi hòa nhạc trong điện Sistina vào tối thứ ba.

Để tìm hiểu thêm về những nỗ lực đại kết qua âm nhạc, Philippa Hitchen đề cập tới Mark Spyropoulos, một người Anh quốc đầu tiên phụ trách thánh nhạc toàn thời cho điện Sistina. Ông Mark nói đây là lần đầu tiên mà hai ca đoàn từ các Giáo Hội khác sẽ hát chung với ca đoàn chính trong Đại Lễ Kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Họ là những ca đoàn Anh giáo của New College, thuộc Đại học Oxford, và Ca đoàn Tin lành Lutherô Windsbacher Knabenchor từ Dresden tới Vatican lần đầu tiên.

Ông Mark cho hay nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng là "một công cụ cực kỳ hữu ích cho phong trào đại kết "vì nó phát xuất từ con người chúng ta và là cái gì tốt nhất trong chúng ta". Vì khi chúng ta hát, chúng ta gợi lên lòng sốt mến nơi người khác; vì vậy nói một cách nào đó hát đã vượt lên khỏi các ngôn từ...

Ca đoàn Sistina là một ca đoàn độc quyền ở Vatican để hát cho các nghi lễ do Đưc Thánh Cha cử hành, nhưng ngày nay Đức Thánh Cha nói qua âm nhạc "chúng ta cần vượt ra khỏi truyền thống"....

Ông Mark cũng cho hay một buổi hòa nhạc gần đây được trình diễn tại Wittenburg Đức, trong ngôi nhà thờ mà 500 năm trước đây, Martin Luther đã giảng thuyết khởi đầu cho phong trào Cải cách. Ông Mark cho hay buổi hòa nhạc này là một cuộc hội ngộ với sự hiện diện của các khán giả của nhiều Giáo Hội khác nhau nhưng lúc kết thúc buổi hòa nhạc một hành vi vô cùng xúc động làm rơi lệ nhiều người đó là tất cả đã cùng đứng lên đọc kinh “Lạy Cha”...
(Nguồn Vatican Radio)