Sáng Chúa Nhật 17 tháng Tư, là Chúa Nhật thứ tư mùa Phục Sinh, cũng là Ngày Thế Giới cầu cho ơn gọi lần thứ 53, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ lúc 9 giờ 15 tại Đền thờ Thánh Phêrô để truyền chức linh mục cho 11 thày Phó Tế gồm 9 người được đào tạo tại các chủng viện ở Roma: 4 thầy tại chủng viện Mẹ Đấng Cứu Chuộc của Con đường Tân Dự Tòng, 3 thày tại Đại chủng viện Roma, 1 thầy tại Học viện Capranica và 1 thày khác tại Chủng viện Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa. Trong 2 thày còn lại, có 1 thày người Iraq và một thày thuộc dòng cầu nguyện cho ơn gọi. Tân linh mục trẻ nhất là 26 tuổi sẽ làm việc mục vụ trong giáo phận Roma; 2 tân linh mục lớn tuổi nhất là 44 tuổi.

Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma, 7 Giám Mục phụ tá, và các linh mục giám đốc chủng viện cùng với cha sở của các tiến chức, trước sự hiện diện của 8 ngàn tín hữu.

Đầu thánh lễ, sau khi xông hương bàn thờ, Đức Thánh Cha đến trước mặt mỗi phó tế và xông hương cho mỗi thầy.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng sau nghi thức giới thiệu và gọi các tiến chức, Đức Thánh Cha đã nói đến sứ vụ linh mục và nhắn nhủ các tiến chức hãy trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô và tiếp nối sứ mạng của Chúa. Ngài nói:

“Anh chị em thân mến, những người con và anh em của chúng ta đây được gọi lên chức linh mục. Như anh chị em biết rõ Chúa Giêsu là Thượng Tế duy nhất của Tân Ước, nhưng trong Người tất cả dân thánh của Thiên Chúa cũng được trở thành dân tư tế. Và trong tất cả các môn đệ của Người, Chúa Giêsu muốn đặc biệt chọn một số, để họ công khai thi hành trong Giáo Hội nhân danh Người sứ vụ tư tế để mưu ích cho tất cả mọi người, tiếp tục sứ mạng riêng của Người là Thầy, là Tư Tế và Mục Tử.

Sau khi suy nghĩ chín chắn, giờ đây chúng tôi sắp nâng lên hàng linh mục những người anh em này của chúng ta, để phục vụ Chúa Kitô là Thầy, là Tư Tế và Mục Tử, cộng tác vào việc xây dựng Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội trong Dân Chúa và Đền Thờ thánh thiêng của Chúa Thánh Linh.

Thực vậy, những người anh em này sẽ được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm và đời đời, họ sẽ được thánh hiến như những tư tế đích thực của Tân Ước, và với danh nghĩa đó, họ được liên kết trong chức tư tế với các Giám Mục của họ, họ sẽ là những người loan báo Tin Mừng, Mục Tử của Dân Chúa và sẽ chủ sự các hành vi phụng tự, nhất là cử hành hy tế của Chúa.

Đức Thánh Cha nói với 11 tiến chức linh mục rằng:

Về phần các thầy, những người con và anh em rất thân mến, sắp được nâng lên hàng linh mục, các thầy hãy ý thức rằng khi thi hành thừa tác vụ của đạo lý thánh, các thầy sẽ tham gia sứ mạng của Chúa Kitô, là Thầy duy nhất. Hãy phân phát cho tất cả mọi người Lời Chúa, Lời mà chính các thầy đã vui mừng nhận được. Hãy nhớ lịch sử của các thầy, nhớ đến hồng ân Lời mà Chúa trao cho các thầy qua bà mẹ, bà nội, ngoại - và như thánh Phaolô đã nói - qua các giáo lý viên và toàn thể Giáo Hội. Hãy siêng năng đọc và suy niệm Lời Chúa để tin điều các thầy đọc, dạy điều các thầy đã học trong đức tin, sống điều mà các thầy giảng dạy.

Ước gì đạo lý của các thầy là lương thực nuôi Dân Chúa, hương thơm cuộc sống của các thầy phải là niềm vui và là sự nâng đỡ cho các tín hữu, vì qua lời nói và gương lành, - hai điều đi đôi với nhau - các thầy xây dựng căn nhà của Thiên Chúa là Giáo Hội. Các thầy sẽ tiếp tục công trình thánh hóa của Chúa Kitô. Nhờ thừa tác vụ của các thầy, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được trở nên hoàn hảo, vì được liên kết với hy tế của Chúa Kitô, Đấng được dâng hiến không đổ máu trên bàn thờ trong khi cử hành các mầu nhiệm thánh nhờ đôi tay của các thầy, nhân danh toàn thể Giáo Hội.

Vậy các thầy hãy nhìn nhận điều các thày làm. Hãy bắt chước điều các thày cử hành, để khi tham phần vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa, các thầy mang cái chết của Chúa Kitô vào các chi thể của các thầy và đồng hành với Chúa trong đời sống mới. Hãy mang cái chết của Chúa Kitô vào trong chính bản thân các thầy và sống với Kitô trong đời sống mới mẻ: nếu không có thập giá, các thầy sẽ không bao giờ tìm được Chúa Giêsu chân thực; và một thập giá mà không có Chúa Kitô thì không có ý nghĩa.

Qua bí tích rửa tội, các thầy sẽ tháp nhập các tín hữu mới vào đoàn Dân Chúa. Với bí tích Thống Hối các thầy tha thứ tội lỗi nhân danh Chúa Kitô và Giáo Hội. Và tôi, nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, là Chúa và nhân danh Giáo Hội, tôi xin các thầy hãy có lòng từ bi thương xót, rất từ bi. Với dầu thánh, các thầy sẽ thoa dịu các bệnh nhân. Khi cử hành các nghi lễ thánh và dâng lên kinh nguyện ngợi khen và cầu khẩn trong giờ khác nhau mỗi ngày, các thầy lên tiếng thay cho của Dân Chúa và toàn thể nhân loại.

Ý thức mình được chọn giữa loài người, các thầy đừng quên điều này, chính Chúa đã gọi các thầy, từng người một, được thiết định để tham dự các việc của Thiên Chúa để mưu ích cho dân, chứ không phải cho bản thân mình.

Trong tình hiệp thông con thảo với Đức Giám Mục của các thầy, các thầy hãy dấn thân liên kết các tín hữu trong một gia đình duy nhất, để dẫn đưa họ về Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Linh. Và các thầy hãy luôn đặt trước mắt gương vị Mục Tử Nhân Lành, Đấng không đến để phục vụ, nhưng để phục vụ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau thánh lễ truyền chức linh mục cho 11 phó tế tại Đền thờ Thánh Phêrô, lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong dinh tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập ở Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ ngắn nhân dịp này, Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 10,27-30) trong thánh lễ Chúa Nhật thứ 4 mùa Phục Sinh về Chúa Giêsu vị mục tử nhân lành.

Đức Thánh Cha nói:

“Tin Mừng hôm nay (Ga 10,27-30) cống hiến cho chúng ta một số kiểu nói của Chúa Giêsu trong lễ cung hiến Đền Thờ Jerusalem, được cử hành vào cuối tháng 12. Ngài ở trong khu vực Đền thờ, và có lẽ khu vực thánh có tường vây quanh ấy gợi lên cho chúng ta hình ảnh chuồng chiên và người mục tử. Chúa Giêsu tự trình bày mình như Mục Tử nhân lành và nói: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi và Tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống vĩnh cửu và chúng sẽ không bị hư mất đời và không ai tước họ khỏi tay tôi” (vv.27-28). Những lời này giúp chúng ta hiểu không ai có thể nói mình là môn đệ Chúa Giêsu nếu không lắng nghe tiếng Người. Và sự lắng nghe này không được hiểu theo nghĩa hời hợt, nhưng đòi sự can dự dấn thân, đến độ làm cho hai bên thực sự biết nhau, từ đó có thể nảy sinh một sự theo Chúa một cách quảng đại, được biểu lộ qua những lời “Và họ theo tôi” (v. 27). Đây là một sự lắng nghe không phải bằng tai, nhưng bằng tâm hồn!

Vì thế hình ảnh người mục tử và đoàn chiên nói lên quan hệ chặt chẽ mà Chúa Giêsu muốn thiết lập với mỗi người chúng ta. Ngài là vị hướng đạo, là thầy, là bạn, là mẫu gương, và nhất là vị Cứu Vớt chúng ta. Thực vậy, câu kế tiếp trong đoạn Tin Mừng khẳng định: “Tôi ban cho họ sự sống vĩnh cửu và chúng sẽ không bị hư mất đời đời và không ai có thể tước bỏ chúng khỏi tay tôi” (v.28). Ai có thể nói như thế? Chỉ có Chúa Giêsu, vì “bàn tay” của Chúa là một với “bàn tay” của Chúa Cha, và Chúa Cha là Đấng “cao cả hơn tất cả” (v.29)

Những lời này thông truyền cho chúng ta một cảm thức tuyệt đối an toàn và dịu dàng vô biên. Cuộc sống của chúng ta hoàn toàn an toàn trong tay Chúa Giêsu và Chúa Cha, cả hai là một: một tình yêu duy nhất, một lòng thương xót duy nhất, được biểu lộ một lần cho tất cả trong hy tế thập giá. Để cứu vớt đoàn chiên bị lạc là chúng ta, vị Mục Tử đã trở nên chiên con và để cho mình bị sát tế để mang lấy và xóa bỏ tội trần gian. Qua cách thức đó, Chúa ban sự sống cho chúng ta, sự sống dồi dào (Xc Ga 10,10)! Mầu nhiệm này được tái diễn, trong sự khiêm tốn luôn làm ngạc nghiên, trên bàn tiệc Thánh Thể. Chính tại đó mà các con chiên tụ họp lại để được nuôi dưỡng; chính tại đó chúng trở nên một, giữa chúng và với vị Mục Tử Nhân Lành.

Vì thế, chúng ta không sợ hãi nữa: cuộc sống của chúng ta từ nay được cứu thoát khỏi sự hư mất. Không gì và không ai có thể tước bỏ chúng ta ra khỏi bàn tay Chúa Giêsu, vì không điều gì và không ai có thể thắng tình yêu của Chúa. Ma quỉ, đại kẻ thù của Thiên Chúa và các thụ tạo của Ngài, toan tính bằng nhiều cách để tước bỏ sự sống đời đời của chúng ta. Nhưng quĩ không thể làm gì nếu chúng ta không mở cửa tâm hồn cho nó, không chiều theo những lời du nịnh lừa dối của hắn.

Đức Trinh Nữ Maria luôn lắng nghe và ngoan ngoãn tuân theo tiếng nói của vị Mục Tử Nhân Lành. Xin Mẹ giúp chúng ta vui mừng đón nhận lời mờ của Chúa Giêsu để trở thành môn đệ của Người và luôn sống trong niềm xác tín mình ở trong bàn tay hiền phụ của Thiên Chúa.

Sau phép lành, Đức Thánh Cha đã cám ơn tất cả những người đã tháp tùng ngài trong chuyến viếng thăm hôm thứ Bẩy 16 tháng Tư vừa qua tại đảo Lesbos bên Hy Lạp. Ngài nói: “Tôi đã mang tình liên đới của Giáo Hội cho những người tị nạn và nhân dân Hy Lạp. Cùng với tôi có Đức Thượng Phụ chung Bácthôlômêô và Đức Tổng Giám Mục Hieronimus của Hy Lạp, nói lên sự hiệp nhất trong tình bác ái của mọi môn đệ của Chúa.

Đức Thánh Cha cũng ứng khẩu kể lại sự cảm động của ngài trong cuộc viếng thăm, đặc biệt là tình cảnh một thanh niên Hồi giáo 40 tuổi, kết hôn với một thiếu nữ Kitô và hai người có con cái. Cô đã bị những chiến binh Hồi giáo chém đầu vì không chịu bỏ đạo. Đức Thánh Cha nói: đây thực là một cuộc tử đạo.

Đức Thánh Cha cũng chia buồn với nhân dân Ecuador vì trận động đất dữ dội trong đêm 16 tháng Tư vừa qua, gây ra nhiều nạn nhân và thiệt hại lớn lao. Ngài nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhân dân Ecuador và cả nhân dân Nhật Bản cũng bị động đất trong những ngày này. Ước gì sự trợ giúp của Chúa và của anh chị em mang lại cho họ sức mạnh và nâng đỡ”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trận động đất ở mức độ 7.8 theo thước Richter, nặng nhất kể từ năm 1979, đã làm cho 77 người chết và 588 người bị thương theo kết toán sơ khởi. Nhiều người vẫn còn bị kẹt dưới các tòa nhà bị sụp.

Phó Tổng thống Jorge Glas cho biết các nạn nhân bị thiệt mạng nhiều nhất ở các thành phố Manta, Poroviejo và Guayaquil.