Suy Niệm Chúa Nhật II PHỤC SINH

Tha Thứ Là Bản Chất của Lòng Thương Xót

Trong Tông Thư “Khuôn Mặt Xót Thương”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót”.

Thật vậy, tha thứ là bản chất của Thiên Chúa. Trong thời Cựu Ước, biết bao lần dân Chúa phản bội, chạy theo các thần của dân ngoại, nhưng mỗi khi dân biết sám hối quay trở về thì Ngài sẵn sàng tha thứ. Sang thời Tân Ước, Chúa Giêsu luôn dạy về sự tha thứ. Khi Phêrô hỏi Chúa phải tha thứ bao nhiêu lần, có phải bảy lần không? Chúa trả lời “Không phải là bảy lần nhưng bảy mươi lần bảy”(Mt 18,22).

Không những Chúa Giêsu dạy sự tha thứ mà chính Ngài đã thực hành sự tha thứ. Ngài tha thứ cho Phêrô qua cái nhìn đầy trìu mến yêu thương sau khi Phêrô chối Ngài ba lần. Ngài tha thứ cho kẻ trộm lành. Ngài tha thứ cho những người đóng đinh Ngài “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23,34).

Sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu không hề nhắc tới tội của Phêrô, tội bỏ trốn của các Tông đồ. Sự nghi ngờ của ông Tôma. Ngài tha thứ cho họ tất cả. Ngài tha thứ cho Phaolô khi ông trên đường đi lùng bắt các kitô hữu. Nếu Giuđa có lòng thống hối, chắc chắn Chúa cũng sẽ tha luôn. Ngài đã lập Bí tích Giao Hoà để tha thứ tội lỗi cho con người mỗi khi con người phạm tội và biết thống hối ăn năn. Chính trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã ban cho các Tông đồ quyền tha tội : “Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha”(Ga 20,23).

Giáo Hội qua mọi thời đại không những thi hành sự tha thứ cho các tội nhân qua bí tích Giao Hoà mà còn thực hành sự tha thứ trong cuộc sống. Sách Công Vụ Tông đồ cho biết, chính Thánh Phêrô đã sống tinh thần tha thứ của Chúa Giêsu trên Thánh giá khi coi hành động của những người Do Thái và cả của các thủ lãnh của họ như “do không hiểu biết” (Cv 27,25). Thánh Stêphanô đã cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho Phaolô (x. Cv 7,60). Muôn vàn gương tha thứ khác của Giáo Hội và các thành viên trong Giáo Hội mà chúng ta không thể kể hết ra đây. Trong thời đại chúng ta có gương tha thứ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Ngày 13 tháng 05 năm 1981, tên khủng bố Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhỉ Kỳ, đã cố ý giết Đức Thánh Cha Gioan Phalô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma. Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, Ngài đã đích thân vào phòng giam thăm tên khủng bố Ali Agca, nói chuyện với y và nhất là tha thứ cho y.

Trong cuộc sống chung, không thể tránh khỏi những va chạm, có những va chạm gây ra đổ máu, chết chóc: Giữa các thành viên trong gia đình; giữa những người làng xóm làng giềng với nhau; giữa bạn bè; giữa những người trong cộng đoàn; giữa những người không quen biết; có những va chạm đến từ những người không cùng quan điểm, tôn giáo với chúng ta, họ ghen ghét vì chúng ta là người kitô hữu...Nhưng trong mọi trường hợp, Chúa và Giáo Hội luôn mong muốn chúng ta phải thể hiện tinh thần tha thứ.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 04 tháng 11 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các gia đình sống tinh thần tha thứ cho nhau, Ngài nói: “Gia đình là một thao trường lớn để tập luyện sự trao ban và tha thứ cho nhau, chẳng vậy không có tình yêu nào có thể trường tồn. Trong kinh nguyện mà chính Ngài đã dạy chúng ta, kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta thưa với Chúa Cha: ‘Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con’. Vào cuối kinh, Chúa bình luận: ‘Thực vậy, nếu các con tha thứ những lỗi lầm của người khác, thì Cha các con trên trời cũng tha thứ cho các con; nhưng nếu các con không tha thứ cho tha nhân, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ những lỗi lầm của các con’(Mt 6,12.14-15). Ta không thể sống mà không tha thứ, hoặc ít là không thể sống tốt đẹp, nhất là trong gia đình. Mỗi ngày chúng ta làm những điều lầm lỗi đối với nhau. Chúng ta phải để ý đến những sai lầm ấy, do sự yếu đuối và ích kỷ của chúng ta. Nhưng điều mà chúng ta được yêu cầu là chữa lành ngay những vết thương chúng ta gây ra cho nhau, nối lại tức khắc những mối dây đã bị đứt đoạn. Nếu chúng ta chờ đợi quá lâu, thì tất cả trở nên khó khăn hơn. Và có một bí quyết đơn giản để chữa lành những vết thương và giải tỏa những lời cáo buộc, đó là đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không xin lỗi, không làm hòa giữa vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, giữa mẹ chồng và nàng dâu! Nếu chúng ta học cách xin lỗi và tha thứ ngay cho nhau, thì chúng ta chữa lành những vết thương và hôn nhân được củng cố, gia đình trở thành căn nhà vững chắc hơn, chống lại được những chấn động do những thói xấu lớn nhỏ của chúng ta gây ra”.

Đối với những người khác, Đức Thánh Cha Phanxicô nói : “Nếu chúng ta học cách sống như thế trong gia đình, thì chúng ta cũng làm như vậy ở bên ngoài, bất kỳ nơi nào chúng ta sống. Nghi ngờ về điều này là điều dễ dàng. Nhiều người, kể cả các tín hữu Kitô nghĩ rằng đó là một điều thái quá. Họ nói: nói thì dễ, thì đẹp, nhưng không thể thực hành được. Nhưng cám ơn Chúa, không phải như vậy. Thực thế, chính khi lãnh nhận ơn tha thứ từ Chúa, mà chúng ta có khả năng tha thứ cho người khác. Vì thế, Chúa Giêsu đã yêu cầu lập lại những lời này mỗi khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi ngày. Và điều không thể thiếu được, đó là một xã hội nhiều khi tàn ác, có những nơi, như gia đình, trong đó chúng ta phải học tha thứ cho nhau”.

Chúa Nhật kính lòng thương xót Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy cảm nghiệm lòng thương xót tha thứ của Chúa. Qua Bí tích Giao hoà, biết bao lần Chúa đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Từ đó, chúng ta đừng hẹp hòi khi cần phải tha thứ cho anh chị em mình. Bởi vì: Nếu chúng ta không tha thứ lỗi lầm cho người khác, thì Cha chúng ta trên trời cũng sẽ không tha thứ tội lỗi cho chúng ta” (x. Mt 6,15). Amen.

Lm. Anthony Trung Thành