Chúa Giêsu trong "nhà của Cha mình“

Đền thờ Gierusalem với người Do Thái là nơi thờ phượng Thiên Chúa Giavê rất qua trọng trong đời sống tôn gíao.

Đền thờ Gierusalem là thánh địa. Vì thế hằng năm họ phải hành hương lên đền thờ.

Và đền thờ Gierusalem cũng giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị xã hội. Vì nơi đây Thầy cả thượng phẩm, các vị Kinh sư không chỉ là những vị cầm cương nẩy mực về lề luật cùng lễ nghi Do Thái gíao, mà họ còn là những vị có ảnh hưởng nhiều cùng mạnh mẽ tới đời sống xã hội của dân chúng nữa.

Là người Do Thái, đền thờ Gierusalem với Chúa Giêsu cũng có âm hưởng vị trí quan trọng. Vì đó là nơi thờ phượng Thiên Chúa. Mặc dù Chúa Giêsu đã có lần nói:“ Đã đến lúc người ta không thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem hay trên núi này…nhưng trong thần khí và sự thật.“ (Ga 4, 21-24).

Vào những ngày cuối đời còn sống trên trần gian, khi đến Giêrusalem, ngài đến thăm viếng ngay đền thờ Giêrusalem ( Mc 11,11). Nơi đây ngài đã phải đối diện tranh cãi với những Vị thủ lãnh tôn gíao quyền lực có nhiều ảnh hưởng nơi dân chúng và trong Do Thái giáo .

Chúa Giêsu và đền thờ Gierusalem

Khi Chúa Giêsu chào đời được tám ngày, cha mẹ đã đem trẻ Giesu lên đền thờ chịu phép cắt bì cùng dâng lể vật cho Thiên Chúa theo luật Mose truyền.

Lúc Chúa Giêsu lên 12 tuổi theo cha mẹ lên hành hương đền thờ Gierusalem. Nơi đây Chúa Giêsu đã có tranh luận với các vị Luật sĩ , Kinh sư rồi.

Chúa Giêsu vào đền thờ xua đuổi những người buôn bán trong đó.

Chúa Giêsu so sánh Ngài với đền thờ: Phá đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây đền thờ mới .

Chúa Giêsu tiên báo về tương lai đền thờ bị phá hủy: không còn hòn đá trên hòn đá nào.

Khi Chúa Giêsu chết trên thập gía, bức màn trong đền thờ Gierusalem rách xé ra làm hai.

Theo Phúc Âm thuật kể lại, đền thờ Giêrusalem trở thành nơi chốn nóng bỏng sôi động của những phê bình chỉ trích từ Chúa Giêsu đối với những vị Thủ lãnh Do Thái giáo, và cũng từ những vị Thủ lãnh với Chúa Giêsu. Sau cùng đưa tới sự kết án hành quyết Chúa Giêsu bị đóng đinh trên đồi núi sọ Golgotha.

Hai biến cố đưa đến sự giận dữ quyết định bắt Chúa Giêsu của những vị thủ lãnh Do Thái, mà Chúa Giêsu gây ra:

- Khi vào đền thờ thấy cảnh buôn bán nơi đó, Chúa Giêsu giận dữ xô bàn ghế hàng hóa, xua đuổi người buôn bán và hàng hóa của họ. Người giảng dậy nói với họ: "Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! „.

Chúa Giêsu muốn thanh tẩy đền thờ là nhà của Cha ngài cho khỏi bị trở thành chỗ buôn bán hàng hóa. Nhưng lại là chứng cứ cho các vị Thượng tế và Kinh sư Do Thái tìm cách bắt giết Chúa Giêsu. Vì đụng chạm thách thức địa vị cùng quyền lợi của họ.

- Trong cuộc xử án Chúa Giêsu, các vị Kinh sư và Thầy Thượng tế vin vào lời Chúa Giêsu nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!( Mc 14,58), buộc tội nhất quyết tạo áp lực đòi kết án Chúa Giêsu.

Đền thờ là nơi thánh quan trọng, nhưng lại bị biến thành „hang trộm cướp“ buôn bán, như lời Chúa Giêsu lên án.

Từ ngữ „ sào huyệt của bọn cướp!“ Chúa Giêsu dùng nhắc nhớ đến lời ngày xưa Tiên Tri Gieremia cũng đã phê phán chỉ trích phản đối gay gắt việc dùng đền cho những việc không phải là việc thờ phượng Thiên Chúa Giave. Và Tiên tri yêu cầu phải tuân giữ điều căn bản cho phải đạo chính đáng trong việc sử dụng đền thờ. Có như thế mới giữ được mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa Giave của dân Do Thái. ( Gieremia 7).

Chúa Giêsu dùng lời Tiên tri Geremia phê bình cung cách việc biến đền thờ nhà Thiên Chúa cho việc phàm trần còn nói lên sự phản đối chối từ toàn thể cơ cấu cũ. Và đồng thời cũng đưa ra sự đánh gía mối tương quan của Chúa Giêsu cùng Hội Thánh Chúa thời sơ khai với đền thờ thời lúc đó cách tiêu cực nữa.

Chúa Giesu khi nhìn thấy sự nguy nga vĩ đại của đền thờ Giêrusalem đã nói tiên báo: "Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ.“ ( Mc13,2).

Lời tiên báo của Chúa Giêsu được hiểu là dấu chỉ về lịch sử cứu độ của những nghi lễ tế tự nơi đền thờ sẽ chấm dứt. Và phần lớn cũng cho là lịch sử cứu độ của thời Do Thái giáo được thay thế bằng Kitô giáo.

Đền thờ Giêrusalem trung tâm của thế giới

Đền thờ Giêrusalem là nơi chốn ngự trị của Giave Thiên Chúa trên trần gian và cả khi Hòm Bia Giao Ước bị thất lạc mất, như Vua Salomon ngày khánh thành đền thờ đã bày tỏ. ( 1 Các Vua, 8,12 …).

Đền thờ là nhà của Thiên Chúa. Nơi đền thờ nghi lễ thờ phượng xin sự tha thứ hòa giải giữa Thiên Chúa và con người được cử hành và có hiệu qủa.

Đền thờ là nơi chốn lý tưởng thuận tiện cho sự gặp gỡ với Thiên Chúa, cùng nơi chốn Thiên Chúa mặc khải cho dân chúng.

Vùng Zion, khu núi đền thờ ở Gierusalem được xem như núi của Thiên Chúa, và suy nghĩ này có tương quan nối liền với trí tưởng tượng về khu vườn địa đàng. Từ khu vườn này vào thời sau cùng sinh hoa kết trái cho toàn thế giới. ( Ezechiel 47).

Với Do Thái giáo trong thời gian đền thờ thứ hai được xây dựng lại sau thời kỳ lưu đầy bên Babylon, đền thờ là điểm cân bằng chính giữa, như trung tâm „rốn „ của vũ trụ.

Đền thờ Gierusalem trong phúc âm Chúa Giêsu

Thánh sử Luca thuật lại cảnh Chúa Giêsu sau khi chào đời được đem vào đền thờ chịu cắt bì cùng dâng lễ vật cho Thiên Chúa như luật Mose ấn định ( Lc 2,22). Ở đây hai vị Tiên tri Simeon và Hanna được mặc khải cho biết hài nhi Giêsu là Đấng cứu thế toàn dân. ( Lc 2,30-32).

Rồi cảnh Chúa Giêsu lúc 12 tuổi lên hành hương Gierusalem. Trong đền thờ cậu thanh niên Giêsu ngồi tranh luận với những vị học giả kinh sư ( Lc 2, 41/52).

Đền thờ Giêrusalem như thế là nơi chốn lý tưởng cho Đấng Cứu thế mặc khải tỏ mình ra.

Vào thời Hội Thánh lúc ban đầu còn sơ khai, những người tín hữu Chúa Kitô tụ tập lại trong đền thờ cầu nguyện cử hành lễ tế tạ ơn, cử hành bí nghi lễ bẻ bánh, ôn nhớ giáo lý lời Chúa Giêsu giảng dạy khi xưa ( CV 2,46).

Cũng tại nơi đền thờ Gierusalem Thánh tông đồ Phero vào giảng giáo lý làm chứng về Chúa Giêsu và nhân danh Chúa Giêsu chữa cho một người bị bại liệt được lành mạnh đi được. ( CV 3,1-10).

Thánh Phaolo bị bắt tại đền thờ Gierusalem, nơi Ông vào giảng làm chứng về Chúa Giêsu, trước khi bị điệu sang Roma xét xử.

Đền thờ Gierusalem là trung tâm dân chúng tụ họ lại cho công việc kính thờ Thiên Chúa, rao giảng và làm chứng cho Ngài với Do Thái giáo và cả với Kitô giáo nữa.

Chúa Giêsu trở về trời, nhưng Ngài sai các Tông đồ ra đi truyền giáo làm chứng về Ngài cho mọi dân tộc trên thế giới bắt đầu từ đền thờ Gierusalem. ( Cv 22,17- 22).

Khi Chúa Giêsu chết trên thập gía, bức màn nơi gian cực thánh trong đền thờ Giêrusalem bị rách xẻ ra làm hai ( Mc 15,38) diễn tả sự mở rộng cánh cửa cho mọi người đến với Thiên Chúa.

Đầu tiên viên sĩ quan lính Roma canh gác ở dưới chân thập gía, ông ta không phải là người Do Thái, như đại diện cho mọi người không thuộc Do Thái giáo, đã nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Và bức màn trong đền thờ bị xé tung ra làm hai lúc Chúa Giêsu chết, nói lên từ nay không còn việc phân biệt thang cấp sự thánh thiện nữa, đồng thời ý nghĩa sự chết của Chúa Giêsu có chiều kích toàn cầu cho mọi người kể cả người ngoại giáo nữa.

Màn trong đền thờ xé tung ra khi Chúa Giêsu chết và trời mở ra khi Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Jordan nhấn mạnh đến ý nghĩa việc làm của Chúa Giêsu: tầng trời mở ra, nơi chốn mặc khải mở rộng cho hết mọi người, và sự thông thương giao hảo với Thiên Chúa không bị cản trờở ngăn chặn nữa.

Đền thờ Gierusalem không chỉ có những tiêu cực diễn ra. Nhưng đền thờ Giêrusalem với Chúa Giêsu là nhà Cha của mình, và vẫn là nơi mang đến niềm hy vọng, nơi chốn của cầu nguyện kính thờ Thiên Chúa: „ nào chẳng có lời chép rằng: Nhà Cha ta được gọi là nhà cầu nguyện dành cho mọi dan tộc sao?“ ( Mc 11,17).

Gierusalem ngày nay không còn đền thờ cũ như xưa nữa. Trên nền đền thờ cũ ngôi đền thờ của người Hồi Giáo được xây dựng với mái tròn to lớn hùng vĩ sơn mầu vàng chói sáng.

Người Do Thái có bức tường phía Tây đền thờ cũ ờ ngay chân vang Núi đền thờ.

Người Kitô Giáo:Chính Thống giáo, Công Giáo khi đến Giêrusalem có đền thờ Chúa Giêsu sống lại vùng đồi Golgotha, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập gía, chết, được an táng trong mộ và đã sống lại.

Nơi đây còn ngôi mộ trống của Chúa Giêsu đã sống lại.

Mùa Chay 2016

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long