Bàn tay có năm ngón và có người nhận xét khi chỉ tay vạch tội người khác chỉ có một ngón trỏ vào người khác còn bốn ngón chỉ ngược vào chính mình. Bốn ngón trỏ vào chính mình nhưng mình ít khi để ý đến bởi chúng nấp sau lưng bàn tay. Hơn nữa, khi vạch ra cái sai trái của người khác chúng ta coi nhân vật đối diện là tâm điểm, là chính. Không thể có hai cái trong cùng vấn đề. Hoặc là một chính, một phụ hay nhiều phụ. Bởi mình dùng tay chỉ người khác nên người đó là tâm điểm, là chính, còn mình là phụ. Thông thường nhân vật chính sửa sai nhân vật phụ; ít khi nhân vật phụ sửa sai nhân vật chính. Trường hợp trừ duy nhất là khi mình dùng ngón tay chỉ người khác thì người đó là chính còn mình là phụ. Nghe có vẻ nghịch lí nhưng thực tế là thế. Khi vạch ra cái sai trái của kẻ khác chúng ta tự biến mình là nhân vật phụ. Dù là phụ nhưng có quyền sửa sai kẻ khác. Khi sửa sai người khác giới lãnh đạo thường biện hộ cho hành động của họ bằng cách viện vào trách nhiệm. Vì trách nhiệm nên phải sửa.

Câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong phúc âm thánh Gioan 8,3-11 cho thấy rõ. Biệt Phái và Kí Lục lãnh đạo dân, họ là nhân vật quan trọng, nhân vật chính. Khi đưa người phụ nữ phạm tội ngoại tình họ biến thành nhân vật phụ, dù toàn quyền trên dân nhưng mọi chú ý đều dồn vào người phụ nữ. Người mọi người chú ý đến phải là nhân vật chính. Câu chuyện thưa kiện cho thấy bản tính con người thường nhìn thấy sai trái của người luôn to lớn hơn nhiều lần sai trái của chính mình. Thực ra cái sai của mình to như trái núi trước mắt nên mình không nhìn thấy bởi nó quá to, che kín mắt. Không kể chi đến danh giá của người phụ nữ họ công khai vạch tội bà ra trước công chúng. Người phụ nữ bị lạm dụng để nhóm Biệt Phái bắt bẻ Đức Kitô về giáo huấn của Ngài- Tha thứ và yêu thương. Họ mong Ngài thiếu chuẩn bị và sập bẫy do họ gây ra. Đức Kitô đã làm cho họ ngạc nhiên ngoài sức tưởng. Ngài không sập bẫy như họ mong chờ nhưng chính họ lại sập bẫy do tay họ gây nên. Thay vì tranh biện với họ Đức Kitô hỏi họ.

Ai tự nhận mình vô tội hãy ra tay ném đá chị này trước đi. C.7

Nghe xong câu đó họ âm thầm lủi vào đám đông, trốn mất, bắt đầu từ người lớn tuổi. Đức Kitô nhắc họ hãy xét lương tâm mình xem, mình có trong sạch không hay tội mình không thua gì tội người phụ nữ. Điều khác biệt chị ta bị bắt quả tang, còn mình thì dấu được. Người lớn tuổi đi trước phải chăng cho thấy càng sống lâu cơ hội phạm tội càng nhiều, to như núi trước mắt. Xét lương tâm để biết mình có tội và giúp ta dễ thông cảm với người khác hơn. Đức Kitô, Đấng vô tội nói với người phụ nữ.

Phần ta, ta cũng không kết án chị, hãy đi bằng an và từ nay đừng phạm tội nữa. C.11

Chỉ Đấng vô tội, Đức Kitô, mới có quyền kết án nhưng Ngài không kết án người phụ nữ. Nếu Thiên Chúa không kết án ta, không ai có quyền kết án. Xã hội thời xưa kết án tội ngoại tình và người ngoại tình. Đức Kitô kết án tội ngoại tình nhưng không kết án kẻ phạm tội. Ngày nay, một số quốc gia làm lơ, không kết án tội ngoại tình và cũng không kết án người ngoại tình. Làm lơ không phải là thái độ tốt. Thánh độ tốt lành nhất là chúng ta hỗ trợ, giúp hối nhân thêm can đảm từ bỏ con đường cũ, bước theo theo đường công chính của Chúa.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org