Dụ ngôn người con Hoang Đàng diễn tả tình cha thương con vượt khỏi giới hạn bình thường trong xã hội. Phong tục lúc đó chấp nhận gia tài được chia cho con cái sau khi người cha qua đời. Người con đòi chia gia tài lúc người cha còn sống là một xỉ nhục cho người cha. Khi đòi phần gia tài của mình anh coi như cha mình đã chết. Thứ hai, theo luật, không phải con mà người cha có toàn quyền quyết định ngày chia gia tài. Khi tới tuổi trưởng thành với sự đồng ý của người cha người con được quyền sang nhượng phần gia tài của mình. Luật khác xác định sau khi cha chết người thừa hưởng gia tài tới tuổi trưởng thành có quyền sang nhượng. Người con thứ còn trong tuổi vị thành niên, đòi chia gia tài sau đó vội vàng bán đi là hình thức anh coi cha không ra gì, coi như ông đã chết. Sau khi vung tay xài hết tiền, nạn đói đến và anh phải chăn heo để sống. Dẫu thế vẫn không khá hơn, vẫn đói khát. Phong tục Do Thái coi heo là con vật ở dơ và kiêng không ăn thịt dơ bẩn. Người con thứ chọn chăn heo là nghề hèn hạ bị coi thường nhất trong xã hội thời đó. Nhục nhã hơn nữa anh làm công chăn heo cho chủ mà chủ là dân ngoại, không cùng niềm tin và phong tục của mình. Điều này cho thấy anh tự dẫn mình đến nấc thang thấp nhất trong xã hội anh đang sống.

Người con cả ở nhà với cha nhưng tâm anh xa cha từ lâu. Hành động và cử chỉ của anh xác định cha anh đã chết trong anh. Anh ta từ chối nhận em mình khi nói với cha ‘thằng con của cha’. Nó không phải là con riêng, con cùng cha, cùng mẹ nhưng anh không nhận nó. Ngoài ruộng về anh nổi đoá khi biết em mình trở về anh từ chối vào nhà. Cái tréo cẳng ngỗng là hai người con: anh cả từng ở trong nhà giờ lại từ chối vào nhà; người con thứ bỏ nhà ra đi lại mong mỏi về nhà. Để giải hoà sự việc người cha ra tận bờ mương, đầu rẫy nói với con cả

‘tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy c.32.

Câu trên cho thấy cha sống là sống cho con, cha làm vất vả là làm cho con vì thế chúng ta cần ăn mừng vì tình thương cha dành cho con. Người cha dành tất cả tình thương cho con và còn mang lại cho người con đi hoang nhiều tình thương hơn anh hưởng trước khi ra đi. Lòng xót thương của người cha diễn tả nguồn gốc các nhân đức của Kitô hữu. Lòng xót thương này mang lại sự sống và ban sự sống.

Nói về lòng xót thương của Chúa chính là nói về mối liên hệ nguồn sống Chúa ban cho tạo vật. Mối liên hệ này phát sinh từ lòng Chúa xót thương cho mọi loài thụ tạo, đặc biệt cho kẻ khó nghèo và Đức Kitô là hiện thân của lòng Chúa xót thương nơi trần thế. Đức Kitô xuống trần để vạch cho chúng ta thấy lòng xót thương Chúa vô bờ, vượt qua tất cả các ranh giới để đến với mọi người, mọi thời. Cựu Ước nhắc nhiều đến lòng Chúa xót thương cho cá nhân, cho dân tộc và cho nhân loại. Cá nhân cảm nghiệm lòng Chúa xót thương quay về cùng Chúa. Dân tộc cảm nhận lòng Chúa xót thương khi lãnh đạo dại diện dân xin Chúa chúc lành và ban an bình, thịnh vượng cho toàn dân. Chúa chứng tỏ lòng xót thương qua việc Con Một Chúa là Đức Kitô vác thập giá thay nhân loại. Qua thập giá Đức Kitô giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Qua việc Đức Kitô sống lại từ cõi chết ban sự sống trường sinh cho ta. Qua việc Đức Kitô về trời Ngài dọn chỗ cho những ai tin vào Ngài.

Cảm nhận lòng Chúa xót thương bằng cách học biết và trở thành người biết thương xót anh em, kẻ khốn cùng. Dụ ngôn người con Hoang Đàng và kinh Lậy Cha đều hướng dẫn tâm hồn ta cảm nghiệm lòng Chúa xót thương và biết xót thường tha nhân. Nói về lòng Chúa xót thương mà không thực hành khác chi hứa để đó mà không bao giờ thực hiện.
Kitô hữu thương xót tha nhân không phải vì nhiệm vụ mà chính là yêu mến Chúa. Hai là nhận biết khuôn mặt Đức Kitô trong anh chị em khác. Ba là coi tha nhân như anh chị em trong cùng đại gia đình Chúa. Bốn là chúng ta sống nhờ lòng Chúa xót thương nên chúng ta học từ Chúa chuyển ban sự sống đến cho người khác. Lòng xót thưong không chỉ giới hạn giữa người với người mà được chuyển sang mọi tạo vật vì Chúa dựng nên chúng. Những gì Chúa tạo dựng đều tốt đẹp và đều cần đến lòng Chúa xót thương.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org