DẦU CHA MẸ CÓ BỎ CON…

Bích Vân là con áp út của một cán bộ lão thành. Hồi 1954, cha Bích Vân, người miền Nam, được anh em Cách Mạng móc nối, tập kết ra Bắc, bỏ lại người phụ nữ Bắc di cư đã hai con với ông mà bé gái còn đang trong bụng.

Ông được bố trí làm ngành dệt. Hơn hai mươi năm phục vụ lý tưởng, chức vụ cao nhất tổ chức giao cho ông là Giám Đốc Nhà Máy Dệt Kim của một tỉnh vùng cực bắc. Mẹ Bích Vân là phụ nữ tỉnh này.

Chỉ vài ngày sau thống nhất, cha Bích Vân đã được phái vào Nam điều hành công tác tiếp thu toàn bộ Quận 1 TP. HCM, rồi sau đó làm Trưởng Ban Thương Nghiệp Phường Bến Nghé, Phường có Chợ Bến Thành.

Một trong những việc đầu tiên ông làm khi trở về miền Nam là tìm lại người vợ cũ. Lúc ấy, bà cũng đã có thêm năm mặt con với người chồng sau và ông này đã mất. Cha Bích Vân nhìn nhận hai người con đầu, nhưng tiếp tục sống với người vợ sau và các con của bà này.

Những năm còn cắp sách, Bích Vân cũng chỉ được gặp lại hai người anh chị cùng cha khác mẹ vào những dịp lễ tết, nhưng lần nào, Bích Vân cũng cảm nhận một nét đẹp tâm hồn thật dễ gần dễ mến nơi người chị có tên gần trùng : Ánh Vân.

Chị Ánh Vân càng dễ thương hơn nữa khi Bích Vân lập gia đình và gặp phải ông chồng nhậu. Chức vụ cũng là Quản lý Đường sắt Bắc Nam, nhưng vợ con hầu như chẳng được nhờ ! Chị Ánh Vân hồi ấy làm ăn chưa phát đạt lắm, nhưng tương đối đã có đồng ra đồng vào, tết nhất ghé, thấy hoàn cảnh, cũng giúi vào tay em những bao lì xì em không thể ngờ tới. Rồi từ đó, chẳng cứ ngày tết, chị còn tìm nhiều dịp đến thăm em và kín đáo chia sẻ.

Chịu đựng ông chồng được đến khi con trai hơn ba tuổi thì thấy đã đến ngưỡng, Bích Vân quyết định chia tay. Sau kinh nghiệm đau, Bích Vân cần kiệm nuôi con, đồng thời lao vào việc học hành cao hơn để tìm cách tiến thân.

Chăm chỉ và thông minh, Bích Vân được một thầy đại học dành cho nhiều quí mến. Vị giáo sư rất nổi tiếng, từng cống hiến nhiều công trình khoa học. Bích Vân hay tới nhà thầy, vừa xin thầy hướng dẫn thêm, vừa thăm gia đình thầy.

Bà vợ của thầy lâm trọng bệnh, Bích Vân càng có nhiều cơ hội bày tỏ lòng biết ơn với thầy và gia đình. Khi bà mất, Bích Vân đã thân thiết như người nhà. Mãn tang vợ, thầy ngỏ ý muốn cưới Bích Vân. Lúc ấy thì nhờ bằng cấp đậu đạt và cũng nhờ gia đình quen biết, Bích Vân đã được ngồi một chỗ tốt trong hệ thống Phân Phối Xăng Dầu, rồi cũng đã sáng lập và đang điều hành một công ty khá lớn sản xuất và xuất khẩu tranh thêu.

Tiếc một điều, từ đó, vì có chút tiền bạc và quyền hành, lại là vợ của một khoa học gia thế giá, và ̶ có lẽ lý do tự tiềm thức này là lực đẩy âm ỉ mà mạnh mẽ nhất ̶ vì nỗi ẩn ức tích chứa nhiều năm tháng cực nhục xưa trong cuộc hôn nhân đầu thất bại với ông chồng nhậu Bắc 75, nên lúc nào không hay, Bích Vân đã trở thành người đàn bà lên mặt hống hách và ghê gớm với mọi người, nhất là với các nhân viên dưới quyền.

Lại còn óc kỳ thị Bắc 75 ra mặt, mặc dầu mẹ và anh chị em Bích Vân cũng 75 rặt ! Ai đến xin việc mà chợt nghe giọng 75 là Bích Vân ‘cám ơn’ liền tức khắc, khỏi cần hỏi han thêm !

Thói kỳ thị đến cực đoan và kênh kiệu kiêu kỳ đến phát ghét ấy khiến hầu như không còn ai ưa nổi Bích Vân nữa, ngay cả cha mẹ và những người anh em ruột thịt. Thêm vào đó, gia đình lại rất nặng thành kiến với hạng ‘gái hai chồng’. Cha Bích Vân cứ chợt nghe ai nhắc đến Bích Vân là tức khắc nổi xung và xua như xua tà, rất cay độc : “Dẹp nó đi giùm ! Cái con quỷ ấy ma nó thương !”

Những người làm khoa học thường rất khiêm tốn, bởi càng đi vào chuyên môn thì càng thấy thiên nhiên mênh mông như vô tận và những khám phá của mình thật không bằng hạt cát bãi biển. Cho nên chẳng mấy ai ngạc nhiên khi cuộc hôn nhân thứ hai của Bích Vân lại cũng đổ vỡ. Nhưng Bích Vân rêu rao : “Ông ấy tiền như nước, nhưng giấu vợ. Có mà giấu đàng giời !...” Cũng chỉ là một cách để thanh minh, vuốt mặt. Cho đỡ bẽ bàng !

Chứ một mình trở lại với mình, Bích Vân thấy hụt hẫng nhiều khi bạn bè, quen biết lần lượt quay lưng. Hụt hẫng sâu khi cha mẹ, người thân cũng từ rẫy. Hụt hẫng đến chao đảo quay cuồng khi bao nhiêu quí trọng, mến thương, tự hào và cả kiêu hãnh nữa đặt hết vào người chồng thần tượng bỗng lao dốc không phanh và sụp đổ tan tành… !

Bích Vân tự thấy không cách chi sống ở thành phố này, đất nước này được nữa, cho dẫu có muốn làm lại từ đầu, từ suy nghĩ đến hành động…

Nhưng đi đâu bây giờ và làm sao đi được ???

Bé đến lớn, chưa bao giờ Bích Vân tơ tưởng ba cái chuyện gọi là tâm linh. Nhưng không hiểu sao tới bước đường cùng này thì cái tâm cứ bị réo gọi, tiếng gọi ở đâu vô thanh, người gọi từ đâu vô hình : “Đền Đức Mẹ! Đền Đức Mẹ đi !” Lòng chộn rộn, chân rảo bước. “38 Kỳ Đồng !”… Xuống taxi, Bích Vân tiến thẳng vào nơi trước đây đã nhiều lần tình cờ mắt chợt thấy người người lũ lượt kéo đến nhưng lòng chỉ thoáng một nỗi thương hại nhạt mờ cho đám đông khờ dại !

Hôm nay thì Bích Vân lại đang thương hại chính mình, nỗi thương hại thấm thía, da diết, xoắn vặn, não nề, chẳng thể kể cùng ai ! Bốn mươi mấy năm cuộc đời. Bao nhiêu mơ ước. Bao nhiêu đeo đuổi. Tự mình xây đắp. Tự mình đạp đổ. Cũng còn được nắm tiền. Nhưng cõi lòng và danh dự đã tan hoang ê chề bởi bằng ấy những dè bỉu, khinh khi, ruồng rẫy… ! Bích Vân giàn giụa nước mắt thương thân tủi phận tự bao giờ !

“Đức Mẹ ơi ! Đức Mẹ ơi !... Cha con nguyền rủa con. Mẹ con không buồn nhìn mặt… ! Chỉ còn Đức Mẹ. Chỉ còn Đức Mẹ, nếu như có Chúa… ! Mà không, phải có Chúa chứ !… Trời kia lồng lộng, biển kia mênh mông, thì lòng Chúa cũng phải bao dung vô bờ, phải khác xa lòng người trần thế…”

Cứ thế, Bích Vân miên man, miên man… Lần đầu tiên trong đời Bích Vân quì gối chắp tay gục đầu giữa hàng trăm những người tin thành khẩn. Cũng chẳng rõ Bích Vân thưa gì với Chúa. Cũng không hẳn Bích Vân dám khấn hứa gì với Đức Mẹ… Nhưng rõ ràng là lòng Bích Vân đã vơi nhẹ lạ kỳ. Rõ ràng là cuộc đời Bích Vân đã có nơi gửi gắm, bám víu, có chỗ náu nương, cậy nhờ…

Đầu óc Bích Vân từ hôm ấy cứ dần dần sáng ra… Cơ hội đến. Bích Vân chụp lấy. Tình cờ mà hẳn chẳng tình cờ, một mình Bích Vân thầm hiểu do đâu. Rồi giấy tờ xúc tiến. Khung trời Âu hiện rõ phía trước và ngày mỗi gần hơn.

Nơi Bích Vân chọn định cư sẽ rất lạ, rất mới, nhưng cũng sẽ giúp Bích Vân làm mới mọi sự, làm mới cuộc đời, làm mới cả nếp nghĩ và lối sống.

Khí hậu bên ấy dịu hiền. Xã hội người ta văn minh. Con người xứ họ trọng con người. Bích Vân rắp tâm sẽ tập tôn trọng yêu thương từng con người. Vì bản thân mình ngang ngược, phách lối, đủ thứ tội, đến nỗi cha mẹ, anh em cỏn ghét bỏ, tránh xa, thế mà Chúa trên cao chẳng chấp chẳng từ, vẫn yêu thương chiều chuộng, vẫn rộng lượng khoan dung, lại còn ban như ý mình mong, như lòng mình thầm ước, dầu miệng mình chẳng dám nguyện thành lời…

Bích Vân quyết định.

Lần đầu tiên tiếp xúc với một linh mục, nhưng gần gũi tấm lòng thì cứ như đã từ lâu lắm. Bích Vân kể hết đời mình như lý do tại sao mình tìm đến với ngài. Chẳng phải dè giữ, chẳng phải bao biện hay đậy điệm giấu giếm, dẫu nhiều chuyện nào có hay ho gì.

Sau khi tận tình và chú ý lắng nghe, người linh mục bộc bạch niềm xác tín rất bản thân cả đời hằng trân trọng và ôm ấp trong lòng. Bài giáo lý khai tâm tự phát ấy chỉ xoáy quanh một sứ điệp muốn truyền tải :

Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có CHÚA đón nhận con (Tv 27,10).

Bích Vân hạnh phúc vô cùng với những chia sẻ tiếp theo ngày càng như xuống tận gốc lên tận ngọn và soi vào nhiều ngóc ngách chi li của chân lý Tình Thương bao quát ấy.

Bích Vân tin vào ĐẠO, bởi nguồn cơn xô đẩy Bích Vân đến với ĐẠO là chính kinh nghiệm đau thương của bản thân mình và bởi những bài giáo lý vững vàng về ĐẠO Tình Thương giúp Bích Vân nhận ra và cảm nghiệm nơi chính mình rằng : ĐẠO, với cây thánh giá chiến thắng rỡ ràng của Đấng mở ĐẠO, đã và sẽ còn mở ra cho Bích Vân hết mọi đường cùng ngõ bí. Bởi ĐẠO chính là ĐƯỜNG !

Khi phải tìm người đỡ đầu rửa tội, chị Ánh Vân là người Bích Vân nghĩ tới liền tức khắc. Cũng đã hơi lâu, từ ngày Bích Vân ăn nên làm ra, chị không còn mấy lúc lui tới với Bích Vân nữa. Nhưng chị nhận lời Bích Vân ngay, rất cảm động và vui mừng vì được chứng nghiệm thật cụ thể về Lòng Thương Xót lạ lùng Thiên Chúa dành cho một con người. Theo mẹ, và cùng lượt với mẹ, hai cậu con trai cũng được đón nhận Lòng Thương Xót ấy.

Nay thì Bích Vân đã khá ổn định bên xứ người cạnh cậu con có với người chồng sau. Cậu con người chồng trước du học Tân Tây Lan về thì làm ngành du lịch, chứ không giúp được hai việc mẹ cần : bán cho hết số khá lớn những sản phẩm đắt tiền còn lại do xưởng tranh đóng cửa vội và quản lý toàn bộ nhiều khu nhà cho thuê tại những khu phố sang trọng. Cả hai việc quan trọng này, Bích Vân tín nhiệm nhờ hết chị Thu Mai, công nhân lâu năm của xưởng.

Chị Thu Mai người Công Giáo, biết chị Ánh Vân qua Bích Vân, thỉnh thoảng vẫn ghé và lần nào cũng nhắc như một điều thật cần thiết và lòng chị cũng rất thiết tha : “Thương lấy cô Bích Vân, chị Ánh Vân nhé, chứ bên này, ngoài thằng con non trẻ, chẳng ai buồn thương cô ấy nữa đâu !…”

Phải chăng con đường dài dẫn Bích Vân về với Lòng Thương Xót nhiệm mầu của Thiên Chúa đã có ẩn hiện bóng hình nhiều khi rất đậm của hai con người được hồng phúc tiếp cận và thấm nhuần Lòng Thương Xót thần thánh ấy từ những ngày còn trong thai mẹ : hai chị Ánh Vân và Thu Mai ???

Đan Tâm

(Cốt chuyện thật. Viết theo lời kể của một người trong cuộc. Đã thay đổi các tên riêng)