Suy Niệm Chúa Nhật V THƯỜNG NIÊN NĂM C

Những ngày cuối năm, thông thường các Sr. các Thầy đã khấn trọn đời trong năm qua được về quê nghỉ tết và dâng lễ tạ ơn. Năm nay, Giáo xứ chúng ta vinh dự có 5 thánh lễ tạ ơn cho 3 Sr. và 2 Thầy. Đây là niềm vui cho Giáo xứ, gia đình và đặc biệt là niềm vui cho bản thân các tân vĩnh khấn. Trong lời cám ơn sau lễ, hầu hết các tân khấn sinh đều bày tỏ tâm tình của mình về tình thương cao cả của Thiên Chúa trước sự bất xứng của thân phận con người.

1. Ơn gọi là một huyền nhiệm

Thật vậy, ơn gọi nói chung và nhất là ơn gọi đi tu là một huyền nhiệm. Ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã từng nói: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”(x. Ga 15,16). Thiên Chúa luôn đi bước trước để tuyển chọn con người. Cụm từ “hãy theo Ta” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Thánh. Thiên Chúa chọn Isaia làm tiên tri. Thiên Chúa chọn Phaolô làm Tông đồ dân ngoại. Thiên Chúa chọn Phêrô làm kẻ chài lưới người. Thiên Chúa chọn tôi, chọn anh chị em làm việc nọ việc kia. Mỗi người đều được Thiên Chúa kêu gọi để giao trách nhiệm tuỳ hoàn cảnh và địa vị của mình.

2. Trước Thiên Chúa, con người luôn cảm thấy bất xứng

Nhưng, đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, con người luôn cảm thấy bất xứng.

Bài đọc thứ nhất cho chúng ta biết, trước nhan Thiên Chúa ba lần Thánh, tiên tri Isaia đã tự nhận mình là kẻ bất xứng, ông thốt lên rằng: "Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Ðức Vua, Người là Chúa các đạo binh"(Is 6,5).

Bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô cũng đã nhận mình là kẻ hèn mọn nhất trong các Tông đồ. Ngài cho mình là kẻ bất xứng không đáng làm Tông đồ, Ngài nói: “Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các Tông đồ, và không xứng đáng được gọi là Tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa”(1Cr 15,9).

Bài Tin mừng Thánh Luca kể lại, sau khi thấy mẻ cá lạ lùng, Phêrô cảm thấy mình tội lỗi, không xứng đáng đứng gần Chúa. Ngài đã thốt lên với Chúa Giêsu rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi"(Lc 5,8).

Đối với chúng ta, chắc chắn ai cũng cảm thấy bất xứng, vì không ai hoàn hảo.

3. Thiên Chúa biến sự bất xứng thành khí cụ của Ngài

Thiên Chúa đã làm cho Isaia trở thành một tiên tri, Thần Sốt Mến đã nói với Isaia rằng: "Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha"(Is 6,7). Và khi nghe tiếng Chúa phán: "Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?"(Is 6,8). Isaia đã mạnh dạn thưa với Chúa rằng: “Này con đây, xin hãy sai con”(Is 6,8). Isaia đã trở thành một tiên tri lớn, một tiên tri vĩ đại trong thời Cựu Ước.

Thiên Chúa cũng đã biến Phaolô từ một người bắt bớ Giáo Hội trở thành vị Tông đồ dân ngoại. Chính thánh Phaolô đã nói: “Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Ðấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi”(1Cr 15,10).

Còn Phêrô, từ một người làm nghề đánh cá, Chúa đã biến ông thành một Tông đồ đánh bắt các linh hồn. Từ một người đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, trở thành người làm đầu Hội Thánh, vị Giáo Hoàng đầu tiên. Thật là kỳ diệu. Thiên Chúa biến sự bất xứng của con người thành khí cụ của Ngài. Đối với Ngài, “Không có gì mà Ngài không làm được”(Lc 1,37).

4. Thiên Chúa cần sự cộng tác của con người

Thánh Augustinô nói một câu rất nổi tiếng: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Mặc dầu, Thiên Chúa ban ơn để biến đổi con người từ bất xứng trở thành khí cụ hữu hiệu của Chúa. Nhưng Thiên Chúa luôn luôn cần sự cộng tác của con người. Khi nghe Thiên Chúa mời gọi, Isaia đã sẵn sàng đáp trả và dấn thân trong sứ mạng tiên tri.

Cũng vậy, sau cú ngã ngựa trên đường Đamát, Phaolô đã hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, con phải làm gì?”(Cv 22,10). Sau đó, Phaolô đã làm theo sự hướng dẫn của Chúa: Lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy bởi ông Anania. Cố gắng hoà nhập với các Tông đồ và các Kitô hữu tiên khởi. Đặc biệt, Phaolô đã dùng khả năng và cống hiến sức lực của mình để loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Có thể tóm tắt sự cộng tác của Ngài với ơn Chúa qua chính lời Ngài kể trong thư 2 Côrintô sau đây: “…Bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!”(x. 2Cr 11, 23-28).

Với Thánh Phêrô, mặc dầu đang yên bề gia thất, nghề nghiệp ổn định...Nhưng Ngài đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu. Ngài đi theo Chúa trong suốt thời gian ba năm, được Chúa huấn luyện, uốn nắn. Mặc dầu Phêrô đã chối Chúa ba lần, nhưng sau đó đã ăn năn khóc lóc, hối hận về hành động của mình. Trước khi đặt làm đầu Giáo Hội, Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô ba lần, con có yêu mến Thầy không? Phêrô đã không ngần ngại thưa lên rằng: “Lạy Thầy, con yêu mến Thầy”(x. Ga 21, 15-19). Phêrô đã thực sự yêu mến Chúa hết lòng hết sức, Ngài cống hiến hết mình vì sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội thuở ban đầu.

5. Với chúng ta hôm nay

Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta cũng là những người bất xứng, tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa thương mời gọi chúng ta gia nhập Giáo Hội. Dầu là linh mục, tu sỹ hay giáo dân, chúng ta phải biết cộng tác với ơn Chúa để chu toàn bổn phận của mình. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Chúa giao cho chúng ta sứ mạng tư tế, vương đế và ngôn sứ. Chúa mời gọi chúng ta đóng góp phần mình trong công cuộc xây dựng và phát triển Giáo Hội. Mỗi chúng ta có trách nhiệm Phúc Âm đời sống chính mình, Phúc Âm hoá đời sống gia đình, Phúc Âm hoá đời sống xã hội, để qua chúng ta mọi người sẽ biết và tin yêu Chúa. Đặc biệt, đối với mỗi người giáo dân, sống giữa lòng xã hội và thế giới, Công Đồng Vaticanô II đã dạy rằng: “ …Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian” (LG, số 33)

Lạy Chúa, con có thể thưa với Chúa như tiên tri Isaia, như Phaolô hay như Phêrô. Vì con cảm thấy mình yếu kém hơn nhiều so với các Ngài. Nhưng tin tưởng vào Chúa, con mạnh dạn dùng khả năng và những gì Chúa ban cho con để phục vụ Chúa và Giáo Hội. Xin Chúa luôn đồng hành và giúp đỡ con. Amen

Lm. Anthony Trung Thành