Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Phanxicô tiếp kiến Toà Thượng thẩm Rota và khẳng định: “Không nới lỏng các điều kiện tiêu hôn”.

Hôm 22 tháng Giêng tại Hội trường Clêmentinô, Vatican, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Toà Thượng thẩm Rota trong buổi tiếp kiến thường niên, khai mạc năm tư pháp.

Trong bài huấn từ, Ðức Thánh Cha khẳng định tính bất khả phân ly của hôn nhân và nói rõ tình trạng “đức tin cá nhân chưa trưởng thành” không thể được coi là cớ để tiêu hôn. Ðức Thánh Cha nói với các vị hữu trách Toà Rota: “Cần khẳng định rõ ràng rằng phẩm chất của đức tin không phải là điều kiện cốt yếu trong sự ưng thuận kết hôn”.

Một vấn đề được đặt ra trong những năm gần đây là: liệu có cần “trưởng thành về đức tin” hoặc “có đức tin tối thiểu” giữa hai người đã được rửa tội mới mang lại hiệu lực cho hôn nhân chăng. Sở dĩ đặt ra vấn đề này chủ yếu là vì có nhiều người “được rửa tội nhưng không tin”. Những người này được rửa tội hồi còn nhỏ nhưng bản thân lại không lĩnh hội đức tin mình đã nhận lúc chịu phép Rửa tội.

Nghịch lý này đã được Uỷ ban Thần học Quốc tế, cơ quan tư vấn của Bộ Giáo lý Ðức Tin, nêu lên hồi thập niên 1970, đồng thời cũng được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nhiều lần nói tới, đặc biệt trong huấn từ tại buổi tiếp kiến Toà Rota năm 2013, ngài khẳng định: “Hôn ước bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, đối với những mục đích của bí tích, không đặt ra yêu cầu về đức tin cá nhân đối với những người tiến đến hôn nhân; điều kiện tối thiểu mà hôn ước này đặt ra là ý muốn thực hiện những gì Hội Thánh yêu cầu”.

Vấn đề này cũng đã được đặt ra tại hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình vừa qua, và nhiều ý kiến được nêu lên về việc yêu cầu phải có “đức tin tối thiểu” khi Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành hai Tự sắc, trong tháng Chín 2015, về cải tổ quy tắc giáo luật liên quan đến các vụ tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

Tuy nhiên, phát biểu của Ðức Thánh Cha với Toà Rota hôm nay đặc biệt khẳng định “đức tin tối thiểu” không phải là yêu cầu đặt ra đối với hôn nhân thành sự giữa hai người đã được rửa tội.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Thụy Điển

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Thụy Điển vào ngày 31-10 năm nay, và cùng chủ tọa buổi tưởng niệm đại kết tại thành phố Lund nhân kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách Tin Lành vào năm 2017.

Thông cáo chung của Công Giáo và Liên hiệp Tin Lành Luther công bố hôm 25-1-2016 cho biết buổi tưởng niệm sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Giám Mục Munib Younan, Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới, và Mục Sư Martin Junge, Tổng thư ký của liên hiệp này, chủ tọa. Buổi lễ được sự cộng tác của Giáo Hội Thụy Điển và giáo phận Công Giáo Stockholm.

Việc tưởng niệm chung sẽ làm nổi bật những tiến bộ đại kết giữa Công Giáo và Tin Lành Luther, những hồng ân cho nhau xuất phát từ cuộc đối thoại. Biến cố này sẽ bao gồm một buổi lễ chung dựa trên cẩm nang phụng vụ Công Giáo - Luther (Common Prayer) mới xuất bản.

Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, giải thích rằng: “Cùng nhau tập trung vào đặc tính trọng yếu của vấn đề Thiên Chúa và một lối tiếp cận có trọng tâm là Chúa Kitô, các tín hữu Luther và Công Giáo sẽ có cơ hội cử hành việc tưởng niệm đại kết về cuộc Cải Cách, không phải như một cách thức thực tiễn, nhưng với cảm thức sâu xa về niềm tin nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại”

5. Nhận định của Rabbi trưởng Do Thái Giáo tại Rôma về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo chí, Rabbi Riccardo Di Segni, là rabbi trưởng Do Thái Giáo tại Rôma, đã thảo luận về tầm quan trọng của chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Đại Hội Đường Do Thái ở Rôma hôm 17 tháng Giêng vừa qua.

Theo Rabbi Riccardo Di Segni, chuyến viếng thăm vào năm 1986 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là “một cuộc cách mạng, một dòng thác lũ” vị giáo sĩ đã nói như trên với tờ Corriere della Sera, tức là Tin Chiều. Trong khi đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, người đã đến thăm Đại Hội Đường này vào năm 2010 “đã có một mối quan hệ đặc biệt với Do Thái giáo và muốn nhấn mạnh đến tính liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước. Phong cách của ngài là tín lý, thần học, thông thái, cũng như nghi lễ.”

Vị Rabbi Trưởng tại Rôma nhận xét rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có một phong thái là “chào đón trực tiếp một số lượng đông nhất những người có thể”. Vị giáo sĩ Do Thái nói tiếp rằng “Ngày nay, nhiều người coi tôn giáo là nguồn gốc của hận thù, bạo lực, phá hủy. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi được thiết kế để gửi một thông điệp ngược lại: Sự đa dạng tôn giáo là một minh chứng cho sự chung sống hòa bình”

Rabbi Di Segni nói thêm rằng ông vẫn trao đổi thư từ, “luôn luôn được viết tay,” với Đức Giáo Hoàng danh dự, và rằng ông đã có một vài cuộc trò chuyện riêng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô về một loạt các chủ đề, bao gồm Dòng Tên và Do Thái giáo. Ông nhớ lại rằng người kế vị ngay sau Thánh Inhaxiô Loyola, tức là cha Diego Laynez, là hậu duệ của người Do Thái, đã cải đạo sang Công Giáo.

6. Đức Thánh Cha tiếp kiến phái đoàn đại kết Phần Lan.

Sáng thứ Hai 18 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp một phái đoàn đại kết từ Phần Lan đến Rôma hành hương nhân dịp lễ thánh Henry được mừng vào ngày 19 tháng Giêng hang năm.

Thánh Henry là một giáo sĩ người Anh thời Trung cổ, làm Tổng giám mục Uppsala. Phần đất này hiện nay thuộc Thụy Ðiển. Ngài đã đến rao giảng Tin Mừng tại Phần Lan và tại đây, ngài được cả người Công Giáo lẫn Tin Lành tôn kính.

Phái đoàn do Bà giám mục Irja Askola, thuộc Giáo Hội Luther tại Helsinki, hướng dẫn. Giáo Hội Luther tại Phần Lan là tổ chức tôn giáo chính của đất nước ở vùng Bắc Âu này, một trong những quốc gia thế tục hóa cao nhất thế giới.

Chuyến viếng thăm này của phái đoàn Phần Lan cũng nằm trong khuôn khổ của Tuần cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu như Đức Thánh Cha đã nhắc đến trong bài diễn văn của ngài. Ngài nói:

“Quý tín hữu Luther, Chính thống giáo và Công Giáo thân mến, quý vị đã khám phá điều chúng ta có chung với nhau và muốn cùng nhau làm chứng về Ðức Giêsu Kitô vốn là nền tảng của sự hiệp nhất”.

Đức Thánh Cha đã hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong cuộc đối thoại giữa Giáo Hội Luther và Công Giáo, khi ngài nhắc lại bản “Tuyên bố chung về vấn đề công chính hóa”, một văn kiện được công bố năm 1999 đã đặt “cơ sở cho cuộc đối thoại hướng tới việc giải thích được các bên chấp nhận trên bình diện bí tích về các ý niệm như Giáo Hội, Thánh Thể và thừa tác vụ”. Văn kiện này khẳng định rằng “con người, về phần rỗi của mình, hoàn toàn phụ thuộc vào ân sủng cứu độ của Thiên Chúa.”

Nhờ sự trình bày chung này giữa Công Giáo và Tin Lành Luther mà các quan hệ đại kết hiện nay đều mang dấu ấn “của một tinh thần thảo luận trong sáng và chia sẻ huynh đệ.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở rằng vẫn còn những khác biệt, cả trên lĩnh vực giáo lý, nhưng những khác biệt này không làm chúng ta “nản lòng”, mà lại “thúc đẩy chúng ta cùng nhau tiếp tục con đường tiến tới một sự hiệp nhất luôn luôn tốt đẹp hơn qua việc vượt lên trên các quan niệm và thái độ ngập ngừng đã lỗi thời. Trong một thế giới ngày càng mang dấu ấn của chủ nghĩa thế tục hóa và của sự thờ ơ, chúng ta được mời gọi đoàn kết với nhau để dấn thân trong việc tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô, bằng cách mỗi ngày mỗi trở nên những chứng nhân khả tín hơn của sự hiệp nhất và những tác nhân của hoà bình và hoà giải.”

Kế đó, các đại diện của ba Giáo Hội đã đọc chung với nhau kinh “Lạy Cha”.

7. Lịch sử Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.

Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

8. Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi giới doanh nhân và chủ xí nghiệp nghĩ đến người nghèo trong cuộc “cách mạng công nghệ thứ tư”.

Lời kêu gọi được Đức Thánh Cha đưa ra trong sứ điệp gửi Diễn Đàn Kinh tế thế giới tiến hành từ hôm 20 tháng Giêng đến tháng Giêng tại Davos bên Thụy Sĩ, với chủ đề “Nắm vững cuộc cách mạng công nghệ thứ tư”. Tham dự diễn đàn có hơn 2,500 nhân vật chính trị và kinh tế thuộc hàng quan trọng nhất đến từ các nước trên thế giới.

Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã trao Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho vị sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn này là Giáo Sứ Klaus Schwab.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh tới một khía cạnh tiêu cực của Cuộc cách mạng công nghệ thứ 4, đó là giảm bớt công ăn việc làm do sự gia tăng sử dụng các Robot tối tân và các nguyên do khác. Những nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy hiện có hàng trăm triệu người thất nghiệp trên thế giới. “Sự tài chánh hóa và kỹ thuật hóa các nền kinh tế quốc gia và hoàn vũ đã tạo nên những thay đổi sâu rộng trong lãnh vực công việc làm. Giảm bớt những cơ hội tìm được việc làm xứng đáng và nhiều lợi ích, cùng với sự giảm bớt bảo hiểm an sinh xã hội, đang gây lo âu, làm gia tăng sự chênh lệch và nghèo đói ở nhiều quốc gia”.

Trước tình trạng đó, Đức Thánh Cha kêu gọi đề ra những kiểu mẫu doanh nghiệp mới, trong khi phát triển những kỹ thuật tân tiến, làm sao để có thể sử dụng các kỹ thuật đó để kiến tạo công việc làm xứng đáng cho mọi người, nâng đỡ và củng cố các quyền lợi xã hội và bảo vệ môi sinh. Con người phải hướng dẫn sự phát triển công nghệ mà không để cho nó thống trị mình!”

Đức Thánh Cha viết thêm rằng: “Một lần nữa tôi kêu gọi tất cả quí vị: “Đừng quên người nghèo!”. Đó là thách đố thứ nhất mà quí vị đang có trước mặt trong tư cách là những người lãnh đạo trong thế giới doanh nghiệp. “Ai có những phương tiện để sống một đời sống xưng đáng, thay vì bận tâm lo kiếm những đặc ân, cần phải tìm cách giúp đỡ những người nghèo nhất để họ có được những điều kiện sống tôn trọng phẩm giá con người, đặc biệt là qua sự phát huy tiềm năng của họ về mặt nhân bản, văn hóa, kinh tế và xã hội” (Diễn văn trước các vị lãnh đạo và ngoại giao đoàn, Bangui, 29-11-2015)

Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng: “Chúng ta đừng bao giờ để cho nền văn hóa sung túc làm cho chúng ta không còn nhạy cảm, và không còn khả năng cảm thương trước tiếng kêu đau khổ của tha nhân, đến độ chúng ta không còn khóc nữa trước thảm cảnh của người khác, cũng như không quan tâm săn sóc họ, như thể tất cả những điều ấy không phải là trách nhiệm của chúng ta, không liên hệ tới chúng ta” (Evangelii gaudium, 54).

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Qua các phương thế đối thoại ưu tiên, Diễn Đàn kinh tế thế giới có thể trở thành một Diễn đàn bảo vệ và gìn giữ thiên nhiên, và để đạt tới một sự tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, xã hội hơn và có tính chất toàn diện hơn” (Laudato sí, 112), với sự để ý cần phải có đối với những mục tiêu môi sinh và gia tăng nỗ lực tối đa để đạt tới mục tiêu xóa bỏ nghèo đói như đã được ấn định trong chương trình hành động từ nay tới năm 2030 về sự phát triển dài hạn và Hiệp định Paris về sự thay đổi khí hậu”

9. Sứ điệp Ngày thế giới truyền thông xã hội

Ngày thế giới truyền thông xã hội năm nay sẽ được cử hành vào Chúa Nhật thứ 7 sau phục sinh, mùng 8-5-2015, với chủ đề: “Truyền thông và lòng thương xót: một cuộc gặp gỡ phong phú”.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha có đoạn viết: “Chúng ta được kêu gọi đả thông với tất cả mọi người trong tư cách là con cái Thiên Chúa, không loại trừ một ai. Đặc biệt chính ngôn ngữ và hoạt động của Giáo Hội thông truyền lòng thương xót, đến độ đánh động tâm hồn con người và nâng đỡ họ trên con đường tiến về cuộc sống sung mãn là Chúa Giêsu Kitô, được Chúa Cha sai đến để mang sự sống ấy cho tất cả mọi người. Vấn đề ở đây là tiếp nhận vào tâm hồn chúng ta và phổ biến quanh chúng ta hơi ấm của Mẹ Giáo Hội, để Chúa Giêsu được mọi người nhận biết và yêu mến; hơi ấm ấy mang lại sức mạnh cho những lời đức tin và thắp lên trong các bài giảng và chứng tá tia lửa làm cho những lời đức tin được sinh động”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng:

“Thật là đẹp dường nào khi thấy những người dấn thân cân nhắc kỹ lưỡng những lời nói và cử chỉ để vượt thắng những hiểu lầm, chữa lành ký ức đã bị tổn thương, và kiến tạo an bình và hòa hợp. Những lời nói có thể bắc những nhịp cầu giữa con người, các gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc với nhau. Điều này cần được diễn ra trong lãnh vực thể lý cũng như trong lãnh vực kỹ thuật số (digital). Vì thế, những lời nói và hành động phải làm sao để giúp chúng ta ra khỏi những vòng lẩn quẩn lên án và báo thù tiếp tục đưa các cá nhân và quốc gia vào những cạm bẫy, khiến họ biểu lộ bằng những sứ điệp oán ghét nhau”.

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha cũng cầu mong rằng “ngôn ngữ chính trị và ngoại giao được soi sáng nhờ lòng từ bi thương xót, không bao giờ coi điều gì là bị mất mát hoàn toàn. Nhất là tội kêu gọi những người có các trách nhiệm trong các cơ quan công quyền, chính trị và trong việc hình thành dư luận quần chúng, hãy luôn cảnh giác về lời ăn tiếng nói đối với những người nghĩ và hành động khác mình, và đối với những người có thể sai lầm. Thật dễ chiều theo cám dỗ khai thác những tình trạng như thế để nuôi dưỡng những ngọn lửa nghi kỵ, bất tín nhiệm nhau, sợ hãi, oán ghét. Trái lại cần có can đảm hướng dẫn con người tới những tiến trình hòa giải, và chính sự táo bạo tích cực và có tinh thần sáng tạo như thế sẽ cống hiến những giải pháp thực sự cho những xung đột cố hữu và mang lại cơ may thực hiện một nền hòa bình lâu bền”.

10. Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

Sáng ngày 20 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các Giám Mục hai nước Sudan và Nam Sudan, nhân dịp các vị về Roma tĩnh tâm và nhóm họp chung.

Cuộc tiếp kiến diễn ra trước khi Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương tại Đại thính đường Phaolo 6. Ngài lắng nghe các Giám Mục trình bày tình hình hai nước, nhất là nhu cầu hòa bình ở miền nam đang bị nội chiến, và tình trạng thiếu ơn gọi ở miền bắc, và đưa ra những đề nghị hướng dẫn. Các Giám Mục tái mời Đức Thánh Cha đến thăm Sudan. Ngài cho biết là sẵn sàng và mong muốn, nhưng nói thêm rằng “Chúng ta hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa”.

Các Giám Mục hai nước Sudan đã tham dự cuộc tĩnh tâm từ 12 đến 18-1 do Bộ truyền giáo thu xếp, và sau đó đã nhóm họp chung, cùng với Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ truyền giáo, Fernando Filoni, cũng như các vị trách nhiệm tại Bộ này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Cha Lukudo Loro, TGM giáo phận Juba, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Sudan, cho biết các Giám Mục đã thảo luận với Bộ Truyền giáo về vấn đề có nên tiếp tục để nguyên Hội Đồng Giám Mục Sudan bao gồm các Giám Mục hai nước, hoặc là tách thành 2 HĐGM. Ngoài ra có vấn đề hiện nay có 4, 5 giáo phận ở Sudan không có Giám Mục, và có nhu cầu thiết lập thêm các giáo phận mới. Sau cùng là vấn đề tài trợ hàng giáo sĩ: Giáo Hội địa phương không đủ khả năng cung cấp phương tiện sinh sống và hoạt động cho các linh mục.

Ở Sudan có ít tín hữu Công Giáo và chỉ có 2 giáo phận là Khartum và El Obeid, với 1 triệu 100 ngàn tín hữu trên tổng số 35 triệu dân, còn tại Nam Sudan có đông tín hữu Công Giáo hơn, gồm 7 giáo phận với 3 triệu tín hữu trên tổng số 8 triệu dân cư