Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Giáo Hoàng và các nhà lãnh đạo các tôn giáo bạn trong video “Ý cầu nguyện trong tháng Giêng”

Trong tháng Giêng 2016, ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha là:

Ý chung: Cầu cho việc đối thoại chân thành giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau, mang lại các kết quả hoà bình và công lý.

Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu, có thể vượt qua những chia rẽ, nhờ các phương thế đối thoại, tình bác ái huynh đệ và ân ban của Chúa Thánh Thần.

Để minh hoạ cho ý cầu nguyện “Cầu cho việc đối thoại chân thành giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau, mang lại các kết quả hoà bình và công lý”, Đức Thánh Cha Phanxicô, một vị nữ Lạt ma, một giáo sĩ Do Thái, một linh mục, và một nhà lãnh đạo Hồi giáo đã xuất hiện trong một đoạn video dài 90 giây.

Hầu hết các cư dân của hành tinh này tuyên bố mình là các tín hữu.

Điều này phải dẫn đến việc đối thoại giữa các tôn giáo.

Chúng ta không nên ngừng cầu nguyện cho điều đó và cộng tác với những ai có suy nghĩ khác biệt.

Nhiều người nghĩ khác, cảm nhận khác khi tìm kiếm Thiên Chúa bằng những cách khác nhau.

Trong đám đông này, trong sự đa dạng này của các tôn giáo, có một xác tín duy nhất chúng ta có chung với nhau: Tấc cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa.

Tôi tin nơi tình yêu.

Tôi hy vọng anh chị em sẽ quảng bá ý cầu nguyện của tôi trong tháng này, đó là:

“Cầu cho việc đối thoại chân thành giữa những người thuộc các tôn giáo khác nhau, mang lại các kết quả hoà bình và công lý”

Tôi vững tin nơi lời cầu nguyện của anh chị em.

Đoạn video dài 90 giây đã được sản xuất bởi tổ chức “Tông đồ cầu nguyện” phối hợp với Trung tâm Truyền hình Vatican. Tưởng cũng nên nói thêm, tổ chức “Tông đồ cầu nguyện” được hình thành từ năm 1844 bởi các chủng sinh dòng Tên tại Pháp.

2. Tờ Quan Sát Viên Rôma chỉ trích mạnh mẽ chủ trương bài tôn giáo của tờ Charlie Hebdo

Tờ L'Osservatore Romano - Quan Sát Viên Rôma – của Tòa Thánh đã chỉ trích mạnh mẽ số báo biếm họa của tờ Charlie Hebdo đánh dấu một năm cuộc tấn công khủng bố nhắm vào tờ báo này. Trong số đặc biệt vừa phát hành, tờ Charlie Hebdo cho rằng niềm tin tôn giáo thúc đẩy bạo lực và là căn cớ của các cuộc chiến tranh trên thế giới.

Số báo biếm họa của tờ Charlie Hebdo phát hành ngày 7 tháng Giêng miêu tả trên trang bìa hình ảnh của Thiên Chúa đang cầm một vũ khí tấn công. Với tiêu đề “Những kẻ sát nhân vẫn còn đào tẩu”, tờ báo công khai lăng mạ Thiên Chúa và xem Ngài là kẻ sát nhân.

Tờ Quan Sát Viên Rôma nhận định rằng:

“Đằng sau những lá cờ lừa đảo của một thứ chủ nghĩa thế tục cực đoan, tờ báo hàng tuần này một lần nữa lại quên đi rằng những nhà lãnh đạo của tất cả các niềm tin tôn giáo không ngừng lặp lại lời lên án tất cả các hình thái bạo lực nhân danh tôn giáo,”

Tờ Quan Sát Viên Rôma nhấn mạnh rằng:

“Dùng Thiên Chúa để biện minh cho sự thù hận là một sự phạm thượng nghiêm trọng, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói nhiều lần.”

Tuy bị những kẻ khủng bố Hồi Giáo tấn công, Hồi Giáo thực ra không phải là đối tượng chính, và cũng chẳng phải là đối tượng duy nhất bị tờ Charlie Hebdo bôi nhọ. Chủ trương xuyên suốt trong nhiều năm của tờ Charlie Hebdo là bôi nhọ tất cả mọi niềm tin tôn giáo, đặc biệt là Kitô Giáo.

3. Cảnh sát Đức nói hàng ngàn người đàn ông Ả rập và Bắc Phi tấn công sách nhiễu tình dục các phụ nữ Công Giáo bên ngoài nhà thờ chính tòa Cologne

Trong khi đám đông tụ tập bên ngoài nhà thờ chính tòa Cologne (Köln) và nhà ga xe lửa kế bên để chúc mừng năm mới, một nhóm rất đông những người đàn ông đã tấn công sách nhiễu các phụ nữ. Các phương tiện truyền thông tại Đức đã đồng loạt đưa tin về biến cố này. Nhiều lời bình luận đã cổ vũ thêm làn sóng bài ngoại và bài Hồi Giáo tại Đức.

Tình hình càng trầm trọng hơn sau khi chính cảnh sát trưởng của thành phố Cologne, ông Wolfgang Albers, mô tả những kẻ tấn công lên đến “hàng ngàn người” với “diện mạo là những người Ảrập và người Bắc Phi,” BBC cho biết như trên.

Nhiều người phụ nữ đầm đìa nước mắt nói khi pháo hoa vừa bắn lên đột nhiên họ thấy mình bị bao vây bởi một nhóm rất đông những người “không nói tiếng Đức cũng chẳng nói tiếng Anh” ôm chầm lấy họ, sách nhiễu tình dục. Tiếng kêu cứu của họ bị lạc trong những tiếng nổ của pháo bông và trong biển người đông đảo của những kẻ tấn công.

Cha Gerd Bachner, là cha sở nhà thờ chính tòa cho biết:

“Những tin tức về vụ tấn công bạo lực vào đêm giao thừa đón năm mới ở phía trước nhà thờ, nhà ga Trung tâm Cologne, và ở các vùng lân cận của nhà thờ, đã làm tôi kinh hoàng”

Cha cảnh giác rằng:

“Bây giờ chúng ta phải hành động thận trọng và đặc biệt quan trọng là phải điều tra kỹ lưỡng vụ việc và đừng kết luận vội. Trên cơ sở đó, tôi tin rằng thành phố, cùng với cảnh sát, sẽ có biện pháp thích hợp để bảo đảm rằng một chuyện tệ hại như vậy sẽ không xảy ra một lần nữa.”

4. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ca ngợi chính sách kiểm soát vũ khí của chính quyền

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp và Phát triển Nhân sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng tán thành phát biểu gần đây của Tổng thống Barack Obama về việc kiểm soát súng.

“Trong một thời gian dài, các giám mục Hoa Kỳ đã kêu gọi phải có các chính sách hợp lý để giúp giảm thiểu bạo lực gây ra bởi các loại vũ khí”, Đức Tổng Giám mục Thomas Wenski của Miami cho biết.

“Trong khi chưa có biện pháp khả thi nào có thể loại bỏ tất cả các hành vi bạo lực liên quan đến vũ khí, chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực hợp lý nhằm bảo vệ mạng sống và làm cho cộng đồng an toàn hơn.”

“Chúng tôi hy vọng Quốc hội sẽ theo đuổi vấn đề này một cách mạnh mẽ hơn, và xem xét tất cả các khía cạnh khác nhau liên quan”.

Ngài nói thêm. “Ngoài những quy định hợp lý, các cuộc thảo luận phải bao gồm việc tăng cường các dịch vụ xã hội cho những người có bệnh tâm thần, trong khi lưu ý rằng phần lớn những người mắc bệnh tâm thần không có khả năng để thực hiện những hành vi phạm tội bạo lực.”

5. Biểu tình chống Ả rập Saudi hành quyết giáo sĩ Hồi Giáo Shiite

Ả rập Saudi đã hành quyết 47 người vào ngày thứ Bảy 2 tháng Giêng, trong đó có một giáo sĩ Hồi Giáo Shiite, người được coi là nhân vật chính đằng sau các cuộc biểu tình chống chính phủ và chống người Hồi Giáo Sunni. Ông bị kết tội tham gia vào các cuộc tấn công gây chết người của bọn khủng bố Al-Qaeda.

Biểu tình dữ dội đã nổ ra tại Iran, Iraq, Bahrain và các nước có đông người Hồi Giáo Shiite để chống lại việc Ả rập Saudi hành quyết một nhóm những người Hồi Giáo Shiite.

Nimr al-Nimr, 56 tuổi, được coi là người chủ chốt trong các cuộc biểu tình nổ ra vào năm 2011 tại Ả rập Saudi nơi đa số dân theo Hồi Giáo Sunni. Người Hồi Giáo Shiite là thiểu số tại quốc gia này và thường than phiền vì tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội và thậm chí là bị bách hại.

Bộ Nội vụ Saudi cho biết 47 người đã bị kết án vì họ cổ vũ cho hệ tư tưởng Hồi Giáo cực đoan “takfiri”, tham gia “các tổ chức khủng bố” và thực hiện nhiều tội phạm “hình sự”.

Các tổ chức nhân quyền trên thế giới đồng loạt lên án các cáo buộc này.

6. Đức Thánh Cha ban phép rửa tội cho 26 em bé

Sáng Chúa Nhật 11-1-2016, lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại nhà nguyện Sistina ở dinh tông tòa và ban phép rửa tội cho 26 em bé, 13 nam và 13 nữ, ít hơn 7 em so với năm ngoái, 2015. Hầu hết các em là người Italia và là con của các nhân viên giáo dân ở Vatican.

Nhà nguyện Sistina nổi tiếng với các bức bích họa kiệt tác của họa sư Michelangelo và đặc biệt là nơi diễn ra các cuộc bầu Giáo Hoàng trong những thế kỷ gần đây.

Tham dự thánh lễ có khoảng 300 người, gồm các em được rửa tội, cùng với song thân và cha mẹ đỡ đầu, và một số thân nhân. Đồng tế và phụ giúp Đức Thánh Cha trong việc rửa tội có 4 vị Giám Mục, đứng đầu là Đức TGM Gaenswein người Đức, Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng, Đức Tổng Giám Mục Krajewski, người Ba Lan, là quan phát chẩn của Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Gloder, giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh và Đức Cha Vérgez, Tổng thư ký Phủ thống đốc thành Vatican.

Thánh lễ rửa tội bắt đầu với cuộc đối thoại giữa Đức Thánh Cha, các cha mẹ và những người đỡ đầu. Đáp câu hỏi của ngài, các cha mẹ đã xướng tên của con cái. Và các cha mẹ xin đức tin Giáo Hội của Thiên Chúa cho con cái mình. Rồi Đức Thánh Cha nói:

“Các cha mẹ thân mến, khi xin phép rửa tội cho con cái anh chị em, anh chị em cam kết giáo dục con cái trong đức tin, để khi tuân giữ các giới răn, các em học yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, như Chúa Kitô đã dạy chúng ta. Anh chị em có ý thức trách nhiệm ấy không?”. Sau lời khẳng định của các cha mẹ, Đức Thánh Cha cũng hỏi những người đỡ đầu xem họ có sẵn sàng giúp các cha mẹ trong nghĩa vụ quan trọng như thế không? Mọi người đều thưa có.

Tiếp đến, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha, các cha mẹ và những người đỡ đầu ghi dấu thánh giá trên mỗi hài nhi liên hệ.

Trong bài giảng ứng khẩu sau bài Phúc Âm, Đức Thánh Cha đi từ lời xin của các cha mẹ thỉnh cầu Giáo Hội ban đức tin cho các con cái mình, để đưa ra những lời nhắn nhủ cụ thể cho các cha mẹ. Ngài nói:

40 ngày sau khi sinh ra, Chúa Giêsu được Mẹ Maria và thánh Giuse đưa vào Đền thờ để dâng cho Thiên Chúa. Hôm nay, lễ Chúa chịu phép rửa, anh chị em là các bậc cha mẹ đưa con cái đến đây để lãnh nhận phép rửa tội, để nhận điều mà anh chị em đã xin đầu buổi lễ này, khi tôi đặt câu hỏi cho anh chị em, anh chị em thưa: đức tin! “con muốn đức tin cho con của con!”. Và như thế đức tin được truyền từ đời này sang đời khác, như một dây xích kéo dài qua các thời đợi.

Các hài nhi nam nữ này, sau nhiều năm, sẽ nhận chỗ của anh chị em với một người con khác, các cháu nội ngoại của anh chị em, và chúng cũng sẽ xin cùng một điều, đó là đức tin; đức tin mà phép rửa mang lại cho chúng ta; đức tin mà Chúa Thánh Linh, ngày hôm nay, mang vào trong con tim, trong linh hồn, trong đời sống của những người con này. Anh chị em đã xin đức tin. Giáo Hội, khi trao cho anh chị em cây nên sáng, sẽ dặn anh chị em hãy gìn giữ đức tin nơi các trẻ em này. Vào sau cùng, anh chị em đừng quên rằng gia sản lớn nhất mà anh chị em có thể cho con cái chính là đức tin; anh chị em hãy cố gắng để đức tin ấy không bị mất đi, hãy làm cho đức tin được tăng trưởng và truyền lại như một gia sản. Đức Thánh Cha nói thêm rằng: Đó là điều tôi cầu chúc anh chị em hôm nay, là một ngày vui mừng cho anh chị em: tôi cầu chúc anh chị em có khả năng làm các trẻ em này được lớn lên trong đức tin và gia tài lớn nhất mà các em sẽ nhận từ anh chị em chính là đức tin.

Tôi xin dặn điều này: khi một em bé khóc, là vì các em đói. Tôi nói với các bà mẹ rằng: Nếu con của bà đói, thì cứ tự do cho con ăn ở đây nhé”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy dâng lên Chúa Cha, là nguồn mạch sự sống, lời khẩn nguyện của chúng ta cho các trẻ em này, được kêu gọi trở thành dưỡng tử trong Chúa Giêsu Kitô, cầu cho các cha mẹ, những người đỡ đầu và tất cả những người được chịu phép rửa.

Đó cũng là ý nguyện được mọi người cầu trong phần lời nguyện giáo dân. Cộng đoàn không quên cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và tất cả các mục tử của dân Chúa, xin Chúa làm cho việc loan báo Tin Mừng được hiệu quả nơi tâm hồn những người chưa biết Chúa Giêsu Kitô, cầu cho các gia đình là những Giáo Hội tại gia: xin Chúa làm cho ơn bí tích hôn phối được sinh động và ban cho các gia đình được khả năng giáo dục con cái sống đức tin. Đặc biệt mọi người cũng cầu nguyện cho các trẻ em đang bị ngược đãi, chịu đói và bệnh tật: xin Chúa soi sáng cho nhiều người nam nữ biết cúi mình trên các em với lòng bác ái không biết mệt mỏi và niềm hy vọng kiên trì.

Buổi lễ được tiếp tục với kinh cầu các thánh, nghi thức trừ tà và xức dầu dự tòng do các vị Giám Mục giúp Đức Thánh Cha thực hiện trên ngực của mỗi em bé. Rồi ngài làm phép nước, và đón nhận lời tuyên thệ từ bỏ Satan, tuyên xưng đức tin, sau đó Đức Thánh Cha lần lượt đổ nước trên đầu rửa tội cho mỗi em bé, xức dầu thánh, sau cùng là nghi thức trao áo trắng và nến sáng. Trong lời dẫn nhập trước khi đọc kinh Lạy Cha, Đức Thánh Cha nhắn nhủ mọi người rằng “các em bé này được tái sinh trong phép Rửa Tội, được gọi và thực sự là con Chúa. Trong bí tích Thêm Sức, các em sẽ lãnh nhận sung mãn Thánh Linh; khi đến bàn thờ Chúa, các em sẽ tham dự bàn tiệc hy tế của Chúa, và trong cộng đồng anh chị em, các em có thể ngỏ lời với Thiên Chúa và gọi Người là Cha. Giờ đây nhân danh các em, trong tinh thần con cái Thiên Chúa, mà tất cả chúng ta đã nhận lãnh, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện như Chúa đã dạy chúng ta”.

7. Di hài thánh Piô và Leopoldo Mandic sẽ được đưa về Roma.

Di hài hai vị thánh nổi bật về sứ vụ giải tội sẽ được đưa về Roma cho các tín hữu kính viếng nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Ðó là Cha Thánh Piô (1877-1968) và thánh Leopoldo Mandic (1866-1942) gốc Croát, cả hai đều thuộc dòng Phanxicô Capuchino. Theo ý muốn của Ðức Thánh Cha Phanxicô, di hài hai vị thánh sẽ được đưa về Ðền thờ Thánh Phêrô, trong dịp ngài cử hành thánh lễ đồng tế trọng thể vào ngày thứ tư lễ tro, 10 tháng 2 năm 2016, với các thừa sai Lòng Thương Xót.

Di hài hai thánh sẽ được di chuyển khoảng 400 cây số từ thành Padova bắc Italia và từ San Giovanni Rotondo nam Italia về Vương cung thánh đường thánh Lorenzo chiều ngày 3 tháng 2 năm 2016. Thánh đường này được giao cho các cha dòng Capuchino coi sóc. Chiều ngày 5 tháng 2 năm 2016, di hài hai thánh sẽ được rước về Ðền thờ Thánh Phêrô

Sáng thứ Bẩy, 6 tháng 2 năm 2016, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha sẽ tiếp kiến chung các tín hữu thuộc gần 2,500 nhóm cầu nguyện của Cha Piô, các nhân viên Bệnh viện “Nhà Thoa dịu đau khổ” do Cha Thánh Piô thành lập, cùng với các tín hữu thuộc tổng giáo phận Manfredonia - Veste - San Giovanni Rotondo, nơi thánh nhân đã sinh sống và hoạt động.

Sáng thứ Ba 9 tháng 2 năm 106, Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với các tu sĩ Capuchino toàn thế giới, một dòng hiện có hơn 10,600 tu sĩ.

Thứ tư lễ tro 10 tháng 2 năm 2016, trong thánh lễ đồng tế trọng thể tại Ðền thờ thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha sẽ ủy thác cho khoảng 1 ngàn vị Thừa sai lòng Thương Xót sứ mạng trở thành “dấu chỉ lòng thương yêu từ mẫu của Giáo Hội đối với Dân Chúa.. Các thừa sai này sẽ được các Giám Mục sai đi các nơi trong các giáo phận thuộc quyền để linh hoạt dân Chúa và thi hành các sáng kiến liên quan đến Lòng Thương Xót, giải tội, giải vạ.

Sáng thứ Năm 11 tháng 2 năm 2016, sau thánh lễ do Ðức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng chủ sự, di hài hai vị thánh sẽ được đưa về nơi an nghỉ của các ngài.

8. Báo La Croix phê bình báo châm biếm Charlie Hebdo.

Nhật báo Công Giáo La Croix, tức là Thánh Giá, ở Pháp, đã phê bình báo châm biếm Charlie Hebdo vì cho rằng “Thiên Chúa là kẻ sát nhân”.

Hôm 7 tháng Giêng, là kỷ niệm đúng 1 năm 12 ký giả tuần báo châm biếm Charlie Hebdo bị một nhóm khủng bố Hồi giáo tấn công và giết hại vì đã nhiều lần đăng những hí họa châm biếm ngôn sứ Mohamed của Hồi giáo. Nhân kỷ niệm biến cố này báo Charlie Hebdo đã ấn hành số đặc biệt với 1 triệu bản, trang bìa có vẽ hình Thiên Chúa, theo kiểu Kitô giáo, lưng đeo súng AK và có tựa đề “Kẻ sát nhân vẫn còn đào tẩu”.

Trong bài xã luận tựa đề “Charlie Hebdo, Thiên Chúa là kẻ sát nhân sao?”, Ông Guillame Goubert, chủ nhiệm báo La Croix viết: “Không phải Thiên Chúa sát nhân, nhưng chính con người. Hơn thế nữa, lịch sử đã chỉ ra rằng chính những kẻ sát nhân tuyên bố không cần Thiên Chúa là những kẻ đã thực hiện những cuộc tàn sát với quy mô rất rộng lớn. Các ý thức hệ giết người nhiều nhất trong thế kỷ 20, Ðức quốc xã và Staline, chẳng liên hệ gì đến tôn giáo, thậm chí chúng còn chống tôn giáo.”

Ông Guillame Goubert nhấn mạnh rằng:

“Không phải Thiên Chúa giết người, mà là con người. Nhưng Thiên Chúa cần con người để làm điều tốt lành. Và nhiều người đang làm. Những anh hùng lớn nhất của sự bất bạo động là những người nam nữ có đức tin: Gandhi, Martin Luther Kinh, Dorothy Day, Lech Walesa.. Nhiều người, ngày qua ngày, đang tìm được nơi niềm tin của họ không phải chất liệu oán thù, nhưng là năng lực yêu thương và can đảm tha thứ. Thiên Chúa biết thế giới đang cần những người ấy”.

Hội đồng Giám Mục Pháp cũng như Hội đồng Hồi giáo ở Pháp cũng phê bình hí họa của báo Charlie Hebdo.

Cách đây gần 1 năm, ngày 19 tháng 1 năm 2015, trên chuyến bay đi Phi Luật Tân, Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng phê bình sự lạm dụng tự do ngôn luận để xúc phạm đến tín ngưỡng và các tín hữu. Ngài nói: “Không thể liên tục lăng mạ, xúc phạm và khiêu khích người khác, vì làm như vậy có nguy cơ làm cho họ nổi giận, và bị những phản ứng bất công”.

9. Cuộc rước Giáng Sinh Chính Thống Giáo tại Georgia

Các tín hữu Chính thống Georgia đã mừng lễ Giáng sinh ở thủ đô Tbilisi bằng một cuộc rước bác ái trên đường phố gọi là “Alilo.” Cuộc rước truyền thống với một lịch sử dài hàng trăm năm đã bị cấm triệt để dưới thời Xô Viết, nhưng các bài hát mừng Giáng Sinh truyền thống vẫn tiếp tục được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các bài hát được hát bằng các hình thức khác nhau trong tất cả các miền của Georgia, nhưng tất cả các phiên bản đều tập trung vào các chủ đề Kinh Thánh như ý nghĩa sự ra đời của Chúa Kitô.

Những người tham gia diễu hành mặc trang phục dân tộc, và nhiều người miêu tả các nhân vật Kinh Thánh trích từ những câu chuyện Chúa giáng sinh như người chăn chiên, chiến sĩ La Mã và các nhân vật tôn giáo khác. Hàng ngàn người, dẫn đầu bởi giáo sĩ đi qua trung tâm của Tbilisi, thỉnh thoảng dừng lại để thu nhận những món quà và những đóng góp từ các tổ chức khác nhau, các chính trị gia và công chúng.

Chủ tịch Quốc hội Georgia David Bakradze cũng tham gia diễu hành, với các nghị sĩ khác với những giỏ quà tặng.

Ông nói: “Đây là một hình thức mừng Giáng Sinh truyền thống của Georgia, đã được khôi phục vài năm trước đây và đó là một cử hành dành cho niềm vui, dành cho lòng bác ái, hạnh phúc và đó là tất cả về Giáng sinh. Nói về Giáng sinh là nói về hạnh phúc, về những nghĩa cử bác ái, và về những quà tặng đem lại những cảm xúc tích cực cho người khác. Vì vậy, đây là lễ vui mừng và bạn nhìn thấy rất nhiều người tham gia, tất cả mọi người đều hạnh phúc và chúng tôi cố gắng đặt chuyện chính trị sang một bên, đặt sự khác biệt sang một bên và tham gia như mọi người bình thường trong niềm vui, mà bạn nhìn thấy xung quanh trên đường phố, “.

Lãnh đạo của Giáo Hội Chính Thống Georgia là Đức Thượng Phụ Ilia là người đã cố gắng rất nhiều để làm sống lại cuộc rước bác ái trên đường phố Alilo sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, khi Georgia tuyên bố độc lập; đã bày tỏ sự hài lòng của mình khi thấy đông đảo dân chúng tham gia trong lễ hội này.

10. Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Phóng sự: Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Sáng thứ Hai 11 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến đoàn ngoại giao cạnh Tòa Thánh, gồm đại diện của 180 quốc gia và tổ chức quốc tế có quan hệ trên cấp đại sứ, cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới.

Trong dịp này, Đức Thánh Cha đã đặc biệt lưu ý cộng đồng quốc tế cần quan tâm và giải quyết hợp lý vấn đề làn sóng người di dân. Đây cũng là dịp để Đức Thánh Cha kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự hiện nay.

Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ của nước Angola, Ông Armindo Fernandes do Espírito Santo Vieira, Đức Thánh Cha đã lên tiếng chào thăm tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn, và hài lòng ghi nhận trong năm qua, con số các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh thường trú ở Rôma đã gia tăng từ 80 lên 86 vị. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến việc ký kết và phê chuẩn các hiệp định giữa Tòa Thánh và các nước trong năm qua, kể cả hiệp định với Palestine, hiệp định về thuế khóa với Italia và Hoa Kỳ. Ngài cũng nói đến những nét nổi bật trong các cuộc viếng thăm ngài thực hiện trong năm qua tại Philippines, Sri Lanka, Sarajevo, 3 nước Nam Mỹ, Cuba, Hoa Kỳ, LHQ, và 3 nước Phi châu: Kenya, Uganda, và Cộng hòa Trung Phi. Sau cùng Đức Thánh Cha nói đến việc mở Năm Thánh lòng thương xót. Trong phần kế tiếp, Đức Thánh Cha đặc biệt nói đến vấn đề di dân trong thế giới ngày nay, nhất là tại Âu Châu, với những vấn đề đi kèm. Ngài nói:

Quí vị Đại sứ thân mến, tinh thần cá nhân chủ nghĩa là mảnh đất phì nhiêu làm bành trướng cảm thức dửng dưng lãnh đạm đối với tha nhân, đưa tới thái độ đối xử với họ như một món hàng mua bán, dẫn tới sự không quan tâm gì tới nhân tính của người khác và rốt cục làm cho con người yếu nhược và có tâm trạng “sống chết mặc bay”. Phải chăng đó chẳng phải là những tâm tình mà nhiều khi chúng ta có đứng trước những người nghèo, người ở ngoài lề, những người rốt cùng trong xã hội sao? Và bao nhiêu người rốt cùng trong các xã hội chúng ta! Trong số những người ấy, tôi nghĩ trước tiên tới những người di dân, với những khó khăn và đau khổ của họ, mà họ phải đương đầu hằng ngày trong việc tìm kiếm một nơi để sống an bình và xứng đáng, nhiều khi cuộc tìm kiếm của họ thật là tuyệt vọng.

Vì thế, hôm nay, tôi muốn dừng lại để cùng với quí vị suy tư về sự cấp thiết trầm trọng của làn sóng di cư mà chúng ta đang gặp, để phân định những nguyên do của nó, hướng đến những giải pháp, chiến thắng thái độ sợ hãi không thể tránh né đi kèm một hiện tượng ồ ạt và rộng lớn như vậy, liên hệ đặc biệt tới Âu Châu trong năm 2015, và cả một số miền ở Á châu và Trung Mỹ.

“Đừng sợ và kinh hãi, vì Chúa là Thiên Chúa của ngươi ở với ngươi, dù ngươi đi đâu” (Gs 1,9). Đó là lời mà Thiên Chúa hứa với Ông Giôsuê và cho thấy Chúa tháp tùng mỗi người dường nào, nhất là người ở trong tình cảnh mong manh như người đang tìm nơi tị nạn ở nước ngoài. Thực vậy, toàn thể Kinh Thánh kể lại cho chúng ta lịch sử nhân loại lữ hành, vì tình trạng di động là điều gắn liền với bản tính con người. Lịch sử loài người được hình thành với bao nhiêu cuộc di dân, nhiều khi diễn ra như một ý thức về quyền tự do chọn lựa, nhưng đôi khi do những hoàn cảnh bên ngoài đòi hỏi. Từ cuộc lưu vong khỏi vườn địa đàng của A dong và Evà cho đến hành trình tiến về đất hứa của Abraham; từ trình thuật cuộc Xuất Hành khỏi Ai Cập đến cuộc lưu đày ở Babilon, Kinh Thánh kể lại những cơ cực và đau khổ, ước muốn và hy vọng, giống như tình trạng hàng trăm ngàn người lữ hành ngay nay, với cùng quyết tậm của Môisê đạt tới một miền đất “chảy sữa và mật” (Xc Xh 3,17), nơi họ có thể sống tự do và an bình.

Vì thế, ngày nay cũng như xưa kia, chúng ta nghe thấy tiếng kêu của Rachele khóc thương con bà không còn nữa (Xc Gr 31,15; Mt 2,18). Đó là tiếng của hàng ngàn người khóc lóc trốn chạy những cuộc chiến tranh khủng khiếp, những cuộc bách hại và vi phạm các quyền con người, hoặc tình trạng bấp bênh về chính trị hay xã hội, nhiều khi làm cho cuộc sống của họ ở quê hương trở nên không thể sống nổi. Đó là tiếng kêu của những người buộc lòng phải trốn chạy để tránh những hành động dã man khôn tả đối với những người vô phương thế tự vệ, như các trẻ em và người khuyết tật, hoặc cuộc tử đạo chỉ vì thuộc về một tôn giáo.

Cũng như hồi đó, nay chúng ta nghe tiếng của Giacop nói với các con ông: “Hãy đi xuống đó và mua thóc về cho chúng ta để chúng ta có thể sống và không phải chết” (St 42,2). Đó là tiếng của những người trốn chạy lầm than cùng cực, vì không thể nuôi sống gia đình hoặc không được săn sóc sức khỏe, giáo dục, hoặc vì tình trạng sa sút, không có hy vọng cải tiến, hoặc cũng vì những thay đổi khí hậu và điều kiện khí hậu cùng cực. Rất tiếc là, chúng ta biết nạn đói vẫn còn là một trong những tai ương trầm trọng nhất của thế giới chúng ta với hàng triệu trẻ em mỗi năm chết vì đói. Nhưng điều đau buồn là chúng ta nhận thấy rằng nhiều khi chính những người di dân ấy không được thuộc vào các hệ thống bảo vệ dựa trên căn bản các hiệp định quốc tế.

Làm sao không nhận thấy tất cả những điều đó là kết quả của “nền văn hóa gạt bỏ” gây nguy hiểm cho con người, hy sinh con người cho các thần tượng lợi lộc và tiêu thụ? Điều trầm trọng là chúng ta trở nên quá quen thuộc với những tình trạng nghèo đói và túng thiếu ấy, những thảm trạng của bao nhiêu người và coi chúng là “những điều bình thường”. Con người không còn được cảm thấy như một giá trị hàng đầu phải tôn trọng và bảo vệ, nhất là nếu họ là người nghèo hoặc khuyết tật, hay nếu họ chưa hữu ích - như những trẻ em chưa sinh ra - hoặc không còn hữu ích nữa, như người già. Chúng ta trở nên vô cảm đối với mọi hình thức phung phí, bắt đầu từ sự phung phí lương thực, là điều thuộc vào số đáng trách nhất, trong khi có nhiều cá nhân và gia đình đang chịu đói và thiếu dinh dưỡng.

Tòa Thánh cầu mong Hội nghị Thượng Đỉnh thế giới đầu tiên về nhân đạo, được Liên Hiệp Quốc triệu tập vào tháng 5 tới đây , có thể thành công trong khung cảnh đau buồn ngày nay với các cuộc xung đột và tai ương, với ý hướng đặt con người và nhân phẩm ở trọng tâm mọi câu trả lời về nhân đạo. Cần có một sự dấn thân chung để quyết liệt lật ngược nền văn hóa gạt bỏ và xúc phạm đến sự sống con người, để không một ai cảm thấy bị lơ là hoặc quên lãng, và những sinh mạng khác không bị hy sinh vì thiếu tài nguyên, và nhất là vì ý chí chính trị.

Tiếc thay, ngày nay cũng như xưa kia, chúng ta nghe thấy tiếng của Giuda đề nghị bán em mình (Xc St 37,26-27). Đó là sự kiêu hãnh của những kẻ cường quyền lạm dụng người yếu, biến họ thành những đồ vật để phục vụ cho những mục tiêu ích kỷ hoặc những tính toán chiến lược và chính trị. Nơi nào không thể có một sự di trú hợp pháp, thì những người di dân thường buộc lòng phải chọn giải pháp nhờ những kẻ buôn người hoặc buôn lậu, tuy phần lớn đều biết rõ những nguy cơ trong cuộc lữ hành sẽ bị mất của cải, phẩm giá và cả mạng sống nữa. Trong viễn tượng đó, một lần nữa tôi tái kêu gọi chấm dứt nạn buôn người, nạn biến con người thành món hàng, nhất là những người yếu thế nhất và vô phương tự vệ. Trong tâm trí chúng ta vẫn luôn ghi đậm hình ảnh những trẻ em bị chết trên biển cả, nạn nhân của sự vô lương tâm của con người và sự độc địa của thiên nhiên. Rồi những người sống sót và đến một quốc gia đón nhận, họ mang những chấn thương sâu đậm về kinh nghiệm ấy, không kể những kinh nghiệm về những kinh hoàng vẫn xảy ra trong chiến tranh và bạo lực.

Như xưa kia, ngày nay người ta cũng nghe Thiên Thần lập lại: “Hãy trỗi dậy, mang hài nhi và mẹ Người, trốn sang Ai Cập và hãy ở đó cho đến khi Ta sẽ báo lại cho ông” (Mt 2,13). Đó là tiếng nói mà nhiều người di dân nghe thấy, họ là những người sẽ không rời bỏ quê hương nếu không bị bó buộc. Trong số những người ấy có nhiều tín hữu Kitô, ngày càng ồ ạt rời bỏ quê hương trong những năm gần đây, quê hương mà họ đã cư ngụ từ thời đầu của Kitô giáo.

Sau cùng, ngày nay chúng ta cũng nghe tiếng của tác giả thánh vịnh lập lại: “Trên bờ sông Babilone, ta ngồi ta khóc, ta nhớ Sion” (Tv 136 [137], 1). Đó là tiếng khóc của những người sẵn sàng trở về quê hương họ nếu có những điều kiện thuận lợi về an ninh và sinh tồn. Nơi đây tôi cũng nghĩ đến các tín hữu Kitô ở Trung Đông, họ mong muốn góp phần như những công dân với đầy đủ danh nghĩa vào thiện ích tinh thần và vật chất của các quốc gia liên hệ.

Phần lớn những nguyên nhân tạo nên di cư người ta có thể giải quyết từ lâu. Và nhờ đó có thể phòng ngừa bao nhiêu tai ương, hoặc ít là làm dịu bớt những hậu quả tàn ác của chúng. Cả ngày nay, trước khi quá trễ, người ta có thể làm được nhiều điều để chặn đứng những thảm họa và kiến tạo hòa bình. Nhưng điều này có nghĩa là đặt lại vấn đề những thói quen và đường lối thực hành đã có từ lâu, bắt đầu từ những vấn đề liên quan tới việc buôn bán võ khí cho tới vấn đề cung cấp các nguyên liệu và năng lượng, vấn đề đầu tư, các chính sách tài chánh và sự hỗ trợ phát triển, cho tới tệ nạn trầm trọng là tham nhũng. Chúng ta ý thức rằng về vấn đề di cư, cần thiết lập những dự án trung và dài hạn, đi xa hơn những câu trả lời cấp thiết. Các dự án đó một đàng phải thực sự giúp những người nhập cư hội nhập vào những quốc gia tiếp đón, và đồng thời tạo điều kiện dễ dàng cho sự phát triển các nước xuất cư, với những chính sách liên đới, nhưng không đòi các nước này phải theo những chiến lược và chính sách ý thức hệ xa lạ hoặc trái ngược với các nền văn hóa của những dân tộc mà sự viện trợ nhắm tới.

Không quên những tình cảnh thê thảm khác, trong đó tôi đặc biệt nghĩ đến biên giới giữa Mêhicô và Hoa Kỳ, mà tôi sẽ đến gần khi viến gthăm thành phố Ciudad Juárez vào tháng tới đây, tôi muốn đặc biệt nghĩ đến Âu Châu. Thưc vậy, trong năm qua, Âu Châu đã có một làn sóng tị nạn rất lớn - nhiều người tị nạn bị thiệt mạng khi toan tính đi tới Âu Châu - làn sóng ồ ạt này chưa từng có trong lịch sử đại lục này, ít là từ sau thế chiến thứ hai. Nhiều người di dân đến từ Á, Phi, xem Âu Châu là một điểm tham chiếu cho các nguyên tắc như bình đẳng trước pháp luật, và các giá trị được ghi khắc trong chính bản tính của mỗi người, như phẩm giá bất khả xâm phạm và sự bình đẳng của mỗi người, lòng yêu mến tha nhân không phân biệt nguồn gốc hoặc là thành viên của tổ chức nào, tự do lương tâm và tình liên đới với người đồng loại.

“Tuy nhiên những cuộc đổ bộ ồ ạt tới các bờ biển của Âu Châu dường như làm lung lay hệ thống đón tiếp, được kiến tạo với bao vất vả trên những tro tàn của thế chiến thứ hai và vẫn còn là ngọn đèn pha về tình người mà người ta tham chiếu. Đứng trước làn sóng ồ ạt và những vấn đề đi kèm không thể tránh được, đã nảy sinh nhiều vấn nạn về khả năng đón tiếp thực sự và sự thích ứng của những người ấy, đề sự thay đổi sự tháp tùng văn hóa và xã hội của những nước tiếp cư, cũng như sự hoạch định lại một số quân bình về chính trị địa lý của các miền. Một điều không kém phần quan trọng là những lo sợ về an ninh, lo sợ càng được gia tăng trước những đe dọa lan rộng do nạn khủng bố quốc tế. Làn sóng di dân hiện nay dường như đe dọa chính nền tảng của tinh thần nhân bản mà Âu Châu vẫn luôn yêu mến và bảo vệ.

Tuy nhiên, chúng ta không thể đánh mất các giá trị và các nguyên tắc nhân đạo, sự tôn trọng phẩm giá mỗi người, nguyên tắc phụ đới và tình liên đới hỗ tương, dù chúng có thể tạo nên gánh nặng lớn lao khó gánh vác trong một số thời điểm lịch sử. Vì thế, tôi muốn tái khẳng định xác tín theo đó Âu Châu, với sự trợ giúp của gia sản văn hóa và tôn giáo rộng lớn của mình, có những phương thế để bảo vệ vị trí trung tâm của con người và tìm ra sự quân bình đúng đắn giữa hai nghĩa vụ luân lý là bảo vệ các quyền của các công dân và bảo đảm sự trợ giúp cũng như tiếp đón người di dân.

Đồng thời tôi cũng thấy cần phải bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những sáng kiến tạo điều kiện cho sự tiếp đón xứng đáng dành cho con người, trong đó có Quỹ Di dân và Tị nạn thuộc Ngân hàng phát triển của Hội đồng Âu Châu cũng như sự dấn thân của những nước đã chứng tỏ thái độ chia sẻ quảng đại. Trước tiên tôi nghĩ đến các nước láng giềng của Syria, đã tức khắc giúp đỡ và đón nhận, nhất là Libăng, nơi mà người tị nạn chiếm tới 1 phần 4 dân số, và nước Giordani đã không khép kín biên giới mặc dù đã đón tiếp hàng trăm ngàn người tị nạn rồi. Cũng vậy không nên quên những cố gắng của các nước đi hàng đầu, đặc biệt là Thổ nhĩ kỳ và Hy Lạp.

Tôi cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt đối với Italia, với quyết tâm cứu vớt nhiều sinh mạng trong Địa Trung Hải, và vẫn còn mang gánh nặng đón tiếp đông đảo người tị nạn trên lãnh thổ của mình. Tôi cầu mong rằng lòng hiếu khách truyền thống và tình liên đới trổi vượt của nhân dân Italia không bị giảm bớt vì những khó khăn không thể tránh được hiện nay, nhưng dưới ánh sáng truyền thống ngàn đời, có thể đón nhận và hội nhập sự đóng góp về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa mà người di dân có thể mang lại.

Đức Thánh Cha cũng nói rằng: “Điều quan trọng là các nước đi hàng đầu trong việc đương đầu với tình trạng cấp thiết hiện nay không bị bỏ mặc một mình, và điều quan trọng không kém là khởi sự một cuộc đối thoại thẳng thắn và tôn trọng giữa tất cả các nước liên quan đến vấn đề di dân - các nước nguyên quán, nước chuyển tiếp hoặc nước tiếp đón - để tìm ra những giải pháp mới mẻ và lâu dài với óc sáng tạo táo bạo. ..

Trong việc giải quyết vấn đề di dân, chúng ta cũng không thể bỏ qua các khía cạnh văn hóa đi kèm, bắt đầu từ những khía cạnh tôn giáo. Trào lưu cực đoan và bảo thủ tìm được một môi trường dễ dàng không những trong việc lợi dụng tôn giáo để chiếm quyền bính, nhưng cả trong sự trống rỗng các lý tưởng và sự đánh mất căn tính - kể cả căn tính tôn giáo - mà người ta thấy ở Tây Phương. Từ sự trống rỗng ấy nảy sinh sự sợ hãi khiến người ta coi tha nhân như một nguy hiểm và như một kẻ thù, co cụm vào mình, bám chặt những lập trường thiên kiến của mình. Vì thế hiện tượng di cư cũng đặt một câu hỏi nghiêm trọng về văn hóa mà ta không thể không trả lời. Sự tiếp đón có thể là một cơ hội thích hợp để có sự cảm thông và cởi mở chân trời, cho người được đón tiếp, họ có nhiệm vụ tôn trọng các giá trị, truyền thống và luật lệ của các cộng đồng đón nhận họ, và cho cả những cộng đồng tiếp cư, được kêu gọi đề cao giá trị những gì mà người di dân có thể cống hiến để mưu ích cho toàn thể cộng đoàn. Trong lãnh vực này Tòa Thánh tái quyết tâm dấn thân trong lãnh vực đại kết và liên tôn để thiết lập một cuộc đối thoại chân thành và liên chính, đề cao giá trị của những đặc thù và căn tính của mỗi người, tạo điều kiện cho sự sống chung hòa hợp giữa mọi thành phần xã hội.

11. Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chia buồn vụ khủng bố Hồi Giáo IS nổ bom tự sát giết chết 8 người Đức

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoğlu cho biết sáng thứ Ba 12 tháng Giêng, một cảm tử quân của bọn khủng bố Hồi Giáo IS, khoảng 20 tuổi, đã nổ bom tự sát tại quận Sultanahmet ở Istanbul, gần một đài tưởng niệm gọi là German Fountain ở giữa đền thờ Xanh và Haghia Sofia là nơi tập trung đông đảo các khách du lịch.

10 người bị thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Trong số những người bị thiệt mạng, có ít nhất 8 người đã được xác định là người Đức. Trong số những người bị thương, phần lớn cũng là người Đức.

Thủ tướng Đức, Angela Merkel phát biểu tại một cuộc họp báo:

"Hôm nay Istanbul bị đánh bom; Paris, Tunisia, Ankara đã bị đánh bom. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế là một lần nữa cho thấy khuôn mặt tàn nhẫn và vô nhân đạo của nó ngày hôm nay."

Trong điện văn chia buồn gởi tới tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và thủ tướng Đức Angela Merkel, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh viết:

“Tin tức về vụ đánh bom tại quận Sultanahmet của thành phố, giết chết ít nhất 10 người, làm chúng ta đau buồn” Ngài nhận xét rằng “thực trạng bạo lực tiếp tục nhân lên chính nó, xác nhận rằng dược phẩm tốt nhất khi đối mặt với những tệ nạn này luôn là lòng thương xót.”

12. Căng thẳng chung quanh kỷ niệm một năm tờ Charlie Hebdo bị tấn công

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em thấy đây là thi hài một người đàn ông bị cảnh sát Pháp bắn chết khi xông vào một bót cảnh sát tại Paris với một con dao và một dây lưng bom tự sát. Chiếc dây lưng bom tự sát thực ra chỉ là giả.

Ông bị cảnh sát bắn chết sau khi hét lên “Allahu Akbar” ... là tiếng Ả Rập có nghĩa Thiên Chúa thật là cao cả.

Vụ việc xảy ra đúng một năm sau cuộc tấn công của khủng bố Hồi Giáo tại tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo.

An ninh khắp Paris đã được đặt ở mức cao nhất trong những ngày gần đây. Danh tính và động cơ hành động của người đàn ông này chưa được xác định.

13. Giám quản Tông Tòa Mogadishu nhận định về lệnh cấm cử hành lễ Giáng Sinh tại Somalia

Chính phủ lâm thời Somalia đã cấm cử hành lễ Giáng sinh năm nay, với lý do là muốn tránh gây thêm hiềm khích với Hồi giáo.

Tuy nhiên, trình bày nhận định của ngài về diễn biến này, Đức Cha Giorgio Bertin, giám quản tông tòa của Mogadishu, nói với nhật báo La Stampa của Ý rằng:

“Chính sách của chính phủ mới chẳng có chút hiệu quả thiết thực nào ở Somalia”.

Ngài giải thích rằng: “Ở đây, làm gì còn các linh mục. Anh chị em giáo dân di tản hết rồi. Nếu có ai còn sót lại thì họ chỉ dám giữ đạo thầm lặng mà thôi.”

Đức Cha Giorgio Bertin cho biết thêm rằng mặc dù ngài đôi khi đi thăm và cử hành Thánh Lễ cho người nước ngoài sống ở thủ đô Mogadishu, ngài chưa từng được gặp một người Công Giáo Somali nào từ những năm 1990.

Vì thế, theo Đức Cha Giorgio Bertin, lệnh cấm cử hành lễ Giáng sinh của chính phủ, không có một hiệu quả thực tế nào. Cùng lắm “đó chỉ có thể là một cảnh báo cho người Somalia sinh sống ở châu Âu hay Mỹ, trở về Somalia trong các ngày lễ: họ có thể đã có các thói quen trao đổi cử chỉ chúc mừng Giáng sinh.”

14. Iraq diễn binh mừng chiến thắng. Đức Hồng Y Louis Sako bày tỏ vui mừng.

Quân đội Iraq đã biểu dương lực lượng trong cuộc diễn binh hôm thứ Tư 6 tháng Giêng tại vùng ngoại ô Besmaya, cách thủ đô Baghdad khoảng 90 km về phía đông nam.

Bộ trưởng Nội vụ Iraq Mohammed Salem al-Ghabban tham dự cuộc diễn hành và lên tiếng khen ngợi quân đội đã tái chiếm được thành phố Ramadi.

Ông nói: “Hôm nay chúng tôi rất tự hào về đội quân này. Quân đội là sự bảo đảm vững chắc cho sự thống nhất của Iraq”

Chiến thắng tại Ramadi đã được ca ngợi như là một bước ngoặt của chính phủ Iraq. Một đội quân liên tiếp tháo chạy tán loạn, giờ đây được tái cấu trúc và có khả năng chiến thắng.

Trong thông điệp mừng năm mới, Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê đã lên tiếng chào mừng tới các lực lượng vũ trang Iraq và người Kurd cũng như tất cả những ai đã tham gia vào chiến dịch giải phóng thành phố Ramadi khỏi sự kiểm soát của quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Đức Thượng Phụ cũng lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Iraq giúp xây dựng một nền văn hóa đặc trưng bởi “khoan dung, chấp nhận và tôn trọng người khác.”

Vào ngày đầu năm mới, bất chấp những “điều kiện bấp bênh về an ninh,” Đức Thượng Phụ Louis Sako Raphael và vị giám mục phụ tá của ngài đã đi bộ từ Toà Thượng Phụ qua các đường phố của thủ đô Baghdad để cử hành thánh lễ tại một giáo xứ.

15. Thời của đồng bóng và những tiên tri giả

“Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường”. (2 Tim 4:3-4).

Lời Thánh Kinh này – và cách riêng là sự ám chỉ đến chuyện ngứa tai muốn nghe bất cứ điều gì mới lạ - đang được thể hiện một cách mới lạ và đầy ấn tượng trong thời đại chúng ta.

Tại Mexico City, vào những ngày đầu năm mới, người ta tổ chức một cuộc họp báo rất long trọng cho Antonio Vazquez, là một người tự xưng là “Grand Warlock”, tức là một đại “tiên tri” về những điềm gở sắp xảy ra, hay một người biết trước những đại họa.

Trình bày những dự đoán của mình cho năm 2016 về tất cả các loại chủ đề, Antonio Vazquez dọa bà con rằng trong năm mới này, bọn khủng bố Hồi Giáo IS sẽ có những tác động trực tiếp vào Châu Á và bọn chúng sẽ tiếp tục các cuộc tấn công ở châu Âu và cả ở Hoa Kỳ. Mỹ, Anh, Đức và Nga là những nơi đặc biệt sẽ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố.

Đề phòng những chuyện ấy không xảy ra, làm mất đi uy tín của mình, Vazquez thòng thêm một câu rằng bất kỳ những dự đoán nào của ông ta đều có thể được hóa giải bằng phép thuật, và cả bằng những lời cầu nguyện, hay bởi những người có trách nhiệm biết cách hành động để ngăn chặn chúng.

16. Người Công Giáo Brunei cử hành lễ Giáng Sinh trong an bình

Giữa lệnh cấm cử hành lễ Giáng sinh bên ngoài các cộng đồng Kitô hữu, người Công Giáo Brunei đã mừng lễ trong an bình, không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra. Nhà lãnh đạo hàng đầu của Công Giáo tại quốc gia này vừa cho biết như trên.

Theo quy định của chính phủ được đưa ra vào dịp Giáng Sinh này, những người Hồi giáo nào gửi lời chúc mừng Giáng sinh, sử dụng cây Giáng sinh hay đèn, mặc quần áo ông già Noel, hoặc mừng lễ Giáng sinh cách này cách khác phải đối diện với án tù có thể lên đến năm năm.

Đức Cha Cornelius Sim, Giám Quản Tông Tòa Brunei nhận xét rằng:

“Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng sự vắng mặt của 'Jingle Bells' và 'Frosty the Snowman' tại các trung tâm thương mại có thể gây một tác động xấu nào trên những suy nghĩ của các Kitô hữu”

“Santa Claus như miêu tả trong văn hóa bình dân khó có thể coi là một diễn tả phù hợp và đầy đủ về ý nghiã của lễ Giáng Sinh!”

Ngài nói thêm:

“Tôi thấy được khích lệ khi thấy người Công Giáo của chúng tôi đến nhà thờ để cử mừng sự ra đời của Chúa Giêsu một cách đơn giản nhưng vui vẻ. Người Công Giáo tại nước này đã luôn luôn có thể thực hành đức tin công khai như một cộng đồng tín ngưỡng và mong muốn tiếp tục được như vậy trong thời gian tới.”

Brunei là một quốc gia Đông Nam Á với 416,000 dân trong đó 79% là người Hồi giáo, 9% Kitô Giáo, và 8% Phật giáo. Brunei có ba giáo xứ và 1,900 người Công Giáo.